Chiều tắt nắng, cầm cuốn sách trên tay mà lòng lay lay suy nghĩ. 4 thỏa ước để giải phóng bản thân khỏi sự dằn vặt, tù túng, trả lại chúng ta sự tự do, tự tại phóng túng và thoải mái…
Nó tuy đơn giản nhưng vô cùng khó áp dụng, bù lại, hiệu quả nó mang lại là vô cùng lớn. Và nếu muốn làm người tự do, vô tư, hãy để 4 thỏa ước này làm kim chỉ nam dẫn đường trong mọi mối quan hệ, mọi lời nói hằng ngày.
1. Be impeccable with your words (Đừng phạm lỗi với lời nói của mình):
Không phạm lỗi với lời nói của mình có nghĩa là chỉ nói đúng những gì mình suy nghĩ, những gì mình thấy, mình hiểu chính xác nhất. Không phóng đại, không suy diễn, không bóp méo, không phán xét. Đừng bao giờ chê cười người khác bằng những khuyết điểm của họ, đó là cách làm họ tổn thương hơn bao giờ hết. Lời nói có sức manh khủng khiếp, nó có thể tâng bốc con người lên tận chín tầng mây, và chính nó cũng có thể dìm một con người xuống cả mười tám tầng địa ngục. Nhất là trong cuộc sống hiện nay, khi mà mạng xã hội phát triển quá mạnh, thông tin đến dồn dập liên tục, chúng ta sẵn sàng react một icon giận dữ hoặc buông những lời comment sỉ vả một người phụ nữ đập phá một tiểu thương đang cân thịt cho khách hàng nhưng họ đâu hề biết là người phụ nữ ấy không muốn người tiểu thương cân gian lận thịt cho khách nên mới đập như vậy…
Sự thật cho ta thấy, hầu hết trong mọi cuộc nói chuyện dù quá vui, phấn khích, hay quá buồn, giận dữ… chúng ta đều không thể làm chủ được lời nói của mình. Đôi khi vì vui quá, chúng ta sẵn sàng dùng những từ ngữ lời nói “đùa” quá giới hạn, làm “đã” cái miêng của bản thân, tạo niềm vui cho bản thân mà vô tình làm tổn thương người khác. Vì thế, từ lâu tôi quan điểm nói đùa vui là phải vui, và cả người nói vui và người nghe cũng phải vui. Chứ chỉ một trong hai người vui thì lời nói đùa ấy đôi khi đã đang âm thầm phản tác dụng trong tâm trí người không vui rồi. Trách nhiệm của lời nói là phải đúng mục đích, đúng giá trị, đúng thời điểm và đúng người.
Trường hợp thứ hai là khi chúng ta đang quá giận hoặc bực tức, những lời nói lúc này vô cùng nguy hiểm và cần được kiểm soát kỹ lưỡng. Cần phải biết được khi nào chúng ta có dấu hiệu bưc tức và phải có phương án giải quyết liền, ngay và lập tức. Ví dụ, hai người đang nói chuyện với nhau, đối phương trong lúc vui quá, vô tình buông ra một câu làm bạn khó chịu,và bạn đáp trả sư bực tức đó bằng một lời lẽ nặng nề hơn, và ban đối phương đang vui tự dưng nghe câu nặng nề từ bạn rồi người ta cũng giân hơn, và từ thế cả hai người đều bị tổn thương, sau này nếu có hòa bình lập lai rồi cũng vẫn còn bị rạn nứt, vì sức mạng quá lớn của lời lẽ…Vì thế, kiểm soát cơn giận, kiểm soát từ ngữ, phải có trách nhiệm về lời nói mình đã nói ra.

2. Don’t take anything personally (Đừng quy mọi chuyện về bản thân mình):
Đang ở trong toilet, tự dưng bạn nghe tên mình được nhắc đến trong cuộc hội thoại giữa hai đồng nghiệp cùng phòng với bạn. Họ nói bạn tệ mặt này, tệ điểm kia… vì vô tình nghe được nên bạn không thể chạy ra hay đi tìm hiểu vấn đề được, bạn tự hỏi bản thân: ‘Mình tệ đến vậy sao?, làm sao để mình thay đổi đây,..?” rồi bạn tự dằn vặt mình, bước ra khỏi toilet với vẻ mặt đăm chiêu, suy nghĩ, bạn không thể tập trung vào công việc được, bạn cũng không thể thân thiện được với mọi người xung quanh, bài báo cáo bạn nộp trong trạng thái lơ lửng, rồi bạn nhận lại một email dài nhắc nhở từ trưởng phòng, có Cc những người cùng team, bạn cảm thấy những lời mọi người nói về bạn là đúng, bạn thấy bản thân tệ hại hơn…
Để giải thoát mình ra khỏi mớ hỗn độn đó, bạn chỉ cần nghĩ đến thỏa ước thứ 2, đừng quy mọi chuyện về bản thân. Hãy nhớ rằng những lời của người khác nói chỉ thể hiện suy nghĩ, thế giới quan của cá nhân người ta mà thôi, bạn không có lỗi gì trong trường hợp này càng không có trách nhiệm để suy nghĩ quẩn quanh vì lời nói từ họ. Bạn nói bạn xấu, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là bạn xấu, họ nói bạn thất bại, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là bạn thất bại, họ nói bạn chậm chạp, không có nghĩa là bạn chậm chạp. Tất cả là vì quan điểm, góc nhìn của mọi người khác nhau, nên đừng bao giờ quy hết mọi chuyện về mình để mình hỗn độn, rối tung trong một mớ những lời lẽ tiêu cực về bản thân như thế. Và điều ngược lại cũng đúng, họ nói bạn tài giỏi, điều đó cũng không có nghĩa là bạn hơn tất cả mọi người, họ nói bạn là người thành công, điều đó cũng không thể hiện được gì cả. Vì thế đừng nghĩ những lời người khác nói là đúng, và đừng quy tất vả về mình. Bạn cứ làm đúng việc của mình, cứ làm tốt nhất, đừng quan tâm đến người khác đang nói mình tốt hay mình xấu. Tất cả chỉ là lời họ nói mà thôi,.. chả ảnh hưởng đến mình.
3. Don’t make assumption (Không suy diễn):
Như bài viết trước mình đã đề cập đến thực trạng suy diễn quá mức do sự ảnh hưởng quá tầm của công nghệ thông tin, do đó, việc này vô cùng nguy hiểm. Thỏa ước thứ 3 chính là không được suy diễn, phỏng đoán. Việc suy diễn phỏng đoán gây ra rất nhiều hiểu lầm. Một người bạn nói với bạn rằng bạn đừng mở tủ lạnh, bạn sẽ suy diễn là người đó đang có một bí mật gì đó muốn giấu bạn, làm bạn tò mò, suy diễn, trong đó liệu là gì??? Nhưng thực ra chỉ là tủ lạnh đang bị hư mà thôi. Việc người nói không rõ ràng làm cho người nghe phỏng đoán. Vì thế, khi nói chuyện, đừng nên nói úp úp mở mở, gây ra nhiều hiểu nhầm, từ đó dẫn đến nhiều tranh cãi, rạn nứt tình cảm. Người nghe cũng phải có trách nhiệm suy nghĩ mọi thứ tích cực hơn, không nên vì một lời nói mà suy diễn theo chiều hướng tiêu cực, vì một ánh nhìn mà phán người ta đang ghét mình, vì một cái cau mày mà nói người ta đang khó chịu với mình… để rồi tự chuốc vào mình những phiền muộn rằng mình đã làm gì sai…
4. Always do your best (Luôn làm một chuyện bằng hết khả năng của bạn):
Có một điều bạn nên nhớ là hãy cứ làm đi, cứ làm không mệt mỏi, không trì hoãn, không trách than thì sẽ có ngày bạn sẽ thành công. Hãy làm những điều tốt nhất, hãy giữ lửa bản thân mình duy trì tốt nhất. Đừng quan tâm đến lời nói của người khác nhiều quá, đừng suy diễn mọi thứ theo chiều hướng tiêu cực quá, và hãy luôn có trách nhiệm với lời nói của bản thân. Hãy giữ tâm mình tĩnh để chỉ tập trung vào con đường mà bạn chọn.
[SG08012017]-VHA (DHT)