29 tuổi, tôi lên chức bố. Có thể gọi là một ông bố trẻ thời hiện đại vì không biết hát ru, thay tã, tắm táp lẫn cho con ăn, con ngủ.
Từ ngày con gái chào đời, tay phải chăm con là vợ, tay trái khi vợ mệt là bà. Tôi như kẻ đứng giữa, chỉ đi làm, kiếm tiền và tối về tranh thủ chơi với con trong khi đầu còn nhẩm tính “bao việc”.
Lạ thay, thời gian đó tôi từng có suy nghĩ rằng “trách nhiệm của mình vậy là đủ”, một ông chồng đã tròn bổn phận “xây nhà”. Cho đến hôm má về quê đột xuất, vợ phải đi làm, tôi nghỉ phép ở nhà trông con. Và bạn biết không, ngày đầu tiên ru con ngủ, tôi hát bài Chú voi con ba mươi sáu lần.
Là khi ôm con gái trên vai, tôi bắt đầu lắc lư theo nhịp hát nhẹ nhàng “chú voi con ở bản Đôn, chưa có ngà nên còn trẻ con…”. Bí quyết này do vợ tôi truyền lại. Nàng bảo, muốn con dễ ngủ cần vừa lắc lư vừa hát. Người đong đưa như chiếc nôi, miệng hát nhẹ như gió thoảng, cứ thế con sẽ đi vào giấc ngủ.
Nhưng lần đầu tiên không dễ như lời nàng khuyên. Con gái vốn quen mẹ và bà, nên ôm bố qua vai mà miệng vẫn bi bô gọi bà và mẹ. Lúc ấy tôi chợt thấy mình tủi thân, bản năng của người làm bố cho tôi biết từ ngày chào đời đến nay con gái thiếu kết nối với mình. Có vẻ như chính tôi từng là chú voi con “vẫn ham ăn với lại ham chơi”, nên dù đã nằm trên đôi vai vững chắc của bố, con gái vẫn í ới gọi mẹ.
Tôi vỗ nhè nhẹ vào lưng con. Miệng vẫn hát voi con ơi trong khi lưng chùng ra sau để con gái dễ đi vào giấc ngủ. Lần hát thứ 20, tôi nhìn qua gương thấy con gái đã ngủ say mà đôi tay nhỏ vẫn bấu víu vào áo. Tôi nhẹ nhàng đặt con xuống, thì a lê hấp, con ngơ ngác mở mắt gọi bà.
Lại bế con lên. Nâng con ôm chầm qua vai. Và miệng tiếp tục hát chú voi con lần thứ hai mươi mốt. Lần này, nhìn qua gương, vẫn thấy con đã ngủ, nhưng không dám đặt con xuống nữa. Sợ con thức giấc lần hai, khó ngủ hơn lần trước. Cứ thế, tôi hát như một thói quen định sẵn trong lòng, hát cho đến lần thứ ba mươi sáu thì mới dám đặt con xuống gối.
Lần đó khi con gái đã ngủ say, tôi nhìn ngắm con và thấy mình trong hình hài này. Tôi cũng thấy bóng dáng của má, của vợ tôi trong đó. Tôi chợt nghĩ đến ngày bác sĩ gọi tôi vào nhận con, tôi bật khóc nấc nở một cách vô tư như chưa từng được khóc. Tôi biết đó là lần tôi cảm nhận được cảm giác hạnh phúc, như lần này, tôi đang ngắm nhìn con mình.
Bên con, tôi thấm thía những cực nhọc của má và vợ. Nhờ những lần ru con ngủ tôi mới biết mọi việc không hề đơn giản như tôi từng nghĩ và phó mặc. Ru con, nếu không hiểu con, rất dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi và chán nản. Lưng ta mỏi, tay ta đau, miệng ta khô khốc, khi sau vai mắt con vẫn ngó nghiêng, bập bẹ gọi mẹ và bà.
Tôi nhận ra rằng, sự kết nối giữa bố và con rất quan trọng. Khi ta ôm con vào lòng, ru con và lắc lư theo nhịp hát, điều ta cần nhất là sự chú tâm. Ngay trong khoảnh khắc đó, chỉ có ta và con, chỉ có tình yêu thương và lòng biết ơn tạo hóa. Ta không lo lắng ngày mai, ta không sợ bỏ lỡ điều gì trên điện thoại, ta chỉ biết ta đang ôm con trên đôi vai vững chắc của mình, truyền hơi ấm cho con, và cứ thế con sẽ từ từ chìm vào giấc ngủ.
Khi đó, ta chợt thấy mình hạnh phúc.