Trái đất, hành tinh này vận hành theo quỹ đạo của nó và con người lại quá nhỏ bé so với khái niệm thiên văn học kia. Vậy liệu, con người có thể lập trình được quỹ đạo của riêng mình?
Một cơn sóng thần ập đến. Và bùm, bạn chết. Bạn còn có thể lập trình gì?
Nhưng nếu bạn may mắn, tìm thấy một cơ hội, một tia sáng nào đấy trong lúc hiểm hoạ, và bạn đã chuẩn bị sẵn kiến thức và kỹ năng ứng phó lúc nguy cấp, có thể bạn sẽ thoát chết. Hoặc có thể bạn sẽ cứu được ai đó nữa.

Đấy là cách mà quỹ đạo cuộc đời bạn thay đổi.
Chất lượng của Tư duy quyết định chất lượng của hành động. Hành động lặp lại tạo thành thói quen. Và thói quen giúp thay đổi kết quả.
"Lập trình quỹ đạo cuộc đời" của Kien Tran là một cuốn sách thuần về tư duy như vậy. Sách anh viết đã đem đến người đọc những nhìn nhận mới lạ cùng những ví dụ và lập luận logic giúp thay đổi thế giới quan theo chiều hướng tích cực.
Đây là một quyển sách gối đầu giường của mình. Nó không phải là một cuốn sách self-help được bán đầy rẫy trên thị trường với những lý thuyết minh tính giáo điều. Nó giúp bạn hiểu bản thân hơn và hành động đúng.
Với tư duy "Less is more", mình bỏ theo dõi những fanpage IELTS mọc như nấm với những từ vựng phức tạp quá mức cần thiết, có đọc 5 lần cũng không nhớ nổi, bỏ bớt những "tài liệu quý" mà có lẽ mải tải về xong rồi để đấy. Ôn một nguồn duy nhất và tập trung hành động! Với tư duy "Value Focus", mình tập trung vào giá trị mà không màng đến số lượng. Thay vì chăm chỉ đọc nhiều quyển sách nhất có thể, mình đặt mục tiêu là đọc ít đi và rút ra bài học nhiều hơn. Cứ như vậy, những lối tư duy đó dần thay đổi cách thức và chất lượng hành động của mình.
Sẽ còn rất nhiều câu hỏi mở mà bạn tự đặt ra khi đọc cuốn sách này. Vậy nên nếu có thời gian bạn hãy thử tìm đọc nhé.
Một vài trích đoạn tham khảo:
"Đừng tập trung vào kết quả, hãy tập trung vào việc bạn có thể làm". Khi bạn hướng sự chú ý quá vào kết quả, bạn sẽ mong ngóng nó một cách ám ảnh và thiếu kiên nhẫn. Hiện tượng dễ thấy nhất là chưa làm đã lo không được.Bạn sẽ chần chừ hành động, trong đầu luôn đặt ra những câu hỏi "Liệu mình cố gắng thì có thành công?". Bạn cần phải thay thế bằng hệ tư duy "Làm hết sức trong khả năng, còn được hay không thì cũng đã cố hết sức rồi nên không phải tiếc". Không thành công cũng thành nhân. Điều bạn cần nói với bản thân là nếu hành động chắc chắn bạn sẽ thành công. Không lần này thì lần sau. Nhưng nếu không hành động bạn sẽ chắc chắn không thành công.

Đó là về Hệ tư duy thứ bậc (Status-Ranking Game) đây là suy nghĩ mang mình đi so sánh với người này người kia, để rồi, khi mình hơn người ta thì mình tự cao, kiêu ngạo, còn khi mình kém người ta đâm ra tự ti, đố kị ghen ghét người giỏi hơn mình, thay vì kết bạn với những người đó để mở mang kiến thức đầu óc. Thay vì suy nghĩ theo hệ tư duy thứ bậc chúng ta nên suy nghĩ theo tư duy Wealth Creation (Kiến tạo sự giàu có), giàu có ở đây là giàu có về mọi mặt, tiền tài, kiến thức, quan hệ,... Khi đó ta sẽ chuyển sang lấy bản thân làm mốc để phấn đấu.

"Đừng cố đúng, mà hãy cố bớt sai". Khi bạn tập trung vào "đúng nhiều hơn", bạn thường lờ đi những lỗi sai vì nó tấn công lòng tự trọng của bạn. Bạn khó tiếp thu hơn. Nhu cầu công nhận đúng nhiều hơn. Trong khi đó nếu tập trung "sai ít đi", mỗi lần lỗi sai được bạn phát hiện ra, hoặc có ai đó góp ý và khắc phục là một lần lòng tự trọng của bạn tăng lên. Bạn sẽ tiến bộ nhanh hơn.
KIÊN TRẦN VÀ TƯ DUY LẬP TRÌNH QUỸ ĐẠO CUỘC ĐỜI

Kết thúc ngày 15.