Có một vấn đề đối với những câu trích dẫn, đó là chúng có thể rất phiến diện bởi không được đặt vào một hoàn cảnh nào cụ thể. Trích dẫn tốt phải là một trích dẫn súc tích, truyền tải đầy đủ và có ít hoàn cảnh sẽ thay đổi được ngữ nghĩa của nó.
Mình lấy ví dụ một câu trích dẫn mà mình cho là không quá tốt, đó là một câu nói từ một người bạn của mình. 
"Every successful relationship are based on lies."
Bạn mình khi nói ra câu này, đã đặt nó trong một văn cảnh như sau: Mọi mối quan hệ thành công đều được xây dựng trên nền tảng của sự nói dối, tuy nhiên nói dối ở đây không có nghĩa là nói dối tất cả mọi thứ, mà chỉ là có những điều người kia không cần thiết phải biết, để giữ mối quan hệ được êm thấm. Nói dối ở đây không phải là nói dối, mà chỉ là giấu đi một phần sự thật.
Đó là ý của bạn mình. Nhưng nếu để nó đứng riêng như thế kia, nhiều người sẽ nhăn mặt lắc đầu, bởi vì không phải tất cả mọi mối quan hệ thành công trên cuộc đời này đều xây dựng từ sự nói dối. Mà thực ra, nó phải là ngược lại. Sự thành thật mới chính là điều tạo nên một mối quan hệ thành công.

Về bốn câu trích dẫn mình yêu thích thì thật sự là cả cuộc đời mình tính đến thời điểm này không mấy khi học hỏi từ những câu trích dẫn. Cho nên lúc đọc đến thử thách của ngày này mình kiểu bị đơ mất mấy ngày. Não không hoạt động. Mình lục lại trí nhớ những người mà đã ảnh hưởng đến mình trong quá trình mình lớn lên và trong quá trình xây dựng tính cách của mình. Một trong những người đó là một người đàn ông có ngoại hình lịch lãm, trình độ học vấn cao và luôn luôn theo đuổi sự chiến thắng. Anh là một luật sư xuất sắc mà ai cũng phải kính nể. Tuy vậy anh cũng không khác người bình thường là bao. Anh cũng có những nút thắt trong lòng. Anh cũng có những vấn đề và những nhu cầu. Anh không có thật. Anh là Harvey Specter - luật sư giỏi nhất nhì New York. 
Mình biết đến Harvey thông qua show truyền hình nổi tiếng của Mỹ, Suits. Trước đây mình xem vì "thích những người đàn ông đi thẳng". Bây giờ cứ đến mỗi độ mùa thi về, mình lại ngồi xem Suits để lấy động lực học. Mình học thì không liên quan đến luật, nhưng cái mình thích ở Suits là bộ phim có đề cập đến những người sinh viên học giỏi, chăm chỉ và năng nổ. Những năm còn ngồi ghế nhà trường, họ học hộc lờ, sau này ra trường mỗi người bọn họ đều có chỗ đứng nhất định trong xã hội. Xem Suits khiến cho mình có cảm hứng học và lòng kiên trì để vượt qua các mùa thi. Năm nay Suits ra season cuối cùng, kết thúc gần một thập kỉ đi cùng người xem trên màn ảnh nhỏ. 
Từ suit trong tiếng Anh vừa có nghĩa là vụ kiện, vừa có nghĩa là bộ vest. Harvey rất chăm chút cho những bộ vest của mình, anh đầu tư rất nhiều tiền vào những bộ vest, bởi anh quan niệm:
(1) “People respond to how we’re dressed, so like it or not this is what you have to do.” – Harvey Specter 
Một người ăn mặc lịch lãm sẽ được người khác tôn trọng hơn so với một người ăn mặc xuề xòa. Trong giới luật sư không có chỗ cho sự xuề xòa. Nên nếu muốn tồn tại được ở trong ngành này, điều kiện tiên quyết là phải biết mặc vest.
Điều này đúng với mọi trường hợp nếu bạn sống ở trong một xã hội mà tất cả mọi người đều chú trọng vẻ bề ngoài. Dẫu vẫn biết rằng, cái bên trong mới là cái quan trọng, nhưng một khi bạn đã chăm chút được cho phần bên trong, tội gì không chăm chút nốt cho phần bên ngoài. Bạn sẽ được người khác đánh giá cao hơn, nếu bạn biết cách ăn mặc. Biết cách ăn mặc có nghĩa là biết mặc gì vào lúc nào, thể hiện bạn là người hiểu biết, ý thức được vị trí của bản thân, tôn trọng thị giác của đối phương.
Câu trích dẫn thứ hai, cũng là câu mình thích nhất của Harvey, như sau:
(2) "You want to change your life? Change the way you think." – Harvey Specter
Nó cực đúng ấy! Mình gặp nhiều người khác nhau, nghe cách họ nói chuyện, cách họ đối mặt với những vấn đề, cách họ giải quyết những vấn đề. Có những người mình phải gật gù tâm đắc, không phải vì người ta nghĩ giống với mình, mà là vì suy nghĩ của người ta hợp lí. Mỗi người sẽ nghĩ một cách khác nhau, không có ai nghĩ giống ai. Tuy nhiên, chỉ cần cách nghĩ hợp lí, chuyện gì cũng có thể giải quyết được. 
Còn nếu vấn đề vẫn cứ treo lơ lửng trên đầu, không giải quyết được, thì 90% là do cách nghĩ của người ta có vấn đề. Đôi lúc trong mạch suy nghĩ của một người, nó sai ở đâu đó, nó gãy ở đâu đó hoặc nó tắc tịt ở đâu đó. Nghĩ không thông, nghĩ lệch lạc, dẫn tới việc làm cho mọi thứ cứ thế rối bung. Nếu bạn muốn thay đổi cuộc đời bạn, trước hết phải thay đổi cách bạn nghĩ. Khi bạn đang nghĩ mà thấy bế tắc, thấy sai sai thì nên dừng lại và nghĩ sang hướng khác. Đừng bao giờ chỉ đưa ra một đáp án, nên đưa ra nhiều phương án khả thi khác nhau, để thua keo này còn bày keo khác.
(3) "Don't raise your voice. Improve your argument." – Harvey Specter
Câu trích dẫn thứ ba đã có ảnh hưởng rất nhiều trong cách mình nói chuyện và hành xử. Thật vậy, nói to chưa bao giờ là cách để làm cho người khác khâm phục, mà phải là nói đúng. Nếu bạn nói phải thì củ cải cũng nghe. Về câu này không cần nói nhiều, để đó là đủ cảm nhận rồi. 
(4) “Ever loved someone so much, you would do anything for them? Yeah, well  make that someone yourself and do whatever the hell you want.” – Harvey Specter
 “If they think you care, they’ll walk all over you.” – Harvey Specter
Đây là hai câu nói mà theo mình thấy cực kì đề cao chủ nghĩa cá nhân cũng như việc bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương người khác có thể gây ra. Như mình đã nói, Harvey cũng có những nút thắt. Một trong những điều đó là anh không muốn thể hiện ra tình cảm của mình. Bởi anh nghĩ rằng, một khi người ta biết, họ sẽ không trân trọng điều đó và sẽ coi thường anh. Trong chuyện này, rõ ràng cách nghĩ của Harvey cũng có gì đó sai sai. Thế nên phàm đã là con người thì không ai hoàn hảo, không ai đúng hết mọi thứ bao giờ. Mình thích hai câu này, không phải vì nó có ý nghĩa xuất sắc gì, mà chỉ bởi vì nó vực dậy cơ chế bảo vệ trái tim của một con người. 

Danh sách 30 ngày thử thách:
Ngày 1: Liệt kê ít nhất 10 điều khiến bạn hạnh phúc.
Ngày 2: Viết một điều gì đó về bạn mà ai đó đã nói với bạn khiến bạn nhớ mãi không quên.
Ngày 3: Viết về một người nào đó đã truyền cảm hứng cho bạn
Ngày 4: Liệt kê ít nhất 5 địa điểm mà bạn muốn đến thăm.
Ngày 5: Liệt kê 10 bài hát mà bạn yêu thích vào lúc này.
Ngày 6: Viết về một điều gì đó mà khi nghĩ đến khiến bạn thêm mạnh mẽ.
Ngày 7: Viết về những điểm mạnh của bản thân.
Ngày 8: Viết về 5 điều mà bạn luôn cảm thấy biết ơn trong cuộc sống của mình.
Ngày 9: Viết về một bài bộ phim yêu thích mà bạn đã từng xem.
Ngày 10: Viết một bức thư/email hỏi thăm cho ai đó.
Ngày  11: Nghĩ về một từ bất kỳ mang ý nghĩa tích cực mà bạn muốn. Tìm kiếm  từ đó trên “google image”. Dừng lại ở bức ảnh bạn thấy yêu thích và viết  điều gì đó bạn thấy được truyền cảm hứng từ bức ảnh đó.
Ngày 12:  Liệt kê 25 điều (hay thậm chí chỉ 5 điều) mà bạn muốn làm được trong  cuộc đời mình/ Viết 101 điều mình muốn làm trong cuộc đời này (My Bucket  lists).
Ngày 13: Viết kế hoạch những việc cần làm của bạn vào ngày mai.
Ngày 14: Viết cảm nhận về một ngày tuyệt nhất của bạn trong tuần vừa rồi.
Ngày 15: Viết cảm nhận về một cuốn sách bất kì mà bạn thích.
Ngày 16: Viết (liệt kê) về một vài website/blog yêu thích mà bạn hay đọc.
Ngày 17: Viết về một thói quen xấu mà bạn muốn thay đổi trong năm nay.
Ngày 18: Viết về một tời điểm khó khăn nào đó mà bạn đã từng trải qua.
Ngày 19: Viết về một nỗi sợ nào đó của bạn.
Ngày 20: Viết về một khoảnh khắc đáng nhớ nào đó của bạn.
Ngày 21: Viết lại 4 câu trích dẫn yêu thích của bạn.
Ngày 22: Viết ít nhất 10 điều bạn biết ơn vào hôm nay.
Ngày 23: Viết về một buổi sáng lý tưởng mà bạn muốn có vào mỗi ngày.
Ngày 24: Viết chu trình buổi tối thông thường mà bạn muốn có vào mỗi ngày.
Ngày 25: Viết thư gửi bản thân trong quá khứ.
Ngày 26: Viết thư gửi bản thân trong tương lai (1 năm, 3 năm, 5 năm,… )
Ngày 27: Viết hình dung về người yêu/bạn đời của bạn trong tương lai.
Ngày 28: Viết mục tiêu trong 30 ngày sắp tới của bạn.
Ngày 29: Viết những điều mà bạn muốn người khác nhớ về bạn khi được nhắc đến.
Ngày 30: Viết cảm xúc của bạn sau 29 ngày thử thách viết lách vừa qua.