1. Không có trường nào hoàn hảo
Không nên mưu cầu một trường hoàn hảo về mọi thứ. Thường mỗi vật, mỗi việc luôn có các mặt mạnh và mặt nguy cơ đi liền với nhau. Ví dụ, trường nào có cơ sở vật chất quá tốt thì đi kèm là học phí cao và có nguy cơ làm con bạn ỷ lại, lười biếng và tự mãn. Giáo viên quá hiền lành thì có nguy cơ buông lỏng kỷ luật, nuôi dưỡng thú tính trong học trò. Giáo viên quá khắc nghiệt thì có nguy cơ làm trẻ khiếp sợ. Không ra bài tập về nhà thì tạo cơ hội cho trẻ học thêm các món khác như thể thao, nhạc, võ, vẽ nhưng sẽ tiềm ẩn nguy cơ học sinh lười nhác. Cho nhiều bài tập về nhà thì rèn học sinh vào kỷ luật nhưng dễ làm học sinh mụ mẫm đầu óc.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
2. Thầy cô quan trọng hơn trường
Bạn đừng quá tin vào phương châm, triết lý được quảng cáo trong tờ rơi. Nói là một chuyện, thực hiện lại là chuyện khác. Nói thì ai cũng nói hay nhưng giáo dục tập trung là bài toán vô cùng phức tạp. Đến nay, chưa có lời giải nào thỏa đáng cho những câu hỏi buốt óc suốt nhiều chục năm qua.
Ví dụ, sự mâu thuẫn giữa cái chung và cái riêng, cá thể học sinh và tập thể, mâu thuẫn giữa tiền bạc và đạo đức nhân văn chưa hề có lời giải đáp.
Muốn có giáo viên xịn thì phải trả lương cao. Muốn trả lương cao thì phải có tiền. Muốn có tiền thì phải tuyển sinh nhí nhố. Khi tuyển sinh nhí nhố thì giáo viên xịn sẽ bỏ đi vì nguy cơ đánh mất lý tưởng và đạo đức. Vòng tròn nghịch lý này chưa có lời giải đáp nào thỏa đáng.
Học sinh cũ của tôi rơi vào tình trạng cực đau lòng. Cô ấy là nữ giáo viên giỏi mới vào nghề. Một lần cô ấy bắt phạt một cậu học sinh cấp 3 vì tội ăn xôi trong giờ học. Cậu này chỉ mặt giáo viên mắng:
- Đố cô đuổi được tôi. Bố tôi bỏ vào trường mỗi tháng 7 củ. Ngay cái điều hòa cô đang dùng cũng do bố tôi mua. Nền gạch cô đứng là do bố tôi lát. Đợi xem sang tuần, cô ra đi hay là tôi ra đi.
Cô giáo này chỉ còn nước khóc, xin bỏ việc. Đi nơi khác, tình hình vẫn na ná thế. Cô giáo ấy đành về nhà làm livestream bán quần áo và thực phẩm chức năng Nutrilite.
Triết lý giáo dục chỉ là chiêu bài quăng ra phục vụ công tác tuyển sinh. Giống như hoa hậu trả lời phỏng vấn, ai cũng phải leo lẻo là sẽ đem hết tiền thưởng làm từ thiện. Nhà thầu nào cũng thề thốt sẽ thi công đúng tiến độ và chất lượng. Chính trị gia nào cũng hót hay như những con chim hoàng yến trước bầu cử. Hiệu trưởng nào cũng nói ra những khẩu hiệu bay bướm và hoa mỹ. Sự thật thì luôn vũ phàng hơn ta tưởng.
Quảng cáo hay nhưng con người không hay thì vẫn là không hay. Mà con người (quản lý, giáo viên, hiệu trưởng) thì bị hàng tỷ các tác nhân chi phối.
3. Gần nhà hoặc nơi làm việc
Theo tôi, nên chọn trường cho con gần nhà, hoặc gần nơi bố mẹ làm việc để tiện đón và quan sát con khi còn nhỏ. Con lớn lên đến cấp 2 thì để tự cho đi xe bus hơi xa một chút. Con đường đi xe cũng là một trải nghiệm học tập thú vị. Dạy con những nguyên tắc ứng xử trên xe, khi đi bộ và khi tham gia giao thông. Và để con tự trưởng thành qua các va vấp trên đường về nhà.
4. Chọn nhóm bạn chơi cho con
Phải để ý quan sát xem con bạn có phải là school bullying hay nạn nhân của school bullying hay không. Hãy dạy con cách phòng thủ tối thiểu, cách xử lý những pha bị bắt nạt giảng đường. Để tình trạng bị bắt nạt lâu ngày, con bạn sẽ bị bạc nhược và khiếp sợ. Mỗi ngày đến trường, với con bạn, trở thành một ác mộng. Trớ trêu là vì xấu hổ, con bạn ít khi dám nói ra sự thật.
Để giải quyết nạn này, bạn nên chủ động tạo điều kiện cho con giao lưu, kết bạn với hai hoặc ba cháu có tư cách và đạo đức tốt. Khi đã chơi thân thành một bộ nhóm, việc bị bắt nạt cũng hạn chế đi. Hơn nữa, chơi với bạn tốt là một kênh học tập vô cùng hiệu quả. Bạn tốt, sách hay là hai yếu tố quan trọng để hình thành nhân cách một con người. Người ta có câu, hãy cho tôi biết ba người bạn hay giao du và ba cuốn sách bạn thích đọc, tôi sẽ cho biết chính xác bạn là ai.
5. Lập nhóm nhỏ phụ huynh riêng
Lập nhóm phụ huynh cùng trình độ và cùng mối quan tâm sẽ rất tốt cho việc giáo dục con cái. Chúng ta nên định kỳ đi chơi pinic chung, cho các con có cơ hội chơi và trao đổi ý tưởng với nhau. Nhóm phụ huynh sẽ giúp nhau quan sát chéo và chăm sóc chéo lẫn nhau. Khi gia đình nào đó có việc đi xa đột xuất, gia đình ấy có thể gửi con cho nhà bạn trông coi. Vừa tiện lợi, vừa yên tâm.
KẾT LUẬN
- Đừng bao giờ trông mong vào một ngôi trường hoàn hảo.
- Quảng cáo trường và thực tế là hai thứ khác nhau.
- Hãy chọn bạn, chọn sách, chọn thầy cho con hơn là chăm chú chọn trường.
- Lập hội nhóm nhỏ phụ huynh sẽ rất tiện cho việc dạy và chăm sóc con.
- Rèn cho con thói quen tự học, ham nghiên cứu thì quan trọng hơn là chỉ vì lấy điểm cao, giấy khen.
- Ca ngợi điểm là trường tồi. Buông lỏng kỷ luật là tôi thêm huyền.
- Trường nào cho trẻ chơi ngoài trời nhiều và xây được thư viện lớn là dấu hiệu của trường xịn.
--------------------------------------------
CÁC SAI LẦM PHỔ BIẾN CỦA CHA MẸ

1. Học theo cách của mẹ con Đỗ Nhật Nam

Đỗ Nhật Nam là Đỗ Nhật Nam. Con bạn là con bạn. Mỗi anh một tính, mỗi anh một sở trường và mầm giác ngộ khác nhau. Có vị chỉ đi theo Phật tổ có 7 ngày đã đắc quả vị A La Hán (Xá Lợi Phất). Có kẻ đi theo cả đời, cùng ăn, cùng ngủ, cùng ở mà già vẫn không đâu vào đâu (thầy A Nan Đà). Dùng một pháp ở áp dụng cho vạn người thật là một trò chơi u mê vậy. Bài học là: Phải áp dụng phương pháp thích ứng với con mình. Đặt ra mục tiêu hợp với con mình ở thời điểm hiện tại. Không so bì cũng không tự hạ thấp con.

Tuy nhiên, có chân lý này thì ai cũng phải tuân theo:

Tạo điều kiện và hướng dẫn cho con tự làm, tự tư duy, tự giáo dục, tự tìm hiểu. Chỉ có TỰ như vậy mới đích thực là giáo dục. Bà Montessori nói: Một người giáo viên thành công là khi vắng ông ta, học trò vẫn tự giác học và nghiên cứu như thể ông ta có mặt. Khi ông ta có mặt, học trò vẫn làm như thể ông ta đang vắng mặt.

Đây là chân lý giáo dục đúng muôn đời.

2. Việc mình là kiếm tiền, việc con là học.

Quan niệm này rất sai. Học là việc của tất cả chúng ta. Cha mẹ và con cái, suy cho cùng, chỉ là những học trò trước ông thầy lớn có tên là LIFE. Bạn chỉ có thể là bạn đồng hành, cùng chia sẻ khó khăn với con để cùng nhau vượt qua chông gai trên con đường tiến đến tầm cao của trí tuệ và đức hạnh. Nếu bạn lơ là, con bạn có thể vượt lên trên và bỏ xa bạn phía sau. Lúc đó, bạn mang danh là cha mẹ nhưng đạo đức và trí tuệ hoàn toàn chỉ có thể là một học trò của con bạn. Hoặc một kịch bản tồi tệ hơn: Cả bạn và con bạn đều gục ngã trên sa mạc cuộc đời.

Nhu cầu sinh hoạt và học tập của con cái thực ra không cao đến mức cần cha mẹ phải mải miết đi làm như vậy. Phần lớn chúng ta đi làm để thỏa mãn tính ham sở hữu và tỏ rõ uy quyền của bản thân nhưng lại tự dối lòng mình là VÌ CON.

Nếu bạn để lại quá nhiều, con bạn sẽ không có cơ hội làm người được làm người (a man). Một kẻ chỉ được làm người đích thực và đi vào lịch sử khi anh ta tự làm ra sự nghiệp bằng trí năng và đạo đức, bản lĩnh của mình. Nếu không, anh ta chỉ là gà, dê, chó, lợn.

Điều đó giải thích tại sao các tỷ phú thế giới đều không để lại nhiều tài sản cho con cái. Cơ bản tiền của họ để lại sau khi chết đều cho vào công quỹ từ thiện.

Thế nào là vì con đích thực? Là ngồi bên con, lắng nghe con, chơi với con, học cùng con, giúp con trưởng thành. Kiếm tiền làm giàu chưa hẳn là vì con. Hãy nghiêm khắc nhìn lại chính mình bằng cách ngồi thiền để quán lại thân tâm và tự trả lời câu hỏi này.

3. Thế nào là rèn luyện cho con?

Ở bên con, hy sinh thời gian cho con không phải là LÀM THAY CON mà là QUAN SÁT và ĐIỀU CHỈNH. Muốn làm được như vậy, bạn cần:

- Vui vẻ chấp nhận lỗi sai của con và giúp con vượt qua khủng hoảng thất bại.
- Đặt ngưỡng phù hợp với con.
- Vui vẻ, hài hước, nhân từ.
- Cứng rắn, bình tĩnh.
- Tóm lại, bản thân bạn phải học và rèn chính mình song song với việc rèn cho con.

Khi con gặp vấn đề dù lớn hay nhỏ, bạn phải là chỗ dựa, một vòng tay yên ổn. Bạn phải là người (cùng con) đưa ra giải pháp sáng suốt. Con bạn không cần một người mẹ rên la khóc lóc, kêu gào đấm ngực bùm bụp hay một người cha gầm gừ đe dọa. Con bạn cũng không cần những lời mỉa mai cay độc, không cần so bì.

4. Vung tiền mua kiến thức

Nhiều phụ huynh cho rằng dùng tiền có thể mua được tri thức. Sự thật là, tri thức, đạo đức và sự thông tuệ không thể mua được bằng tiền. Tuy bạn có thể mua được sách, thuê được thầy, mua được phương pháp và các công cụ hỗ trợ học tập đỉnh cao và hiện đại nhưng bạn nên nhớ GIÁO DỤC LÀ QUÁ TRÌNH TỰ GIÁO DỤC. Ta có thể đưa con ngựa đến bờ suối, nhưng uống nước hay không uống lại là việc của con ngựa.

5. Giao khoán cho bà giúp việc hoặc ông bà

Chăm sóc và rèn luyện con thành đạt thì không ai có thể tốt hơn chính bạn. Còn bạn nghĩ mình chỉ cần nuôi mà không dạy thì bạn chỉ mới làm được 30% công việc của bậc cha mẹ đích thực. Sau này, đứa trẻ cũng chỉ có 30% là con của bạn thôi. Nhân quả rất rõ ràng. Bạn đã DẠY nhưng không RÈN thì bạn chỉ hoàn thành 50% chức phận phụ huynh. Một phụ huynh đích thực phải làm tốt cả ĐẺ - NUÔI – DẠY – RÈN.

Ngoài 4 việc trên, bậc trí nhân lỗi lạc còn làm một việc lớn hơn: ĐEM ĐẾN CHO CON MỘT TẦM NHÌN. Tầm nhìn thiên niên kỷ!
---------------------------------------------------------------------------
CÁCH DẠY TIẾNG ANH CHO TRẺ 1 ĐẾN 7 TUỔI

1. Vừa làm vừa nói. Nói gì làm đó. Chỉ vào đâu, nói cái đó.

2. Thông điệp rõ ràng, ngắn. Không dùng câu phủ định.

3. Chú trọng danh từ cụ thể (concrete nouns) mà bé nhìn thấy hàng ngày.

4. Lợi dụng những động từ nóng: PICK UP/PUT DOWN (nhặt lên/đặt xuống); TAKE OFF/PUT ON (cởi ra/mặc vào); TOUCH (sờ vào); OPEN/CLOSE (mở/đóng); POINT TO (chỉ tay vào).

5. Làm liên tục, nói chậm, lặp lại nhiều lần.

6. Gia tăng độ khó bằng cách thêm/thay chủ ngữ, thêm/thay trạng từ SLOWLY/QUICKLY.

VÍ DỤ:

– Tuần 1 luyện THIS IS A DOOR, TOUCH THE DOOR, OPEN THE DOOR, CLOSE THE DOOR

– Tuần 2 luyện I TOUCH/OPEN/CLOSE THE DOOR; YOU TOUCH/OPEN/CLOSE THE DOOR

– Tuần 2 luyện I AM OPENING THE DOOR; YOU ARE OPENING THE DOOR

– Tuần 3 luyện I AM OPENING THE DOOR SLOWLY/QUICKY

7. Sử dụng bộ 500 FLASHCARDS (inbox hỏi Sang Đỗ nếu cần) để in màu, ép nhựa.

8. Dùng bộ đồ chơi nhựa (thú vật, hoa quả, các phương tiện giao thông).

9. Lợi dụng cơ thể, bộ phận cơ thể để dạy trước.

____

QUY TRÌNH

1. Mẹ làm, mẹ nói (từ 5 đến 10 lần) cho con xem và nghe. 2. Con làm, mẹ nói. 3. Mẹ làm, con nói. 4. Con làm, con tự nói. ___

Với trẻ em sau 7 tuổi, tôi đã xây dựng một bộ tài liệu và phương pháp đẩy nhanh hiệu quả học lên 3 đến 5 lần cách thông thường.

Học ngôn ngữ không cần LỘ TRÌNH. Bao nhiêu người đã bị hai từ này làm mờ mắt? Hai từ này đã hủy hoại biết bao đời người và bao cơm áo gạo tiền đã không cánh mà bay vì nó.

Chỉ vì ba chữ LỘ TRÌNH HỌC mà biết bao gia đình tán gia bại sản.

Lộ trình, kế hoạch cuộc đời được đám diễn giả Việt Nam tung hô dữ dội. Trớ trêu thay, hai khái niệm này bọn danh nhân thế giới không bao giờ để mắt. Họ chỉ cần miệt mài bền bỉ làm và làm liên tục không dừng. Không sợ chê, không cần khen. Họ lặng lẽ mỗi ngày 15 cụm từ vựng, đọc 10 trang sách, hít đất 15 cái, đi hoặc chạy bộ 2 km...

Con sông và thân cây sồi đâu cần lộ trình. Nó chỉ cần miệt mài trong thực tại mà thôi.

Con ong hút mật hoa không cần lộ trình. Cứ gặp hoa là hút. Bất kể hoa gì. Hút 1 năm thì ra cả 5 lít mật ong và nó làm nên thành tưu hơn hẳn bọn ôm ấp lộ trình và kêu rên ư ử.