Mademoiselle – một trong những tên tuổi indie đời đầu trở lại với album phòng thu thứ 3, cùng với hai dự án khởi đầu của Hoàng Quyên, Hoàng Thùy Linh và tiếp nối của Hứa Kim Tuyền.

AS BEAUTIFUL AS THE NIGHT – MADEMOISELLE

Có thể nói Mademoiselle là một nghệ sĩ chăm chỉ, khi chỉ trong 2 năm kể từ album đầu tiên, cô đã cho ra mắt 3 dự án khác nhau, mà mỗi lần xuất hiện đều là một bất ngờ lớn. Nếu Những tiếng hát thầm dành cho người trẻ – những ai thích thú mơ mộng, thì The South Lands – dự án hợp tác giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Úc mà cô thực hiện cùng nam nghệ sĩ Floyd Thursby, lại là hành trình du mục bất ngờ đi qua vùng đất hoang vu. Ở mỗi đĩa nhạc người nghe lại thấy một điều gì đó mới mẻ, và As beautiful as the night cũng không nằm ngoài điều đó.
Chuyển đổi chất liệu từ jazz ở Những tiếng hát thầm, folk ở The South Lands sang đa dạng hơn, với folk, dream-pop và cả chillout; As beautiful as the night không còn cuốn hút người nghe bởi những tâm tư riêng biệt trong nền nhạc đơn giản, mà thay vào đó, với sự giúp đỡ của nhà sản xuất chính Martin Brown, ở đĩa nhạc này chất lượng không chỉ đến từ các sáng tác của riêng Mademoiselle, mà phần phối khí và sản xuất cũng để lại những dấu ấn nhất định.
Ảnh hưởng của chất dream-pop trong Thôi dễ gợi nhớ đến band nhạc Cigarettes After Sex, trong khi Leilah mang nhiều âm hưởng retro của nhạc country-pop nhiều thập kỉ trước. Vũ Đình Trọng Thắng – lead vocal của ban nhạc Ngọt, cũng như Hoàng Chí Trung đã mang một chút chill-out vào bản phối của Rơi, tạo được ấn tượng cũng như cảm giác đa chiều. Có thể nói As beautiful as the night là một đĩa nhạc vừa đánh dấu sự trưởng thành của Mademoiselle trong khả năng viết nhạc, nhưng cũng đồng thời cho thấy một  tư duy làm nhạc đặc biệt ấn tượng và có đầu tư từ một nghệ sĩ có trách nhiệm.

THE SQUARE – HOÀNG QUYÊN

          Gần 4 năm kể từ album Sóng hấp dẫn hợp tác cùng hai nhạc sĩ Võ Thiện Thanh và Đỗ Bảo, “giọng ca hiếm” Hoàng Quyên mới quay trở lại với dự án Quyên Gallery mà cô bật mí gần đây, có thể ra mắt bất cứ lúc nào. Nối tiếp bài hát mở đường Xin cho hôm nay trôi đi, vừa qua cô cũng phát hành thêm 2 single The Square và Ngày vụt nhanh trên chuyến đi cùng anh, phần nào định hình một bản thể khác mà người nghe vốn quen thuộc, một Hoàng Quyên – người viết nhạc.
          Với sự giúp đỡ của ca – nhạc sĩ Thanh Bùi, các sáng tác của Hoàng Quyên một phần nào đó đã “đồng nhất” với chính cô, khi đồng thời kể về câu chuyện của một người phụ nữ trưởng thành, đã trải qua nhiều biến động trong đời sống; nhưng cũng đồng thời khai thác một cách tối đa vẻ đẹp trong màu giọng mezzo-alto có phần độc đáo hiếm thấy của âm nhạc Việt Nam.
          Thế nhưng có thể thấy rằng, các sáng tác này vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của các nhạc sĩ như Đỗ Bảo và Võ Thiện Thanh trước đó. Hoàng Quyên đã cố gắng “ballad hóa” để mang các sản phẩm của mình đến gần hơn với khán giả đại chúng; thế nhưng nếu so về độ mới cũng như sáng tạo, thì rất tiếc các đĩa đơn này vẫn chưa bắt kịp xu hướng và có phần nào cũ kĩ trong dòng chảy ngày càng nhanh của các nhân tố mới. Tuy nhiên đây chỉ mới là khởi đầu, Quyên Garllery – chuỗi dự án bao gồm MV, single, album, live concert sẽ còn cần nhiều thời gian hơn nữa khán giả được cảm nhận và chìm đắm trong không gian âm nhạc mới của cô.

SEE TÌNH – HOÀNG THÙY LINH

          Thành công quá lớn của dự án Hoàng nhiều năm trước đó có thể nói đã để lại một áp lực không hề nhỏ cho Hoàng Thùy Linh, và rõ ràng khán giả cũng rất mong chờ những bước đi mới sau khi khép lại era này. Nối tiếp đĩa đơn đầu tay Gieo quẻ hợp tác cùng Khắc Hưng, single mới See tình đánh dấu sự đồng hành trở lại cùng DTAP – người từng cùng cô làm nên dự án Hoàng.
          Ở Hoàng, thành công lớn vô hình trung đã gắn người nghệ sĩ tạo ra nó với những danh xưng như người kết hợp âm nhạc dân gian và chất liệu văn học vào chất pop hiện đại. Có lẽ chính Hoàng Thùy Linh đã ý thức được điều ấy, để không sáng tạo nên một album Hoàng thứ 2, mà dù còn nhiều e ngại, hai bài hát mở đầu ít ra cũng đã cho thấy được việc cô đang bước thêm một bước đi mới, thoát ra khỏi những thành công trước đó của mình.
          Nếu Gieo quẻ có sự khác biệt trong việc hợp tác cùng Khắc Hưng, Đen Vâu cũng như kết hợp EDM vào nhạc pop, nhưng vẫn có những yếu tố truyền thông như chầu văn làm cú chuyển mình; thì See tình là một nỗ lực đi ra khỏi dấu ấn của Hoàng, khi Hoàng Thùy Linh cùng DTAP dùng chủ yếu là RnB – Pop, có phần tương đồng với âm nhạc của Doja Cat đang làm mưa làm gió trên thế giới. Các âm bass và kick khá bắt tai, kết hợp cùng các đoạn drop huýt sáo tuy không mới nhưng để lại ấn tượng. Cách chơi chữ của cũng là một điểm nhấn thú vị cho cách Hoàng Thùy Linh nỗ lực đưa sản phẩm của mình đến khán giả đại chúng.

MỘT NGÀY TÔI QUÊN HẾT –DANH CA CẨM VÂN, HỨA KIM TUYỀN, CECE TRƯƠNG

          Đứng sau thành công của các dự án hợp tác với Văn Mai Hương, Uyên Linh, Hoàng Duyên… Hứa Kim Tuyền có thể nói là một nhạc sỹ, nhà sản xuất “mát tay” của thế hệ mới. Một ngày tôi quên hết là bài hát viết về sự lãng quên của ký ức, nhẹ nhàng thì đó là những khoảng trống chốc lát, nhưng nặng hơn thì đó là căn bệnh Alzheimer đáng sợ. Mang âm hưởng của valse cũng như nhịp ¾ quen thuộc trong các sáng tác của anh, bài hát vừa xúc động nhưng cũng gợi ra những suy nghĩ rất riêng.
          Hứa Kim Tuyền chia sẻ, anh mất đến hơn… 3 năm để tìm ra giọng ca phù hợp cho bài hát này. Và khi hợp tác với Cece Trương, anh vô tình nghe danh ca Cẩm Vân hát, và biết đã chọn đúng người. Danh ca Cẩm Vân những năm gần đây trong các dự án hỗ trợ con gái cũng đã hát lại những bài hát mới và trẻ hơn; và dự án này cũng rất cần thiết để thế hệ trẻ hơn được nghe lại những giọng ca một thời vàng son.
          Một ngày tôi quên hết nằm trong dự án Colours ra mắt sắp tới đây – tập hợp những bài hát viết riêng về một vấn đề khác nhau, cho một lứa tuổi khác nhau trong cuộc sống. Trước đó Ước mơ của mẹ, Hoa Kỳ và Nếu một mai tôi bay lên trời cũng đã được ra mắt, với sự thể hiện của các giọng ca trẻ. Có thể nói đây là một dự án cũng rất đáng mong chờ, với nội dung ý nghĩa cũng như các sáng tác của Hứa Kim Tuyền luôn văn minh và mới mẻ.  
___________________________
Bài viết gốc được đăng trên Tạp chí Văn nghệ - Quân đội