Có lẽ, không có gì tuyệt vời hơn khi trong khu vườn nhà có tiếng chim hót. Nhưng làm sao để "mời gọi" chim về vườn? Có lẽ bắt đầu từ hai chữ "đất lành"...
de chim ve vuon song min

Còn gì tuyệt vời hơn khi trong khu vườn nhà có tiếng chim líu lo?

Trên nhóm Cuộc cách mạng một cọng rơm, anh Tri Vô (tên Facebook) đã có những chia sẻ thú vị để chim về vườn sống. Được sự đồng ý của anh, Veque.com.vn đã biên tập lại để đăng tải và gửi đến bạn đọc.
Chim ăn sâu, hạt, trái cây, nhưng cũng gieo hạt cho vườn. Đọc Đời sống bí ẩn của cây chúng ta biết chim còn là “người” vận chuyển nhiều sinh vật có lợi cho rừng, và cũng là “người” bảo vệ rừng. Trong “đĩa thức ăn thứ ba” cũng bảo chim là “phát ngôn viên của môi trường”…
Nói vậy, để thấy tầm quan trọng của chim.
Quan sát vài mảnh vườn đang phục hồi, mình nghĩ rằng loài chim đang thường trú nhiều nhất trong vườn chúng ta là chim di. Điều này cũng dễ hiểu, chim di ăn hạt cỏ hòa thảo, mà vườn chúng ta hay để cỏ mọc tự nhiên. Chim di làm tổ ở cây nhỡ, mà vườn chúng ta thường là những cây mới trồng. Quan trọng nhất, chim di sống thành đàn nhỏ, và không có cạnh tranh gay gắt về vùng làm tổ, nên dễ thích nghi với diện tích nhỏ của vườn.
Cũng là những loài không có yêu cầu lớn về vùng làm tổ, chim chích, chim hút mật, chim sâu,… cũng dễ xuất hiện trong vườn. Đối với chúng, vườn đã thật sự là nhà - quê hương.
Tất nhiên, ngoài những loài này, tùy từng vùng, từng thời gian mà vườn sẽ có những loài chim khác làm tổ. Đấy thường là những loài có không gian làm tổ lớn hơn nên số lượng không nhiều, chẳng hạn chèo bẻo có lãnh thổ gần 1 ha, nghe nói chích chòe đến 2 ha; hoặc là loài sống ở những sinh cảnh đặc thù, như cuốc chỉ ở gần bờ nước, cút ở đồng cỏ; hoặc là loài di trú, chỉ xuất hiện theo mùa, chủ yếu là các loài chim sống gần nước.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều loài chim không làm tổ, nhưng thường đến vườn để kiếm ăn, đôi khi trú đêm hoặc làm chỗ ở tạm thời. Những loài này thì nhiều. Cá nhân mình nghĩ rằng để chim về vườn, chúng ta nên lưu ý các điều sau để chim về sống.
to chim song min

Để chim về vườn làm tổ thì "đất" cần "lành".

 
1. Giữ một vùng cấm địa trong vườn
Nói bình dân là  nên bỏ hoang hoàn toàn một khoảnh nhỏ trong vườn. Chúng ta muốn giúp chim tránh xa mọi nguy hiểm, nhưng với chim, cả chúng ta cũng là mối phiền nhiễu cần tránh xa.
Cần lưu ý rằng vùng cấm địa này phải bỏ mặc hoàn toàn theo kiểu “sống chết mặc bây”, đừng thấy chim kiếm ăn khốn khổ quá rồi mang nải chuối, thóc lúa đến vãi cho chim ăn, hoặc thấy chim bay nhảy tự do quá, mình cũng nhảy vào hưởng ké miếng tự do, chụp vài pô ảnh nhớ đời. Tất cả chim đều có lãnh thổ, với chúng đây là sự xâm phạm lãnh thổ không thể tha thứ được.
Diện tích vùng cấm địa không cần lớn, đôi khi chỉ một bụi tre là đủ, nhưng hạn chế tối đa mọi hoạt động ở đây.
Nếu tiếc rẻ đất chúng ta có thể thay đổi vùng cấm địa vài ba năm một lần (cũng là một kiểu luân canh), hoặc ít nhất cũng nên ngừng mọi hoạt động trong vùng cấm địa khi chim sinh sản, tối thiểu cũng một tháng. Vì vậy thỉnh thoảng lười biếng, không làm gì cả chính là làm một việc rất lớn rồi đấy.
to chim min

Luôn giữ vùng "cấm địa" cho chim. Ảnh: Tri Vô

2. Nên có ao trong vườn
Một cái ao là một sinh cảnh mới trong vườn, cung cấp thức ăn thủy sinh cho nhiều loài chim. Đối với những loài chim không trực tiếp tìm thức ăn dưới nước, chúng cũng có thể sử dụng nguồn nước này để uống, tắm táp.
Hơn thế, khoảng trống của một cái ao là không gian mở - nơi sống ưa thích của hầu hết chim. Và còn nữa, bờ ao thường là nơi phát triển của cỏ, cây bụi nhỏ-nơi lý tưởng cho nhiều loài chim làm tổ và kiếm ăn.
trung chim trong to min

Chim là người thợ may khéo léo nhất. Ảnh: Tri Vô
3. Nên giữ lại vài cây già cỗi, cây bệnh, cây có cành khô mục, cây chết trong vườn
Chắc ai thường xem phim Mỹ đều biết rằng các siêu anh hùng Mỹ từ Tarzan đến Batman, Spider man, Superman đều có thói quen ngồi vắt vẻo trên ngọn cây, mái nhà, đỉnh tháp... Đấy là tập tính của những loài “bay nhảy”, chim cũng không ngoại lệ.
Duy trì những loại cây này giúp chim có nơi trống trải để canh phòng kẻ thù, để bảo vệ lãnh thổ, để rình mồi. Ngoài ra, những cây bệnh thường là nơi ở nhiều loài sâu, bọ-thức ăn của chim. Những cây này cũng thường có hốc, bọng cây - nơi làm tổ của khá nhiều chim khác.
to cho chim min

Tổ chim cũ cần giữ lại làm "quê hương" cho chim quay về. Ảnh: Tri Vô

4. Nên để ít nhiều cây bụi, cây nhỡ địa phương tiếp tục phát triể
Đấy thường là những cây tạp ít giá trị, lại chưa đủ đặc thù để gọi là cây bản địa, nên cùng lắm chỉ là cây tiên phong trong vườn. Tuy nhiên đừng quên rằng, chim đã thời gian dài thích nghi với chúng, đấy là môi trường sống quen thuộc của chim, và chim có cách sử dụng chúng mà chúng ta không biết được.
Những cây này có thể để mọc tự do trong vùng cấm địa.
5. Nên giữ lại những tổ chim cũ, hỏng, chim đã bỏ đi
Giữ lại bằng cách để nguyên chúng nơi vị trí cũ, chứ không phải đem về chưng trong nhà. Như trên đã nói, chim có nhà - quê hương chúng, định kỳ hàng năm chúng sẽ trở lại nơi tổ cũ để sửa chữa, chuẩn bị cho lứa sinh mới. Trường hợp chiếc tổ đã quá cũ, hỏng, chúng sẽ làm tổ mới ngay gần đó.
Vì vậy bảo vệ tổ chim cũ chính là cách giữ chim trong vườn. Và cũng là cách gián tiếp giới thiệu với các loài chim khác rằng, vườn chúng ta là an toàn, đáng để chúng định cư.