Viết về một người nào đó đã truyền cảm hứng cho bạn.

Thực sự mà nói thì mình là một đứa "gì cũng được". Nhạc gì hay thì nghe, sách nào hay thì đọc, nơi nào ông anh thích thì tới. Mình đã từng đề cập trước đó rằng bản thân mình là một mớ hỗn độn, và nó thực sự là như vậy. Mình có thể uống đi uống lại một loại đồ uống vào mọi thời điểm trong ngày, xem lui xem tới duy nhất 1 bộ phim, đọc đi đọc lại 1 cuốn sách, và mình đồng thời rất tùy ý với mọi thứ. Và khi mà suy nghĩ đến nhân vật cho ngày 3 này thì mình đã phải vắt óc lên nghĩ (Lúc đầu định lấy ai đó nổi nổi để chém gió cho sang :]]). Và trong lúc đang vắt chân lên cổ viết cho xong cái kịch bản để quay CV thì nhớ ra một người.
 Bà cố ngoại của mình. Nói chính xác nhất, là mẹ của bà ngoại :)).
Một chút bối cảnh lịch sử:
Mình là một đứa con miền Trung, nằm ngay giữa đất nước. Là người Quảng Trị. Đúng rồi, cái chỗ mà người ta thường bảo không có gì ngoài bom ấy :)) Sự thật đúng là thế, nhưng đấy là sự thật vài ba chục năm trước. Bây giờ thì Quảng Trị thay áo rồi. Nhưng hôm nay mình sẽ đưa các bạn về cái "vài ba chục năm trước".
 Quảng Trị, nơi có cầu Hiền Lương - sông Bến Hải. Các bạn nào thích Sử chắc sẽ biết đó là nơi nước ta bị chia cắt thành 2 miền trong cuộc kháng chiến với Đế quốc Mĩ. Ai nghiên cứu sâu hơn nữa thì sẽ biết nơi đó là một trong những nơi kháng chiến diễn ra ác liệt nhất. Và nó thực sự là như thế! Chiến sĩ ta và địch tranh nhau từng thứ một. Từ cái cột cờ bên nào cao hơn, dàn loa bên ai xịn hơn tới tranh thứ hạng trong các môn thể thao hay thậm chí là cuộc chiến đấu tranh tư tưởng giữa hai phía nữa. Các bạn hứng thú thì có thể tìm hiểu trong cuốn Một thời giới tuyến nhé. Nói chung, không chỉ là nơi chia cắt đất nước như trong SGK, mà nơi đó thực sự là một chiến trường thực sự, đôi khi nó còn ác liệt và nguy hiểm hơn những nơi tiền phương nữa.
                                                                    Cầu Hiền Lương 1974                                                                                (Đây là cầu cũ, bây giờ người ta có xây một cây cầu lớn hơn bên cạnh để đi lại)
Nói qua như thế, để các bạn hiểu được rằng chiến trường Quảng Trị nói chung, Vĩnh Linh nói riêng ác liệt như thế nào. Còn bây giờ mình sẽ nói về cố ngoại của mình :))

Nhưng bà là ai?
 Cố tên là Diệm, lúc còn nhỏ mình thường nghe người ta gọi cố là Mẹ Diệm nhưng không hiểu vì sao, mãi đến khi lớn lên mới hiểu. Ngày còn bé (bé xíu xịu xìu xiu, cỡ 4 5 tuổi gì đấy), mình biết cố qua bức ảnh trên bàn thờ và qua những câu chuyện của bà ngoại. Hồi đấy mình học mẫu giáo thì ít, mà ở với nhà ngoại thì nhiều :)) Qua những câu chuyện đêm đêm không ngủ nghe bà kể, mình biết cố là một người đàn bà tần tảo sớm hôm nuôi dạy con. Về làm dâu ở làng Liêm Công, nằm ngay sát đôi bờ Hiền Lương. Dù chồng cố mất khi cố mới chưa được 30, kẹp nách 2 con thơ nhưng cố vẫn luôn cố gắng dạy dỗ 2 đứa con đàng hoàng. Tiên-5-tuổi chỉ biết như thế thôi.

 Và rồi đến 7 tuổi. Hồi đó mình đã biết đọc rồi, mà nhà ông bà thì có một tủ sách siêu to siêu khổng lồ. Đa số là sách Lịch Sử và tạp chí Tuổi trẻ cuối tuần (Mình còn tìm thấy một tập Truyện Kiều xuất bản 1980 cơ :]]). Và không hiểu là có cơ duyên nào không, nhưng cuốn sách đầu tiên mình cầm lên là "Huyền thoại cầu Hiền Lương". Và trong cuốn sách ấy, câu chuyện đầu tiên là về mẹ Ngô Thị Diệm. Thật ra lúc mình cầm lên đọc, thấy hình mẹ Diệm cứ quen quen như gặp ở đâu rồi ấy. Rồi đọc thêm 2 3 trang nữa, thì tên 2 người con của mẹ xuất hiện. Mình lúc đấy ngớ người ra thực sự, xong chạy xuống bếp hỏi bà: "Cái hình ni có phải hình cố không rứa mệ?" (Tạm dịch: Cái hình này có phải hình của cố không vậy ngoại?") thì bà cười cười, rồi bảo đúng rồi. Ngẩn người part 2 :)) Vì thực sự trong những câu chuyện ngoại kể chưa bao giờ đề cập đến chuyện này, nên mình thực sự không hề biết gì cả. Thế là mình dành vài ngày tiếp theo đọc cuốn sách đó (Nói cho đúng là đọc đi đọc lại câu chuyện về cố), và đấy là lúc Tiên nhận thức được cố vĩ đại lắm luôn ấy.
Tèn ten :)) 
 Người ta kể cố ở lại làng không đi sơ tán ra Bắc, cố cùng 3 phụ nữ khác ở lại cơm nước giặt giũ cho các chiến sĩ, cố phát giác địch, vân vân èn vân vân. 
Gần cầu có mẹ Diệm nghèo/Nắng mưa rơm rạ túp lều đơn sơ/Mẹ ơi bom đạn bất ngờ/Sao không tạm lánh xa bờ ít lâu/Mẹ rằng mẹ chẳng đi đâu/Còn anh bộ đội canh cầu ngày đêm/…                      _Tố Hữu_     
 Thế nhưng câu chuyện gây cho mình ấn tượng sâu sắc nhất, tới nỗi mình còn nhớ như in từng cung bậc cảm xúc của Tiên-7-tuổi, chính là câu chuyện khiến cố được mọi người nhớ đến - Người mẹ vá cờ.
Một trong những bức ảnh hiếm hoi khác về cố (bên trái)
 Các bạn biết không? Là cờ tổ quốc tại đôi bờ Hiền Lương hồi đó là cả một biểu tượng đấy. Không phải khi không mà lại có cuộc chiến "chọi cờ" của 2 bên đâu. Lá cờ Tổ Quốc lúc đó được treo ở Vĩnh Linh, có diện tích khoảng hơn 100m2, cột cờ cao hơn 35m, mỗi lần treo lên cần một tiểu đội. Lá cờ Tổ quốc đứng sừng sững ở đó, như một lời thách thức chính quyền Mĩ - Ngụy, khiến cho mục tiêu đầu tiên của chúng là phải tiêu diệt được biểu tượng đó. Và thế là ngày ngày chúng quần bom tới phá cờ. Kết quả là cột cờ hư hỏng, lá cờ thì tả tơi. Và lúc đó, cố Diệm - 1 trong 4 phụ nữ ở lại làng, đã cùng với những người phụ nữ còn lại, đêm đêm chong đèn lên vá cờ. Vá để kịp sáng mai lại treo, để bà con khắp nơi lại nhìn thấy lá cờ, để Ngụy phải khiếp sợ. Hơn 10 năm như thế. Cứ theo một trình tự. Ngụy phá - Ta vá cờ. Ngoại mình kể rằng thực sự thời gian đấy ngoại cùng em trai ra Bắc, đâu bên cạnh cố để biết được thời ấy như thế nào, thế là Tiên lại ngậm ngùi tin sách :)).
 Ngoại từng kể, sau này khi người ta viết sách có tìm đến cố. Người ta hỏi sao cố năm đó động lực đâu ra để cố ngày ngày cần mẫn vá cờ. Cố bảo rằng còn nhìn thấy lá cờ thơm tho, sạch sẽ, với ngôi sao 5 cánh bay phấp phới trên bầu trời ngày nào, thì ngày đấy nhân dân vẫn còn lòng tin đất nước sẽ thống nhất. Cố già, cố không ra trận được, thì cố ở nhà vá cờ thôi.
Kết
Cố mất khi mình chưa sinh, thế nên mình và cố chưa bao giờ có cơ hội gặp nhau :)). Chỉ biết cố qua những câu chuyện nhỏ của bà và bức di ảnh trên bàn thờ, thế nhưng mình luôn có cố ở trong tim. Cuộc đời của cố như một ngọn lửa, thắp sáng cho mình, khiến mình có động lực và tự tin hơn. Mỗi khi mình thất bại hay là mất niềm tin, thì một phần nào đó trong mình lại tự nhắc nhở: "Này! Mày mang dòng máu của người mẹ huyền thoại năm xưa từng vá cờ Tổ quốc đấy. Thế mà có tí chuyện nhỏ như thế mà đã bỏ cuộc rồi à?" Và mình lại ngồi cười một mình :)). Rồi lại đứng dậy, đi tiếp.
Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm rồi. Những vết thương chiến tranh cũng đang dần được hồi phục. Nhưng bản thân mình thực sự vẫn buồn vì những câu chuyện đó không được nhắc đến nhiều (Không có ý định chửi đổng giáo dục Việt Nam hay gì nhé). Vì thế bài viết này, một phần là hoàn thành challenge ngày 3, một phần là hoàn thành lời hứa một bài viết về cố, và một phần là cho các bạn đọc một góc nhìn khác một chút so với những gì các phương tiện đại chúng thường nói đến. Sau này mình sẽ còn có vài lần edit lại, nhằm mục đích hoàn thiện được cả 3 mục tiêu trên, vì thế hy vọng với lần đầu viết này các bạn thông cảm :))

Chúc các bạn một ngày tốt lành!
Kết thúc ngày 3.