1. THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ

Đơn giản và cần thiết phải kể đến đầu tiên là 📱Smartphone và 💻 Laptop. Trong thời đại này, những lợi ích và giá trị của chiếc điện thoại thông minh thì chắc không cần mình phải nói quá nhiều. Các chức năng thiết yếu trong thời gian đầu đến quốc gia mới là liên lạc (Voice call, Video call, Message), tìm đường (Map, Google Map), giao tiếp và hiểu các văn bản bằng ngoại ngữ (Google translate). Laptop cũng có thể thực hiện các chức năng tương tự, ngoài ra, đây là phương tiện làm việc chính đối với các du học sinh: soạn thảo văn bản, lưu trữ - xử lý số liệu, truy cập thư viện trực tuyến và các chức năng hành chính khác.
Câu hỏi đặt ra là nên mang theo hay mua mới ở nước sở tại, lý do chính có lẽ là chênh lệch về giá. Theo kinh nghiệm của mình sau 2 lần du học, lần đầu mua ở nước ngoài, lần 2 mang theo từ Việt Nam thì có 2 lựa chọn tham khảo thế này:
- Lựa chọn 1: mang theo điện thoại, mua mới laptop hoặc ngược lại, để ít nhất là có sẵn một phương tiện có thể liên lạc trong quá trình từ Việt Nam đến nước sở tại, và trong thời gian đầu chưa tìm được chỗ mua máy.
- Lựa chọn 2: mang theo cả 2, lợi điểm là mọi thứ đã được cài đặt sẵn, nhất là với laptop vì có thể có những phần mềm cần dùng, nhưng nếu mua ở nước ngoài thì không được cài đặt miễn phí như Việt Nam.
Mình không cân nhắc khoảng chi phí lắm vì chênh lệch giá lúc mình kiểm tra là không nhiều (cụ thể thì nên lên trang web chính thức của các hãng máy để so sánh, hoặc hỏi người thân ở nước ngoài), chưa kể mua ở Việt Nam mình có thời gian để test máy trước, có trục trặc thì giao tiếp với người Việt vẫn dễ hơn rất nhiều. Ngoài ra, khuyến khích mọi người dùng các sản phẩm cùng hệ điều hành hoặc nhà sản xuất để dễ đồng bộ dữ liệu và các ứng dụng dùng chung chạy mượt mà hơn.

Smartphone và laptop là 2 thứ không thể thiếu trong hành trang du học. Cân nhắc mua mới hoặc mang theo tùy theo nhu cầu!

2. THẺ VISA/MASTER

Khi ra nước ngoài thì không được mang quá nhiều tiền mặt (tùy quốc gia đến, nên check lại cho chắc nhé). Lúc qua hải quan, mình hay bị nhân viên hỏi "Mày mang theo bao nhiêu tiền?". Nếu chưa có thu nhập thì làm thẻ debit (trả trước), có thu nhập rồi thì có thể làm thẻ credit (trả sau). Nhớ hỏi nhân viên ngân hàng là thẻ đó có dùng được ở nước A, B, C không. Mình ưu tiên ngân hàng nào có dịch vụ Internet banking và Mobile banking để có thể giao dịch trực tuyến dễ dàng, khóa thẻ ngay trong trường hợp bị mất. Ở nước ngoài, nếu khó khăn có thể nhờ người thân chuyển tiền vào thẻ để trang trải. Mua hàng trực tuyến, mua vé bay thanh toán bằng thẻ ở nước ngoài cũng rất phổ biến vì giảm chi phí và thời gian đi lại khá lâu. Cuối cùng, là có thẻ thì không sợ lo bị giật túi xách, rơi ví mất hết tiền mang theo. Cũng lưu ý khi làm thẻ, mọi người phải hỏi mức phí do chuyển đổi ngoại tệ, vì thẻ ở ngân hàng Việt Nam là VND khi sử dụng ở nước ngoài sẽ phải chuyển sang tiền tệ của nước đó nên sẽ bị charge phí 3-5% hay nhiều hơn tùy quốc gia. Sau khi qua nước đó, mình có thể làm thẻ ngân hàng mới bên đó thì sẽ tiện lợi và tiết kiệm hơn. 

Thẻ credit/debit của ngân hàng Việt Nam như những ưu điểm và hạn chế kể trên, mình xem như là một chiếc thẻ "cứu cánh" hơn là sử dụng hằng ngày.

3. HEADPHONE


Cái này theo mình là tiện lợi lắm luôn í, mà lúc trước không để ý lắm! Mọi người chú ý headphone (tốt nhất là kết nối không dây) tức là loại trùm kín hai lỗ tai, chứ không phải earphone, kiểu Ipod Touch của Apple nhé! Thiết bị này với mình có hai lợi ích chính. 
Một là để luyện nghe ngoại ngữ hay nghe nhạc lúc ra nơi công cộng, không làm phiền người xung quanh. Khoảng thời gian mới qua, mình hay bị nhức đầu do tiếp xúc cả ngày với môi trường tiếng nước ngoài. Sau này quen rồi thì không còn cảm giác đó nữa. Nên nếu luyện nghe thường xuyên, có thể là nghe vô thức, không cần hiểu hay quan tâm đến nội dung đang nói, sẽ giúp mình thích nghi với môi trường tiếng nhanh hơn và tốt hơn. 
Hai là headphone chống lạnh cực kỳ hiệu quả, giống như mấy cái chụp tai khi đi Đà Lạt hay mấy nước xứ lạnh (mà mấy nước phát triển toàn ở xứ ôn đới). Mình thấy cực kỳ hữu ích vào thời gian mùa đông (mà như Canada là tới 6 tháng lạnh teo), hoặc thời tiết mát mẻ lúc vào thu sang xuân cũng okay, chỉ khoảng 1-2 tháng mùa hè thì mang không phù hợp. Khả năng giữ ấm lỗ tai khi tập thể dục ngoài trời, khi đi bộ, đạp xe cực kỳ tốt luôn. Vì sử dụng thời gian dài, nên sắm loại nào hơi đắt một tí. Rẻ quá thì cái trùm tai hai bên hay bị bong tróc do tiếp xúc thường xuyên với mồ hôi ở da. Mình dùng tai nghe của hãng Sony mọi người nhe, xài gần 3 năm rồi vẫn okay mà pin sạc khủng luôn, nghe quài không thấy hết.

Headphone vừa để nghe nhạc, ngoại ngữ vừa có tác dụng chống lạnh/rét hiệu quả!

4. TÔNG ĐƠ/KÉO CẮT TÓC 


Tiết kiệm là tiêu chí hàng đầu của mình khi du học, dù là tự túc hay học bổng. Do đó, cắt giảm được khoảng chi phí cắt tóc hàng tháng (mình cắt tóc mỗi tháng 1 lần) cũng khá nhiều. Một số bạn thì chọn để tóc dài cho ấm hay tạo nét thì miễn bàn nha, mình thì ưu tiên phong cách lịch lãm, gọn gàng, nhiều khi lãng mợn một tí thoai. Cách đây 6-7 năm, chi phí cắt tóc chỗ mình học ở Ca là 10 CAD (tầm 170k). Còn năm 2019 ở Nhật là 1,200 yên (khoảng 240k). Nhấn mạnh đây là các tiệm cắt tóc bình dân, chỉ có cắt chứ không xài bất kỳ dịch vụ gì khác. Chưa kể, thời gian đại dịch COVID-19 vừa rồi, nhiều dịch vụ phải đóng cửa, trong đó có tiệm cắt tóc, nên tự cắt tóc ở nhà vô cùng tiện lợi luôn, lúc đó không ai gặp mình nhưng tóc dài nhìn rất khó chịu và nhiều khi ngứa ngáy, nóng nực nữa. Lắm lúc tụt mood, cắt tóc xong cái thấy vui vẻ lên hẳn, không biết có ai giống mình không?
Mình mua một số dụng cụ cắt tóc ở Việt Nam. Mọi người tham khảo tại đây. Ngoài ra, lúc lên amazon tìm kiếm mình thấy cũng có bán, search "hair clippers", coi chừng nhầm với loại "shaver" - cạo râu nhé, hình dạng giống nhưng đầu cắt nhỏ hơn, động cơ yếu hơn. Nên nếu hành lý quá nặng, mọi người có thể đợi qua nước mới rồi mua. Nhưng nếu mua trước ở Việt Nam thì có thể tập cắt thử, hoặc hư hỏng thì đổi trả luôn. Tông-đơ mình xài tầm trên dưới 1 triệu, đã hơn 1 năm nhưng vẫn hoạt động tốt, không chỉ cắt cho mình mà cho bạn bè xung quanh nữa, lợi ích kinh tế là có thật mọi người nhe @@!
👨 Các bạn nam chỉ cần sắm cái tông-đơ là đủ, vì có điều chỉnh chế độ dài ngắn, chọn xong thì cứ lia hết cái đầu kiểu húi cua là xong. Với lại ở nước ngoài, văn hóa khác nhau chả ai để ý tóc tai của mình lắm. Nếu cắt không đều thì người ta cũng nghĩ chắc thằng này có xì tai "hơi mặn" chút thôi. Mà có nói xấu sau lưng hay trước mặt thì mình cũng chưa chắc hiểu. Còn thiếu tự tin quá thì lấy cái mũ trùm đầu, trời lạnh mà nên khỏi phải lo!
👩 Các bạn nữ thì dễ hơn, cứ để tóc dài, thỉnh thoảng thích thì dùng kéo tỉa vài đường. Có hai 2 loại kéo cơ bản: loại dùng để cắt (không có răng cưa), loại tỉa so le (có răng cưa) - để cắt mỏng nhưng vẫn giữ nguyên chiều dài của tóc. Mua trọn bộ như hình là dưới 2 triệu.

Tự cắt tóc là một trải nghiệm thú vị nhưng cũng rất tiết kiệm!

5. NƯỚC MẮM 

Khoảng ăn uống là một điều bận tâm lớn. Thức ăn không hợp khẩu vị, nhất là mấy nước Âu-Mỹ thì dễ sụt cân lắm, không tốt cho sức khỏe và việc học. Mặc dù một số vùng có chợ châu Á hay nhà hàng Việt Nam. Nhưng ăn ngoài thì sẽ tốn kém kinh khủng. Ngoài tiền học thì tiền ăn là mối bận tâm lớn. Thức ăn Việt thường có gia vị đa dạng. Trong đó, mình thấy quan trọng và đặc trưng nhất là nước mắm. Mình không giỏi nấu nướng, nhưng để ý thấy người thân nấu ăn (canh, xào, kho các kiểu) đều bỏ ít nhiều nước mắm là tự nhiên có hương vị Việt liền.
Mấy bạn đi du học thì học nấu các món đơn giản ở nhà để khi ra nước ngoài tùy cơ ứng biến. Mình có quen vài người bạn không biết nấu ăn nên khi đi du học là cực kỳ đau khổ luôn. Không khéo nấu ăn thì mang theo một chai nước mắm là thượng sách. Luộc trứng, dầm với nước mắm, thêm tí ớt, tí đường là tuyệt hảo luôn. Nấu canh rau củ thịt bằm, xào thịt với củ hành, đậu cô-ve, cà rốt thêm tí ti nước mắm cũng đậm đà hương vị quê nhà nè. Ngoài ra, siêu thị Việt Nam có bán mấy gói gia vị nêm sẵn như thịt kho, cá kho, canh chua, v.v... cứ mua mang theo để dùng. Vì mới qua nên chuẩn bị vậy là vừa đủ. Khi quen chỗ rồi, có thể tìm hiểu mấy siêu thị châu Á thường cũng có bán, dĩ nhiên là giá mắc hơn, vị nước mắm cũng không giống hoàn toàn (vì có thể sản xuất ở nước khác như Thái Lan).

Món Việt thì không thể thiếu gia vị đặc trưng là nước mắm.


Trên đây là 5 thứ mình thấy khá quan trọng. Ngoài ra, trước khi đi học tầm 2-3 tháng mình sẽ có một checklist để dễ kiểm tra còn thiếu gì hay không. Bạn bè có tặng quà cũng sẽ biết cần tặng gì cho phù hợp, chứ mua lung tung mình cũng không mang theo hết được, lại phí tiền và uổng công người tặng!
Chúc các bạn có kế hoạch du học sẽ chuẩn bị tốt nhất cho hành trình tương lai của mình nhé!