Làm thế nào để bài viết trở nên sắc nét hơn? Cũng ý tứ đó, câu chữ đó, mình có thể mài để nó sáng lên không?
Đối với mình, ngôn từ có sức mạnh rất kỳ diệu. Đọc một bài viết hay khiến mình sảng khoái và “đã" như ăn một bữa ngon. Mình vẫn đang trong hành trình viết và khám phá sự diệu kỳ của bảng chữ cái tiếng Việt.
Trong quá trình học hỏi và làm nghề, mình rất tâm đắc với những tips viết bài sau đây. Đây là 5 kỹ thuật viết giúp bài viết của bạn có “màu” hơn. Bạn biết thêm tip nào hông, chia sẻ cùng mình với nha.

1. Tập làm văn miêu tả, không kể, không dùng tính từ

Bạn hãy thử đọc lại đoạn văn nào đó mình viết và đếm các loại từ trong đó. Bạn thấy loại từ nào xuất hiện nhiều nhất, động từ, danh từ, hay tính từ? Thông thường, chúng ta sẽ dùng nhiều tính từ khi viết. Và để tăng độ “đậm” thì dùng thêm các từ như lắm, quá, rất. Ví dụ: rất đẹp, đáng thương quá, buồn lắm…
Bây giờ, bạn hãy thử viết lại đoạn văn đó mà không dùng một tính từ nào cả. Thay thế toàn bộ tính từ bằng danh từ và động từ. Bạn sẽ thấy cách viết này khó hơn vì phải suy nghĩ cách để diễn đạt mức độ của tính từ đó.
Kỹ năng chỉ tả, không kể (show, don’t tell) có thể hiểu là nên hạn chế dùng tính từ. Việc tập trung vào miêu tả giúp câu văn có hình ảnh hơn, người đọc dễ tưởng tượng hơn và họ tự có cảm xúc cho riêng mình.
Ví dụ: khi bạn nói cô gái đó đẹp lắm, đẹp lắm lắm, người ta sẽ đọc qua hời hợt và không hình dung ra một hình ảnh người con gái đẹp cỡ nào.
Bạn hãy thử miêu tả một người con gái đẹp mà không dùng tới chữ đẹp. (gương mặt trái xoan, nụ cười sáng bừng như ánh mặt trời, nhan sắc cô ấy khiến bao chàng trai tình nguyện xin chết chẳng hạn).
Tương tự hãy miêu tả nỗi buồn thê lương mà không dùng từ rất buồn, miêu tả sự nghèo mà không dùng chữ nghèo.

2. Viết câu ngắn, câu đúng trước khi viết câu dài

Mình từng có một thói quen là hay viết câu dài, câu có nhiều vế, nhiều lớp nghĩa trùng trùng điệp điệp. Sau này mình mới ngộ ra, phải viết đúng trước rồi mới tới viết hay. Mà muốn viết đúng thì nên viết câu ngắn. Vì câu dài rất dễ sai và dễ dở.
Trong một bài tất nhiên cần có những câu ngắn dài xen kẽ. Điều này tạo nên nhịp điệu cho bài viết. Nhưng câu đủ ý, sáng nghĩa mới là quan trọng. Đừng nên viết dài mà nghĩa tối hù, câu cú ngoằn ngoèo, lớp nghĩa này chồng lên lớp kia làm người đọc hụt hơi, mệt mỏi.
Chỉ viết câu dài khi thật sự viết chắc tay, và nó có dụng ý diễn tả nào đó hoặc để đẩy cảm xúc. Nên tập với những câu đơn, câu ngắn, 1 câu nói 1 ý, hết ý hết câu.

Ví dụ 1:

Nếu như trước lúc chia tay, bạn luôn xem anh ấy là cả thế giới, khi mà toàn bộ những suy nghĩ, cảm xúc của bạn đều đặt vào người kia, khi mà mọi buồn, vui, tủi hờn, thất vọng, hạnh phúc, đau khổ đều do người kia mang lại.
---> Đây là câu chưa hoàn thiện, mới có vế Nếu mà thiếu vế sau. Nếu như trước đây như vậy, còn/ thì bây giờ thì sao? 

Ví dụ 2:

Trong bối cảnh mạng xã hội đang gõ cửa từng nhà, phủ sóng đến mọi ngóc ngách, từ nông thôn cho đến thành thị, từ trường học đến công sở, từ những cô chú nông dân tay lấm lem bùn đất cho đến những anh chị váy áo lượt là, hay những em học sinh tiểu học đến người thành đạt.
---> Câu trên rất dài, nhưng chưa phải là câu. Toàn bộ từ mở đầu đến dấu chấm chỉ là trạng ngữ, chưa có chủ ngữ, vị ngữ. Trong bối cảnh … đó, điều gì xảy ra? Vì phần trạng ngữ quá dài nên ta cứ tưởng là mình viết xong 1 câu rồi.
Câu dài không sai. Câu không đủ chủ vị cũng không sai. Nhưng chỉ viết câu dài và câu đặc biệt khi nó sáng nghĩa. Người đọc hiểu được. Còn đa phần, nếu viết chưa chắc tay thì những câu dài, nhiều vế rất dễ thành câu cụt nghĩa.

3. Nên viết câu chủ động thay vì câu bị động

Bạn hãy đọc thử hai câu sau:
"Tôi giật mình thức giấc bởi tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái nhà."
"Sáng nay, tôi đã ăn bún bò do mẹ tôi nấu."
Hai câu này đang viết ở dạng bị động.
Thử đổi sang câu chủ động:
"Tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái nhà làm tôi giật mình thức giấc."
"Sáng nay, mẹ đã nấu bún bò cho tôi ăn."
Phần lớn khi một câu đọc lên nghe trúc trắc, không thuận miệng hoặc có cái gì đó lấn cấn, không được tự nhiên, thì có rất rất nhiều khả năng là do câu đang được viết ở dạng bị động.

Lý do chúng ta nên viết câu chủ động, hạn chế viết bị động là như sau:

Khái niệm câu bị động xuất phát từ tiếng anh, trong tiếng Việt không có câu bị động. (Gần đây, mình có đọc ở một vài blog viết content tiếng Anh, mình cũng thấy người viết khuyên nên viết câu chủ động. Nghĩa là với tiếng Anh, bạn cũng ưu tiên viết ở thể chủ động.)
Người Việt mình thường dùng câu chủ động trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Vì vậy, khi viết ở loại câu này, đọc lên sẽ thấy thuận miệng, gần gũi, dễ “cảm" hơn, cảm giác nó thuần Việt hơn.
Lý thuyết này giúp mình lưu tâm hơn trong mỗi lần viết. Khi gặp câu nào thấy sai sai, trong đầu mình lập tức nảy số, viết lại nó theo kiểu chủ động.

4. Sử dụng bộ “bí kíp tuyệt đỉnh"

Tiếng Việt mình có một bộ bí kíp về viết rất thần sầu mà không ngôn ngữ nào có, hiệu quả đảm bảo 1000%, chỉ cần dùng là hay. Không có ngoại lệ dở luôn. Nghịch lý là hầu như ai cũng biết nhưng rất ít người nhớ đến nó khi viết. 
Bí kíp có tên là “Biện pháp tu từ"
Mặc dù chúng ta có thể đọc rào rào tên các biện pháp tu từ nhưng thật sự để nhớ đến nó và áp dụng vào bài viết cho thật đắt thì không phải lúc nào cũng làm được.
Mình đơn cử một case trong khóa học viết mình từng học:
Đề tài: Viết 1 câu tagline về việc tuyên truyền mọi người sử dụng năng lượng tự nhiên vào cuộc sống hàng ngày (điện từ năng lượng mặt trời, nước, gió…)
Bạn hãy viết câu tagline theo hai hướng, một câu bình thường và một câu có sử dụng biện pháp tu từ?
Tất nhiên, cách viết dùng biện pháp tu từ khó hơn, buộc bạn phải suy nghĩ, đào sâu hơn, nhưng chắc chắn nó sẽ là câu có hình ảnh, có màu hơn rất nhiều.
Và đây là câu tagline được chọn:
"Mang nắng mưa vào ngày ngày ta sống."
Bạn có nhận ra biện pháp tu từ nào đang được sử dụng không?

5. Mở rộng vốn từ

Hầu hết khi chúng ta học tiếng anh, tới phần kỹ năng viết sẽ được thầy/ cô giáo mào đầu rằng: muốn viết tiếng anh tốt thì phải vững ngữ pháp và từ vựng. Hai phần đó khi ráp vào sẽ thành một câu viết tốt.
Tiếng Việt cũng tương tự như vậy. Muốn viết tốt tiếng Việt cần phải giỏi ngữ pháp và từ vựng. Tụi mình thường nghĩ mình là người Việt nên đương nhiên phải giỏi hai phần đó rồi, nhất là từ vựng. Ngữ pháp còn thỉnh thoảng lôm côm chứ từ vựng sao mà thiếu được.
Thật ra là thiếu đó nha. Hoặc có thể là không thiếu nhưng lúc cần lại không nhớ ra hoặc không biết cách lấy ra.
Vì sao vốn từ lại quan trọng?
Câu trả lời rất rõ ràng. Bạn thiếu từ thì bạn rất khó viết hoặc viết nhưng không hay. Một sự thật nữa là khi thiếu từ, cảm giác viết rất bức bối, nhất là khi viết truyện ngắn.
Thử viết một đoạn văn miêu tả chàng trai đến nhà người yêu chẳng hạn. Kể lại cảnh lúc đến nhà, chào hỏi ba mẹ cô gái, dắt xe, vào nhà, ngồi chơi, chào hỏi, nói chuyện, hỏi đáp rồi xin phép đi chơi. Một đoạn đơn giản thôi, bạn hoàn toàn có thể viết được, nhưng nếu thiếu vốn từ ta sẽ đi loanh quanh.
Các hoạt động đến, đứng, ngồi, gặp, cười, nói, rồi bác gái bước đến, ngồi xuống, bác hỏi, anh chàng cười đáp, rồi lại hỏi, rồi lại nhẹ nhàng đáp. Mình từng viết và cứ thấy từ nó lặp đi lặp lại đơn điệu, quẩn quanh trong chừng đó từ mà thấy bức bối muốn bóp cổ nhân vật luôn vậy đó.
LÝ DO LÀ THIẾU VỐN TỪ
Bạn thử đọc câu sau:
“Ếch được biết đến là động vật có xương sống, cư trú và phát triển ở những nơi ẩm ướt như đồng, ruộng”
Bạn thấy câu trên có gì hay không? Nếu như bình thường, mình sẽ viết phăng phăng rằng “Ếch là động vật có xương sống, sống ở nơi ẩm ướt".
Câu của mình không sai, nhưng bị dở do lặp lại từ “sống". Nếu hời hời thì cũng chấp nhận được, vì chỗ đó dùng từ sống chứ từ gì nữa. Nhưng nếu làm khó mình hơn chút, đào sâu hơn chút, thử suy nghĩ xem những từ nào cùng trường nghĩa với “sống" có thể thay thế trong trường hợp này? Đó là “cư trú".
Phần lớn chúng ta thấy mình bí từ không phải vì mình không biết nhiều từ mà là do mình không tự làm khó mình, không tự yêu cầu cao hơn một chút, nghĩ thêm một chút. “Còn từ gì nữa không" “Còn cách viết nào khác hay hơn không?” Hỏi mình thêm hai câu này sau mỗi bài viết, bạn sẽ sáng ra thêm một vài ý hay ho.
Cách để mở rộng vốn từ
Đọc, đọc nhiều và lưu tâm. Khi nào gặp từ nào hay, ghi lại. Nếu không có thời gian, chỉ cần bạn lưu tâm và có suy nghĩ lượm lặt từ trong lúc đọc, bạn sẽ dần dần tích lũy thêm được nhiều từ mới.
Trước mỗi bài viết, hãy dành 10-15 phút lập một bảng từ, gồm nhiều từ cùng trường nghĩa.
Ví dụ viết về tình yêu, hãy lập bảng từ nói về tình yêu: say mê, nồng nàn, chớm nở, đê mê, e ấp, ngọt ngào, lưu luyến, triền miên, nồng ấm, bùng cháy, hoà quyện...
Ví dụ từ ăn, những từ nào cùng trường nghĩa với ăn: xơi, xực, lủm, dứt, ngứa miệng, lai rai, lạo rạo, nhóp nhép.
Mỗi bảng từ nên ít nhất 10 từ.
Việc lập bảng từ trước khi viết một là giúp bạn không bị bí từ, hai là giúp bản thân nhận ra hoá ra mình biết rất nhiều từ nhưng trước giờ không nhớ đến để xài, ba là những từ này sẽ đưa bạn vào cái “không khí" của chủ đề viết, khiến bạn dễ nhập mình để viết hơn.
Bạn thử tìm một bảng từ chung trường nghĩa với từ “CHIA TAY " thử nha. Xem tụi mình vỡ ra được bao nhiêu từ mới nè. Cùng chia sẻ vốn từ nhé.