4 SAI LẦM PHỔ BIẾN TRONG CÁCH DẠY CON CỦA NGƯỜI VIỆT
Sinh con ra và nuôi con lớn đã trở thành một hành trình tất yếu trong lịch sử phát triển của loài người. Nhưng liệu có phải ai làm...
Sinh con ra và nuôi con lớn đã trở thành một hành trình tất yếu trong lịch sử phát triển của loài người. Nhưng liệu có phải ai làm cha mẹ cũng biết cách dạy con “nên người” một cách văn minh và khoa học? Sau đây là 4 sai lầm phổ biến về cách dạy con mà bản thân mình nhận thấy một số cha mẹ hay ông bà Việt Nam đôi khi mắc phải.
1. Dạy con phải “ngoan”, “biết nghe lời”
Trước đây mình có đọc bài tâm sự của một người mẹ gửi cho Chánh Văn Hoàng Anh Tú. Cô thống thiết muốn xin lời khuyên để “cứu” đứa con trong câu chuyện của mình. Chả là từ bé, con trai cô rất ngoan, luôn biết vâng lời cha mẹ và không bao giờ làm gì khiến cô phải phật lòng. Vậy mà từ khi bước chân vào đại học, cậu bỗng trở thành con người khác: học hành bê bối và suốt ngày chơi game. Khi mẹ nói, cậu tỏ thái độ chống đối, bất cần. Người mẹ rất buồn và không hiểu tại sao con trai mình lại thay đổi như vậy.
Trong tất cả các bình luận, có nhiều ý kiến cho rằng “thủ phạm” không ai khác chính là cách mẹ cậu dạy dỗ, bắt ép cậu luôn phải là “bé ngoan” từ nhỏ. Chúng ta hiểu khái niệm con “ngoan” là như thế nào? Đó là đứa trẻ “gọi dạ, bảo vâng, lễ phép”, không bao giờ cãi lại người lớn và luôn làm bố mẹ hài lòng. Trên thực tế, có những giá trị đã phải đánh đổi để có thể “mài giũa” đứa trẻ “vào khuôn đúc” như vậy.
Thứ nhất, để được tiếng “con ngoan”, cậu bé đã phải học cách giấu đi cảm xúc thật trong lòng, không thể hiện ra bên ngoài. Bố mẹ thường có xu hướng lấy cảm xúc của mình để đổ trách nhiệm lên đầu con và ra điều kiện. Đơn giản, chính là những câu “răn đe” như “Con phải ngoan bố mẹ mới vui!” hay “Con nín khóc thì bà mới yêu”. Thực tế cho thấy đây là một sai lầm.
Có thể bố mẹ nghĩ mình đang dạy con biết san sẻ yêu thương, cảm thông với người khác. Song, chính cách dạy trẻ quên đi cảm xúc thật của mình sẽ đem lại những hậu quả đáng buồn tuỳ vào tính cách đứa trẻ. Trong câu chuyện trên, có thể cậu bé đã phải cố kìm nén cảm xúc thật cho đến khi cậu không thể chịu được nữa và “bùng nổ”. Câu chuyện “nổi loạn” của các ngôi sao Mỹ như Miley Cyrus hay Britney Spears cũng vậy. Điều đó cho thấy việc phải sống quá lâu trong khuôn khổ cứng nhắc có thể khiến con người mất kiểm soát với cuộc đời của chính họ.
Có thể bố mẹ nghĩ mình đang dạy con biết san sẻ yêu thương, cảm thông với người khác. Song, chính cách dạy trẻ quên đi cảm xúc thật của mình sẽ đem lại những hậu quả đáng buồn tuỳ vào tính cách đứa trẻ. Trong câu chuyện trên, có thể cậu bé đã phải cố kìm nén cảm xúc thật cho đến khi cậu không thể chịu được nữa và “bùng nổ”. Câu chuyện “nổi loạn” của các ngôi sao Mỹ như Miley Cyrus hay Britney Spears cũng vậy. Điều đó cho thấy việc phải sống quá lâu trong khuôn khổ cứng nhắc có thể khiến con người mất kiểm soát với cuộc đời của chính họ.
Trong trường hợp khác, đứa trẻ cũng có thể “ngoan” thực sự cho đến khi chúng “khám phá” ra cách… đi sau lưng bố mẹ. Bản thân mình thấy nhiều người khi lớn lên cũng có kiểu: thái độ trước mặt và hành vi sau lưng không liên quan (tẩm ngẩm tầm ngầm). Họ vẫn là đứa “con ngoan” không bao giờ phản đối trước mặt bố mẹ (hay sếp?!) nhưng sau lưng, họ làm theo ý mình. Đó chính là khi các phụ huynh “ngã ngửa” vì nhận ra con không “ngoan” như suy nghĩ bấy lâu.
Nếu tính cách đứa trẻ có phần uỷ mị hơn, khi lớn lên họ sẽ sống với tư tưởng phụ thuộc vào cảm xúc của người khác. Chẳng hạn, khi tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình, họ không dám tiến tới vì bị “bố mẹ phản đối”. Khi sa lầy trong cuộc hôn nhân độc hại đầy bế tắc, họ lại không dám bước ra vì sợ bố mẹ “mất mặt”, thất vọng, con cái buồn. Thế là bi kịch cuộc đời đầy nước mắt cứ lê thê mãi.
Thứ hai, khi trẻ “ngoan” được dạy dỗ, làm quen với việc “bảo gì làm nấy” lâu ngày, chúng sẽ không có thói quen “động não” để đưa ra sáng kiến hay suy nghĩ của riêng mình nữa. Chúng không có tư duy phản biện, là điều rất được chú trọng trong giáo dục phương Tây. Cậu bé của người mẹ trên có thể vì không biệt được đúng sai, không có chính kiến của riêng mình nên khi rơi vào môi trường đầy cám dỗ, cậu đã không đưa ra được quyết định đúng đắn. Cậu bé vẫn “ngoan” nhưng thay vì nghe lời mẹ như trước, giờ cậu quay sang nghe lời bạn bè.
Bản thân mình rất sợ khi nghe ai dặn con phải “ngoan” hay như câu hát “cháu vâng lời cháu biết bà vui”. Mình thích dùng từ “hợp tác” của mẹ Tee Bros hơn. Mình thường hay nói với Bông: “Con hợp tác với mẹ nhé!” Nghe nó đỡ áp đặt mà có vẻ “bình đẳng song phương” hơn. Trẻ em dù lớn hay bé cũng đều xứng đáng được tôn trọng, phải không các mẹ?
2. Dạy con đánh chừa khi bị ngã
Đây là một trong những hình ảnh rất phổ biến và “truyền thống” mà nhiều người trong chúng ta “được” bắt gặp từ bé. Một đứa trẻ chạy chơi chẳng may vấp ngã và khóc nhè. Ngay lập tức người mẹ hoặc người bà sẽ lao đến dỗ bé bằng cách… đánh cái sàn nhà hoặc cái bàn, cái ghế cạnh đó kèm theo câu nói: “Đánh cho chừa này! Tội làm em đau!” Đứa bé bị đánh lạc hướng, lại được bênh vực nên sẽ nguôi ngoai. Nhưng liệu cách xử lý tình huống này có tốt không?
Hệ quả đầu tiên và rõ ràng nhất có thể thấy được, đó là việc em bé sẽ bắt chước hành động này những lần sau. Mỗi khi vấp ngã bị đau, đứa trẻ sẽ đánh đồ vật, thậm chí đánh người thân bên cạnh như một cách giải quyết vấn đề. Trên thực tế, đây là cách dạy con sai lầm, là mầm mống hình thành tâm lý hay đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm đi hướng khác khi có chuyện không may xảy ra.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra hành vi này trong xã hội dù đó là môi trường học tập hay công sở. Học sinh không làm bài tập vì trót quên sách vở. Sinh viên nộp bài báo cáo muộn vì nhà có việc gấp, em phải về quê mới lên hôm qua. Nhân viên đi làm muộn vì trời mưa, xe hỏng, tắc đường. Sai lầm luôn xuất phát từ yếu tố khách quan, chứ không phải do mình. Nếu con người luôn giữ chặt tư duy như vậy, hỏi xã hội có văn minh tiến bộ được không?
Vậy nếu trẻ vấp ngã và khóc, chúng ta nên làm gì? Khi Bông bé nhà mình chạy chơi chẳng may ngã, mình sẽ không vội lao đến ngay lập tức. Thay vào đó, mình sẽ dành một, hai giây quan sát phản ứng của con và vết thương nếu có. Đôi khi, thực tế là con không cảm thấy đau lắm hoặc vì bé vẫn ham chơi nên không để ý. Nhưng chính thái độ phản ứng quá mạnh của người lớn lại khiến đứa trẻ khóc to hơn mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Nếu đó chỉ là vết xước nhẹ, con không biểu hiện đau lắm, mình sẽ động viên bé từ xa: “Ô, có sao không con? Con không sao nhỉ? Con thử đứng dậy nhé! Giỏi lắm! Bông biết đứng dậy sau khi ngã rồi nè!” Mẹ có thể coi đó là một thành tích để khen trẻ. Bé sẽ rất vui và hiểu rằng trượt ngã là điều bình thường. Nếu có lần sau, bé biết rằng mình có thể tự đứng dậy mà không cần ai giúp.
Nếu vết thương thực sự khiến trẻ đau và khóc nhè, mẹ có thể nhẹ nhàng đến ôm bé và hỏi thăm. Thay vì bảo con nín khóc, hãy để trẻ biểu lộ và gọi tên cảm xúc đó giúp trẻ: “Ồ, con đau lắm phải không? Tội nghiệp Bông của mẹ!” Với Bông, mình thường sẽ “thổi phù hết đau” như tên một quyển truyện dễ thương yêu thích của Bông. Mình nhận thấy đây là cách “chữa lành” vết thương hữu hiệu về mặt tinh thần và giúp “định hình” tư tưởng đúng đắn. Con còn biết lan toả sự quan tâm đó cho em thỏ bông hồng, cho bố, cho bà và những người thân xung quanh.
Đôi khi mình sẽ bắt chước cách của mẹ Tee Bros. Mình sẽ dặn con lần sau đi cẩn thận hơn và bảo: “Con trượt ngã làm em sàn đau rồi này!” Thế là Bông sẽ nằm ra sàn nhà và “thổi phù” cho em sàn hết đau. Như vậy, không những mình giúp con “vượt qua nỗi đau” một cách nhẹ nhàng hơn, mình còn dạy con biết quan tâm và yêu thương các “cá thể” xung quanh trong môi trường sống của con. Có lẽ vì vậy, Bông được cô giáo ở lớp khen là biết quan tâm và giúp đỡ các bạn.
3. Dùng từ ngữ tiêu cực với con
Có lẽ đây là điều rất “bình thường” mà nhiều người trong chúng ta không mấy khi để ý khi tiếp xúc, trò chuyện với trẻ con. Đơn giản có thể là những câu chửi đùa “mắng yêu” của ông bà với cháu như “thằng khỉ gió”, “mày phắn đi”, “luyên thuyên”, “vớ vẩn”. Đôi khi, đó chỉ là câu chuyện người lớn “tám” với nhau và vô tình lọt vào tai trẻ nhỏ bên cạnh, chẳng hạn như: “Con mẹ đấy *éo biết gì cả…” Theo quan điểm của mình, đó không hẳn là từ ngữ bậy bạ cấm kỵ, nhưng chúng là những từ ngữ tiêu cực không nên dùng với trẻ con.
Tiêu cực là gì? Tiêu cực được hiểu là sự không lành mạnh, có tác dụng không tốt đối với sự phát triển của xã hội (theo từ điển Soha Tratu). Ngược lại của tiêu cực là tích cực. Con người, kể cả người lớn, vẫn luôn thích nghe những lời lẽ tích cực hơn là tiêu cực (nói cách khác là “nịnh”, hehe). Vậy tại sao chúng ta lại dùng những từ ngữ tiêu cực với con, dù chỉ là vô tình?
Học ăn nói là một yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Môi trường xung quanh chính là cái nôi để “tấm bọt biển” hấp thụ dần những gì mà chúng nghe được. Nếu bố mẹ hay người thân vô tình dạy con những từ ngữ tiêu cực, tất nhiên trẻ sẽ học theo và sử dụng chúng. Bạn có muốn đứa con ngây thơ xinh xắn nói chuyện bỗ bã như thằng bạn hồi đại học? Bạn có thích khi đứa cháu đáng yêu chúm chím “khen” bạn: “Cô biết gì mà nói?!!!”
Hãy nhớ, đừng nói với con những gì bạn không muốn nghe con nói. Hãy cố gắng dùng lời lẽ tích cực (hoặc ít ra là trung tính) thay vì những từ ngữ tiêu cực. Ví dụ, thay vì bảo con “vớ vẩn” (nói chẳng có nghĩa lý gì), “luyên thuyên” (nói nhiều lời và lan man) khi con đang vui vẻ “tự thoại” không đầu không đuôi, bạn có thể hỏi cụ thể: “con đang kể chuyện gì thế?” hay “con đùa à?” Thay vì than con “chậm như rùa”, hãy nhẹ nhàng: “con có thể nhanh lên một chút được không?” Đây có lẽ là điều nhiều người lớn (có mình) phải học khi giao tiếp với nhau.
Nói với con những lời lẽ tích cực không có nghĩa là không cho con biết những từ ngữ tiêu cực. Nhưng thay vì lấy con làm đối tượng, hãy dạy con cụ thể từ đó nghĩa là gì, tại sao con không nên nói từ đó với ông bà, bố mẹ. Thậm chí, nếu người khác nói với con những lời đó, hãy hướng dẫn con nên nói gì hay làm gì. Như vậy, ngoài việc dạy con học ăn học nói, bạn còn giúp con tránh bị “sốc” nếu chẳng may nghe phải những lời lẽ tiêu cực. Thêm vào đó, con còn biết cách tự giải quyết vấn đề. Như thế không phải quá tuyệt vời sao?
Mình biết dạy con kiểu này hơi “cực”. Thay vì được nhẹ đầu buông một, hai từ cảm thán, bạn lại phải nghĩ ra một lô một lốc các câu khác để hỏi hoặc trả lời (như mình trong câu chuyện Tại sao con quỷ bắt công chúa). Nhưng tương lai con bạn sẽ trở thành người như thế nào tuỳ thuộc vào cái nôi đầu tiên của con, là Nhà đấy!
4. Thiếu vai trò dạy dỗ của cha
Trong cuốn sách “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn”, tác giả Ibuka Masaru, người sáng lập tập đoàn Sony và cũng là nhà nghiên cứu giáo dục nổi tiếng người Nhật, đã nhắc đến tầm quan trọng của người cha trong gia đình. Theo ông, mỗi đứa trẻ lớn lên đều mang theo mình những kỷ niệm tuổi thơ chơi đùa với cha dù ít hay nhiều. Người mẹ nên mang vai trò lãnh đạo trong việc chăm sóc con cái, nhưng một gia đình êm ấm, hạnh phúc thì không thể thiếu vắng sự quan tâm, che chở của người cha. Có như vậy, đứa trẻ mới được nuôi dạy tốt.
Bạn có thể thắc mắc: nhiều gia đình phân ly, tuy con không sống với cha nhưng có tình yêu bao la của mẹ và được chăm sóc, dạy dỗ kỹ càng. Đứa trẻ vẫn lớn lên thành người đấy thôi?! Thực tế, trên thế giới có không ít thiên tài với tuổi thơ dữ dội, thiếu vắng hình bóng người cha. Nhưng chúng ta không nhận ra rằng, một phần tính cách của họ đã bị tổn thương và khiếm khuyết từ những năm tháng ấu thơ đó.
Allen Iverson, thiên tài bóng rổ Mỹ, là một ví dụ điển hình. Lẽ ra anh đã có thể lớn lên sống một cuộc đời rực rỡ với tài năng và đam mê của mình. Nhưng chính vì một tuổi thơ đau khổ chứng kiến cha mình vào tù ra tội với quá nhiều tệ nạn xung quanh đã khiến Allen vài lần phạm phải sai lầm trên con đường đời, dù thảm đỏ sự nghiệp trải dài phía trước. Điều đó cho thấy hình ảnh người cha trong gia đình có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tính cách của con cái về sau.
Bản thân mình thấy điều này hoàn toàn đúng. Trong gia đình mình, mẹ là người hiền lành và bận rộn với công việc nên bố quản lý việc học hành và dạy dỗ mình nhiều hơn. Bố nghiêm khắc, nóng tín, nhưng bố rất yêu thương và quan tâm đến mình. Chính bố là người dạy mình không ăn cắp, nói dối khi mình có những biểu hiện đầu tiên thuở nhỏ. Cũng chính bố là người chở mình đi học thêm, đi ăn kem Thuỷ Tạ, đi chơi bờ Hồ… Và đó mãi là những ký ức ngọt ngào, tươi đẹp ông để lại cho mình trước khi ra đi.
Khi lên chức mẹ, mình lại càng thấy sự quan tâm, chăm sóc và dạy dỗ của người cha thật đáng giá. Người mẹ, dù đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giáo dục con ở giai đoạn thơ ấu, không phải lúc nào cũng có thể chu toàn trong việc dạy con. Bản thân mình đôi khi, vì bận bịu, mệt mỏi hay tâm trạng không tốt, cũng trở nên nóng tính với Bông. Khi đó, chính sự xuất hiện, nhẹ nhàng và kiên nhẫn của bố Bông đã giúp không khí gia đình êm ái trở lại. Mẹ giảm stress, còn con thì vui. Vì thế, chẳng phải tự nhiên con yêu bố mẹ nhất trên đời!
Mình biết trong xã hội hiện đại ngày nay, có những gia đình sinh con ra nhưng lại không thể cho con tình yêu thương trọn vẹn. Song điều đó không có nghĩa là bản thân mỗi người cha, người mẹ không thể cho con sự quan tâm đầy đủ nhất có thể. Vì vậy, chỉ cần mình cố gắng hết sức, con sẽ hiểu và sống đúng với tình yêu bao la của đấng sinh thành.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất