#30dayschallenge

Hi, sau sự có học của ngày hôm qua, hôm nay mình sẽ comeback làm thuytrang the bay nhảy mơ mộng với chủ để về 5 bộ phim mình thích. Đúng hơn, về topic chính xác là 3 bộ phim mình thích, nhưng quả thật khá khó khăn cho mình vì cả 5 bộ phim này đều để lại cho mình một ấn tượng sâu sắc, một bài học và những hình ảnh mà mình từng nhìn thấy là chính mình.

5 bộ phim này dưới góc nhìn chung thì chỉ đơn giản là 5 bộ phim về tình yêu, nhưng với mình, ấn tượng của mình với những bộ phim này không đơn giản như thế. Không chỉ có tình yêu, mà có hiện thực, có tâm lý, có cuộc sống và những sự đánh đổi giữa "bánh mì" và "tình yêu" cũng như lựa chọn của mỗi người.

1. Yêu em từ cái nhìn đầu tiên

Poster phim nè
Có 2 lý do mà mình xếp bộ phim này đầu tiên. Thứ nhất, mình cũng không hẳn quá thích bộ phim này, mà ấn tượng của mình đến từ cuốn tiểu thuyết cùng tên được viết bởi Cố Mạn, cũng là tiểu thuyết đã dẫn mình đến con đường "nghiện" ngôn tình. Thứ hai, đây cũng là bộ phim đơn giản và tươi sáng nhất trong 5 bộ phim và là bộ phim duy nhất có HE...
Về nội dung phim, đúng chuẩn tiểu thuyết của Cố Mạn, tươi sáng, nhẹ nhàng, đáng yêu từ đầu đến cuối. Nam chính là Tiêu Nại - Nam thần đứng đầu trường (hình như là Thanh Hoa thì phải) ngành công nghệ thông tin, nổi tiếng toàn trường, vạn người mê, chơi game thì đứng top 1 server, cha mẹ đều là tiến sĩ trong trường =))) đúng kiểu không có gì để chê á.. Nữ chính - Bối Vy Vy là đàn em khoá dưới, đúng kiểu chỉ xếp sau nam chính của chúng ta cả về học tập lẫn chơi game, xinh đẹp nổi tiếng, 3 vòng đều không thể chê, chơi game bị người ta nói là công chúa... hoặc dễ hiểu hơn là cú có gai nha. =))) (ôi cái này giống mình quá chời...)
Vì phim không có biến cố gì lớn, nên đối với mình, đây như là ấn tượng đầu tiên của mình về tình yêu, rất trong sáng, ngọt ngào, đầy màu hường. Nhất là với cô bé nghiện game từ những năm lớp 2, trải đủ 7749 tựa game và không try hard nhưng vẫn chơi hơn một số bạn nam và bị đổ là giả gái như mình.
đây là ảnh từ truyện
Mình nhớ đây đã đọc truyện từ năm lớp 7, đọc đến quên ăn quên ngủ quên cả học, mỗi ngày đều trông ngóng chemistry qua những câu từ của nhân vật chính, cảm giác tim đập thình thịch, hai má ửng hồng với mỗi tình tiết vô cùng đáng iu của cặp đôi này. Vì thế, tình yêu mến sâu đậm của mình vẫn còn tiếp tục dành cho bộ phim, dù phải nói, nam nữ chính diễn đơ thật sự, tình tiết đều quá hư ảo và trùng hợp đến buồn cười (hoặc do ngày mình xem phim đã lớn rồi chăng =)) ?) Nhưng dù thế nào, mình vẫn chăm chỉ cày đến hết 3 mấy 4 mấy tập phim. Và dù là phim, hay là truyện, đây cũng là tác phẩm khiến mình nuôi dưỡng niềm tin vào một "tình yêu màu hồng", cùng là một trong những lý do khiến mình từng thích học bách khoa với mong muốn trở thành một Bối Vy Vy phiên bản không xinh cho lắm... 

2. Mắc Biếc

Poster nhìn đã thấy mê mẩn
Là một người yêu thích văn học của Nguyễn Nhật Ánh, chắc chắn mình không thể bỏ qua siêu phẩm này rồiii. Từ ngày biết tin, mình đã trông ngóng, và may mắn làm sao, phim thật sự không khiến mình thất vọng chút nào cả. Và có lẽ đây là một bộ phim Việt vô cùng nổi tiếng, có thể được coi là bộ phim quốc dân mà ai cũng đều đã xem, nên mình sẽ move đến phần cảm nhận của mình.
Từ góc quay, cảnh quay, màu phim, từ nhạc phim, từng âm thanh của đám trẻ tại Đo Đo hay tiếng phố thị đông đúc của Huế thời bấy giờ, từ cách bài trí không gian của mỗi căn nhà hay từng bộ trang phục; cho đến cây đàn của Ngạn, cho đến rừng Sim tím, cho đến đôi mắt trong veo của Hà Lan... Tất cả đều như hoà quyện vào làm một, như một bản tình ca da diết... Như thể trong từng cảnh quay yên bình và vô tư, mình đã cảm nhận được những câu chuyện đau đớn phía sau.
một trong những cảnh quay khiến tim mình rộn ràng xao xuyến =))
Mình chẳng biết nói gì hơn ngoài từ "mê mẩn", mình mê mẩn bộ phim này, như thể, chính mình đã thật sự sống trong đó. Cũng có thể, vì bản thân mình thiếu sót về những mảnh ghép của tình yêu học trò, nên mình khá trân trọng đoạn tình cảm này của Ngạn và Hà Lan. Phim cho mình một cảm nhận sâu sắc về tình yêu về tình bạn, cảm xúc thăng trầm từ sự rung động tại rừng sim đến nỗi buồn man mác cùng tiếng khóc của đứa trẻ trong một căn nhà cũ chật hẹp, và cuối cùng chính là đoàn tàu cùng mái tóc của Hà Lan vào giây phút Ngạn trên con tàu dần biến mất trong tầm mắt của cô...
Kết luận, với bộ phim mình ấn tượng về các cảnh quay nhiều hơn là cảm xúc, càng về cuối, cảm xúc của mình càng mờ nhạt hơn với bộ phim (cao trào chính là giây phút Hà Lan sinh Trà Long). Tuy nhiên mình cũng không còn gì để chê bộ phim cả, cũng chẳng có chút tranh cãi nào trong đầu mình về kết cục hoặc về tình cảm của Trà Long với Ngạn hay sự lựa chọn của Hà Lan, bởi đó là câu chuyện của bác Ánh, mạch cảm xúc của bác chính là thứ làm nên những câu chuyện và chúng ta chẳng có chút quyền nào để xen vào những mạch cảm xúc ấy.
cảnh này cũng lãng mạn quá chờiii

3. La La Land


Không biết có ai mê mẩn bộ phim với câu hát "City of stars, are you shining just for me?" như mình không. Mình vẫn nhớ đây là một bộ phim nhận được kha khá sự tranh cãi khi đạt khá nhiều giải tại Oscars năm 2017, nhưng mình nghĩ, nó đáng, ít nhất với mình là thế.
Phải nói rằng, cả 3 bộ phim đầu tiên đều không mang lại quá nhiều cảm xúc và suy nghĩ với mình, hoặc đã từng, nhưng mình đã không còn mặn mà với nó lắm. Mình chính là một kiểu người như thế, yêu thì sẽ rất yêu, nhưng một khi đã quên, chính là chẳng bao giờ yêu nữa. Nhưng tất nhiên rồi, tất cả đều vẫn để lại cho mình những kí ức vô cùng hay ho. :"> 
Hơi lạc đề chút, nhưng dù thế nào, La La Land không chỉ còn đơn giản như 2 câu chuyện trên (chủ yếu chỉ xoáy sâu vào cảm xúc), mà trong đó, La La Land còn đặt ra một câu hỏi lớn giữa "bánh mì" và "tình yêu". Một câu chuyện thực tế. Mình còn nhớ, từ hồi lớp 8, mình đã thường xuyên suy nghĩ về câu chuyện "giữa bánh mì và tình yêu, em chọn cái nào?". Hồi đó, mình luôn tự nhủ, người đó chỉ cần cho mình tình yêu, còn bánh mì, mình sẽ tự mua. Nhưng sau này, cả qua La La Land hay A Star Is Born, mình hiểu rằng, câu chuyện đâu chỉ đơn giản như thế. Đến cuối cùng, cả 2 nữ chính, đều cháy hết mình với đam mê, đều tự có thể mua bánh mì cho mình, nhưng chàng hoàng tử của họ, người đã cùng họ đi qua những năm tháng thăng trầm của tuổi trẻ, những năm tháng họ không có gì ngoài đam mê, ngoài nhiệt huyết và sự cố gắng, lại chẳng phải người cùng họ đi đến cuối con đường.
Cuối cùng thì, khác với A Star Is Born, Mia, cô đã cưới một chàng trai có thể cho cô một cuộc sống ổn định và "phù hợp" với cô hơn. Tuy rằng, người cùng cô đi đến cuối con đường, không phải người mà cô yêu say đắm, không phải người cùng cô đi qua những năm tháng tuổi trẻ, không phải người đã động viên cô, giúp cô có động lực hoàn thành mơ ước. Nhưng đó lại là người ở một tầm suy nghĩ ngang với cô vào thời điểm cuối cùng, là người có thể giúp đỡ và bên cạnh cô về sau, là người thực tế, là người ở một vị trí sẽ không cảm thấy tự ti khi đi bên cạnh cô, là người ổn định âm trầm mà chắc chắn sẽ không làm cô phải đau lòng. Và đó, là lựa chọn cuối cùng của cô.
Với nam chính, Sebastian, mình nhớ nhân vật này đã nói một câu nói, đại ý là các cô gái dùng cả thanh xuân để tìm kiếm chàng hoàng tử trong mơ, rồi cuối cùng lại lựa chọn dành phần đời còn lại bên người có thể cho cô cuộc sống ổn định. Dưới góc nhìn của một người con gái, mình nghĩ điều này vô cùng hợp lý, đây là một câu chuyện vô cùng hợp lý. Bởi lẽ, vốn dĩ phụ nữ sinh ra đã có phần thiệt thòi hơn đàn ông. Một lẽ thường tình, phụ nữ thường sống và hành động thiên về não phải, hay cảm xúc nhiều hơn, vì vậy họ dễ dàng rơi vào tình trạng "mệt mỏi" hơn khi có cùng một cảm xúc về mối tình tương tự như đàn ông. Vì thế, nếu chẳng may quá yêu một người, lại dành cả phần đời với họ, vậy chẳng phải người đó bỏ đi, phần hụt của cảm xúc sẽ trở nên to lớn và nuốt chửng lấy họ? Tất nhiên là mình không cổ xuý chuyện "yêu người mình yêu, lấy người yêu mình". Nhưng mình mong, mình có thể làm vậy.
Nhìn chung, với mình, La La Land không chỉ là một bản tình ca "đậm chất Jazz", không chỉ là một Paris mơ mộng đầy chất thơ, không chỉ là những buổi chiều tàn với hoàng hôn pha trộn một màu tim tím cuối chân trời, không chỉ là một câu chuyện tình dang dở. Mà với mình, La La Land là sân khấu nơi Sebastian đàn một khúc nhạc Jazz mà Mia cùng chồng ghé chơi, là cảm xúc bâng khuâng của mối tình dang dở, là ánh đèn sân khấu cùng niềm khao khát trở thành một diva của Mia, là cuộc sống đời thường nơi Mia là phục vụ bàn, là những cuộc phiêu lưu "bất định" của Sebastian, là thực tế hiện hữu, là khát vọng tuổi trẻ.

4. Tình Yêu Thứ Ba


Như mình đã nói, với ba bộ phim trên, mình mê mẩn bởi vibe của bộ phim, như 3 bản tình ca với khúc trầm, khúc bay. Nhưng với "Tình yêu thứ ba", toàn bộ phim đều mang một tâm trạng day dứt, khó tả, không có cao trào, vì ngay từ khi bắt đầu, chính nó đã mang một nỗi buồn sâu thẳm.
Mình sẽ không nói về nội dung phim nữa, vì vốn dĩ đây là một bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Tự Do Hành Tẩu (một điều kì lạ là mình đã dành cả tuổi trẻ để đọc ngôn tình, xem phim, chơi game, và làm 7749 thứ khác, vẫn tự hỏi tại sao mình lại có nhiều thời gian thế...). Và đúng, mình thực sự thích tự ngược tâm, nên tất cả ngôn tình mình đọc từ cấp 3 hoàn toàn là SE, nên đây cũng là một câu chuyện, một bộ phim ngược từ đầu tới cuối. Nhưng thật sự, tiểu thuyết SE đều mang trong nó những nỗi buồn "thật", những câu chuyện này hoàn toàn thực tế, thực tế đến thương tâm.
Lâm Khải Chính là nam chính của bộ phim, xuất thân từ một gia đình "có tầm", nhưng anh lại mang trong mình đổ vỡ từ người mẹ mất sớm và người cha với rất nhiều người phụ nữ xung quanh. Phải nói rằng, những tổn thương này thật sự sẽ khiến cho một người trở nên vô cùng khó chấp nhận tình yêu, hơn nữa, đó lại là một người mang tham vọng lớn trong công việc.
Tương tự, Trâu Vũ - nữ chính cũng là một người trải qua đổ vỡ với sự ra đi của người chồng, là một người vô cùng thực tế và có sự nỗ lực trong cuộc sống, đây mới thật sự là "cỏ dại" với sức sinh trưởng mạnh mẽ (chứ không phải kiểu cỏ dại trong bộ phim mà "ai cũng biết là ai"). Nhưng khác với Khải Chính, một người vô cùng nổi bật và có rất nhiều cô gái xung quanh, Trâu Vũ lại là một cô gái bình thường, với vẻ đẹp khó mà chạm tới được, cô mang nét đẹp "khó gần", là một cô gái bình thường đến mức khác thường.

Cả hai nhân vật đều mang trong mình một cái tôi vô cùng lớn, cái tôi ấy mạnh đến mức, họ đành để tình yêu vụt qua đời mình vì cái gọi là "tự tôn" ấy. Trong khi Khải Chính lựa chọn kết hôn với người mình không yêu, vì sự nghiệp, cũng vì sản nghiệp. Thì Trâu Vũ, nhất quyết sẽ không làm người thứ 3, cũng sẽ không chờ đợi trong 3 năm để anh sắp xếp mọi chuyện. Vì với cô, cô không chấp nhận tình yêu bị phân ra một nửa, cô chỉ có thể chấp nhận anh, với tình yêu toàn vẹn của anh, còn nếu không, cô thà không có. Và Khải Chính, đã từng hỏi cô, nếu như anh từ bỏ tất cả để đến bên cô, liệu họ có thể cùng nhau viết tiếp câu chuyện hay không, cô đã không đưa ra câu trả lời, chỉ cười, và nói cảm ơn anh. Bởi lẽ, cô biết, anh sẽ không làm vậy, Trâu Vũ thật sự là một cô gái thông minh và thực tế, và đi cùng với sự thông minh và nhạy bén của người con gái, sẽ luôn luôn là "tự tôn" đặt lên hàng đầu. Cô rất tỉnh táo, tỉnh táo để biết mình nên dừng lại ở đâu để giữ lại một phần cho mình, cũng vì thế, cô đã lựa chọn từ bỏ tình yêu.
Khải Chính đã từng nói với cô, bất cứ người phụ nữ nào yêu anh, sẽ chẳng thể yêu một người đàn ông nào khác nữa. Điều này thật sự đúng, cô đã say mê anh ngay từ lần gặp đầu tiên, và tình yêu ấy cứ tăng dần, cứ lớn lên từng ngày, nhất là dành cho một người đàn ông thông minh và khéo léo như anh. Có lẽ, khi tình yêu này kết thúc, anh và hôn thê sẽ có thể sống hạnh phúc, nhưng có lẽ với cô, thì không.
Nhìn chung, khác với La La Land, cùng là lựa chọn thực tế, thế nhưng với Tình Yêu Thứ Ba, đó không phải câu chuyện về một cuộc sống ổn định, mà đó là tự tôn, là khát vọng, mà ở đó, cả hai đều vẫn sẽ day dứt về đối phương như một vết thương chẳng thể lành. Bởi lẽ, tình yêu của họ bé nhỏ và nhẹ nhàng hơn nhiều. Đúng như sự khác biệt giữa văn hoá Đông - Tây, tình yêu của Trâu Vũ và Khải Chính thể hiện qua những điều tí xíu, là khi Trâu Vũ dám đứng ngay phía sau xe của Khải Chính khi anh lùi, mà chỉ chút nữa, chiếc xe đã có thể vùi cô ngay đằng sau; là khi Trâu Vũ và Khải Chính bên nhau vô lo nghĩ dù chỉ trong 1 ngày và chỉ trong không gian là căn hộ của Khải Chính. Là khi kết thúc, Khải Chính mỗi ngày đều uống Starbuck, nhìn những bức hoạ được bày biện trong căn nhà với phong cách trang trọng của giới thượng lưu mà cứ nghĩ mãi về những bức ảnh vài chục tệ ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc của anh và Trâu Vũ những giây phút bên nhau. Là Trâu Vũ mỗi lần đọc báo đều sẽ xé hình anh mà cất đi, là mỗi ngày chạy đều nhìn về poster của anh trên cây cầu, là giây phút cô cố nán lại vài giây khi đi Hong Kong để nhìn anh thêm một chút.. 
Có lẽ, cô sẽ bớt day dứt hơn nếu anh chỉ coi cô là một cô gái đi ngang qua để đùa vui một chút. Cũng có lẽ, anh sẽ nhẹ nhàng và vui vẻ cho qua nếu cô chỉ như những cô gái khác, chỉ cần những chiếc xe BMW anh tặng hay vài chục nghìn tệ trong tài khoản... Nhưng anh đã mong cô là tình yêu của đời mình, còn cô, chỉ cần tình yêu của anh. 
Giữa họ, ngay từ khi bắt đầu cũng là lúc kết thúc, mình biết, sẽ thật khó hình dung qua những miêu tả trên của mình, nhưng thật sự, câu chuyện này được xây dựng dựa trên những tình tiết bé tí xíu, mà từng chút, từng chút, tạo nên sự mạch lạc và mạch phim, mạch truyện không thể chối cãi, dần đưa người đọc đến một kết cục đau buồn một cách vô cùng bình thản mà day dứt ngay từ khi bắt đầu. Có lẽ, anh và cô giống như hai cái cây bên đường, tuyệt đối không có kết thúc, vì vốn dĩ đã không thể tồn tại bắt đầu, giống như cậu cố chơi cờ vua trên bàn cờ tướng vậy, giây phút bắt đầu cũng chính là giây phút kết thúc. Cũng có thể, họ giống như đường tiệm cận, giống như lim 1 /x (với x -> vô cùng), chỉ gần, nhưng chẳng thể chạm đến. Dù thế nào, mình vẫn chẳng thà làm âm và dương vô cùng, dù tưởng như rất xa, nhưng sẽ gặp nhau tại điểm vô hạn cuối cùng (hồi ôn học sinh giỏi mình đã được thầy T kể cho điều này), hoặc như 2 đường thẳng song song, cùng phương và ngược chiều, tưởng rằng sẽ chẳng gặp, nhưng lại gặp nhau tại điểm kết thúc của vô hạn (bởi đường thẳng cũng sẽ là đường cong khi đến giới hạn của vô hạn..). Thôi mình sẽ dừng lại sự liên tưởng khó hiểu này ở đây...

5. The Great Gatsby

Lại là một bộ phim chuyển thể từ những câu chữ này... trong 5 phim mình mention thì có đến 4 phim là được chuyển thể...
Hm, nhắc đến Gatsby, chắc chẳng còn gì xa lạ cả, đây thật sự là một bộ phim chứa nhiều sắc thái cảm xúc và ý nghĩa. Từ sự xa hoa trong lâu đài của Gatsby, đối lập cùng tâm trạng mòn mỏi mong nhớ của anh về Daisy mà mình đã yêu thương hết cả tuổi trẻ; cho đến tình cảm của người chồng với vẻ ngoài hào nhoáng dành cho Daisy, tưởng chừng như yêu thương, chiều chuộng và đam mê nhiều lắm, nhưng bên trong đó lại là mối tình vụng trộm với người phụ nữ khác (thật sự mình muốn miêu tả về người phụ nữ này nhưng trong giây phút lại chẳng biết phải miêu tả như thế nào, ngoài đơn giản nhất chính là đối lập với sự trang nhã, đài cát và tiểu thư của Daisy). Bộ phim (và cả cuốn truyện) được dẫn dắt vô cùng khéo léo qua giọng kể của người em họ của Daisy.
Bỏ qua những câu chuyện liên quan đến kiếm tiền "bẩn" của Gatsby, mình chỉ muốn nhắc đến tình yêu và một số triết lý hay ho của các nhân vật. 
Mình vẫn nhớ ánh mắt của Gatsby nhìn Daisy, tài tử Leonardo đã diễn một cách xuất sắc ánh mắt ấy, đến mức, ngay từ lần đầu xem phim, ngày đó chỉ học cấp 2, mình đã đặt ra một tiêu chuẩn dành cho người mình yêu chính là nhìn mình như cách Gatsby nhìn Daisy, "ánh mắt mà tất cả phụ nữ đều ao ước", và mình cũng đã từ bỏ một số mối tình, dù rằng mình cũng rất yêu, khi mình nhận ra họ đã không nhìn mình bằng ánh mắt ấy. Nói thế nào nhỉ, không phải mình bị "lậm" ngôn tình, mà với mình, tình yêu của mình là những thứ bé xíu và ngốc nghếch như thế. Thay vì một chàng trai mua cho mình nhiều thỏi son, nhiều chai nước hoa đắt đỏ, mình chỉ mong sẽ nhận được một cuốn sách, một cốc nến thơm... Và tình yêu, xuất phát từ sự quan tâm mới là tình yêu to lớn nhất, ít nhất với mình là thế, vật chất là thứ có thể kiếm được nếu cố gắng, nhưng cậu sẽ chẳng thế "cố gắng để yêu" một người. Vì thế, mình rất hi vọng có thể ở bên một người mà tình yêu của họ thể hiện từ ánh mắt.
Bên cạnh đó, mình cũng rất thích câu nói này của Daisy. Trước khi nói đến cảm xúc với câu nói này, mình muốn nhắc đến một chủ đề được cộng đồng bàn tán về việc Daisy có thật sự yêu Gatsby không, và ngược lại. Một ý kiến cho rằng, thứ Daisy yêu là sự hào nhoáng, Daisy yêu Gatsby khi anh có một vị trí cao trong quân đội mà bấy giờ là điều mà rất nhiều người tôn trọng, sau đó lại lấy một người trong giai cấp quý tộc khi Gatsby vì chiến đấu mà mất tích, cuối cùng lại phân vân khi anh trở lại cùng sự giàu có, hào nhoáng với căn biệt thứ "Party never end". Một ý kiến lại cho rằng Gatsby không hề yêu Daisy, tất cả những gì anh yêu là sự xinh đẹp của cô cùng những nuối tiếc mà anh đã chẳng thể hoàn thành hồi trai trẻ.
Dù thế nào, mình cảm thấy ý kiến trên như một "lời khẳng định kín đáo" về việc Daisy là một cô gái nông cạn với niềm đam mê với vật chất và sự an nhàn, hào nhoáng. Nhưng với mình, Daisy là một cô gái sâu sắc (không phải là kiểu IQ cao, thông minh), đúng, mình nghĩ ngoài từ sâu sắc sẽ chẳng từ nào chính xác hơn. Bạn còn mong đợi điều gì từ một cô tiểu thư đúng nghĩa chứ? Daisy xinh đẹp, và nhẹ nhàng, đúng theo kiểu mong manh dễ vỡ, ngay từ ban đầu, gia đình đã truyền cho cô suy nghĩ nhất định phải lấy một người giàu có và lo cho cô.
Vậy nên, khi mang thai đứa con đầu lòng, cô mong rằng đó sẽ là một cô bé xinh đẹp và ngốc nghếch, điều đó chỉ đơn giản là cô bé sẽ không cần thiết phải là một người thông minh và nghĩ nhiều, chỉ cần xinh đẹp và toả hương, chỉ cần thế là đủ. Tất nhiên, đến thời điểm hiện tại điều đó đã không còn đúng đắn nữa. Nhưng mình vẫn vô cùng tin vào câu nói "Ngu xi hưởng thái bình". Bởi lẽ, bạn cứ thử tưởng tượng bạn thông minh theo kiểu có thể dễ dàng hấp thu mọi thứ, vậy nỗi đau người ta cảm nhận 1, bạn cảm nhận 10, không chỉ về mental health, mà còn cả về physical health nữa. Tất nhiên, vui vẻ và hạnh phúc bạn cũng sẽ cảm nhận được như vậy, nhưng tin mình đi, điều này càng làm những người thông minh trở nên thiệt thòi hơn rất nhiều. Bởi lẽ "niềm vui thì dễ quên còn nỗi buồn thì không bao giờ", chưa kể nếu đó là hạnh phúc, rồi chính vì những niềm hạnh phúc đó khi mất đi lại dẫn đến khổ đau. Vậy chẳng phải đau hơn rất nhiều sao? Chẳng những thế, mọi người quên hết, chỉ còn cậu nhớ, vậy có đau không? Thế mới nói, "ngu xi hưởng thái bình", và người thông minh theo kiểu thông tuệ, thường dễ mắc các vấn đề về tâm lý hơn người bình thường (điều này hoàn toàn đã được khoa học chứng minh).
Vậy đó, và mình nghĩ sẽ kết thúc những tiết mục đau thương ở đây. Damn, tui thiệt là thích tự hành tâm mà...
À và mình sẽ recommend cho mọi người một bộ phim cute và hay cực, hợp với mùa giáng sinh và rất rất truyền làm chúng ta muốn có người iu nhá. =)))
nhìn đã thấy iu rồi
Yesss, và đó là Dash & Lily được chiếu trên Netflix nhá =)) vừa ra mình đã xem rồi, cute cựcccccccc! >.<
Night mọi người =))) chs hôm qua viết xong chưa up đã tắt máy đi ngủ nên nay mình với up hihihi :>