Nếu bạn cũng giống tôi và phần lớn mọi người, hẳn là bạn đã từng ít nhất một lần tự đưa ra cam kết cho bản thân và rồi… bỏ cuộc. Chúng ta rất giỏi đưa ra cam kết, và cũng rất giỏi tìm ra lý do để bao biện cho việc phá vỡ cam kết của mình.
Đưa ra cam kết rất dễ, và phá vỡ nó còn dễ hơn
Đưa ra cam kết rất dễ, và phá vỡ nó còn dễ hơn
Đầu năm mới là lúc lý tưởng nhất để đưa ra một cam kết thay đổi nào đó. So với các thời điểm khác, những cam kết vào ngày này thường được duy trì lâu hơn 10 lần. Nhưng ngay cả như vậy thì phần lớn những cam kết vào đầu năm vẫn thất bại.
Trung bình chỉ có 8% những người đưa ra cam kết là thực hiện đúng theo những gì đã tuyên bố. Tức là trong một lớp học có 50 học sinh, nếu giáo viên không thường xuyên đôn đốc thì sẽ chỉ có 4 em luôn luôn hoàn thành bài tập về nhà suốt cả năm. Nếu bạn tin tưởng vào sự tự giác của người khác hoặc của bản thân thì bạn đang mắc một sai lầm lớn. Tại sao chúng ta lại kém trong việc giữ vững cam kết đến vậy? Đó là bởi vì chúng ta đưa ra lời cam kết dựa trên những hiểu lầm lớn.

Hiểu lầm số 1: Thay đổi phải là thứ gì đó lớn lao.

Yeah! Chẳng lẽ chỉ thay đổi những thứ cỏn con. Như vậy thì tầm thường quá. Bạn có lẽ muốn tuyên bố rằng: “Tôi sẽ chạy 20 km mỗi tuần”. Không lẽ chỉ cam kết chạy 300 m mỗi ngày mà tuyên bố dõng dạc trên facebook. Nhưng bạn biết chuyện gì xảy ra tiếp theo phải không? Phần lớn chúng ta chẳng hoàn thành nổi ngày đầu tiên. Và nếu bạn nằm trong số ít ỏi những người vượt qua được ngày số 1, bạn sẽ nhận thấy cơ thể mệt mỏi, chân tay đau nhức khi chuẩn bị lên giường đi ngủ. Sau đó thì sao? Làm gì có sau đó nữa chứ. Bạn tự an ủi là mình nghỉ vài hôm cho chân tay hết đau rồi tiếp tục quay trở lại tập luyện. Nhưng “vài hôm” đó sẽ kéo dài đến ngày tàn của vũ trụ.
Chắc hẳn bạn không còn lạ gì với 2 phép tính trong hình phía trên. Thay vì đưa ra những mục tiêu quá tham vọng, sẽ hợp lý hơn nhiều nếu bạn hướng đến những thay đổi nhỏ mà bạn dễ dàng đạt được và duy trì liên tục. Ví dụ như chạy 300m mỗi ngày. Và sau đó nâng dần độ khó lên 1% mỗi ngày. Ý tưởng này được James Clear đề xướng trong cuốn sách Atomic Habits. Ông gợi ý rằng có thể bắt đầu thay đổi bằng cách chọn ra 1 thử thách mà bạn có thể hoàn thành trong vòng 2 phút, rồi nâng dần độ khó 1% mỗi ngày. Khi đã hình thành được thói quen rồi thì thiết lập những mục tiêu tham vọng hơn cũng chưa muộn.

Hiểu lầm số 2: Những con số chi tiết tạo sự gò bó, kém linh hoạt.

Phần lớn những kế hoạch thay đổi của chúng ta không có một mục tiêu rõ ràng. Chúng mơ hồ và khó nắm bắt. Ví dụ như “tôi quyết tâm giảm cân”. Vấn đề của những cam kết kiểu này là chúng ta không thể biết mình có đang thực hiện chúng không, và nếu thực hiện thì mức độ thực hiện là nhiều hay ít. Sự mơ hồ khiến chúng ta rất dễ từ bỏ. Mục tiêu cần phải rõ ràng và đo lường được. Nó giúp chúng ta biết mình đang ở đâu và nên làm gì tiếp theo để giữ vững cam kết.
Một anh bạn của tôi từng phản biện rằng những con số khiến anh ấy cảm thấy gò bó, kém linh hoạt. Thực tế thì ngược lại, một mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn có thể hành động linh hoạt hơn rất nhều. Hãy giả sử một tình huống như sau:
Tôi rủ bạn đi chơi. Mỗi người lái một chiếc xe riêng. Vừa ra khỏi ngõ thì chúng ta gặp phải một đoạn đường hỏng đang được chặn lại để sửa chữa. Bạn sẽ làm gì tiếp theo nếu tôi chưa hề nói cho bạn biết nơi chúng ta sẽ đến? Liệu bạn có tự tin chọn một lối đi khác? Hay loay hoay đợi tôi chỉ đường? Bạn thấy đấy, chúng ta chỉ có thể ứng biến linh hoạt và nhanh chóng khi đã biết rõ đích đến của mình.
Bên cạnh đó, việc viết ra mục tiêu cũng rất quan trọng. Những người viết mục tiêu ra giấy có xu hướng đạt được mục tiêu nhiều hơn 40% so với những người không viết. Và tỷ lệ thành công càng cao hơn nữa khi mục tiêu đó được viết công khai.
Ngoài ra, việc theo dõi tiến trình thực hiện mục tiêu cũng rất quan trọng. Có nhiều cách để bạn ghi lại tiến trình. Hãy cố gắng sử dụng các hình ảnh hoặc biểu đồ thật trực quan mà bạn có thể dễ dàng nhìn ra. Ví dụ như khoanh tròn vào từng ngày nếu bạn thực hiện được đúng cam kết đề ra. Hoặc sử dụng biểu đồ hình cột để biểu diễn tỷ lệ công việc đã hoàn thành thay vì sử dụng những con số phần trăm trừu tượng.

Hiểu lầm số 3: chúng ta cần đánh thức ý chí và cảm hứng mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu.

Một thông điệp cổ động tinh thần phổ biến trên mạng
Một thông điệp cổ động tinh thần phổ biến trên mạng
Các diễn giả dạy về tư duy làm giàu hoặc đánh thức khát vọng rất giỏi trong việc này. Vấn đề là bạn chẳng thể hưng phấn mãi được. Dưới góc độ sinh học, trạng thái hưng phấn liên tục là rất hại cho cơ thể. Hãy nhìn cơ thể rệu rã và thần kinh yếu ớt của những người thường xuyên dùng thuốc kích thích, và bạn sẽ hiểu. Sớm muốn gì bạn cũng phải trở về với trạng thái tinh thần bình thường của mình. Ngoài ra, có đôi khi bạn sẽ cảm thấy trùng xuống, động lực tiêu tan và muốn từ bỏ. Cho nên, khi dựa vào cảm hứng hoặc lòng quyết tâm tức là bạn đang đặt kế hoạch của mình vào một nền tảng thiếu ổn định và không đáng tin cậy. Bạn chỉ có thể đi đường dài nếu đặt bản thân vào trạng thái tự nhiên nhất, khi bạn là chính mình, chứ không phải khi bạn đang hào hứng và muốn gào thét với cả thế giới.
Thậm chí, việc dễ dàng đưa ra những tuyên bố hoặc cam kết mạnh mẽ trong lúc hưng phấn còn chứng tỏ rằng bạn có khả năng bỏ cuộc cao hơn người khác. Bởi một người hành động tùy hứng thì khó mà kiên định được với mục tiêu. Hãy quan sát những nhân vật kiên định nhất xung quanh mình, và bạn sẽ nhận ra rằng họ cứ lầm lũi tiến lên, không nao núng trước thử thách và cũng chẳng gào thét khi hưng phấn. Những người hành động thì ít khi hô hào khẩu hiệu.

Hiểu lầm số 4: chúng ta là những người tự chủ ít bị tác động bởi môi trường.

Sự thực thì hoàn toàn ngược lại, tâm lý và hành vi con người bị chi phối rất nhiều bởi hoàn cảnh. Ngay lúc này, trong trạng thái bình tĩnh, bạn có thể nghĩ rằng mình sẽ giữ được bản thân khi đứng trước một cái bánh kem mềm mịn béo ngậy thơm lừng. Nhưng khi thực sự đối diện với nó, bạn không còn là bạn nữa. Tất cả những sự quyết tâm, những lời cam kết đều rơi tõm vào hư không. Lý trí của bạn có thể rất mạnh mẽ, nhưng khi cảm xúc trỗi dậy thì chẳng gì ngăn cản được nó. Muốn thay đổi thói quen, bạn cần thừa nhận sự cảm tính bên trong mình. Lường trước những hoàn cảnh có thể khiến lý trí của bạn bị đánh gục. Cố gắng tránh bị rơi vào những hoàn cảnh này, hoặc nếu không thể tránh thì phải có kế hoạch ngăn ngừa sự vi phạm mỗi khi cám dỗ trỗi dậy.
Trong cuốn sách Cú Hích, nhà tâm lý học hành vi đoạt giải Nobel kinh tế năm 2017 Richard Thaler đã kể lại một kinh nghiệm khá thú vị để chống lại cám dỗ. Có người đã để thẻ tín dụng của mình vào một cốc nước và cất vào ngăn đá tủ lạnh. Như vậy, mỗi khi muốn dùng nó để thanh toán mua sắm, họ phải đợi cho đá tan hết. Khoảng thời gian này là đủ lâu để cảm xúc hưng phấn biến mất và họ lấy lại được sự tự chủ. Bằng cách này, họ ngăn ngừa sự vi phạm mỗi khi bị những món đồ hấp dẫn trên mạng cám dỗ.
Và cũng bởi vì chúng ta chịu sự chi phối lớn của hoàn cảnh cho nên bạn có thể làm cho quá trình thay đổi trở nên dễ dàng hơn nhiều nếu biết tác động vào hoàn cảnh.
Twyla Tharp
Twyla Tharp
Trong hình là Twyla Tharp, một vũ công, nhà biên đạo múa, tác giả sách nổi tiếng tại Mỹ. Bà tập luyện chăm chỉ mỗi ngày để có được kỹ năng múa điêu luyện. Khi kể về quá trình hình thành thói quen luyện tập, bà nói rằng:
Tôi mặc quần áo luyện tập bên trong rồi mới mặc áo khoác bên ngoài trước khi ra khỏi nhà. Chỉ cần làm vậy, tôi tự khắc sẽ luyện tập sau đó.
Thay vì cố gắng rèn luyện thói quen, bà tập trung vào một việc dễ dàng hơn nhiều. Đó là tạo môi trường để thói quen xuất hiện. Quả thực, khi nhìn lại hành vi của chúng ta, bạn sẽ nhận thấy rằng những sự kiện đầu tiên đóng vai trò rất quan trọng. Chúng kéo theo một chuỗi hành động có liên quan suốt nhiều phút hoặc thậm chí nhiều giờ sau đó.
Nếu tôi vào facebook ngay sau khi mở máy tính, gần như chắc chắn tôi sẽ dành 30 phút hoặc hàng giờ sau đó để lang thang trên mạng xã hội hoặc đọc tin tức thể thao. Còn nếu tôi mở Excel để kiểm tra những việc sẽ làm trong ngày, tôi sẽ có một buổi sáng tập trung cao độ vào công việc. Tất cả đều được quyết định trong 5 giây đầu tiên sau khi máy tính khởi động. Thay vì cố gắng rèn luyện thói quen tập trung vào công việc. Tôi chỉ cần rèn thói quen mở Excel kiểm tra công việc vào đầu ngày mới.
Đối với tôi, đó là một phát hiện đầy hứng khởi. Ngày làm việc của chúng ta có hiệu quả hay không chỉ phụ thuộc vào 1 hoặc 2 khoảnh khắc như thế. Khi nhận ra chúng và biết cách tác động vào chúng, cuộc đời của bạn và tôi sẽ hoàn toàn thay đổi.

Đúc kết lại

Để dễ dàng theo đuổi mục tiêu một cách bền bỉ, chúng ta nên thực hiện theo các gạch đầu dòng sau đây:
- Đưa ra cam kết vào một thời điểm đặc biệt. Có thể là đầu năm, đầu tháng, hoặc là vào ngày sinh nhật.
- Đề ra phương án theo dõi tiến độ theo cách thật trực quan. Và nếu có thể thì hãy công khai mục tiêu để người khác cũng có thể giám sát bạn một cách không chính thức.
- Bắt đầu với một mục tiêu nhẹ nhàng mà bạn dễ dàng đạt được chỉ trong 2 phút, rồi nâng dần độ khó.
- Đặt bản thân vào trạng thái thoải mái nhất, đừng dựa vào những sự tuyên bố hoặc quyết tâm đầy hứng khởi.
- Lường trước các cám dỗ, cố gắng tránh xa chúng và đề ra biện pháp ngăn ngừa vi phạm nếu cám dỗ trỗi dậy.
- Tập trung vào những khoảnh khắc quan trọng để thói quen xuất hiện sau đó.
Chúc các bạn có một năm mới Nhâm Thìn mạnh mẽ và thành công như hổ.