Cuộc đời là một quá trình tiến hóa và sinh trưởng. Đi kèm theo đó là mức độ nhận thức của con người cũng cần phải được nâng cấp theo thời gian. Là một học sinh lớp 1, bạn không thể cứ mãi ở lớp 1. Bởi vì cuộc sống không tiếp diễn vô hạn, nó chỉ gói gọn trong vài chục năm hay dài hơn là trăm năm. Trong khoảng thời gian đó, việc trau dồi kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm là điều cần thiết để có thể tốt nghiệp Đại học hay ít ra là tốt nghiệp ở một cấp bậc cao hơn.
Bài viết này viết ra, tôi không có ý nói những ai ở mức 1 là thấp, cũng như không nhận xét ở mức 4 là cao. Bởi vì, chúng ta có thể hiểu rằng, một sự thật ngoài cuộc sống là những người học bậc Đại học sẽ không bao giờ đi cười những người mới bắt đầu vào học lớp 1. Vì ai trong số chúng ta cũng phải trải qua những mốc thời gian phát triển từ từ như thế thôi. Điều tôi muốn hướng tới ở đây, chính là muốn các bạn hiểu rằng, cơ chế sinh tồn của con người tồn tại với nhiều tầng nhận thức và mục tiêu của chúng ta là phấn đấu để đạt được mức nhận thức cao hơn cho bản thân.
Lý do vì sao? Khi con người nâng cấp và đạt đến một mức độ nhận thức nhất định. Không chỉ về mặt tâm thức mà còn về cơ thể vật lý, chúng ta cũng sẽ cảm nhận được sự hoàn thiện và đủ đầy hơn.
Về tâm thức, bản chất gốc rễ của mỗi con người là yêu thương, thấu hiểu và cảm thông. Khi tầng nhận thức được nâng cao, nó giúp chúng ta tìm được về đứa trẻ vốn có bên trong, cội nguồn bản chất của chính mình. Thứ đã bị che lấp bởi bản ngã hay cái tôi của mỗi người, thông qua quá trình trưởng thành và lớn lên, chúng ta được rèn luyện phải mang trên mình bộ áo giáp hay một lớp mặt nạ để ngụy trang, đối phó với từng con người, hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống. Bên cạnh đó, khi ở trong tầng nhận thức cao hơn, sự trưởng thành về mặt tinh thần sẽ giúp bạn biết sống thế nào để bình yên, biết được cần phải nỗ lực, cố gắng đến khi nào là đủ, khi nào nên dừng lại để thực hiện điều gì được cho là xứng đáng và lớn lao hơn.
Cũng chính bởi sự trưởng thành về mặt tinh thần ấy, cơ thể vật lý của chúng ta, dưới sự điều khiển của sức mạnh nội tâm cũng có sự thay đổi tương ứng. Khi nhận thức còn ở tầng thấp, ta có xu hướng hành động theo bản năng, những thứ xảy đến với tôi không phải do tôi mà là do hoàn cảnh. Nhưng khi nhận thức phát triển lên tầng lớp cao hơn, bạn sẽ có xu hướng thả lỏng và nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc hơn. Những gì bạn suy nghĩ sẽ quyết định đến hành động của bạn, hành động sẽ tạo ra kết quả và kết quả đấy chính là công cụ tác động trực tiếp đến cơ thể vật lý của bạn. Bạn hiểu ý tôi chứ?
Những gì bạn suy nghĩ sẽ quyết định đến hành động của bạn, hành động sẽ tạo ra kết quả và kết quả chính là công cụ tác động trực tiếp đến cơ thể vật lý của bạn.
Lấy một ví dụ để dễ hình dung. Khi đặt ra một mục tiêu lớn trong công việc, bạn cố gắng tốt nhất để hoàn thành nó, với mong muốn tất cả mọi thứ đều phải chỉnh chu và thật hoàn hảo. Nhưng trong quá trình ấy, một sự kiện xảy ra khiến mọi thứ đi trật kế hoạch và không theo dự định ban đầu. Đó có thể là khách hàng không nhận lời mời hợp tác, người mà trong suy nghĩ, bạn chắc nịch rằng chỉ cần ngỏ lời là họ sẽ "say yes" ngay lập tức. Hay trong một chuỗi các bộ phận làm việc, từ khâu đề xuất ý tưởng, bàn giao đến các ban nhỏ để thực hiện. Nhưng một trong số những khâu ấy do làm việc sơ suất nên đã xảy ra sai sót, khiến cho dự án bị đổ bể. Lúc này, cách bạn suy nghĩ và lựa chọn hành động như thế nào sẽ tạo tác động rất lớn đến chính cơ thể của bạn. Nếu tức giận, đổ lỗi, cơ thể của bạn sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu. Thậm chí bạn sẽ bỏ bê ăn uống, bỏ bê bản thân. Ngược lại, nếu hành vi ấy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, sau đó bạn có xu hướng điều chỉnh để hài hòa lại cảm xúc thì cơ thể sẽ trở nên nhẹ nhõm và giải phóng hơn.
Vậy nên theo tôi, việc nhận biết các mức độ nhận thức ở con người là vô cùng quan trọng, để chúng ta biết được mình đang ở đâu và làm thế nào để nâng cao.
Nãy giờ mới chỉ giải thích tầm quan trọng thôi mà công nhận dài dòng quá! Bây giờ chúng ta vô thẳng vấn đề nhé :))

TẦNG NHẬN THỨC 1

Ở tầng nhận thức đầu tiên, bạn có xu hướng "gió chiều nào theo chiều nấy", đi theo ý kiến số đông mà không biết điều đó là đúng hay sai, có phù hợp với bản thân mình hay không. Chỉ biết người khác nói một là một, hai là hai mà không có chính kiến của bản thân mình.
Ví dụ: Con gái 20 tuổi mà không lấy chồng, ở dưới quê người ta cho là ế, không có ai thèm rước hay đàn ông mỗi tháng tiền lương chưa đến 30 triệu thì nằm mơ đến chuyện mà lấy vợ...
Vì xu hướng tư duy và hành động đều được lập trình theo một khung có sẵn bởi người khác và hoàn toàn theo bản năng. Vậy nên, những người ở tầng nhận thức 1 rất dễ bị "dắt mũi" và bị người khác "múa rìu qua mắt thợ". Họ là những con người chưa có khả năng để ý, quan sát sự vật, sự việc xung quanh một cách thấu đáo. Nên những gì họ nhìn nhận, dưới góc độ của họ chỉ là bề nổi của bề nổi. Giống như việc khi một tác nhân ngoại tại tác động lên, những người này thường có xu hướng đặt mình là nạn nhân, đổ lỗi cho những gì diễn ra trước mắt mà không hiểu được yếu tố nào mới là nguyên nhân thực sự dẫn đến chuyện đó. Họ không tin rằng mình có thể thay đổi sự việc và mặc định tất cả mọi thứ xảy ra đều do số phận. Cha mẹ tôi nghèo, ông bà tôi nghèo thì tôi cũng sẽ nghèo mãi; Cha mẹ tôi xấu, sinh ra tôi cũng xấu và chẳng có cách nào tự nhiên để khiến tôi trông đẹp đẽ lên được...
Chính bởi sự lười tư duy, không muốn động não suy nghĩ, làm theo những thứ sẵn có, phản ứng tự động chấp nhận tất cả những quy tắc, khiến cho những người ở tầng 1 chịu rất nhiều rủi ro và sự đối xử không công bằng. Vì họ chưa nhận ra được giá trị của bản thân và không biết điều gì là phù hợp với mình.

TẦNG NHẬN THỨC 2

Ở tầng 2, lúc này chúng ta đã có sự trưởng thành hơn về mặt nhận thức. Khác với khi còn ở tầng 1, chúng ta chỉ biết nghe và làm theo những gì người khác nói mà không tư duy, không suy nghĩ rằng điều đó có đúng đắn hay phù hợp với bản thân mình hay không. Thì lúc này, họ bắt đầu biết nghi ngờ, biết đặt câu hỏi để phản biện và dần tìm ra câu trả lời cho chính mình.
Ví dụ, khi đọc một quyển sách về quản lý và đầu tư tài chính. Quyển sách đó được viết bởi một tác giả có tiếng tăm và đặc biệt rất thành công về lĩnh vực này, nhưng điều quan trọng là quyển sách được viết vào khoảng thời gian cách đây 200, 300 năm trước so với thời điểm hiện tại và chỉ được biên tập, chỉnh sửa chưa đến 5 lần. Với người ở tầng nhận thức đầu tiên, họ đọc và áp dụng ngay lập tức, làm y chang như những gì mà quyển sách hướng dẫn. Nhưng không thành công?! Đấy là lý do dẫn đến việc con người bắt buộc phải nâng cao tầng nhận thức và tư duy cho mình.
Người ở tầng nhận thức số 2, họ là những cá thể sống có mục tiêu, có hướng tới trong cuộc đời. Họ biết mình muốn gì, cần gì và phải làm gì để đạt được điều đó. Là những người có khả năng kiểm soát và làm chủ suy nghĩ của mình. Không còn cho mình là nạn nhân trong bất kỳ hoàn cảnh nào như trước nữa. Lúc này, điểm kiểm soát ngoại tại chuyển sang điểm kiểm soát nội tại. Tức là biết rằng bản thân họ không thể kiểm soát và bắt buộc mọi thứ xung quanh diễn ra theo đúng như mong muốn, nhưng họ là người có toàn quyền kiểm soát được suy nghĩ và cách lựa chọn để đối diện với hoàn cảnh đó. Tuy nhiên, điểm hạn chế của những người ở tầng số 2 là mặc dù biết mình có khả năng ở trong thế chủ động, nhưng cảm xúc khó chịu, bực bội, đau khổ... khi mọi việc không diễn ra theo kế hoạch vẫn là điều không thể chối bỏ.
Từ việc biết nhìn nhận và quan sát những chi tiết xảy ra xung quanh. Họ đặt câu hỏi, tự mình trải nghiệm, sau đó đúc kết để tạo ra một thứ gì đó mới, hướng đi riêng cho bản thân. Ví dụ, là một nghệ sĩ, sau quá trình đi hát và biểu diễn rất nhiều ca khúc của người khác. Họ tự nói với bản thân mình rằng "Tại sao tôi không phải là người hát ca khúc của mình? Tại sao tôi lại phải đi hát của người khác? Tại sao tôi không viết bài hát cho chính mình?..." Rất nhiều câu hỏi được đặt ra và tự vấn bản thân như thế. Sau tất cả, một sáng kiến, một phát minh, một ý tưởng, con đường mới được ra đời.
Luôn luôn có 2 đối tượng, một đối tượng sáng tác, tạo ra điều gì đó cho cuộc đời và một đối tượng đi theo cái đó, sử dụng cái đó áp vào cuộc sống.

TẦNG NHẬN THỨC 3

Trải qua được 2 tầng nhận thức trên, quá trình tiếp theo sẽ là lúc bạn dần bước vào con đường thức tỉnh tâm linh. Nói đến đây, nhiều người có thể sẽ cảm thấy là một điều tưởng chừng quá xa vời và phi thực tế. Vậy nên, hãy cởi mở trước khi tiếp nhận một thông tin nào nhé! Bởi vì những gì không nhìn thấy được, không hẳn là không tồn tại.
Những người ở tầng nhận thức thứ 3 biết rằng, thế giới không chỉ tồn tại dưới dạng hữu hình - Nơi mà chúng ta đang học tập, làm việc và sinh hoạt hàng ngày. Song song đó, là một thế giới tồn tại dưới dạng tâm thức. Ở đây, chúng ta được chỉ dẫn và hành động khi được kêu gọi. Cũng có thể hiểu nôm na là trực giác hay linh tính mách bảo.
Lúc này, họ là những bản thể sống xuôi theo dòng chảy của cuộc đời. Khi đã trải qua một quá trình rèn luyện và phấn đấu. Đến đây, những tham vọng, mục tiêu, những mưu tranh hay toan tính đời thường không còn làm khó được họ nữa. Họ đạt đến trạng thái "go with the flow" - Buông bỏ và thả lỏng hoàn toàn. Họ nhận thức được rằng, không nhất thiết phải đua tranh, cũng không nhất thiết phải khẳng định hay tạo ra một thứ gì đó chỉ với mục đích để chứng minh MÌNH với THẾ GIỚI.
So với điểm hạn chế về mặt cảm xúc khi còn ở tầng nhận thức số 2, thì những người ở tầng 3 lại giải phóng được hoàn toàn. Với họ, chuyện gì xảy ra không như mong muốn, bị lặp lại nhiều lần cũng đều có nguyên do. Đó chính là dấu hiệu cho thấy, họ không phù hợp để đi con đường này.
Khi ở trong nhận thức thứ 3, tính ích kỷ ở mỗi cá nhân cũng được giảm bớt đi rất nhiều. Họ sẽ nhìn nhận cuộc sống một cách thoải mái, hạnh phúc và nhẹ nhàng hơn. Mọi thứ diễn ra dường như đều trôi chảy và thuận lợi đối với họ. Tại sao vậy? Bởi vì khi không còn tâm lý kháng cự, bản thân sẽ không hấp dẫn những điều tiêu cực vào cuộc sống nữa. Phản ứng tiêu cực tự động chính là một trong những lý do khiến chúng ta tạo nhiều quả xấu, đồng thời làm mất đi sự may mắn của chính mình.
Tất nhiên, không tự dưng lại gọi là tầng của sự thức tỉnh tâm linh. Mà tâm linh là một lĩnh vực sâu và cần thời gian rất dài để khai sáng. Vậy nên, ở tầng nhận thức thứ 3 cũng được chia thành nhiều cấp độ. Giống như cấp 1 thì có 5 lớp, cấp 2 thì có 4 lớp vậy đó. Còn nằm ở đâu thì phụ thuộc vào sự nỗ lực và rèn luyện của chính bạn.
Có một điều là, những người khi nằm trong tầng nhận thức này thường sẽ có cảm nhận và biết được nên làm cái gì, nên nói cái gì với ai. Người nào nói điều này thì mình giúp được họ, ngược lại, thì sẽ hại người ta. Bên cạnh đó, họ cũng là những con người cực kỳ bao dung và thấu hiểu, biết nhìn nhận và đối xử tốt với mọi người xung quanh mà không có cái nhìn đánh giá hay phê phán. Hiển nhiên, sẽ được phân ra bậc cao và bậc thấp, chứ không phải tất cả những người ở trong tầng nhận thức thứ 3 đều giống nhau.

TẦNG NHẬN THỨC 4

Ở tầng nhận thức thứ 4, cũng là mức độ nhận thức tối cao nhất của con người. Mà theo tôi, những người đạt đến được cấp độ này cũng chỉ được đếm trên đầu ngón tay. Nói theo ngôn ngữ Phật giáo, là những bậc giác ngộ.
Họ hiểu được quy luật và cách thức vận hành của vũ trụ. Vũ trụ ở đây chính là con người, là thế giới vật lý, là thế giới trong tâm thức, là sự tồn tại của những linh hồn bậc cao... Bởi vì đây không phải chuyên môn của tôi nên tôi sẽ không nói sâu về vấn đề này.
Nhưng khi đọc quyển sách về Ho'oponopono, tôi phần nào hiểu rõ hơn về cách mà họ cảm nhận. Đối với họ, không có sự tách biệt giữa tôi và bạn, giữa cá thể này với cá thể kia. Tất cả mọi thứ đều được kết nối với nhau bởi một trường năng lượng.
Để tôi lấy ví dụ về luật hấp dẫn giúp chúng ta dễ hình dung hơn về trường năng lượng nhé. Ví dụ, khi bạn suy nghĩ, tưởng tượng hay nhắc nhở trong tiềm thức của mình về hình ảnh của một ai đó hoặc một vật, một điều gì đó trong thời gian đủ lâu và đủ mạnh mẽ. Thì hãy để ý... Đến một khoảng thời gian nhất định, bạn sẽ thu hút được con người đó, sự vật và sự việc đó đến với cuộc sống của mình. Tôi đã áp dụng và thành công :))
Đây không phải là một phép màu chưa từng bao giờ xảy ra, luật hấp dẫn đã được chứng minh là một bộ môn khoa học. Nó hoạt động dựa vào tần số năng lượng mà bạn tỏa ra để thu hút lại những điều tương ứng. Tất nhiên, nó còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, nhưng trong phạm vi của bài viết này, chúng ta chỉ bàn luận đến những mức độ nhận thức ở con người thôi.
Kết lại, việc nhận biết được xuyên suốt quá trình sinh tồn của một người cần phải trải qua nhiều mức độ, tầng nhận thức khác nhau; Hiểu được bản thân mình đang ở đâu và ở vị trí nào sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong công cuộc khám phá và phát triển nâng cao bản thân mình. Đây chỉ là một tấm bản đồ, còn việc đi như thế nào sẽ phụ thuộc vào sự quyết tâm và mong muốn của bạn. Tôi không bảo tất cả mọi người đều phải tu tâm để đến được mức 4, hay phán xét nếu bạn chỉ muốn dừng lại ở mức 2. Đó hoàn toàn là quyền tự do của chúng ta.
Thiền định nâng cao sức khỏe
Thiền định nâng cao sức khỏe
Còn một gợi ý nữa dành cho những ai đang trên hành trình muốn nâng cao nhận thức của bản thân, đơn giản chúng ta hãy tự đặt câu hỏi và tìm câu trả lời, tránh phản ứng một cách tự động mà hãy quan sát để đúc kết. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm phương pháp thiền định. Đây là một cách rất tốt, nếu không đi chuyên sâu được thì cũng giúp nâng cao sức khỏe.