Tại nước Pháp vào thập niên 1860, một trường phái hội họa đã xuất hiện và thay đổi vĩnh viễn lịch sử mỹ thuật: Trường phái Ấn tượng (Impressionism). Những họa sĩ Ấn tượng như Claude Monet, Pierre-Auguste Renoir hay Mary Cassatt, từ lâu đã trở thành những cái tên thân thuộc, được công chúng mến mộ.
Dù thời kỳ ngự trị chỉ kéo dài 3 thập niên, nhưng không có nghĩa hội họa Ấn tượng đã chấm dứt. Mà ngược lại, hiện nay phong cách Ấn tượng vẫn được đông đảo họa sĩ yêu thích và theo đuổi.
Vậy làm thế nào để nhận ra tác phẩm thuộc trường phái Ấn tượng, hoặc được vẽ theo phong cách Ấn tượng, giữa cả rừng tác phẩm hội họa?
Dưới đây là 4 đặc điểm quan trọng giúp bạn nhanh chóng nhận dạng được tác phẩm Ấn tượng, và cũng chính là 4 yếu tố mang tính cách mạng mà trường phái Ấn tượng đã đưa tới hội họa.
"Claude Monet painting by the Edge of a Wood" (Claude Monet vẽ ở bìa rừng), John Singer Sargent, 1885 (?). Có thể nói trong các họa sĩ Ấn tượng thì Claude Monet là người yêu thích vẽ trực họa ngoài trời (en plein air) nhất.
"Claude Monet painting by the Edge of a Wood" (Claude Monet vẽ ở bìa rừng), John Singer Sargent, 1885 (?). Có thể nói trong các họa sĩ Ấn tượng thì Claude Monet là người yêu thích vẽ trực họa ngoài trời (en plein air) nhất.

1. Đề tài: Cuộc sống thường ngày và phong cảnh tươi sáng

Họa sĩ Ấn tượng không quan tâm đến các đề tài kinh điển trong hội họa như thần thoại, lịch sử hay tôn giáo. Chịu ảnh hưởng từ trường phái Hiện thực (Realism), họ để mắt tới những khía cạnh khác nhau của cuộc sống thường ngày.
Phúc cho người thấy được những điều đẹp đẽ ở nơi tầm thường, mà người khác không thấy được gì cả.
Camille Pissarro (1830-1903), họa sĩ Ấn tượng
Nhưng cũng khác với phái Hiện thực, vốn thường khắc họa những cảnh lao động vất vả của nông dân, họa sĩ Ấn tượng thích miêu tả khung cảnh thường ngày đầy náo động, vui nhộn và tươi sáng. Đó là cảnh phố phường nhộn nhịp người qua kẻ lại, cảnh một cặp đôi đi tản bộ bên nhau, cảnh một nhóm bạn bè tán gẫu, cảnh đám đông khiêu vũ, hay cảnh mấy đứa trẻ đang vui đùa.
Một đề tài quan trọng khác là tranh phong cảnh. Không cố “lý tưởng hóa” vẻ đẹp thiên nhiên như hội họa cổ điển, họa sĩ Ấn tượng luôn muốn thể hiện thiên nhiên đúng như những gì họ trông thấy ngoài đời.
Chính vì thế, họa sĩ Ấn tượng rất thích vẽ trực họa ngoài trời (en plein air), qua đó họ có thể trực tiếp tiếp xúc và bắt trọn không gian tràn ngập ánh sáng, màu sắc, không khí của thiên nhiên.
“Dance at Moulin de la Galette” (Khiêu vũ ở Moulin de la Galette), Pierre-Auguste Renoir, 1876.
“Dance at Moulin de la Galette” (Khiêu vũ ở Moulin de la Galette), Pierre-Auguste Renoir, 1876.

2. Kỹ thuật: Những nét cọ đứt đoạn và rõ vệt

Ngay từ khi ra đời, tranh Ấn tượng luôn bị chê là những tác phẩm “chưa hoàn thiện” hay "trông không khác gì tranh phác thảo". Nếu đứng gần, trước mắt người xem là một đống màu sắc hỗn độn, không rõ đường nét và chi tiết. Thế nhưng, chỉ cần lùi vài bước về phía sau, ta sẽ bắt đầu nhận ra cảnh vật trong tranh.
Họa sĩ Ấn tượng không theo lối vẽ truyền thống, vốn trải qua nhiều công đoạn và tốn rất nhiều thời gian. Vì thường vẽ ngoài trời nên họ vẽ rất nhanh, nhiều khi chỉ trong một vài giờ đồng hồ, sử dụng các tuýp màu trộn sẵn – một phát minh mới lúc bấy giờ.
Kết quả của cách vẽ này, như chúng ta dễ dàng nhận ra trong các tác phẩm Ấn tượng, là khắp bức tranh tràn ngập những nét cọ đứt đoạn, dày màu và quệt nhanh. Người họa sĩ mang đến tác phẩm một vẻ ngẫu hứng, phóng khoáng, thậm chí đôi khi trừu tượng.
Họa sĩ Ấn tượng thường dùng nhiều nét cọ đứt đoạn nhất để miêu tả hình khối (form). Nét cọ của họ thường rất rõ vệt và không được hòa kết (blend) vào nhau. Chính vì thế khi nhìn gần, người xem khó lòng phân định được sự vật này với sự vật kia.
Cách vẽ đó đã giúp họa sĩ Ấn tượng đạt được điều họ mong muốn: nhanh chóng nắm bắt được bản chất của đối tượng hơn là các chi tiết của đối tượng đó.
“Children in a Garden” (Lũ trẻ trong vườn), Mary Cassatt, 1878. Quan sát bức tranh, người xem có thể dễ dàng nhận ra nét cọ ngắn, đứt quãng, đặc trưng của trường phái Ấn tượng. Nếu nhìn gần, bạn khó lòng nhận rõ các chi tiết của cây cối và con người.
“Children in a Garden” (Lũ trẻ trong vườn), Mary Cassatt, 1878. Quan sát bức tranh, người xem có thể dễ dàng nhận ra nét cọ ngắn, đứt quãng, đặc trưng của trường phái Ấn tượng. Nếu nhìn gần, bạn khó lòng nhận rõ các chi tiết của cây cối và con người.

3. Màu sắc: Sự phối hợp của các màu bổ túc

Họa sĩ Ấn tượng không thích cách dùng màu ảm đạm, kín đáo của các tác phẩm cổ điển. Họ hướng đến mục tiêu tạo ra hiệu ứng quang học của màu sắc trong mắt người xem tranh. Để đạt mục tiêu này, họa sĩ Ấn tượng thường đặt các màu bổ túc cạnh nhau (chẳng hạn như cặp màu xanh lục-đỏ, tím-vàng, xanh lam-cam), tạo tác động mạnh tới thị giác người xem.
Tranh của các họa sĩ Ấn tượng như Monet hay Renoir thường dùng màu rất sáng và rực rỡ. Các màu sắc tương phản được đặt cạnh nhau trên khung vải mà không cần hòa trộn.
Một đặc điểm quan trọng nữa là các họa sĩ Ấn tượng tránh sử dụng màu đen. Thay vào đó, họ sẽ trộn các màu bổ túc để tạo ra màu tối, phù hợp để vẽ bóng đổ. Theo các họa sĩ Ấn tượng, màu của bóng đổ luôn chịu ảnh hưởng từ màu môi trường, vì thế chúng không thể có màu đen được. Ví dụ, họ có thể thêm màu xanh vào bóng đổ vì cho rằng màu của bầu trời phản chiếu xuống.
“Độ sáng của màu sắc mắc nợ sức mạnh của sự tương phản, hơn là những tính chất vốn có của chúng… các màu cơ bản trông sáng nhất khi được đặt cạnh những màu bổ túc của chúng.”
Claude Monet (1840-1926), họa sĩ Ấn tượng
"Twilight, Venice” (Chạng vạng, Venice), Claude Monet, 1908. Tác phẩm này đập mạnh vào thị giác người xem nhờ sự tương phản mạnh mẽ giữa màu vàng/đỏ với màu xanh dương.
"Twilight, Venice” (Chạng vạng, Venice), Claude Monet, 1908. Tác phẩm này đập mạnh vào thị giác người xem nhờ sự tương phản mạnh mẽ giữa màu vàng/đỏ với màu xanh dương.

4. Bố cục: Ngẫu hứng như một bức ảnh

Bố cục tranh là một trong những yếu tố mang tính cách mạng mà trường phái Ấn tượng mang tới hội họa. Tranh của nghệ thuật hàn lâm thường xếp đặt bố cục một cách tỉ mỉ, cẩn trọng, nhiều lúc khiến tranh trông giống bố trí trên sấn khấu kịch.
Sự ra đời của nhiếp ảnh vào đầu thế kỷ 19 ảnh hưởng mạnh tới cách xây dựng bố cục của hội họa Ấn tượng. Chính nhiếp ảnh đã dạy họa sĩ Ấn tượng coi trọng các khoảnh khắc tự nhiên thoáng qua của đời thường. Những khoảnh khắc như thế dĩ nhiên không phải bao giờ cũng có bố cục hài hòa, cân đối.
Ngoài ra, tranh khắc gỗ Nhật Bản được du nhập vào châu Âu cũng khiến các họa sĩ Ấn tượng tiếp thu được vẻ đẹp của bố cục bất cân xứng và góc nhìn từ trên cao. Trong tranh khắc gỗ Nhật Bản, nhân vật có thể bị cắt xén mất một phần cơ thể, hoặc bị che khuất bởi một bức mành - những bố cục mà hội họa hàn lâm phương Tây khó lòng chấp nhận.
Lấy cảm hứng từ nhiếp ảnh và tranh khắc gỗ Nhật Bản, họa sĩ Ấn tượng đã phát triển một cách tiếp cận mới. Họ thường nắm bắt đối tượng ở những góc nhìn kỳ lạ, bất bình thường và thường khắc họa khung cảnh giống như trong một bức ảnh được tình cờ chụp lại, chứ không phải một bức tranh được sắp xếp bố cục tỉ mỉ, cẩn trọng đến mức lý tưởng.
"The Star (Dancer on Stage)", (Ngôi sao (Vũ công trên sân khấu)), Edgar Degas, 1878. Bức tranh này là minh họa rõ ràng cho bố cục "phi truyền thống" của tranh Ấn tượng. Khung cảnh được quan sát từ góc nhìn bên trên, nhân vật chính không ở trung tâm tranh, những người phía bên phải bị che khuất một phần, tất cả khiến tranh giống như một bức ảnh bắt khoảnh khắc.
"The Star (Dancer on Stage)", (Ngôi sao (Vũ công trên sân khấu)), Edgar Degas, 1878. Bức tranh này là minh họa rõ ràng cho bố cục "phi truyền thống" của tranh Ấn tượng. Khung cảnh được quan sát từ góc nhìn bên trên, nhân vật chính không ở trung tâm tranh, những người phía bên phải bị che khuất một phần, tất cả khiến tranh giống như một bức ảnh bắt khoảnh khắc.
Tài liệu tham khảo
1. Sách “Impressionism: The History, The Artists, The Masterpiece”, V. Kuvatova
2. Sách "The Story of Art", Ernst Hans Gombrich