Hẳn ai cũng biết đọc sách có rất nhiều lợi ích đối với trẻ em. Nhưng làm sao để khuyến khích trẻ em đọc sách từ khi bé mới 2-3 tuổi? Dưới đây là 5 cách đơn giản mà mình đã áp dụng để giúp bạn Bông (sắp 3,5 tuổi) có được niềm hứng thú và yêu thích đọc sách từ nhỏ. Chúng mình cùng xem nhé!
Ảnh: pexels.com
Ảnh: pexels.com

1. Làm giá sách và không gian đọc sách cho trẻ 

Mình sắm một giá sách cho Bông từ hồi Bông còn ẵm ngửa chỉ biết ăn với ngủ. Đơn giản đó chỉ là kệ sách bày ngang cao ba tầng bằng gỗ. Vì đã mua rất nhiều sách cho Bông trước đó, mình muốn bày chúng lên để con được… ngắm “tài sản” của mình trong quá trình lớn lên mỗi ngày :”> Được “lạc” vào thế giới muôn màu rực rỡ của những hình ảnh dễ thương không phải thật tuyệt vời sao? Với các bạn bé bé, mình nghĩ một tủ sách xinh xinh như vậy là tốt rồi. 
Có thể bạn nghĩ, trẻ nhỏ xíu thì biết cái gì?! Nếu là một người mẹ, hẳn bạn sẽ nhận ra con mình đã và đang thay đổi, phát triển từng ngày cả về thể chất lẫn trí tuệ. Trên thực tế, trẻ lớn nhanh hơn chúng ta tưởng. Có những điều người lớn cho là quá sớm, quá tầm đối với trẻ, dẫn đến việc chúng ta ngăn cản, không dám cho trẻ tiếp xúc. Theo Ibuka Masaru, nhà nghiên cứu giáo dục nổi tiếng Nhật Bản kiêm cha đẻ của tập đoàn Sony, bố mẹ đang đánh giá thấp và lãng phí khả năng phát triển của bé.
Đối với trẻ lớn hơn, nếu có không gian trong nhà, bố mẹ có thể dành ra một góc bày biện cho con đọc sách. Ngoài việc bày tủ sách, hãy cho con thêm ghế hay đệm ngồi và cả bàn học có kích cỡ phù hợp với trẻ. Sự kết hợp màu sắc và các đồ vật như gối dựa hay gấu bông cũng khiến cho không gian đọc sách trở nên thân thiện và hấp dẫn hơn với con. Chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy thích thú và tự hào khi được “sở hữu” một không gian đẹp đẽ và đáng yêu như vậy trong nhà đấy.

2. Chọn sách phù hợp với trẻ ở mỗi giai đoạn

Từ khi biết sắp sửa có Bông, mình đã rất háo hức tìm mua… sách cho con, gọi là sưu tầm dần (hihi). Khi xem sách, mình chú ý đến hình ảnh và màu sắc sách truyện sao cho phù hợp với trẻ theo sự phát triển ở từng độ tuổi. Hồi Bông còn sơ sinh, mình chọn sách bìa giấy cứng đen trắng hoặc có màu nhưng đơn giản; sách có các chất liệu vải khác nhau để bé sờ cảm nhận; sách vải để bé tập cầm nắm và kêu “xột xoạt”… Lớn hơn chút xíu thì sách kéo, lật, truyện Ehon…. Ngoài ra, mình cũng quan tâm đến một số yếu tố sau khi tìm sách.
Thứ nhất, về nội dung, từ ngữ sử dụng trong truyện (liên quan đến chất lượng và sự ảnh hưởng của nó đối với trẻ nhỏ). Đôi khi chúng ta nghĩ rằng sách trẻ em hiển nhiên phải có nội dung và ngôn từ phù hợp với trẻ rồi. Thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Bộ truyện Chuột Típ là một ví dụ điển hình. Mình đã mua lẻ quyển Sinh nhật của chuột Típ và đọc cho Bông. Nhìn chung, mình thấy câu chuyện cũng dễ thương và kết thúc có hậu (mặc dù vẫn có chi tiết mình không đồng tình về quan điểm giáo dục).
Tuy nhiên, khi biết đến các cuốn khác trong bộ chuyện này, cùng với bài đánh giá của mẹ Tee Bros và quan điểm của mình về những sai lầm trong việc nuôi dạy con, mình đã không dám mua thêm tập truyện khác. Như vậy, không phải cứ bộ sách truyện bán chạy, có tiếng đã là “an toàn”, có chất lượng tốt. Nếu bản thân bố mẹ không thể “kiểm duyệt” chất lượng cuốn sách trước khi trao nó cho con, ai có thể đảm bảo được lợi ích của việc đọc sách như “lời đồn”?!
Thứ hai, về số lượng chữ. Hồi đầu mới mua sách, mình có xu hướng mua sách truyện nổi tiếng với hình ảnh, màu sắc bắt mắt bên ngoài. Nhưng đến khi đọc truyện cho con, mình mới nhận ra là nên chọn sách ít chữ. Mỗi trang chỉ cần 1-2 dòng là vừa phải. Có thể con vẫn sẽ nghe nếu mẹ dừng ở mỗi trang để đọc hơi lâu. Song, bản thân mẹ đọc sẽ rất mệt, còn trẻ sẽ mất dần sự tập trung, chú ý. Thậm chí, một số cuốn sách quá “nhiều lời” khiến câu văn bị dài dòng, lê thê. Ít mà chất thì vẫn tốt hơn “tràng giang đại hải” chứ nhỉ.

3. Tạo thói quen cho trẻ em đọc sách mỗi ngày

Dễ nhất là tối trước khi đi ngủ, bạn hãy dành ra 15-20 phút để đọc sách với con. Thường mình sẽ bảo Bông tự chọn sách truyện, xem con muốn đọc quyển nào trước. Nếu có nhiều thời gian, hai mẹ con sẽ đọc ba hoặc bốn quyển. Hôm nào ít thời gian, mẹ sẽ “mặc cả” xuống chỉ một hoặc hai quyển. Cứ đều đặn thành thói quen như vậy trước khi đi ngủ, bạn sẽ không phải cố nhớ nữa bởi dần dần chính con sẽ là người nhắc bạn, hihi.
Còn nếu muốn bé đọc nhiều hơn, mẹ có thể kết hợp đọc ban ngày cho bé và chia nhỏ mỗi lần đọc có khi chỉ 5-10 phút. Hãy cho trẻ ngồi vào lòng bạn hoặc ngồi sát bên cạnh và đọc từ tốn, diễn cảm, cùng với cảm xúc trong giọng nói và biểu cảm trên khuôn mặt. Đôi khi, trong lúc đọc truyện, mình thấy Bông quay lên “xem” mẹ. Có thể vì mình thay đổi giọng nói hoặc thể hiện nét mặt (cho hợp nhân vật). Việc bạn ấy cứ nhìn mẹ chứng tỏ mẹ đã… thành công khi giúp sách “tái tạo” nhân vật như phim 3D sống động rồi nhỉ, hihi (hic).
Ảnh: unsplash.com
Ảnh: unsplash.com
Hồi Bông còn chưa biết ngồi biết bò, thỉnh thoảng rảnh, mình hay nổi hứng lấy sách ra đọc cho con. Dù đó là truyện của con hay sách của mẹ, miễn là không có từ ngữ hay nội dung “cấm kỵ”, mình đều mở ra đọc to cho Bông nghe. Mình coi đây là cách để con “tắm” trong ngôn ngữ (tiếng Việt hay tiếng Anh), luyện kỹ năng nghe và làm tiền đề cho kỹ năng nói. Hơn nữa, văn viết thường có ngôn ngữ chuẩn chỉnh, bài bản hơn văn nói nên được nghe thường xuyên cũng là điều tốt cho con. Trẻ cũng có thể làm quen với việc đọc sách từ sớm như vậy.

4. Kết hợp ngôn ngữ cơ thể, game và bài hát 

Trong năm phương pháp mình đề cấp ở bài viết này, đây là một phần không thể thiếu để có thể khuyến khích trẻ thích thú đọc sách hơn. Việc đa dạng hoá các hoạt động liên quan giúp hành trình đọc sách thêm thú vị và hấp dẫn đối với trẻ. Nếu trong lúc đọc sách, chẳng may bố mẹ có thấy… buồn ngủ thì việc thay đổi không khí bằng các hoạt động bổ trợ cũng giúp cả nhà thoải mái và vui vẻ hơn đấy.
Hồi chưa đầy 2 tuổi, có một đợt Bông rất thích đọc truyện chú chó Biscuit. Trong truyện có đoạn chú chó muốn cô chủ ôm và thơm một cái trước khi đi ngủ… Thế là mỗi lần đọc đến đoạn đó, mình sẽ quay ra ôm Bông một cái, rồi thơm Bông một cái. Từ đó về sau, Bông luôn nhớ và biết trước mình cần làm gì để “hợp tác ăn ý” với mẹ. Hoặc bộ sách Momo có truyện Momo tập sumo. Thế là mẹ và Bông cũng đứng dậy giơ chân (nhẹ nhàng) theo. Vậy là con được đọc sách đa giác quan, sử dụng thính giác, thị giác và vận động tay chân nữa. 
Đôi khi mình đọc truyện cho con theo theo một cách mà chính mình cũng không hề biết trước. Đó là mình… hát truyện, là những cuốn sách Bông đã đọc khá quen rồi. Hôm đó không hiểu từ đâu, thay vì đọc như bình thường, mình cao hứng… hát theo một giai điệu bài hát nào đó. Khỏi phải nói, Bông rất khoái và bắt mẹ hát hết truyện này sang truyện khác, hát mấy hôm liền. Đôi khi mẹ còn nghêu ngao giai điệu… tự chế, con thì cười nắc nẻ. Đó là ví dụ của “bình cũ rượu mới” giúp bé thêm thích thú khi đọc sách.
Nếu trong quá trình đọc truyện, bạn cảm thấy con mất hứng thú, hãy thay đổi một chút. Thay vì đọc nguyên si những gì có trên trang sách, bạn có thể đặt câu hỏi cho bé. Việc hỏi đáp để trẻ dự đoán hoặc nhớ lại câu chuyện sẽ giúp tăng tương tác hai chiều. Bé được nói, được tham gia kể truyện, dù đúng hay sai, cũng sẽ giúp không khí thoải mái, sinh động hơn. Đọc sách là một hình thức giải trí. Hãy để trẻ vận dụng trí tưởng tượng và các giác quan của mình nhé.

5. Không gây áp lực bắt trẻ “học hành” căng thẳng

Việc hỏi đáp trong lúc đọc truyện có thể cho thấy khả năng nghe hiểu, tiếp nạp kiến thức của trẻ. Tuy nhiên, chúng ta không nên đặt nặng kết quả “học tập” qua việc đọc sách, nhất là khi con còn nhỏ quá. Trẻ em rất nhạy cảm. Nếu bố mẹ tạo áp lực ép con phải học và nhớ một cách căng thẳng, có thể con sẽ mất hứng thú đọc sách và bố mẹ cũng mệt theo. Thay vào đó, hãy coi đây là một dịp để gắn kết sự yêu thương, giúp con thư giãn và phát huy sự sáng tạo của con qua những câu chuyện.
Bản thân mình hay tranh thủ đọc truyện tiếng Anh cho Bông. Mình coi đây là một cách giúp Bông làm quen với ngôn ngữ thứ hai một cách nhẹ nhàng và tự nhiên. Thế nên mình cũng không đặt mục tiêu là con phải nhớ được bao nhiêu từ mới trong sách, hay thuộc bao nhiêu câu văn. Đơn giản, mình chỉ đọc đi đọc lại những cuốn truyện con thích kết hợp các hoạt động đa dạng. Khi nào con chán, mình lại giới thiệu cuốn truyện mới cho con. Bởi có một sự thật thú vị là, theo “lí luận Ibuka” (sách Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn) thì:
lặp đi lặp lại là phương pháp tối ưu tạo hứng thú cho trẻ.
Ibuka Masaru
Mặc dù thích đọc truyện, không phải lúc nào Bông cũng ngồi im chăm chú nghe mẹ đọc. Có những lúc bé chạy lung tung hay mải chơi cái gì đó, hờ hững với sách. Mình cũng không bắt bé ngồi im. Sau khi thông báo với Bông xong, mình ngồi cạnh con và đọc to truyện lên. Kiểu gì một lúc sau, Bông cũng tò mò quay sang mẹ hoặc ngó vào trang sách “hóng”. Trước khi mẹ kịp nhìn xem bạn ấy đang làm gì, Bông đã bỏ hẳn đồ chơi xuống và ra ngồi bên cạnh mẹ chăm chú nghe. Mình cứ nhẹ nhàng, bình thản thế nhiều khi lại “được việc” đấy các mẹ ạ, hihi.