Mình hiện tại đang làm ở một startup trẻ khỏe đã tồn tại được hơn 3 năm, chắc cũng gọi là tự tin bảo rằng đã qua giai đoạn trứng nước - cái thời gian mà phải nói rất nhiều startup khác không còn nở được nữa.
Giới thiệu qua thì mình tốt nghiệp ngành kiểm toán nhưng sau gần 2 năm lăn lội với nghề này, thì lại nhảy qua làm marketing tại startup kể trên, quanh đi quẩn lại cũng được một thời gian rồi đấy. Tuy thời gian không ngắn cũng chả dài nhưng mình đã vấp qua rất nhiều biến cố và thăng trầm, để hôm nay có thể nói rằng đây là nghề mình sẽ tiếp tục gắn bó. Còn tương lai thì không nói trước được à nha.
Hoặc biết đâu có thể bạn đọc xong bài này thì lại chuyển hướng sang ngành khác không phải marketing. Cái này mình không chịu trách nhiệm được :)) Mình còn nhảy ngành được thì bạn cũng nhảy được
Bài này là góc nhìn thực tế từ một đứa làm digital marketing như mình, biết đâu sẽ cho bạn một điều gì đó thú vị khi sẽ và đang đi theo con đường này. Là một marketer tay ngang thì quá trình dưới đây là những giai đoạn oái ăm mình đã phải tự mình trải qua.

1. Nghĩ là khó nhưng thật ra khó vãi linh hồn

Thật ra vào hồi năm 3, 4 đại học có đi làm marketing rồi, những công việc chính là đi phát tờ rơi, telesale, canh inbox, viết bài, chạy quảng cáo rồi được trả lương thôi. Nghe có vẻ đơn giản vì chỉ biết bảo gì làm nấy thôi, nghĩ marketing cùng lắm giống bán hàng thôi. Giờ nghĩ lại chả khác việc tay chân là bao vì không dùng não nhiều.
Mới bắt đầu làm tại đây thì việc đầu tiên mình làm đó là lên kế hoạch :)) Cái mà trước đây chưa từng làm. Biết là nó sẽ khó, nhưng khi làm xong mới thấy mình làm ảo tưởng thật sự. Nói chung là một bản kế hoạch mà không có mục tiêu, không có chi tiết công việc, không có thời gian thực hiện, không phân bổ nguồn lực. Nếu đưa cho bạn xem thì không khác gì một cái brochure về tổng quan ngành marketing.
Đương nhiên làm xong thì phải làm lại rồi. Và như bạn cũng đã biết thì các lần sau cũng như thế, có tốt hơn cũng chỉ tốt hơn chút chút :)) Chả thay đổi là bao với lần đầu. Thôi sai mới có đúng. Ngu part 1
Thật ra nếu chỉ tự nhìn vào bản kế hoạch của mình thấy nó hay vãi. Cảm thấy mình biết nhiều, kế hoạch như một master plan và nó chắc chắn sẽ vận hành đúng như mình vẽ ra. Trong khi mình chưa thực thi bất cứ cái gì trên plan đó :)) Tất cả những thứ trên bản kế hoạch mình lập ra là có từ việc … mình search Google: “Cách lập kế hoạch Digital Marketing từ A-Z”. Nghe quen nhỉ.
Nhưng cũng đúng thôi, cái gì không biết nếu không hỏi được ai thì chỉ biết hỏi Google thôi. Cái vấn đề ở đây việc tìm kiếm không sai, cái sai của mình là áp dụng kiến thức một cách RẤT máy móc không hiểu bản chất vấn đề cũng như tình hình hiện tại của công ty.
Mình nhận ra được sai nhiều hơn nữa là khi chính mình là người thực thi cái bản kế hoạch tự mình vẽ ra. Nói thật là lúc đó nghĩ sao ngu đi tự vẽ việc cho mình làm chi để rồi không việc nào ok hết :)). Ngu part 2.
Chưa kể đến việc mỗi đầu công việc mình tiếp xúc mặc dù nó không lạ nhưng nói thẳng ra để vận hành cho nó đúng thì không làm được, khó vãi. Đọc cả hướng dẫn rồi vẫn làm không xong. Ngu part 3
Bản kế hoạch cùng KPIs quật cho mình lên bờ xuống ruộng, lúc này nghĩ không có kế hoạch cũng ko được, không có cũng ko xong. Hết đường lùi thì phải ngậm đắng đi tiếp thôi.
Cái lúc chuyển ngành đã quyết tâm làm cho tới, cho nên vẫn phải tự nhủ cứ cố gắng hết sức xem mình làm được bao nhiêu :)) Giờ nghĩ lại thấy lì phết nhưng cũng tự biết ơn bản thân về điều này.

2. Tưởng là hiểu nhưng là hiểu sai

Một vấn đề khi xảy ra thì mình chỉ nhìn ở bề nổi. Không nhìn rõ vào bản chất vấn đề đó thực sự nằm ở đâu. Điều này rất vớ vẩn ở chỗ mặc dù mình tưởng là hiểu vấn đề rồi nhưng thật ra không, lỗi sai lần thứ 2 có vẻ khác lần thứ 1 nhưng về bản chất chúng tương tự nhau. Chỉ đơn giản bởi vì mình chỉ suy nghĩ là giải quyết vấn đề đó ngay và luôn chứ không ngồi lại suy nghĩ mình sai thật sự nằm ở đâu.
Ví dụ cho bạn dễ hiểu nhé: Một thiết kế, một content chuẩn nó không những phải đẹp, phải hay mà nó còn phải đúng với thông điệp cốt lõi mà công ty muốn truyền đạt, tiếp cận đúng khách hàng mong muốn. Nếu chỉ đánh giá bề nổi như tỷ lệ like, comment, share thì nó sẽ không bao giờ giải được đúng bài toán mà mình muốn hướng đến. :)) Cứ nhằm tương tác tốt tưởng là ổn, sau này mới biết được là khách hàng mình hầu như chả tương tác với content trên page.
Hoặc là đối với những công cụ mà mình sử dụng. Việc sử dụng những chức năng cơ bản thì chỉ cần đọc qua hướng dẫn là ai cũng có thể làm được. Nhưng để thật sự sử dụng thành thạo được chúng thì phải sai rất rất nhiều lần chứ không phải chỉ làm cái cơ bản là xong, và những cái ngu này đánh đổi bằng thời gian lẫn tiền bạc … của mình và công ty.
Chỉ với một vấn đề đơn giản tưởng chừng như: Gửi email. Nhưng để gửi một email hiệu quả thì nó bao gồm rất nhiều yếu tố mình có thể kể ra như: Tiêu đề hay, nội dung chuyển đổi cao, thiết kế đẹp, không vào spam, promotion, gửi đúng địa chỉ, cá nhân hóa email, giảm tỷ lệ đánh giá xấu email từ mail service,...
Tư duy công cụ là khi gặp một vấn đề mà một công cụ cụ thể nào đó không giải quyết được tức là không làm được (ở đây bị giới hạn bởi tính năng của công cụ, đây là tư duy của mình lúc trước). Tư duy một marketer đúng là khi gặp vấn đề thì tìm giải pháp - chắc chắn sẽ có công cụ phù hợp giải quyết được vấn đề đấy (ở đây công cụ sẽ không bị giới hạn) - Boss chia sẻ :))
Câu chuyện này để nói thì còn rất nhiều thứ xung quanh nhưng chỉ có thử nhiều và có sự tương tác với nhiều người mình mới nhận ra được sai ở đâu mà sửa. Chứ tự mình nhìn thì có đến mùa quýt cũng khó mà thấy được.
Giống như câu: Ếch ngồi đáy giếng - đây là tình trạng của mình trong thời gian này. :)) Tưởng mình hiểu vấn đề nhưng hóa ra là không hiểu tý gì sất. Mức độ ảo tưởng sức mạnh vẫn không giảm đi trong thời gian này 
Điểm này có cái lợi là mình vẫn nhiều năng lượng để chiến tiếp. May mắn có Boss cho biết mình là ếch không thì bây giờ chắc giờ vẫn ngồi dưới giếng.

3. Thử sai nhiều là hay nhưng thử nhanh còn hay hơn

Sau một quá trình ảo tưởng mình dần dần nhận ra những công việc mình phải làm rõ ràng hơn. Công việc mình đóng vai trò gì trong hệ thống vận hành của công ty. Chắc có lẽ đến lúc này mình mới có thể nói là mình hiểu marketing là gì. Nhưng để mà nói là biết đến đâu thì chắc cũng mới chỉ là một góc nhỏ trong lĩnh vực rộng lớn này.
Thời gian này mình cũng phải thử những mảng mới mà chưa bao giờ làm. Làm việc ở một startup hay một công ty lớn đều cho mình những trải nghiệm khác nhau hoàn toàn (trước đây mình từng làm công ty lớn rồi). Ở một startup là một môi trường mình được phép thử sai, thử nhiều, thử … đốt tiền :)) Sau quá trình này mình đã học được cách để tiếp cận một kiến thức mới một cách logic hơn, hiệu quả hơn và nhanh hơn.
Nói qua cũng phải nói lại đương nhiên khối lượng công việc không phải là ít, để mà làm tốt không còn cách nào khác là làm nhiều rồi cải thiện dần dần năng lực của bản thân.
Qua một quá trình vật lộn những việc cũ lẫn những việc mới thì mình thấy lời khuyên của Boss đúng: Luôn tìm cách để sai nhanh hơn :)). Vì kiểu quái gì mình cũng làm sai vào những lần đầu không chỗ này thì chỗ kia (đây là nói trên quan điểm cá nhân của mình, còn những bạn giỏi thì mình không bàn tới). Ở startup có một cái quan trọng là tính linh động, nếu không thay đổi kịp thời thì rất khó có thể cạnh tranh với những đối thủ khác ở cái thời đại cái gì cũng “fast food” như thế này. Ai không có khả năng thích nghi cao thì người đó sẽ đi rất chậm hoặc thậm chí là dừng luôn.
Mình đã tự học, tự thử, tự vả nhiều lần để có thể lặn lội trong thế giới của các marketer này. Học hỏi luôn luôn tốt, nhưng học mà không có nền tảng, cái căn bản thì rất dễ té sấp mặt. Có rất nhiều khóa học, nhiều thầy, nhiều hội nhóm về những kiến thức tưởng chừng như đại trà này. Mình không đánh đồng tất cả là không tốt, nhưng đa số những lời khuyên khi mình nhận được mình phải cẩn thận đánh giá phân tích trước khi áp dụng vào thực tế.
Những tips, trick, thủ thuật mình đều muốn biết và sử dụng nhưng khi không xác định rõ mục tiêu mình là gì. Nếu không, sử dụng chúng không những không có tác dụng, mà còn tác dụng ngược nữa cơ. Mình đã ăn bả nhiều khi áp dụng chỉ vì nghĩ rằng mình “khôn” hơn người khác, zừa lòng lắm :)) Nhưng không sao có sai mới có đúng được. Nên sai nhiều và nhanh hơn.

4. Làm ít nhưng hiệu quả tốt còn hơn tham làm nhiều

Trong quá trình thử sai thì mình muốn thử nhanh cho nên mình khá tham khi ôm đồm cho mình nhiều việc, để rồi không thấy công việc nào hiệu quả tốt. Về công việc không những không hiệu quả cao mà còn ảnh hưởng đến tâm lý cũng như năng lượng của bản thân khá nhiều. Khi làm việc mà không thấy kết quả thì stress quá sao đùa được :)) Ai cũng thế phải không nhỉ.
Khi mình làm nhiều việc vấn đề không hiệu quả đến từ việc bản thân không kiểm soát được đầu việc, cũng như việc kinh nghiệm cần để vận hành tốt ở mỗi đầu việc không phải ít (đây là nói là vận hành tốt chứ chưa nói đến việc hiệu quả cao nhé). Khi xảy ra một vấn đề ở một đầu công việc thì sẽ ảnh hưởng tới các công việc khác đang phụ trách, thành ra ảnh hưởng tới cả team luôn.
Vì bản thân mà ảnh hưởng tới người khác thì cũng tự nhột chứ :)) Không còn cách nào khác là tìm ra vấn đề nằm ở đâu và giải quyết nó thôi. Nhưng làm nhiều trước đối với mình không phải không tốt, mình có được cái nhìn tổng quan hơn giữa các kênh marketing khác nhau. Điểm lợi thế, bất lợi ở từng kênh. Có một cái quan trọng sau quá trình này đó là dữ liệu, qua dữ liệu mình có thể biết được cách nào hiệu quả, đối tượng nào phù hợp, nội dung nào đúng insight,...
Sau khi đánh giá lại thì mình bắt đầu hạn chế lại phạm vi công việc để tập trung công sức vào ít việc hơn nhưng đem lại hiệu quả tốt hơn. Mình thấy mỗi một cá nhân trong công ty mà có thể phối hợp được với những người khác trong công ty thì lúc đó mới thấy hiệu quả cao được. Vì vậy môi trường phù hợp là một trong những yếu tố rất quan trọng đối với sự phát triển của mỗi người.
Dần dần khi mình kiểm soát tốt hơn công việc và thấy được hiệu quả mang lại thì bản thân cũng thoải mái, tự tin hơn nhiều. Vẫn là nên tham rồi mới biết mình không nên tham, hy vọng bạn đủ can đảm để vượt qua cám dỗ :)) Cuộc sống này thú vị phết.

5. Trải nghiệm nhiều để biết mình đứng ở đâu

Mình đã trải nghiệm qua nhiều nền tảng của digital marketing trong một thời gian ngắn: từ Facebook, Insta, Email, Google, Youtube cho đến Website, Blog, Data, Analytics, Tools,... Điều này đã giúp ích cho mình rất nhiều cho tư duy, suy nghĩ của bản thân.
Nếu như trước đây mình chỉ là một con ốc nhỏ trong cả bộ máy rộng lớn thì ở đây mình được làm những việc mình thích, được thử những điều mình muốn, được sai những công việc lần đầu. Điều mà mình không có được ở những nơi rập khuôn, gò ép theo một quy chuẩn đã được xây dựng sẵn. Có thể điều này sẽ phù hợp hơn với mình sau này nhưng hiện tại thì không.
Một bài toán marketing không những có nhiều cách giải mà còn có nhiều đáp án khác nhau, tùy từng thời điểm, tùy từng cách tiếp cận. Dù kết quả nào thì mình luôn nhìn vào điều tích cực hoặc nếu có tiêu cực thì mình sẽ tìm hiểu vấn đề để giải quyết và cho bản thân những kinh nghiệm đáng nhớ cho lần sau.
Khi mình đọc lời khuyên hay học kiến thức của những người khác thì nếu không áp dụng vào thực tế thì sẽ quên luôn :)) Phí vãi. Không những là quên mà mình còn không biết liệu những kiến thức đó liệu có đúng, liệu có phù hợp với vấn đề mình đang giải quyết hay không. Cái này giống như tư duy phản biện, khi bản thân không đủ cứng thì dễ bị cuốn theo chiều gió lắm.
Mỗi bài toán đều có lời giải của nó, cái quan trọng là mình có muốn tìm cách giải nó hay không thôi. Trước đây mình khá ngại khi tiếp cận với cái mới, nhưng từ khi thử cho mình một thử thách về một mảng mới thì mình thấy nó không đến nỗi quá khó khăn. Từ đó trở đi dần dần mình lại dám thử sai nhiều hơn, sau mỗi lần như vậy đều có những bài học quý giá mà chỉ có trải nghiệm thực tế mới có được.
Đây cũng là thời gian mình mới bắt đầu định hình được con đường sự nghiệp mình mong muốn là gì trong thời gian sắp tới. Mình nhảy ngành là do sở thích muốn thay đổi cái mình muốn, chứ lúc đấy chưa có định hình rõ ràng gì cả. Trải qua một thời gian sấp mặt thì bắt đầu mới làm chủ được bản thân. :)) Mình không biết thời điểm này có muộn hay không nhưng mình đang vui vì điều này.
Sẽ còn những giai đoạn tiếp của câu chuyện nhưng đến đây là giai đoạn hiện tại mình đang đi trên con đường này.
Có khá nhiều bài học mình rút ra được cho bản thân trong khoảng thời gian này. Mình thấy cái quan trọng nhất vẫn là bản thân có một môi trường phù hợp để phát triển, đồng nghiệp và sếp đã cho một đứa lơ ngơ như mình thử sai và hoàn thiện từng ngày cho đến bây giờ. Ai cũng sai nhưng để sai nhiều không phải ai cũng muốn, có người hỗ trợ vẫn sẽ tốt hơn.
Một điểm mình thấy có hiệu quả đối với bản thân là không ngại việc gì, kể cả việc mình không biết. Cá nhân mình khá liều khi nhận những gì được yêu cầu mà còn chưa biết phải làm thế nào (à, đương nhiên mình không nhận hết, có những việc ngoài phạm vi mình sẽ từ chối). Có lẽ tính cách này giúp mình không ngại sai sót trong quá trình làm marketer.
Câu chuyện trên là của mình cũng có thể là của bạn, bạn có thể viết tiếp câu chuyện này hoặc tự viết nên câu chuyện của chính mình.
Marketing nó hoàn toàn không chỉ gói gọn là làm truyền thông quảng cáo - đối với mình nó là thử thách, nó là một công việc, là một cuộc sống thú vị. Làm việc như là tận hưởng từng khoảnh khắc trong cuộc sống thì còn gì bằng nhỉ. Tất cả mọi sự vật, sự việc đang diễn ra hiện nay với mình nó đều là marketing hết. :))
Nghe chém gió phết so với một đứa chỉ ngồi làm về mảng kỹ thuật trong marketing này nhỉ. Nhưng không sao, thêm một góc nhìn khác lạ mình nghĩ có thể giúp bạn nhìn thêm được điểm hay về nghề này thì sao - mục đích của mình đã đạt được rồi nhỉ.
Ai đang muốn phát triển sự nghiệp theo ngành này và thích môi trường như trên thì thử cho bản thân cơ hội xem nhé, nếu muốn hãy chủ động :)) Biết đâu lại tìm được chân ái ở cuối con đường giống như mình thì sao.
Hy vọng bạn tự tin hơn trên chặng đường trở thành một marketer xịn sò như Seth Godin (mình thì fan của Neil Patel) :)) Nếu có thời gian mình sẽ chia sẻ kỹ hơn về vấn đề kỹ thuật và phân tích dữ liệu trong quá trình làm việc.
Chia sẻ từ một nông dân digital chính hiệu
From Cường Dizi
Facebook: CuongNC.Digital