4 tháng - 1.7M tim - 200k follows - Bài học xây tiktok của mình - Phần 2
Đến thời điểm bài viết này lên, con số thực tế đã là 2.1M tim, 236k follows và bọn mình có thêm 2 clip 4M views nữa rồi
Phần 1 mình đã nói về một thứ tối quan trọng của clip ngắn là INTRO rồi. Ở phần 2 này, mình sẽ tập trung vào triển khai nội dung. Cũng giống như một người xinh đẹp thì tất nhiên sẽ thu hút được nhiều sự chú ý ban đầu, nhưng cái để tạo nên giá trị của họ, hay quyết định có đồng hành được lâu dài hay không thì nhất định phải là NỘI DUNG.
1. Nội dung chỉ chiếm 20% thời gian triển khai của mình
80% kia mình đã dành cho khâu nghĩ đề tài và làm intro mất rồi. Thực ra khi bạn biết mình muốn làm gì rồi thì khâu thực hiện nó nhanh lắm. Dù sao thứ mình muốn làm cũng không phải phát minh ra cái mới, hay hái sao trên trời. Đơn thuần là tổng hợp lại kiến thức của nhân loại >> hiểu nó >> diễn giải lại nó một cách thật dễ hiểu cho phù hợp với tệp người xem của mình.
Nên mình đánh giá viết body dễ hơn intro.
2. Thế khó ở chỗ nào?
Có những clip mình triển body trong 2 tiếng là xong hết rồi, nhanh gọn lẹ. Tuy nhiên, thi thoảng có những cái mình viết trong vòng... 2 ngày vẫn chưa ưng. Và đây là một số lý do:
Vấn đề quá phức tạp để giải thích ngắn
Có những vấn đề mà mình bị tiếng thoái lưỡng nan:
>> Trình bày được đầy đủ, trọn vẹn thì nó sẽ dài, người xem sẽ oải, sẽ ít views.
>> Trình bày ngắn theo kiểu tiktok thì... lương tâm không cho phép. Cảm giác đem con bỏ chợ, đưa ra kiến thức mà không giải quyết ngọn ngành dễ dẫn đến người xem hiểu nhầm, hiểu sai. Nguy hiểm.
Nhưng vì mình tham và muốn thử thách bản thân. Nên vẫn cứ làm và ngạc nhiên là clip đó vẫn viral.
Cách của mình là
(1) Clear kiến thức: Mình tin là vấn đề chỉ phức tạp khi mình chưa thực sự hiểu thôi. Bạn có thấy mấy thầy giảng hay toàn là biến một mớ bùng nhùng trong sách thành cái gì đó rất nhẹ nhàng không? Vậy nên việc đầu tiên là phải clear lại kiến thức trong đầu mình. Thường thì với mấy nội dung mà giải thích của nó chằng chéo, hổ lốn, mình sẽ làm mindmap.
(2) Đặt kỳ vọng đúng: như series "Giải thích kinh tế vĩ mô" của mình chỉ đặt kỳ vọng cho người xem biết: Nó là cái gì thôi. Ví dụ clip giải thích về FDI mình được 4 triệu views, thời gian giải thích vào thẳng FDI là gì chắc được 30s. Không gian còn lại cho clip chủ yếu tập trung vào ví dụ thực tiễn, mối liên hệ đời sống. Hãy nhớ rằng một clip tiktok chỉ có thể tạo ra vết ngứa thôi, muốn gãi cho đã, người xem phải chủ động tìm hiểu thêm. Ít ra, mình đã giúp khán giải ý thức về cái họ chưa biết rồi.
(3) Chọn lọc: Vẫn là clip FDI bên trên, muốn hiểu thêm thì có cả đống thứ: tác động, lợi-hại, sự phụ thuộc, luật pháp, thực trạng nước ta... Giờ liệt kê lại thì đúng là mỗi vấn đề trên làm riêng 1 clip cũng được mà sao phải tham. Nhưng để hiểu rõ, mình vẫn buộc phải đọc hết các vấn đề xung quanh, cho dù sau có triển mỗi cái khái niệm đi chăng nữa. Vì mình sợ nếu không hiểu cặn kẽ, từ ví dụ cho đến lập luận sẽ có lỗ hổng. Giờ khán giả rất thông minh, content sáo rỗng cái họ phát hiện ra luôn.
Vấn đề gây tranh cãi
Bọn mình cũng là con người, đọc những comment toxic trên MXH cũng đau lòng lắm. Nhưng một vấn đề gây tranh cãi thì không thể tránh khỏi nhiều ý kiến, đôi khi là bằng ngôn từ chửi rủa, châm biếm, mỉa mai.
Thế nhưng, bạn có đồng ý với mình là có rất nhiều thứ không thể phân định đúng sai không? Và nó thú vị vì như thế.
Cách giải quyết
(1) Đưa ra trọn vẹn bối cảnh:
Ví dụ như clip về Tại sao miền Nam nhiều cao tốc hơn miền Bắc, trước khi lên bọn mình đã đoán chắc là sẽ chia 2 phe và cmt trào lưu Parky độc hại rồi. Thế nên không cẩn thận mà clip bị thiên lệch 1 miền quá sẽ khiến clip mang tính phân chia. Và bạn mà xem clip sẽ thấy dù miền nào thì bọn mình cũng phải đưa trọn vẹn bối cảnh, từ vị trí địa lý, cho đến cấu trúc địa chất.
(2) Hãy chấp nhận để mọi người tranh cãi: Đôi khi chính những tranh cãi lại giúp team mình hiểu ra được nhiều chiều hơn. Mà người xem cũng không bị điều hướng theo 1 quan điểm. Tranh cãi tốt mà, chẳng qua mình phải biết cách chọn lọc cái hay và loại khỏi tai những thứ độc hại thôi. Kỹ năng hấp thụ nội dung trong thời buổi công nghệ số cả đấy.
(3) Đặt một câu hỏi:
Nếu việc đưa ra kết luận A hay B sẽ tạo tính 1 chiều, cá nhân. Thì việc đưa cả A và B lại tạo cảm giác... ba phải. Cách mà bọn mình làm, là sẽ để phần kết luận cho khán giả.
Trick một chút: Nếu không muốn nói câu trả lời, hãy đáp lại bằng một câu hỏi. Nó vừa né được tình huống khó xử, vừa gợi mở cho mọi người comment.
3. Có nên thể hiện quan điểm cá nhân trong clip không?
Trước khi làm kênh, mình cũng nghe một vài nguồn chia sẻ về kinh nghiệm sáng tạo nội dung. Họ nói rằng chúng ta nên sharing quan điểm cá nhân trên đó, vì đó mới là cái riêng của bạn mà họ muốn follow, chứ nói nước đôi, nói dĩ hoà vi quý thì tìm trên mạng đầy. Và mình thừa nhận là việc nêu quan điểm cá nhân dễ kích thích comment hơn. Bạn nghĩ mà xem, trước một vấn đề có cả tá góc nhìn, quan điểm khác nhau. Mà mình lại chỉ nêu một quan điểm, chắc chắn những người có góc nhìn còn lại sẽ cảm thấy… khó chịu và muốn lên tiếng.
Tuy nhiên, 90% các clip của bọn mình đều KHÔNG nêu quan điểm. Trước hết là vì bọn mình… sợ cmt toxic, gây war, ảnh hưởng xấu tới thương hiệu kênh. Sau đó là kênh xây về kiến thức, mục đích giúp mọi người xem được nội dung học thuật một cách bình dân nhất, hay một sự kiện/vấn đề ngọn ngành nhất, đủ bối cảnh nhất. Nên bọn mình chọn cách cung cấp toàn cảnh, càng nhiều dữ kiện về 1 việc càng tốt, còn lại, nêu quan điểm đúng sai, tốt xấu, phải trái… để khán giả comment.
Đó là lý do mình hay đặt câu hỏi ở cuối cùng.
Cách này đặc biệt hiệu quả với các vấn đề về chính trị, xã hội vốn rất nhạy cảm.
4. Số liệu, dẫn chứng và nguồn:
Đó cũng là một trong những điều làm nên sự chỉn chu, uy tín và đặc trưng cho kênh Finpath.
Chúng ta đang sống ở thời đại không thiếu thông tin, thậm chí bội thực thông tin. Nhưng lại rất nhiều thông tin chính xác. Đến cả các trang báo mạng chính thống, đôi khi đọc xong mình còn cảm thấy nó đầy cảm tính. Và chính cái gap trong việc cung cấp thông tin chất lượng đó là chỗ cho bọn mình nhảy vào. Nó không khó, chỉ là hơi kỳ công thôi.
Có 3 thói quen mình hình thành khi viết kịch bản: (1) Trong mọi file kịch bản đều đính kèm link, được note lại cẩn thận cho bạn editor biết lấy khúc nào, số liệu nào, đồ thị nào… của các bài báo (2)đảm báo từng dẫn chứng hay thông tin đều lấy từ nguồn chính thống (3) Với các vấn đề quốc tế, ưu tiên đọc nguồn nước ngoài (Tuy nhiên có một số vấn đề nhạy cảm như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mình thấy đọc báo Tiếng Anh hơi mang tính một chiều, support cho 1 phía, chỉ ước biết đọc nốt tiếng Trung hoặc tiếng Nga).
Nhiều lúc viết xong một bài tưởng đâu như viết tiểu luận là vì thế.
5. Luôn nghi ngờ
Bạn đã bao giờ rơi vào tình trạng 1 vấn đề 2 báo nói khác nhau, cung cấp thông tin khác nhau chưa? Quá bình thường ở phố phường. Nhiều bài còn cẩu thả đến nỗi lấy nhầm số liệu, sai chính tả, viết lủng củng. Nên trừ các bài essay nguồn uy tín, do mục đích nghiên cứu ra thì mọi thông tin tiếp thu cần phải được check lại cẩn thận. Thành ra từ khi làm content cho Finpath, mình có thói quen tự hỏi: "Số liệu ở đâu ta", "Không ghi nguồn à?", "Người viết bài này có đáng tin không?"...
Chốt lại vấn đề này, là hãy luôn tạo cho mình sự hoài nghi khi tiếp nhận thông tin các bạn nhé. Kể cả kênh mình làm kỳ công thế, mà thấy nhiều bạn cmt phản bác lại hay quá trời, thế là mình phải lọc cọc đi tìm hiểu thêm ngay lập tức. Giá trị của việc nghi ngờ đó.
Rồi rồi, viết đến đây chưa hết mà mình lại thấy dài rồi. Chắc chắn phải làm Phần 3 thôi
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất