Báo đài hiện nay nhan nhản những tin bài về khởi nghiệp, về doanh nhân X khởi nghiệp thành công, hay 9x Y vừa nhận vốn triệu USD. Từ khóa “Khởi nghiệp”, “Startup”, “Entrepreneur”, đang trở thành một trong số những từ khóa top đầu, sách “Dạy con làm giàu” trở thành best-seller, cả Việt Nam đang sục sôi với tinh thần khởi nghiệp. Nhưng khởi nghiệp không phải là con đường trải đầy hoa hồng, người khởi nghiệp phải nỗ lực gấp nghìn lần người khác, phải từ bỏ nhiều thứ, và đằng sau ánh hào quang cũng là đầy máu và nước mắt. Vì thế, đừng khởi nghiệp nếu bạn chưa hiểu rõ khởi nghiệp là gì.
Phong trào khởi nghiệp rầm rộ những năm gần đây làm dấy lên một câu hỏi khiến cho không ít người mất ăn mất ngủ nghĩ suy. Đó là, mình có nên rời bỏ công việc làm công ăn lương quá đỗi an toàn để nhảy ra lập công ty riêng, mà “ngạo nghễ” với đời hay không. Suy nghĩ này xuất hiện và cứ thế lớn dần theo thời gian, nhất là khi xung quanh nhà nhà người người cũng đua nhau khởi nghiệp. Liệu mình có nên tham gia vào đoàn người này hay không, nhất là khi đang có sẵn một vài ý tưởng kinh doanh mà bạn bè ai cũng khen hay!.
Có một kinh nghiệm làm giàu xương máu cho những ai đam mê kinh doanh là nếu ai khởi nghiệp cũng đều nhanh chóng phát triển thành doanh nghiệp lớn, thì chắc tất cả mọi người đều đã trở thành doanh nhân. Nhưng sự thật lại không “màu hồng” như vậy, 99% các ý tưởng kinh doanh đều kết thúc bằng thất bại, chính điều này đã tạo nên một nét văn hóa trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Sự thật đầu tiên: Làm khởi nghiệp không có nghĩa là làm chủ
Định nghĩa Startup của người Việt đang rất khác so với định nghĩa của Silicon Valley. Nếu bạn mở 1 cửa hàng cafe, bạn làm chủ nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn đang làm startup. Nhưng nếu như bạn mở một công ty công nghệ với mức tăng trưởng hàng năm lên đến 200–300%, bạn đã trở thành người làm startup, nhưng lại không phải là chủ doanh nghiệp của mình. Sự thật, đến thời điểm IPO, thì các Founder thường chỉ còn sở hữu khoảng dưới 10% số cổ phần của công ty mình.
Mức tăng trưởng nhanh bắt buộc doanh nghiệp phải chịu lỗ. Và đến thời điểm chín muồi, để có thể bứt phá thì doanh nghiệp của bạn sẽ không thể không nhận vốn từ nhà đầu tư. Ví dụ như Monkey Junior, dù hiện tại Đào Xuân Hoàng vẫn đang lên kế hoạch xây dựng doanh nghiệp từ vốn tự có, nhưng để có thể phát triển nhanh hơn trong các giai đoạn tiếp theo, Monkey Junior chắc chắn sẽ phải bắt đầu lên kế hoạch gọi vốn từ nhà đầu tư.
Và một khi đã nhận vốn đầu tư, đồng nghĩa với việc bạn đang làm thuê. Bạn sẽ không được tự đưa ra quyết định về số mệnh của mình, mà sẽ luôn gắn chặt với KPI mà nhà đầu tư đưa ra. Lúc này bạn đã trở thành doanh nhân làm thuê, hay nói cách khác là người làm thuê mặc chiếc áo doanh nhân.
20 lý do điển hình cho việc một doanh nghiệp thất bại
Tuy nhiên, tư duy làm chủ không thể tồn tại trong thế giới khởi nghiệp. Với khởi nghiệp, không ai là chủ, từ Founder đến nhà đầu tư, nhân sự. Tất cả đều cho đi giá trị, với mục đích là làm cho doanh nghiệp trở nên tốt hơn. Ở từng giai đoạn, nếu nhà khởi nghiệp không có khả năng tiếp tục, thì họ cũng rất vui long để người khác nhiều khả năng hơn nuôi dưỡng đứa con của mình. Bằng chứng là rất nhiều Founder đã bị đào thải khỏi công ty, hoặc phải tiếp tục ở 1 vị trí thấp hơn. Steve Jobs từng bị đuổi khỏi Apple, Eduardo Saverin và Sean Parker cũng lần lượt phải ra đi,…Nếu bạn thắng, tất cả đều vui, nhưng nếu bạn thua, tất cả đều chết. Vì thế, khởi nghiệp không có chỗ cho “dạy con làm giàu”, và làm Startup chắc chắn sẽ không nằm trên đỉnh của Kim tứ đồ.
Sự thật thứ 2: Nếu bạn khởi nghiệp vì tiền, tốt nhất là nên từ bỏ
Bạn nghĩ rằng làm Startup sẽ được tự do kiểm soát thời gian làm việc cũng như đồng tiền của chính mình, không cần phụ thuộc vào bất kì ai. Tuy nhiên, hãy thử bắt đầu với những con số.
Trên thế giới, hằng ngày có khoảng 150 triệu ý tưởng khởi nghiệp khác nhau được sinh ra, nhưng chỉ có khoảng 15% ý tưởng có thể thực hiện hóa và nhận vốn vòng Seed & Pre-Series A, đến vòng A số Startup còn sống sót chỉ còn 6%, cho đến khi sản phẩm chạm tới Series C, nghĩa là bắt đầu sinh lợi nhuận, thì tỉ lệ giảm xuống chỉ còn khoảng 2%, và ngay cả trong số những Startup tinh hoa đó vẫn sẽ có 1 nửa sẽ thất bại sau khi IPO, hoặc không cạnh tranh nổi và bị đối thủ mua lại, hoặc gặp vấn đề trong tăng trưởng và không thể đạt được vị thế vốn có.
Nghĩa là trong số tất cả các Startup trên thế giới, khoảng 85% sẽ thất bại đau đớn ở vòng Bootstrapping, 9% may mắn hơn được mua lại bởi các công ty đối thủ đủ để thoát khỏi vòng nợ nần và đủ tiền mua 1 chiếc Model S, khoảng 5% may mắn có được ánh hào quang trong thoáng chốc rồi thất bại tại một điểm nào đó, và chỉ có 1% may mắn trở thành “The next big thing” giống như Apple, Google hay Facebook. Thế mới thấy, con đường Startup gian nan và khó khăn đến như nào khi tỉ lệ thành công thậm chí còn thấp hơn đánh Vietlott.
Vì thế, nếu lí do bạn chọn sự nghiệp này là vì tiền, bạn nên bỏ cuộc sớm. Nếu xét trên chi phí cơ hội, có lẽ nghề Sale, hay các nghề làm khác sẽ hợp với bạn hơn. Chắc chắn nếu xét về tỉ lệ rủi ro, một vị giám đốc, với nỗ lực tương đương (10–14h/ngày), sẽ có một khoản thu nhập khá hơn nhiều.
Chính vì vậy, nếu mục tiêu khởi nghiệp của bạn là vì tiền thì đó lại là cách kiếm tiền nặng nhọc nhất. Nhưng nếu khát vọng của bạn là tạo ra những giá trị mới cho xã hội, khởi nghiệp chính là cách duy nhất để làm việc đó. Chính tín ngưỡng khởi nghiệp mới có thể khiến Founder chịu đựng mỗi lần vấp ngã, và tin tưởng vào sản phẩm mỗi khi cả thế giới chống lại họ. Họ khởi nghiệp với niềm tin thế giới cần sự thay đổi, thế giới cần sản phẩm của họ để phát triển. Chính vì thế, nhà khởi nghiệp thực sự luôn hấp dẫn với những tài năng, những người trẻ có thể bán mạng để có thể khởi nghiệp.
Lấy ví dụ như các nhà Founder tại Việt Nam. Quay lại với Monkey Junior, Đào Xuân Hoàng đã từng sở hữu Việt Báo trước khi tự rót vốn 10 tỉ cho Monkey Junior. Hay Trương Mạnh Quân trước khi bắt đầu kiếp “nợ nần” chồng chất cùng Beeketing cũng đã “cá kiếm” rất nhiều từ việc làm outsourching,…Thế mới nói, startup chính là nơi khiến con người ta trở nên “nghèo đói” một cách nhanh chóng hơn bất kì trò chơi đỏ đen nào.
Sự thật thứ 3: Người khởi nghiệp không ngại chia sẻ giấc mơ
Nếu như bạn nghĩ rằng: “Không nên chia sẻ ý tưởng với người khác, bạn sẽ bị ăn cắp ý tưởng” thì đó là một quan điểm sai lầm, thể hiện bạn chưa hiểu được khởi nghiệp là gì.
Bất kì ý tưởng gì bạn nghĩ là hay ho, thì thực ra trên thế giới đều đã có người khác thực hiện rồi. Hoặc là sẽ thành công như rực rỡ như Facebook, Google hoặc chưa đủ lớn để người khác biết đến, hoặc thậm chí là nhận lấy thất bại ê chề. Ý tưởng rẻ hơn một cốc trà đá, và bạn sẽ không bao giờ là người đầu tiên.
Và đâu là điểm khác biệt giữa ý tưởng và khởi nghiệp thực sự? Ý tưởng của bạn hoàn toàn có thể bị sao chép, hoặc “đánh cắp” một cách trắng trợn, nhưng thị trường và khách hàng mới là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của khởi nghiệp. Zalo đã từng sao chép Facebook, coccoc giống với Google, nhưng vì sao họ vẫn thành công. Đơn giản là bởi họ hiểu sâu khách hàng và thị trường của mình như thế nào, đồng thời sản phẩm của họ giải quyết được nhu cầu mà khách hàng mong muốn.
Như anh Hùng Trần đã từng chia sẻ: “Tại Thung lũng Silicon, ý tưởng là thứ rẻ tiền nhất.” Nhưng không một startup nào có thể bị sao chép. Việc sao chép ý tưởng thực sự sẽ khiến bạn có cái nhìn toàn cảnh hơn, đặc biệt nhận được những lời khuyên đáng giá, và tạo thêm động lực trên con đường đã chọn. Đừng sợ bị sao chép ý tưởng, vì trên thực tế, bạn cũng đang sao chép ý tưởng của một ai đó khác trên trái đất này. Ý tưởng là thứ có thể sao chép, nhưng những thứ đằng sau nó, như đội ngũ, cấu trúc doanh nghiệp, tiền vốn, khách hàng và sự am hiểu thị trường là thứ không bao giờ có thể sao chép được.

Thứ 4: Văn hóa khởi nghiệp — Một phong cách sống đẹp
Hiện nay, thị trường Việt Nam đang tồn tại 3 loại doanh nghiệp: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và công ty khởi nghiệp, và thứ duy nhất khác nhau đó chính là quy trình. Với công ty khởi nghiệp, họ sẽ không chậm chạp và quan liêu như doanh nghiệp nhà nước, cũng không coi nhân sự chỉ như một bánh răng nhỏ trong một bộ máy lớn như doanh nghiệp tư nhân. Với startup, mọi thứ đều là mới hoàn toàn. Vì thế, văn hóa của những công ty khởi nghiệp cũng sẽ khác hoàn toàn. Tất cả đều sẽ phải cố gắng từng ngày từng giờ, sống chết để hoàn thành KPI từ nhà đầu tư, để có thể bước trước các công ty đối thủ, hay tìm thấy khách hàng trước khi ngân khố trở nên cạn kiệt,…
Trong một công ty khởi nghiệp, có thể nói nhân sự chính là yếu tố quan trọng nhất. Văn hóa khởi nghiệp không có chỗ cho sự do dự, hay sự nhún nhường xun xoe, chỉ có giá trị đem lại và hiệu quả công việc. Nếu bạn đến các công ty như Topica, các nhân sự làm việc như những con ong chăm chỉ, không có dấu hiệu phân biệt rõ giữa sếp và nhân viên. Họ bất đồng quan điểm, quát tháo nhau, đập bàn đập ghế, nhưng cuối ngày vẫn vui vẻ vì họ biết việc họ làm là đúng. Chính vì thế, các nhân sự của các công ty khởi nghiệp, họ đều trưởng thành và có khả năng lãnh đạo cao, giống như anh Khôi Nguyễn Founder WeFit, sau khi tham gia vào khóa học Topica Founder Institute và cảm thấy còn chưa sẵn sàng. Anh đã tham gia vào hệ thống nhân sự và cho ra đời nền tảng WeFit tuyệt vời.
Qua con mắt của những người khởi nghiệp, giữa những Founder với nhau, họ chỉ mất 10s để biết giá trị của bạn đến đâu. Tuy nhiên, chỉ khi làm việc cùng những người làm khởi nghiệp, bạn mới có được sự thoải mái không nơi đâu có. Họ luôn cầu tiến và lắng nghe những lời chia sẻ giá trị, luôn luôn “stay hungry, stay foolish”.
Họ hiểu nhau, vì họ cùng trải qua những thứ giống nhau và thấu hiểu được rằng ngành khởi nghiệp này vốn dĩ đã quá nhiều vất vả rồi. Với chỉ 1% người sống sót mỗi năm, họ biết cần nhiều hơn sự nỗ lực để doanh nghiệp đạt đến thành công. Đó là lí do vì sao không quá khó để tìm thấy một Mentor, nếu bạn cho họ thấy bạn có tố chất của một nhà khởi nghiệp.
Có thể nói rằng, khởi nghiệp là một con đường cành hồng thì ít, gai thì nhiều và không dành cho tất cả mọi người. Khi khởi nghiệp, anh Đỗ TuấnAnh đã phải bán cả xe ô tô để bắt đầu Appota, với hệ thống nhân sự chỉ với 12 người. Trong 6 tháng đầu, Appota tăng trưởng chậm và lỗ trường kì. Tuy nhiên bằng cách kì diệu nào đó, Appota đã sống sót qua khoảng thời gian đó, và bắt đầu tăng trưởng mạnh. Đó là khoảng thời gian anh Đỗ Tuấn Anh tham gia vào khóa học Topica Founder Institute. Bối cảnh hôm đó chỉ đơn giản là một quán café nhỏ, anh Tuấn Anh trình bày trước anh Điệp — CEO & Founder Vatgia, quen anh Tuấn qua khóa TFI, sản phẩm của mình về một nền tảng phân phối nội dung cho lập trình viên, là sản phẩm chính của Appota lúc bấy giờ. Khi đó, anh Điệp không ngần ngại: “Tao sẽ rót vốn cho Startup của mày”. Và ngay lập tức, Appota có đủ tiền để sống trong khoảng thời gian tiếp theo, không kí tá, không giấy tờ hợp đồng gì cả. Đó là cách người khởi nghiệp Việt Nam đang sống.
Cũng như Founder Trương Mạnh Quân đã từng nói: “Yếu tố tiên quyết là có cố vấn giỏi”. Nếu không có những buổi “ném đá” từ chú Bobby Liu (Co-Director Topica Founder Institute), và anh Phạm Minh Tuấn (Founder & CEO Topica Edtech Group), có những buổi nhậu chia sẻ với các Founder thành công trong hệ sinh thái khởi nghiệp, có sự giới thiệu đến nhà đầu tư, thì liệu có một Beeketing thành công như hôm nay?
Người khởi nghiệp mang đậm văn hóa Pay It Forward, họ luôn nghĩ đến việc cho đi trước khi nhận lại. Vì bản chất khởi nghiệp đã quá khổ sở rồi, cách hệ sinh thái khởi nghiệp hoạt động hiện nay là luôn cởi mở, luôn giúp đỡ nhau để cùng phát triển. Cũng như những lời anh Tuấn Anh (Founder & CEO Appota) đã nói với anh Quang (COO Appota): “Khởi nghiệp là trò chơi của những kẻ mơ mộng, đó không phải con đường em có thể đi một mình. Em nên chia sẻ, nói chuyện suốt ngày về khởi nghiệp, điều đó không mất gì cả. Quan trọng là giữ vững giấc mơ và duy trì một ý chí khởi nghiệp sắt đá, các Startup Founder có thể chung tay giúp đỡ và phát triển cùng nhau, điều đó giá trị hơn cả triệu USD.”
Vậy hãy nói xem, bạn đã thực sự sẵn sàng khởi nghiệp sau khi đọc bài viết này hay chưa?
Nếu câu trả lời là có, thì hỡi những gã mộng mơ, hãy tìm đến chúng tôi.
Đăng kí tìm hiểu chương trình Topica Founder Institute — khóa 6 tại đây: http://topi.ca/tfibatch6j