[30-day writing challenge] Ngày 7: Viết về những điểm mạnh của bản thân
Tuy không rõ có được coi là điểm mạnh hay không nhưng sau đây là những đặc điểm trong tính cách và tư duy đã góp phần mang lại nhiều giá trị cho cuộc sống của mình.
1. Have a Rationally Positive Attitude (Luôn có một thái độ Tích cực lý trí).
Sự tích cực độc hại (toxic positivity) chỉ việc quá tập trung theo đuổi những suy nghĩ tích cực và bỏ qua những cảm xúc khác. Nó dẫn đến sự từ chối, đánh giá thấp, và xem thường những cảm xúc khác cũng như trải nghiệm thật của con người.
Khác với Tích cực độc hại (toxic positivity), Tích cực lý trí là một thái độ tích cực lành mạnh mà mình luôn hướng đến. Nhiều người đã từng đánh giá mình rằng: mình hay nhìn mọi thứ màu hồng quá, ra ngoài xã hội kiểu gì cũng bị vả cho sấp mặt 😅 Thế nhưng những người đó không biết rằng, đó là thái độ sống mà mình đã lựa chọn và cất công rèn luyện qua năm tháng mới có được chứ không phải là bản chất sinh ra vốn có, cũng không phải là do mình quá ngây thơ non nớt hay thiếu kinh nghiệm sống đến vậy. Mình lạc quan nhưng không ảo tưởng. Mình biết là thực tế xã hội ngoài kia có rất nhiều mảng tối và cạm bẫy, cũng sẽ có nhiều lúc gặp khó khăn hay vấp ngã đến mức không thể giả vờ gượng cười được. Khi ấy, mình vẫn sẽ buồn bực, giận dữ, cáu gắt, thậm chí nổ tung như một quả bom hẹn giờ, có khi khóc òa lên một trận long trời lở đất.
Sự tích cực lý trí của mình, cụ thể sẽ biểu hiện qua việc mình bớt đổ lỗi cho mọi thứ hơn, bớt than vãn rằng tại sao những cái xấu lại xảy ra hơn,.. (hoặc là than cho đã xong rồi thôi), thay vào đó, mình nhìn vào những mặt tích cực của nó, biết rằng mọi việc sẽ luôn có cách giải quyết, và tập trung vào việc hành động hướng đến giải pháp. Có nhiều người hỏi mình rằng: có những cái không thể giải quyết hay cứu vãn được thì sao? Những lúc như vậy thì cứ bình tĩnh thôi, việc gì cũng sẽ có cách giải quyết, bởi trong "nguy" vẫn sẽ luôn có "cơ" mà. Mình nghĩ rằng, suy nghĩ như vậy đã là một sự tích cực lý trí rồi.
2. Caring and having a strong sense of compassion - Tend to establish genuine, deep connections with people.
Mình vẫn luôn cảm thấy bản thân là một người không hay tính toán, có xu hướng cho đi nhiều hơn là nhận lại trong một mối quan hệ (tất nhiên là phải trong giới hạn khả năng của mình), đặc biệt đối với những người mình thực sự yêu quý và quan tâm. Điều này thực chất vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu vì đôi khi mình sẽ rất dễ bị tổn thương hoặc là người bị "thiệt" trong một mối quan hệ không "win - win". Đúng là sau những lần bị tổn thương như thế, cơ chế tự vệ của chúng ta sẽ tự động bật mode "On" để ngăn bản thân tiếp tục bị thương. Chúng ta có thể sẽ trở nên khép kín hơn, cảnh giác hơn, tính toán hơn, đa nghi hơn mỗi lần bước vào một mối quan hệ nào đó. Mình cũng đã từng như vậy và vì thế mà đánh mất khá nhiều mối quan hệ tiềm năng. Mình thậm chí còn ngắt kết nối với những người bạn đã từng rất thân thiết, chỉ đơn giản là bởi mình muốn tự thu mình vào chiếc kén của bản thân, cho rằng tách biệt với thế giới bên ngoài là cách tốt nhất để tự bảo vệ và phòng tránh những tổn thương. Sau những lần như thế, có những người vẫn kiên nhẫn ở đó, nhưng cũng có nhiều người chấp nhận ra đi.
Tuy nhiên giờ đây, thay vì chạy trốn, hoảng sợ hay né tránh, cơ chế phòng vệ (mà mình coi là 1 điểm mạnh) của mình sẽ là: sau khi tiếp xúc với ai đó đến một mức độ nhất định mà nhận ra không hợp hoặc đánh hơi thấy một số "red flags" thì bản thân sẽ đặt ra giới hạn cho mối quan hệ đó luôn (thường là giữ ở mức xã giao, họa hoằn lắm thì sẽ lặng lẽ "bơ đẹp"), còn lại thì sẽ luôn hướng đến những mối quan hệ phát triển trên nền tảng có sự kết nối sâu sắc (deep connection) và nếu có cơ hội thì tập trung đầu tư cho những cuộc trò chuyện sâu (deep conversation). Sự kết nối có thể dựa trên sự đồng điệu về mối quan tâm (interests/hobbies), tầng tư duy (mindset) hay lối sống (lifestyle). Nhờ vậy, mối quan hệ sẽ có cơ sở để đôi bên cùng "cho - nhận" giá trị, từ đó mình và đối phương đều có thể dễ dàng mở lòng, bộc lộ bản thân, tin tưởng và đồng hành cùng nhau lâu dài. Điều này giúp cho mình có được những mối quan hệ chất lượng và thú vị hơn rất nhiều.
3. Insightful – Always strive to move past appearances and get to the heart of things.
Đợt ứng tuyển vào Câu lạc bộ hồi năm nhất, mình vẫn nhớ chủ đề chính của mùa tuyển thành viên xoay quanh câu hỏi: "Are you a Watcher or a Player?" Mình của khi đó và bây giờ sẽ vẫn giữ câu trả lời rằng: "I am a Watcher. I watch and learn first, then I play." Mình nghĩ rằng câu trả lời này xuất phát từ việc mình biết bản thân có một điểm mạnh rằng: Mình thận trọng trước khi đưa ra những quyết định quan trọng để phòng tránh rủi ro. Mình thích sự chuẩn bị kỹ lưỡng thay vì sự quan tâm hời hợt. Mình luôn muốn tìm kiếm và đi sâu vào bản chất thay vì chỉ nhìn vào bề nổi của tảng băng. Điều này có thể mang lại cho mình một khả năng đặc biệt trong việc hiểu được ý nghĩa của những việc mình làm, hoặc hiểu được động cơ, cảm xúc và nhu cầu thực sự của người khác (ability to understand people’s true motivations, feelings, and needs), từ đó có cách giải quyết/giao tiếp phù hợp với từng vấn đề/đối tượng khác nhau.
4. Can-do attitude - always keeping the "people have unlimited capabilities" mindset
Dù ít khi thừa nhận điều này với người khác nhưng mình luôn tự cảm thấy bản thân cũng có phần trăm hiếu thắng (competitive) khá cao *it lowkey runs in my blood*, vì vậy mình cảm thấy người khác làm được thì mình cũng làm được, chỉ cần cố gắng hết sức là được, quan trọng là mình có thực sự muốn làm hay không mà thôi. Thái độ này đã nhiều lần phát huy điểm mạnh của nó trong việc giúp mình làm được nhiều thứ vượt ra ngoài "comfort zone" của bản thân, phá bỏ rào cản tâm lý trong mình mỗi khi gặp những tình huống khó nhằn nhất.
Tuy nhiên, sau này có một người anh đồng nghiệp cũ đã nói với mình rằng: "Anh thích suy nghĩ đó của em, tuy nhiên thực tế này không vận hành như vậy, con người ta hơn nhau ở chính cái chữ "chỉ cần cố gắng" đó. Hai chữ "chỉ cần" khiến mọi thứ nghe thật đơn giản. Em nghĩ rằng em "chỉ cần" học cái này, em "chỉ cần" làm cái kia, vậy là có thể thành công giống người ta phải không? Ngược lại, bản thân hai chữ "cố gắng" đã có sức nặng rất lớn và người ta thực sự có thể mất rất nhiều thời gian, công sức, tâm huyết, sự đánh đổi, những lần thất bại, những lần thử và sai, v.v để đạt được những thành tựu mà em đang thấy. Suy cho cùng thì có rất nhiều việc ta phải làm, phải cố gắng dù ta có thích, có muốn hay không. "
Điều này đã khiến mình điều chỉnh lại quan điểm trên một chút. Đúng là mình có thể học được nhiều thứ, làm được nhiều việc nếu muốn, nhưng mình ý thức được rằng đi kèm với đó luôn có những cái giá phải trả. Cái giá phải trả để trở thành chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực nào là 10.000 giờ luyện tập. Mình là dân kinh tế, nhưng nếu ai đó hỏi mình có thể trở thành một kỹ sư lập trình không, mình sẽ trả lời chắc nịch là "Có, nhưng hãy cho mình 10000 giờ." Đúng là mình làm được, nhưng liệu đó có phải điều mình muốn? Liệu mình có phát huy được tối đa sở trường và điểm mạnh của bản thân? Liệu kết quả nhận lại có xứng đáng với công sức bỏ ra? Liệu sau khi làm được mình có thấy hạnh phúc không? Đúng là có nhiều thứ nếu cố gắng thì một ngày nào đấy, không sớm thì muộn, chúng ta cũng sẽ đạt được thành quả nhất định. Nhưng "can-do attitude" của mình giờ đây ngoài cố gắng còn cần gắn với tầm nhìn, mục tiêu, chiến lược, kỷ luật, sự kiên định, trách nhiệm, thậm chí là cả lòng can đảm thì mới có thể phát huy tối đa điểm mạnh của nó.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất