Dịch đuổi từ Quy Nhơn ra Sài Gòn, giờ là tới sát đít cách có 1 khu phố thôi, hẻm 441 đang bị phong tỏa.
Tết mùa Cô Vy có nhiều thay đổi đặc biệt, đường xá vắng vẻ, người người cách ly, nhà nhà im ắng.
Mâm cơm của mẹ bớt đi 1 món, trái cây cũng ít đi vài quả, hoa hèo cũng héo hon hơn do vài trận mưa dông.
Vậy mà có vài điều vẫn không đổi, những mối quan hệ xung quanh cuộc sống của bản thân.
Ngoại & Mẹ 
Lần nào cũng thấy Mẹ bồi hồi khi nghe điện thoại của Ngoại cả, nói chung nhẹ nhàng như sau:
Ngoại: P, sao tao gọi mày 2 ngày nay không được?
Mẹ: Ơ, con nào nhận được
Ngoại: Dịch rồi, mày đừng có mà ham hố đi đâu
Mẹ: Con có đi đâu đâu
… Sau 1 hồi, mẹ tìm mình, mắt cay cay than thở “Ngoại lại la mẹ”
Mình: Ơ, la gì, thấy mới nãy dzui mà
Mẹ: Mới nói bà kia mới chết, ngoại giữ sức khỏe, cái bả la à
Mình: Thì ngoại có sức la thì cứ la thôi, mẹ buồn làm gì
Mẹ tiu nghỉu: Tao có làm gì đâuuu
Mình: Mẹ của mẹ còn khỏe còn mắng mẹ được nên vui chứ sao lại buồn
Sau khi nghe câu đó, mẹ mình ngớ ra được gì đó, rồi cười nheo mắt, ngoe nguẩy đi xem bộ film mới.
Ba & Mẹ
Trong bếp, mẹ la toáng lên: Ai, là ai, người nào đổ hết giấm nuôi, tui mới nấu xong
Ba mình quét nhà gần đó, im im cứ lủi lủi đi lên phòng khách, vờ như không nghe không thấy. Mẹ mình như thẩm phán chờ thủ phạm thú tội để được khoan hồng, trước khi bị vạch trần. Mà cái vụ án này không cần vạch thì ai-cũng-biết-là-ai, vì ở nhà này có cái luật bất thành văn mẹ bày-ba dọn.
Thấy hơi lâu chưa nghe phản hồi, mẹ lên tiếng: Ông đổ hết nồi giấm mới nấu của tôi phải không?
Ba giật thót mình, biết không thể lảng tránh: Ừ thì, ai biết đâu, tưởng nồi luộc thịt nên đổ
Mẹ gầm lên: Ông không có nghe mùi giấm nồng nặc à
Ba giả ngơ: Đâu đâu
Mẹ hậm hực: Nè nè, sao ông có thể lầm cái nồi nước thịt với nồi giấm chớ
Ba vờ ngơ: Ờ, chắc già òi
Nghe xong, mẹ lẳng lặng bắt nồi mới nấu lại, vẫn không quên vọng vang câu: Ai đổ gì đồ tui nấu, hỏi tui tiếng nha
Được một hồi, mẹ lại gầm lên: Ai, là ai, người nào tưới nước, vàng hết cây mai của tui.
Vẫn là chờ ai-cũng-biết-là-ai-đó lên tiếng, nhưng KHÔNG, chỉ đợi khi mẹ hỏi gặn: Nhà này có ông chớ ai
Ba lại giật mình lần nữa: Ờ, bà đừng lo, tui có bí quyết
Mẹ giận hơn: Bí quyết gì, hư hết cây cối tui trồng rồi
Ba an ủi: Bí quyết tưới cây, yên tâm, yên tâm, cây bà không sao đâu
Đâu đó cất lên tiếng cười như khỉ gặp chuối, hihihi, kéo dài của con em gái với câu: Chời ơi, có vụ bí quyết tưới cây
Tối 30 tết, mặc áo khoác cho mẹ, bịch khẩu trang lại kĩ, gói 3 lớp, ba chở mẹ đi mua 1 cây mai mới.
Mẹ & Mình
Tết này, mẹ thèm ăn kiệu ghê, thế là tậu 3 kg, mình sẽ là đứa cuối cùng ngồi làm.
Tết này, mẹ thèm ăn kiệu tím cơ, tậu tiếp 3 kg, ngồi làm cuối cùng vẫn là mình.
Tết này, mẹ muốn ăn dưa món, tậu 2kg, mình nói thôi thêm 3 kg đi, cuối cùng vẫn là mình ngồi làm.
Tết này, mẹ muốn ăn mứt dừa, tậu luôn 5 kg, vẫn là mình đứa cuối cùng ngồi làm.
Chẳng phải ngoan hiền gì, chỉ là sau 30 nồi bánh tét, mình biết rằng có nói hay có làm gì thì mẹ cũng sẽ có “ma thuật” bắt mình/ba/em gái ngồi làm thôi. Và mình sẽ/vẫn/mãi/luôn là đứa ngồi làm cuối cùng.
Bắt đầu thấy thở hơi lên rồi, nên hỏi dò mẹ có muốn chuối sấy và bánh ít không?
Mẹ nhẹ nhàng với đứa con “cuối cùng vẫn ngồi làm” đang tóc xù tóc rối, bơ phờ: Sợ dọn nhà không kịp để làm quá
Bụng mình mừng thầm: đỡ quá đỡ quá!
Thay vào đó là nấu khổ qua dồn thịt, nồi thịt kho, làm măm cúng, dọn phòng, dọn nhà…
Và cũng xong nồi bánh ít và chuối sấy vào 17h 30 tết…
Mình nói rồi mẹ rất biết sử dụng “nhân công” hiệu quả
Còn Mẹ & Em Gái, Mẹ & Anh…với những câu chuyện rất đỗi bình thường mà thấy rằng chỉ cần ở nhà, cả gia đình, 1 bữa cơm có thịt kho có dương kiệu có bánh tét, 1 bông mai vừa nở…đã là TẾT. Tết đến rồi!
XUÂN NĂM NAY CŨNG NHƯ XUÂN MỌI NĂM
CHẲNG MONG GIÀU SANG, CHỈ CẦU BÌNH AN