Đây không hẳn là lời mà người đó nói trực tiếp với mình nhưng cũng là nói về mình và cuộc trò chuyện ngày đó đã trở thành điều mà có lẽ mình sẽ chẳng bao giờ quên được. 
Nó in đậm trong tâm trí mình vì người nói ra những lời đó là người mà mình yêu quý nhất, hơn cả bố mẹ mình - ông bà nội. Ai cũng bảo trong nhà mình là được cưng chiều nhất, có ông bà nội thương nhất. Một phần vì ông bà có tới bốn người con trai, bố mình là con cả và mình thì là con gái đầu nên ông bà nội thích lắm. Mình cũng là đứa cháu duy nhất trong nhà được sống chung với tất cả các chú, thím và ông bà nội nên lúc đó bao nhiêu cưng chiều đều được dồn hết vô mình. Bố mẹ mình thì lo tập trung đi làm, ít ở nhà trông con đến nỗi có lần mẹ về bế mình, mình khóc như bị người lạ bắt mất vậy. Tết năm đó được ông bà nội dẫn về quê chơi, rồi còn được ngủ chung phòng với ông bà, mình thích lắm. Nhưng cũng chính mùa Tết năm đó, lúc ngủ dậy mình tình cờ nghe được cuộc trò chuyện giữa ông bà, những lời nhận xét về đứa cháu gái đầu với đứa trẻ khác mà chẳng bao giờ ông bà nói ra trước mặt mình. Khi đó mới có 10 tuổi đầu, quen được cưng chiều rồi, quen được ông bà cho là nhất rồi, nên khi nghe những lời đó mình thực sự rất buồn. Ông bà so sánh mình với đứa em họ, cũng là con gái, nó chơi thân với mình lắm vì hai đứa sát tuổi nhau nhất. Ông bảo mình không giỏi bằng em, không được ngoan ngoãn, lễ phép như em, không biết nết na, dịu dàng mà lại nghịch ngợm, cứ như vậy rồi sau này lớn lên chắc chẳng đuổi kịp em nó. Ông còn bảo tư duy tố chất của mình không được như em nó, có cố gắng thì cũng thua thiệt. Những lời nói mang tính chất so sánh hơn thua từ ngoại hình cho đến điểm số trên trường, nó thật sự có tính sát thương cao với đứa nhóc 10 tuổi là mình lúc đó. Mình đã rất bất ngờ khi nghe những lời nói đó rồi dần dần cảm thấy ấm ức, cảm thấy bất công tại sao ông lại nói như vậy, mình là cháu ruột của ông cơ mà. Ngoài những cảm nhận đó ra, mình còn cảm thấy sợ, sợ rằng ông bà sẽ chê mình rồi không thương mình nữa, sẽ thấy thất vọng về mình rồi thương những đứa em khác hơn. Cho đến khi ông bà chuyển sang chủ đề khác thì mình đã khóc ướt gối rồi, mình nằm im đó được một lúc rồi bật dậy chạy ra ngoài sân ngồi khóc. Ông bà thấy vậy thì hoảng lắm, tự nhiên đang ngủ lại chạy ra khóc, hỏi han dỗ dành đủ kiểu. Nhưng cho dù ông bà có gặng hỏi đến mấy thì mình vẫn chỉ khóc mà thôi, khóc còn tợn hơn nữa, một phần vì giận, một phần vì xấu hổ. Đến mức bà nội bực lên chẳng thèm dỗ nữa, mình vẫn cứ ngồi đấy khóc ngon lành. Cô dì chú bác ai cũng hỏi nhưng mình chẳng thèm trả lời, khóc chán chê rồi lại chui vào phòng nằm úp gối.
Smartphone thì hấp dẫn nhưng dễ vỡ, "cục gạch" tuy khô khan nhưng chọi cướp được đấy!
Photo by Isaac Smith on Unsplash
Là cháu gái đầu, con cả, chị cả trong nhà (em mình cũng phải trên 10 đứa, cả đàn vậy đó vì gia đình truyền thống mà) nên kì vọng của mọi người đối với mình rất cao: học bác sĩ, vào Đảng sớm nhất nhà, tuân thủ phép tắc làm gương cho em,... nhưng mình thì chẳng thèm ngó ngàng cái nào cả. Mình âm thầm khước từ mọi sự sắp đặt của người lớn với tương lai của mình, không đến mức quậy phá nhưng chính là im im từ chối. Vì thế từ nhỏ đến lớn mình bị so sánh không hề ít. Chênh nhau 1 tuổi nên bất kể là điều gì giữa mình và em ấy đều bị đem ra so. Điểm số trên trường của mình thì cứ đều đều, chẳng cao cũng chẳng thấp. Mà mình thì chẳng bao giờ cố gắng để học thật giỏi cả, mình học theo cái mức "dưới giỏi, trên khá" ấy. Còn em ấy thì học rất giỏi, nhất lớp nhất trường, năm nào cũng có giải thưởng. Bố mẹ đối với mình là chê nhiều hơn khen "Con không thấy HT à, nhìn nó mà học hỏi đi chứ", "Thân làm chị mà không biết gương mẫu cho em nó noi theo", "Nó học lúc nào cũng điểm 9 điểm 10 mà sao con cứ điểm 8 mãi thế?". Những lúc như thế mình không khó chịu cũng không vui vẻ vì mình cảm thấy việc đó không cần thiết. Ừ thì con bé nó có nhiều giải, điểm nó cao thật đấy, nhưng kiến thức bên ngoài xã hội hay kĩ năng mềm của nó lại chẳng bao giờ so với mình được, vì nó chỉ có học và học thôi, thím bắt nó học ghê lắm. Hoặc thể dục đối với nó là cực hình nhưng mình có thể chơi được hầu hết các môn thể thao, còn nằm trong đội tuyển trường nữa. Khi mình hỏi nó em muốn làm gì sau này thế, nó bảo nó không biết, nhưng mình thì có ước mơ của riêng mình, và mình biết mình phải làm cái gì để thực hiện ước mơ đó. Vì chính những điều đó nên mình chưa bao giờ cảm thấy ghét nó hay ghen tị với nó vì những thành tích đó cả, cùng lắm là lại ấm ức vì bị đem ra so, riết rồi như gió thoảng qua tai. Mình cũng không biết từ đâu mà mình nhận ra điều này, chính là việc mỗi người có một điểm mạnh riêng, sao phải buồn vì người ta hơn mình cái này cơ chứ. Mặc dù mỗi lần bị so sánh, tự bản thân mình sẽ lại "khắc" nhẹ những lời nói đó vào sâu trong lòng, nhưng cảm giác ghét bỏ dần bị mình biến thành động lực to lớn để cố gắng hơn nữa. Cũng chính từ những lần so sánh đó mà mình dần học được cách bỏ ngoài tai lời nói của người ta, học được cách yêu thương bản thân mình hơn, học được cách tôn trọng ưu khuyết điểm của người khác. 
Những điều này chắc chẳng có ai trong nhà mình biết đâu, có khi ông bà nội cũng quên mất rồi. Chưa bao giờ bố mẹ thấy hài lòng với những gì mình đạt được cả, luôn hỏi mình tại sao không làm tốt hơn, rồi bắt đầu so sánh khắp nơi. Người lớn thì hay nhìn vào điểm số để mà đánh giá con trẻ, nhưng tốt hay xấu, giỏi hay dở thì phải nhìn những gì đứa nhóc ấy làm được khi ra trường. Những ngày tháng đi học là để rèn luyện con người chứ đâu thể nói được cuộc sống sau này chua hay ngọt. Mình cũng không thể chắc chắn sau này mình sẽ giỏi hơn em ấy hay ai đó khác hay không, nhưng mình sẽ cố gắng để trở thành phiên bản tốt nhất của mình, một phiên bản mà không có phép so sánh nào tổn thương được. Có thể bây giờ trong mắt mọi người mình vẫn là "thứ hai" nhưng mình mong rằng một ngày nào đó, khi mình thực sự thành công rồi, mình có thể đường đường chính chính kể lại câu chuyện đó với ông bà nội, với bố mẹ, với cô dì, chú bác rằng mình đã trưởng thành rất tốt, rằng vết thương lòng khi đó đã giúp mình nhận ra rất nhiều điều mà chắc chẳng có lời dạy hay cổ vũ nào có thể sánh được.