451 độ F, dù có bị đốt thì sách vẫn khơi gợi được tư duy!
Đốt sách, một hành động còn trên cả báng bổ với những kẻ tôn thờ tri thức như tôi và đồng loại của mình. Nhưng bàn tay tôi cũng đã...
Đốt sách, một hành động còn trên cả báng bổ với những kẻ tôn thờ tri thức như tôi và đồng loại của mình. Nhưng bàn tay tôi cũng đã từng nhúng chàm khi vứt hàng chục quyển sách mà tôi đã nâng niu và chiều chuộng và ngọn lửa đỏ rực của cái lò hóa vàng… Không phải trò đùa nghịch trẻ con hay bị thôi thúc bởi “chủ nghĩa độc tôn” như Tần Hoàng năm xưa, mà bàn tay tôi bị giục giã bởi một cơn điên cuồng của tâm trí, khi nó đang gào rú trút ra ngoài những phẫn nộ vô tri.
451 độ F (tương đương 233 độ C) là nhiệt độ tự bốc cháy của giấy, là tựa một quyển sách theo phong cách Phản Địa đàng của Ray Bradbury. Thế giới giả tưởng này là cơn mộng khủng hoảng của nhân loại khi tất cả người dân quay lưng, không, phải nói là tuyên chiến với sách. Nguồn cơn dẫn dắt của thái độ này là sức ảnh hưởng chi phối của truyền thông lên thị hiếu của người dân. Giới cầm quyền viện dẫn rằng tri thức và đại diện của nó là “sách” khiến cho người dân phải suy tư quá nhiều mà trở nên kém hạnh phúc, để từ đó sử dụng truyền thông theo chủ trương “nhanh – gọn – nhiều” để lấp đầy trí óc của người dân bằng những thứ rác rưởi vô bổ. Đồng thời, thúc đẩy người dân lấy vận động thân thể thay cho vận động trí óc để kiềm chế khả năng tư duy của người dân. Với những thành phần trí thức còn lại trong xã hội, họ bị bài xích và đối xử như những con hủi, những kẻ thần kinh không bình thường khi dám sở hữu và chứa chấp “sách” – một sản phẩm làm con người bất hạnh. Và đến tận cùng của sự chối bỏ, những người lính cứu hỏa ngoài đời thực bước vào tác phẩm và bị đảo ngược thành những người lính phóng hỏa, được giao một nhiệm vụ là đốt tất cả những quyển sách bị phát hiện công khai của giới cầm quyền.
Đốt sách, không chỉ là việc đốt đi một thứ vật chất cụ thể mà là sự hủy hoại tri thức trực tiếp nhất, đốt 1 quyển sách là đốt đi 1 câu chuyện, 1 cuộc đời, 1 trải nghiệm phong phú nào đó. Những người làm được việc đó, một cách đều đặn hàng ngày, hàng giờ liệu có còn được mấy phần nhân tính, hay chỉ là họ không hiểu giá trị của những thứ họ đang đốt. Và ngay cả khi họ không biết, liệu họ có tò mò với câu hỏi vì sao mình phải đốt sách, chúng có gì bên trong để bị đốt? Guy Montaq đã khởi nên những suy tư như thế và đã “phạm tội” lưu trữ những quyển sách mà đáng ra anh phải đốt. Để rồi từ chúng, những suy nghĩ hoài nghi sinh ra trong anh, rồi bùng nổ ra như thác nước, đối chọi với ngọn lửa mà anh phun ra từ vòi xịt dầu hỏa hàng đêm, rửa sạch tâm trí và biến anh thành một người khác, một người biết tư duy và là vệ thần của sách. Có lẽ thử thách lớn nhất mà anh phải vượt qua sau tất cả, cũng như những kẻ tôn thờ sách khác như tôi, đó là sự cô đơn.
Thế gian đục cả, chỉ mình ta trong. Mọi người say cả, chỉ mình ta tỉnh…
451 độ F được xuất bản lần đầu ở Mỹ và tầm 70 năm về trước, và tôi phải sợ hãi cái viễn kiến của tác giả về các ảnh hưởng của chủ nghĩa vật chất và truyền thông định hướng lên tư duy và văn minh của nhân loại. Nếu Ray có thể đội mồ sống lại vào thời đại TikTok hiện nay thì cũng chỉ có thể nhún vai, lắc đầu rồi nhanh chóng bảo tôi chỉ chỗ cho ông quay về cái nghĩa địa ông đang nằm.
Quay lại với câu chuyện ở đầu bài, cơn điên nào đã đẩy tôi đến cảnh đốt sách của chính mình. Tôi gọi nó là cơn mê sảng của tri thức, khi tôi cố gắng tiếp nhận quá nhiều kiến thức (cả thuận chiều và trái chiều) vào tâm trí của mình, tôi trở nên kiêu căng với đống kiến thức hão huyền và quan trọng hơn, tôi quá chấp niệm rằng kiến thức đó nó phải có ích cho cuộc đời, cho việc tạo dựng sự sung túc của tôi, và tôi tẩu hỏa nhập ma!!! Và thế là khi thoát khỏi cơn điên loạn của tâm trí, tôi tống hết 1 loạt sách vào lò lửa (Đắc Nhân Tâm là quyển tôi lựa đầu tiên). Để rồi, phần nào đó trong tôi mất mát, nhưng có lẽ giống như Lão Tử Đạo Đức Kinh viết: “Đạo trời là lấy bớt chỗ thừa mà bù cho chỗ thiếu”, vứt bỏ những thứ u uẩn đi thì tâm trí tôi thanh tịnh, sáng rõ hơn, cái bể tâm trí của mình đã không mất đi mà còn rộng thêm ra, đặng tiếp nhận thêm nhiều kiến thức mới, mà cái sự chấp mê vào kiến thức cũng giảm đi khá nhiều. Vậy tôi giống hay không giống Guy Montaq, anh đốt sách rồi tỉnh ngộ, tôi tỉnh ngộ nên đốt sách…
Hiếu Nguyễn
02/01/2024.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất