Trước những lựa chọn quan trọng, có rất nhiều người vì sợ đưa ra quyết định sai lầm mà đứng im, buông trôi cuộc đời mình. “Đằng sau một quyết định lớn” hướng dẫn người đọc cách tìm ra lời giải cho mọi vấn đề hóc búa chỉ bằng 5 câu hỏi quyền năng. 
Trong cuộc sống, khi gặp một vấn đề hóc búa, chúng ta vẫn nghe những lời khuyên: Hãy làm theo lẽ phải, hãy làm theo những gì trái tim mách bảo, bám vào giá trị cốt lõi tốt đẹp… Những lý thuyết trên, thoạt đầu nghe thật cao cả, chí lý nhưng trên thực chất rất mơ hồ, không thể áp dụng vào mọi hoàn cảnh.
Tháng 12/1996, ở Mỹ có một xưởng may tên là Malden Mills gặp tai nạn hoả hoạn, cháy hoàn toàn. Chủ của xưởng, doanh nhân Aaron Feuerstein, khi ấy đã 70 tuổi. Ông Aaron đứng trước quyết định: Nên xây lại xưởng hay chuyển nhà máy sang khu vực châu Á, nơi có nhân công giá rẻ. Aaron Feuerstein cũng không biết liệu ở tuổi 70 ông có còn đủ sức để dẫn dắt công ty bước vào một giai đoạn mới nữa hay không.
Mặc cho tồn tại hàng đống câu hỏi bỏ ngỏ, những dữ liệu không thuận lợi, Feuerstein đưa ra quyết định nhanh chóng sẽ xây dựng lại nhà máy Malden Mills, cam kết thuê lại toàn bộ nhân công cũ. Feuerstein còn mạnh miệng tuyên bố sẽ tiếp tục trả lương cho công nhân trong thời gian xây dựng nhà máy dù họ không làm việc gì.
Quyết định này đã khiến Feuerstein trở thành vị anh hùng của nước Mỹ. Nhưng chỉ sau vài năm, nhà máy mới Malden Mills đã nộp đơn xin phá sản. Những tính cách tốt đẹp của Feuerstein như tận tuỵ, nhân ái đã không thể giúp được Malden Mills, mà ngược lại, đẩy Malden Mills vào con đường phá sản.
Joseph L. Badaracco, giáo sư dạy về đạo đức kinh doanh tại trường Harvard Business School, đã bỏ ra gần 20 năm cố gắng phát triển những công cụ hữu dụng và thực tế cho các nhà quản lý, lãnh đạo khi họ đối mặt với các vấn đề khó khăn. Badaracco dùng định nghĩa “vùng xám” để gọi tên những vấn đề phức tạp mà các nhà quản lý phải đối mặt, là nơi không dễ dàng phán xét đúng sai.
Bí kíp vượt qua vùng xám của Badaracco đã được bật mí trong cuốn sách “Đằng sau một quyết định lớn”. Không đưa ra một câu trả lời rập khuôn, tác giả khuyến khích các nhà lãnh đạo đi qua một quy trình chặt chẽ, giúp họ tự đưa ra câu trả lời riêng cho chính mình.
Năm câu hỏi lớn giải quyết mọi vấn đề hóc búa, gồm:
Hệ quả thuần của vấn đề là gì?Trách nhiệm cơ bản của tôi là gì?Kế hoạch hành động nào phù hợp với tình hình thực tế?Chúng ta là ai?Liệu có thể sống chung với quyết định này không?
Theo Badaracco, 5 câu hỏi trên bổ sung và hoàn chỉnh cho nhau, giúp người ra quyết định cân nhắc toàn diện mọi mặt của một vấn đề, tránh mắc phải sai lầm vì chỉ tư duy theo một lối mòn mà mình quen thuộc, như doanh nhân Aaron Feuerstein đã làm.
“Mỗi người đều tồn tại những lối mòn trong suy nghĩ và chính điều này sẽ dẫn đến khó khăn”, Badaracco viết, “Một số người suy nghĩ căn cứ vào hệ quả một cách tự nhiên, một số người luôn có cảm giác mang nặng trách nhiệm, những người khác thì tỏ ra thực dụng”. Vì vậy, tác giả khuyên mỗi người nên sử dụng cả 5 câu hỏi trên và chỉ đừng chỉ chọn những câu mà bản thân ưa thích.
5 câu hỏi này được chứng minh hiệu quả vì dựa trên kiến thức nền tảng về bản năng con người và mục tiêu chung của chúng ta trong cuộc sống. Kết hợp nhiều lý lẽ của các nhà triết học từ Đông sang Tây, nhiều mốc thời gian lịch sử nhân loại. Có thể kể đến nhà triết học Aristotle, Nietzsche, Khổng Tử, Đức Chúa trời Jesus, hay các nhà tư tưởng chính trị Machiavelli và Jefferson cũng như các nhà thơ, nhà văn đồng loạt xuất hiện trong cuốn sách.
Mặc dù ấn phẩm được coi là kim chỉ nam cho các nhà lãnh đạo, quản lý, nhưng bất kỳ ai gặp khó khăn khi đưa ra quyết định trong cuộc sống vẫn có thể áp dụng 5 câu hỏi trong “Đằng sau một quyết định lớn”.
NGUYÊN NGUYÊN