4 lời khuyên xây dựng thói quen đọc sách mỗi ngày.
Nếu các bạn đã theo dõi kênh blog của mình một thời gian rồi, thì có lẽ các bạn cũng đã biết rằng mình từng là một người nghiện mạng...
Nếu các bạn đã theo dõi kênh blog của mình một thời gian rồi, thì có lẽ các bạn cũng đã biết rằng mình từng là một người nghiện mạng xã hội, cũng như là nghiện sử dụng điện thoại. Và cũng đã đôi ba lần mình chia sẻ rằng mình đã chọn “cai nghiện” bằng cách thay thế thói quen xấu sử dụng điện thoại quá độ với một thói quen khác bổ ích hơn, chính là thói quen đọc sách mỗi ngày.
Cá nhân mình tin rằng đây chính là một lối tư duy rất hiệu quả để có thể xây dựng được thói quen tốt và loại bỏ được thói quen xấu, hãy luôn tìm cách để thay thế mỗi thói quen xấu thành một thói quen tốt.
Và mình tin rằng cách hiệu quả nhất để chúng ta nhận được trọn vẹn mọi lợi ích của các hoạt động liên quan tới việc đọc chính là biến chúng trở thành một phần tự nhiên và thú vị trong các thói quen hằng ngày của chúng ta.
Tuy nhiên, bản thân mình cũng hiểu rõ hơn ai hết, thói quen là một thứ rất rất khó để thay đổi.
Cuộc sống cá nhân của mỗi người trong chúng ta đang đều được định hình bởi các thói quen, lịch trình, và nhịp sinh hoạt – tất cả đều là những khía cạnh khó có thể bị thay đổi trong thời gian ngắn – vậy nên nếu như hiện tại bạn đang có hứng thú với thói quen đọc sách và muốn hình thành được thói quen đọc sách, thì thử thách của bạn sẽ không chỉ đơn giản là bắt đầu được thói quen đọc sách, mà sẽ còn bao gồm cả cái khó của việc duy trì được thói quen đó theo thời gian nữa.
Sau đây, mình xin chia sẻ với các bạn 4 lời khuyên mình rút ra từ khoảng thời gian rèn luyện thói quen đọc sách mỗi ngày của bản thân mình. Bài viết cũng có kết hợp cả những chia sẻ và trải nghiệm từ hành trình xây dựng thói quen đọc sách của bạn bè mình nữa.
1. Hãy bắt đầu bằng 2 cuốn sách mà bạn thấy hấp dẫn
Lời khuyên đầu tiên này nghe có vẻ khá là hiển nhiên, nhưng giờ nhìn lại thì mình thấy là nó đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành thói quen đọc sách ở cá nhân mình, cũng như là giúp mình duy trì được thói quen này trong suốt hơn 1 năm qua.
Mình nhận ra rằng mình của quá khứ, cũng như là rất nhiều bạn bè của mình hiện tại, là những người đang muốn bắt đầu thói quen đọc sách, nhưng lại không tìm được cuốn sách nào để mà làm vạch xuất phát cho bản thân.
Để vượt qua được rào cản đầu tiên này, mình khuyến khích các bạn hãy thử ghé thăm các nhà sách. Hãy đi qua đi lại vài vòng giữa không gian được bao trùm bởi sách vở để tìm xem đầu sách nào khiến cho bạn hứng thú nhất.
Với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử hiện nay thì có lẽ các bạn cũng không còn cần phải trực tiếp ghé nhà sách nữa rồi ha, các bạn chỉ cần mở app ra là đã có thể lựa chọn được sách để đọc rồi.
Ngoài ra thì hỏi xin gợi ý sách từ bạn bè và người thân cũng là một phương pháp rất hay mà các bạn nên tham khảo.
Chia sẻ với các bạn cuốn sách đầu tiên mà mình đã lựa chọn vào buổi ghé thăm nhà sách hơn 1 năm trước là cuốn Samurai trẻ tuổi, được viết bởi tác giả Chris Bradford.
Có lẽ mình cũng cần phải cảm ơn tác giả Chris Bradford và series 8 tập Samurai trẻ tuổi của bác ấy vì đã thắp lên trong mình niềm đam mê với việc đọc sách như hiện tại.
Giai đoạn chọn cuốn sách đầu tiên này thì thực ra phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố nội tâm ở cá nhân bạn. Bạn có thể chọn theo sở thích, theo đam mê, theo công việc, theo nhu cầu,...
Từ khóa quan trọng nhất mà mình muốn nhấn mạnh ở đây đó là “hấp dẫn”. Cuốn sách đó cần phải thức sự hấp dẫn và phù hợp đối với cá nhân bạn, để đảm bảo rằng bạn có thể đọc hết được nó.
Và đừng chỉ dừng lại ở việc chọn 1 cuốn, hãy luôn chọn ra ít nhất 2 cuốn sách hấp dẫn đối với bạn để có thể đọc nối tiếp nhau.
Mình nhận ra rằng khoảng thời gian sau khi vừa đọc xong cuốn sách đầu tiên chính là giai đoạn mà chúng ta dễ từ bỏ thói quen đọc sách nhất. Vậy nên, đối với mình, luôn chuẩn bị thêm ít nhất 1 cuốn sách hấp dẫn khác để mình có thể trông ngóng được đọc nó tiếp theo chính là phương pháp hữu hiệu để mình không bao giờ bỏ ngang việc phát triển thói quen đọc sách mỗi ngày.
Đây là lời khuyên được mình rút ra từ nguyên tắc thay đổi hành vi mang tên “Khiến nó rõ ràng”. Đây là một trong Bốn nguyên tắc thay đổi hành vi được tác giả James Clear giới thiệu trong cuốn sách Atomic Habits.
Trong cuốn sách này, tác giả James Clear có chia sẻ rằng:
Nếu bạn muốn biến thói quen thành một phần cuộc sống, hãy làm cho tín hiệu trở thành một phần to lớn trong môi trường. Các hành vi bền vững nhất thường có nhiều hơn một tín hiệu kích hoạt.
Và đương nhiên, khi bạn bắt đầu đọc tới cuốn sách thứ 2 thì cũng hãy chuẩn bị tiếp cuốn sách thứ 3, đọc hết thì lại chuẩn bị tiếp cuốn sách thứ 4, rồi đến cuốn thứ 5, rồi cuốn thứ 6,...
Cứ đều đặn như vậy, và thế là bạn đã có một nền tảng vững chắc để hình thành nên thói quen đọc sách mỗi ngày rồi đó.
2. Hãy thiết lập một giới hạn mục tiêu nhỏ và tối thiểu để đọc hằng ngày.
Trong khá nhiều trường hợp, sau khi chúng ta đã tìm được những cuốn sách ưng ý đầu tiên để đọc rồi, có lẽ do sự hưng phấn và háo hức, nên chúng ta cũng thường ngay lập tức tự đặt ra cho bản thân những mục tiêu đọc rất cao.
Mình vẫn nhớ mục tiêu đọc đầu tiên mà mình tự đặt ra cho bản thân đó là 1 tiếng mỗi ngày. Do cái ý chí quyết tâm thay đổi lối sống trong mình hồi đó vẫn còn rất mãnh liệt nên mình cũng rất tự tin, và cho rằng 1 tiếng đọc sách mỗi ngày thì có khó gì đâu.
Nhưng mà chao ôi, hóa ra ý chí và tự tin không hề giúp mình đọc sách được lâu hơn tẹo nào. Có lẽ mình của ngày ấy đã quá kiêu ngạo rồi.
Đây cũng chính là một trong những ví dụ điển hình nhất đã dạy cho mình bài học rằng: Thói quen là thứ rất khó để thay đổi.
Và cả bài học về sự thật rằng trong giai đoạn chúng ta mới hình thành thói quen tốt, mục tiêu càng cao thì chúng ta càng dễ chán nản và từ bỏ. Cái hố sâu của những thói quen xấu sẽ luôn trông hấp dẫn hơn rất nhiều khi bạn bắt đầu chán nản với việc hình thành các thói quen tốt ở bản thân. Bài học này vẫn được mình áp dụng cho quá trình xây dựng mọi thói quen tốt khác, chứ không chỉ với riêng với thói quen đọc sách.
Sau khi đã hiểu ra được những điều trên rồi thì mình quyết tâm tìm ra được mục tiêu đọc sách khả thi hơn cho bản thân.
Mình bấm giờ đồng hồ để kiểm tra, và cuối cùng thì mình nhận ra rằng khả năng tập trung đọc của mình chỉ dừng lại ở vào khoảng 5 phút, tương đương với tầm 5-6 trang sách mà thôi.
Mặc dù 5 phút đọc sách mỗi ngày là khá ít so với những gì mình đã kỳ vọng ở bản thân lúc bấy giờ, nhưng cũng không sao hết, mình tin rằng khi mới bắt đầu thì chúng ta đều nên tìm ra một mục tiêu nhỏ và phù hợp với bản thân để bắt đầu.
Trong cuốn sách Atomic Habits, tác giả James Clear cũng chia sẻ rằng:
Thành thạo một cái gì đó đòi hỏi sự nhẫn nại.
Vậy nên các bạn cũng hãy tìm ra một mục tiêu khả thi với bản thân mình, và hãy nhẫn nại với nó các bạn nhé.
3. Hãy duy trì thói quen bằng tính nhất quán.
Sau khi các bạn đã tìm ra được mục tiêu đọc phù hợp với giới hạn bản thân để hướng tới mỗi ngày rồi, thì điều tiếp theo mình muốn chia sẻ đó là về phương pháp để chúng ta có thể phát triển cái giới hạn đó.
Ví dụ như ở trường hợp của mình, mình muốn từ 5 phút đọc mỗi ngày phát triển lên thành 1 tiếng đọc mỗi ngày như những gì mình mong muốn từ đầu chẳng hạn.
Mình để ý thấy là mọi người thường hay áp dụng phương pháp “Mỗi ngày đọc thêm 1 ít”.
Ví dụ như ngày hôm nay mình chỉ đọc được 5 phút, ngày mai mình sẽ đọc 10 phút, ngày kia mình sẽ đọc 15 phút,... cứ như vậy cho đến khi mình đạt được 60 phút như kỳ vọng.
Đây là hướng tiếp cận với thói quen tốt rất phổ biến, được rất nhiều người áp dụng. Nhưng tiếc rằng nó lại không thực sự hiệu quả trong việc duy trì thói quen tốt và đây cũng có thể trở thành nguyên nhân khiến cho thói quen tốt của bạn rơi vào tình trạng “đứt gánh giữa đường”.
Mình nhận ra rằng phương pháp tiếp cận này thực ra rồi sẽ vẫn đưa các bạn đến với ngõ cụt của sự chán nản và suy nghĩ muốn từ bỏ, bởi lẽ nó khiến cho bạn có những suy nghĩ kiểu như: “mỗi ngày bạn phải đọc thêm 1 lượng abc”, hay “ngày hôm nay bạn phải đọc được nhiều hơn ngày hôm qua”.
Nó biến việc đọc nhiều hơn của bạn trở thành một kiểu trách nghiệm hoặc nghĩa vụ. Hậu quả là khiến cho bạn sẽ sớm cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi với việc duy trì thói quen này. Những suy nghĩ muốn từ bỏ hoặc trì hoãn thói quen cũng nhờ thế mà sẽ bắt đầu bén rễ. Ngoài ra, cá nhân mình nhận ra phương pháp này thường khiến cho mình bị mất tập trung vào cái đồng hồ hơn là chú tâm đọc sách.
Vấn đề lớn nhất của phương pháp này đó là nó khiến các bạn ưu tiên cường độ (intensity), thay vì tính nhất quán (consistency).
Đây là lời khuyên được mình rút ra từ cuốn sách Mini Habits, được viết bởi tác giả Stephen Guise. Các bạn cũng có thể thử nghiên cứu các tài liệu, hoặc sách, về đề tài hình thành thói quen mà các bạn biết; mình tin rằng hiện nay phần lớn các tác giả và nhà nghiên cứu về hành vi đều sẽ đồng tình rằng tính nhất quán có ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều so với cường độ trong quá trình hình thành thói quen của con người.
Vì vậy, nếu như bạn đang có mong muốn được hình thành thói quen tốt, như là đọc sách, và có thể duy trì được nó mỗi ngày, thì mình khuyên các bạn hãy dành nhiều năng lượng hơn cho tính nhất quán của thói quen, thay vì cường độ của nó.
Giờ thì có lẽ bạn đang tự hỏi: Chúng ta sẽ thực hiện điều đó bằng cách nào?
Tác giả Stephen Guise có chia sẻ phương pháp duy trì thói quen tốt bằng tính nhất quán trong cuốn sách Mini Habits, đây cũng là phương pháp mà cá nhân mình vẫn còn áp dụng cho tới ngày hôm nay và sau đây mình cũng sẽ chia sẻ lại nó với các bạn.
Ý tưởng của phương pháp này là bạn hãy xác định một mức giới hạn mục tiêu nhỏ và tối thiểu để thực hiện hằng ngày; và đừng bao giờ gia tăng nó.
Nghe vừa khó hiểu mà lại vừa vô lý ha? Để mình lấy ví dụ cụ thể trong thói quen đọc sách để các bạn dễ hình dung nhé.
Giả dụ như trong trường hợp của mình, một người có mức giới hạn đọc là 5 phút mỗi ngày, đây là một mục tiêu nhỏ và rất dễ để mình có thể đạt được.
Có thể hôm vừa rồi mình có thời gian rảnh nên mình đọc được tận 60 phút. Ngày hôm sau đó thì gặp được một chương sách rất hay và lôi cuốn nên mình đọc được 30 phút.
Cái khác biệt lớn nhất với phương pháp này đó là dù cho ngày hôm nay mình bận rộn, hoặc mệt mỏi, hoặc có tâm trạng không tốt; thì mình cũng sẽ không có suy nghĩ rằng mình phải duy trì đọc 30 phút hay 60 phút cho giống những ngày vừa rồi nữa. Mình có thể quay lại với mức giới hạn mục tiêu nhỏ và tối thiểu của mình bất cứ lúc nào – đó là 5 phút đọc sách trong ngày – và mình sẽ luôn dễ dàng đạt được mục tiêu này.
Mình nhận ra rằng những thói quen tốt có thể cùng đồng hành với chúng ta theo năm tháng thực ra đều có xuất phát từ những hành vi mà chúng ta kiên trì thực hiện đều đặn và nhất quán mỗi ngày.
Sau khi hành vi đã trở thành thói quen – “hành vi” đọc sách mỗi ngày đã trở thành “thói quen” đọc sách mỗi ngày – thì có nghĩa là não bộ cũng đã bắt đầu công nhận nó là một phần quan trọng trong cuộc sống của bạn, việc đọc sách nhờ đó sẽ trở nên tự động, bạn sẽ không còn cần phải thu nhiều động lực hoặc năng lượng để duy trì thực hiện thói quen này nữa.
4. Hãy móc nối việc đọc sách của bạn với một thói quen đã có sẵn.
Cá nhân mình tin rằng bước khó nhất trong quá trình hình thành các thói quen tốt chính là bước 1, bước Bắt đầu.
Đây thường là giai đoạn mà chúng ta cần phải đấu tranh tư tưởng với chính mình rất nhiều, động viên bản thân rất nhiều, tìm kiếm nguồn cảm hứng và động lực cũng rất nhiều – tất cả chỉ mới là để phục vụ cho việc Bắt đầu thói quen tốt.
Và lại một lần nữa, chú tác giả James Clear giới thiệu một phương pháp mà mình cho là rất hiệu quả để giúp chúng ta khắc phục những khó khăn trên của việc bắt đầu thói quen tốt.
Trong cuốn sách Atomic Habits, tác giả James Clear chia sẻ rằng bạn thường quyết định mình cần làm gì tiếp theo dựa trên việc mình vừa hoàn thành trước đó. Không có hành vi nào xảy ra độc lập. Mỗi một hành động đều là tín hiệu kích hoạt hành vi tiếp theo.
Với cách hiểu trên, tác giả James Clear giới thiệu một phương pháp mang tên Chồng lớp thói quen (habit stacking). Bạn hãy xác định một thói quen mà bạn vốn đang thực hiện hằng ngày rồi, sau đó bạn xếp chồng, hoặc móc nối, thói quen mới vào với thói quen hằng ngày đó.
Hay cụ thể như tác giả viết trong sách là:
Chìa khóa ở đây là hãy gắn hành vi mong muốn của bạn vào điều gì đó bạn đã và đang làm mỗi ngày.
Ví dụ như là ở đời sống cá nhân mình, buổi chiều trong khoảng thời gian từ 15h đến 17h thường là khoảng thời gian mà não bộ của mình trở nên khá là chậm chạp về tư duy, vậy nên mình cũng sẽ không thể làm các công việc sáng tạo như là thiết kế hay viết lách được nữa. Mình sẽ móc nối hành động đọc sách vào với thói quen tập viết buổi chiều của mình. Rồi sau đó mình lại nối tiếp hành động tập thể dục vào với thói quen đọc sách.
Mình nhận ra rằng phương pháp này không chỉ hiệu quả trong việc hỗ trợ bạn bắt đầu các thói quen tốt một cách dễ dàng hơn; nó còn tuyệt vời hơn thế nữa bởi lẽ nếu bạn có thể kết hợp phương pháp này với những gì mình chia sẻ ở lời khuyên số 3, nó sẽ giúp gia tăng tính nhất quán trong thói quen của bạn.
Sau khi được kết hợp với nhau, thì giờ đây, bạn sẽ không chỉ đơn giản là đọc tối thiểu 5 phút mỗi ngày nữa, mà bạn sẽ có thể đọc tối thiểu 5 phút mỗi ngày vào một giờ cố định trong ngày. Tính nhất quán của bạn đã được đẩy lên một tầm cao mới rồi đó.
***
Mặc dù tiêu đề bài viết nhấn mạnh vào việc hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày, nhưng mình tin rằng tất cả 4 lời khuyên mà mình tổng hợp ở đây đều có thể được các bạn biến tấu đi đôi chút và áp dụng được vào tất cả các thói quen tốt khác mà các bạn đang muốn được được hiện thực hóa trong đời sống cá nhân của các bạn.
Nếu thông qua bài viết này mà các bạn lại có thể được truyền cảm hứng để loại bỏ các thói quen xấu và xây dựng thói quen tốt thì với một người viết như mình, chắc chắn sẽ không còn gì vui sướng hơn được nữa.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút: Tom.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất