3 tính năng cơ bản của điện thoại thông minh: Bị ghẻ lạnh nhưng đáng dùng nhất
Điện thoại là thứ ta cầm trên tay nhiều nhất trong ngày, nhưng liệu chúng ta có đang tận dụng được những tính năng cơ bản của điện thoại thông minh?
Nhân một ngày mưa, mất điện, mất mạng thì thôi đành mang nốt 80% pin của chiếc Laptop ra để viết bài blog này đây: 3 tính năng cơ bản của điện thoại thông minh: Bị ghẻ lạnh nhưng cũng đáng dùng nhất.
---
Nhiều người gọi cái thứ họ cầm trên tay nhiều nhất là điện thoại – tức là một thiết bị để nghe, gọi đàm thoại từ xa; Nhưng để nói chính xác, chúng ta phải gọi nó là smartphone mới phải – một chiếc điện thoại thông minh, đa chức năng.
Thông minh bởi vì ngoài những chức năng cơ bản nhất, nó giúp chủ nhân làm nhiều việc nhanh và tiện lợi hơn. Thế là dần dần, điện thoại cũng thừa hưởng những tiến bộ người ta phát minh ra cho máy tính, máy ảnh, bộ đàm, chuông báo thức, chiếc cát-xét, radio,… Nhưng mà nhiều quá sẽ gây ra loạn đấy. Hoặc có quá nhiều cái tốt, thì người ta sẽ chỉ trung thành với 1 cái tốt nhất với họ mà bỏ qua những cái tốt khác đi thôi.
Đó là những gì đang xảy ra với chiếc điện thoại thông minh. Quá nhiều tiện ích của nó hóa ra lại khiến ta bị cuốn vào một hố đen “nghiện ngập”. Khi bố tôi mua về một chiếc điện thoại, điều đầu tiên tôi được nhờ giúp là cài giúp bố Facebook. Những đứa em, đứa cháu nhỏ của tôi sẽ không nhờ, mà chúng tự biết cài Facebook, Tiktok. Còn những người khác, những người tầm tuổi tôi chẳng hạn, tôi chẳng bao giờ quan sát họ làm gì với một chiếc điện thoại mới, nhưng rất có thể, các ứng dụng đó cũng là thứ đầu tiên họ cài để dùng.
Nhiều người lên án việc lạm dụng mạng xã hội vì nó cướp mất những khoảng thời gian “sống thực”, tôi chẳng muốn nhắc lại vấn đề này làm gì, nhưng chỉ muốn mọi người sử dụng điện thoại thông minh một cách đa dạng hơn, như triết lý nhà sản xuất gửi vào chiếc máy.
Và phía dưới đây là 3 tính năng cơ bản của điện thoại thông minh: Bị ghẻ lạnh nhưng cũng đáng dùng nhất mà tôi mong mọi người sẽ sử dụng nhiều hơn nữa.
1. Ghi âm
Còn nhớ, những năm trước kia, mỗi lần tới gần dịp thi đại học, trên VTV2 sẽ phát sóng nhiều chương trình chia sẻ kinh nghiệm ôn thi của những sinh viên đạt thành tích tốt trong lần thi trước. Nếu có điểm gì chung giữa những bạn sinh viên ấy thì tôi sẽ mạnh dạn chỉ ra đó là việc sử dụng máy ghi âm, ghi lại những buổi lên lớp ôn thi và về nhà nghe lại để hiểu hơn.
Tầm quan trọng của của máy ghi âm thật lớn. Nhưng nó không chỉ dành cho những học sinh, sinh viên, hay nhà báo, nó dành cho mỗi chúng ta.
Trong mỗi buổi hẹn gặp ai đó mới để bàn về kiến thức hay công việc, tôi đều ghi âm lại vào máy rồi về tải vào vào ổ cứng di động với những Ghi chú về chủ đề, thời gian, địa điểm rõ ràng để sau này nếu cần thì sẽ quay lại tìm kiếm. Nhiều đêm không ngủ được, cũng lại mở lại để nghe như để ôn lại, thế mà hóa cũng đánh lừa được bộ não để đưa nó vào giấc ngủ mới tài!
Năm ngoái, cũng vào dịp này là đợt nghỉ 2 ngày cho lễ Quốc Khánh thì phải. Dạo đó bà vừa xuất viện sau tai biến, nên tôi dành ngày 1/9 trông bà. Tác động của đợt bệnh vừa rồi khiến bà nói năng không còn trôi chảy, suy nghĩ không còn thông suốt được nữa mà sẽ thường xuyên nhảy từ ý này sang ý kia. Tôi rất tiếc. Và cho rằng phải giao tiếp với bà nhiều hơn thì mới mong bà nói năng rõ ràng, mạch lạch được. Thế là, tôi mở điện thoại bắt đầu ghi âm, bắt chuyện, và tiếp chuyện bà; Mục đích là để xem sự tiến triển của bà qua thời gian.
Ngày 2/9 thì tôi có lời mời về thăm nhà một người bạn ở Quốc Oai, rồi tối thì ngồi cafe với một người em.
Thế mà ngay hôm sau đó, ngày 3/9 khi đang làm việc trên công ty, tôi nhận được tin bà nội đã mất sau khi được nhập viện lúc sáng. Tôi nhận ra những mẩu chuyện nhỏ hôm trước cũng chính là những mẩu chuyện cuối cùng giữa 2 bà cháu, và nó vẫn còn trong máy ghi âm của tôi đây.
Sẽ có những nỗi nhớ, niềm thương khi mở lại những đoạn ghi âm ấy nhưng không thể chối rằng có cả niềm vui nữa vì ít ra còn nghe được giọng bà, được kể lại với đứa con, đứa cháu đây là câu chuyện cuối cùng của tôi và bà nội.
Vì sao tôi khuyến khích việc sử dụng tính năng ghi âm nhiều hơn? Không chỉ là để lưu lại kiến thức, thông tin, nó còn là những kỉ niệm chẳng dễ quên ở sau này.
Nếu có cơ hội, trong các cuộc trò chuyện hãy ghi lại nó. Thời đại nay, công nghệ thông tin có thể phục chế ảnh, biến một bức ảnh trở thành hoạt họa, nhưng thật khó nghĩ tới khi nào họ mới có thể biến một bức ảnh có tiếng nói chân thật nhất với người đã khuất cả.
Hơn nữa, việc ghi âm lại dễ dàng: Chỉ việc vứt chiếc điện thoại một chỗ và nó chẳng ảnh hưởng gì tới người xung quanh cả. Nhưng nếu bạn cầm trên tay chiếc điện thoại và quay phim, thì đó lại là một câu chuyện khác. Mọi người sẽ trở nên đề phòng và thiếu tự nhiên.
2. Quay video
Ấy chết, vừa mới chê việc quay phim ở trên thì dưới này lại ủng hộ nó.
Chê thì chê, nhưng vẫn phải khen chứ. Video ghi lại những hoạt động thường ngày của mọi người, nó mới sống động làm sao.
Có nhiều video về bà nội, một trong đó là đoạn hơn 1 phút khi bà đang nạo khoai thì có chị hàng xóm bế con sang chơi, bà vừa đùa vừa quát chị ấy. Chỉ cần thế thôi là khi xem video người ta sẽ nhớ về bà nội là một người vui tính mà cũng ngoa ngoắt thế nào rồi.
Đôi khi kể chuyện với mọi người bao nhiêu cũng không đủ, nhưng để có thể miêu tả sự ân cần qua vài hành động nhỏ trong một clip thì lại dễ dàng vô cùng.
3. Chụp ảnh
Nếu không phải là người bán hàng hay có một đời sống sôi nổi trên mạng xã hội, thì sẽ không có nhiều người tận dụng chức năng chụp ảnh ở một chiếc điện thoại.
Tôi biết các nhà sản xuất điện thoại đã gợi ý cho chúng ta nhiều điều khi giới thiệu nhiều phiên bản với dung lượng bộ nhớ khác nhau trên cùng một đời máy. Một trong số các lời gợi ý đó là “Anh có chơi game, chụp ảnh nhiều không? Nếu có thì “mua bản 128GB đi, dùng cho thoải mái, tha hồ lưu trữ.”
Nhưng nhiều người dùng cho dù chỉ dùng những chiếc máy cũ 16GB hay 8GB mà vẫn còn thấy dư dả. Là bởi họ chưa tận dụng hết những gì nhà sản xuất đưa ra. Chụp ảnh là một trong số đó.
Mọi người cứ bảo chụp ảnh thì phải có máy ảnh chứ, điện thoại ăn thua gì. Nhưng theo mình, những ai mới tập chụp mà cầm máy ảnh chụp ngay sẽ nhụt chí và mất động lực vô cùng vì ảnh cho ra không được như mong đợi, thậm chí không bằng thành phẩm của một camera phone. Lý do là vì cấu tạo máy ảnh phức tạp hơn, yêu cầu người cầm máy cũng phải tìm hiểu nó sâu hơn, mất thời gian làm quen nó hơn; những điều này hầu hết đã được tối ưu để phục vụ người dùng smartphone. Vậy muốn bắt đầu có ảnh đẹp, hãy nên bắt đầu bằng chiếc điện thoại.
Và, hơn là chụp một chiếc ảnh đẹp, chụp ảnh còn là để lưu giữ khoảng khắc. Khoảnh khắc trôi qua nhanh lắm, mà ngoài chiếc quần lót ra thì chẳng có thứ gì ở với bạn nhiều hơn chiếc điện thoại. Nên để lưu lại những khoảnh khắc bất chợt đáng quý, chẳng có thứ gì vượt qua chiếc điện thoại phải không nào?
Nói đến chụp hình điện thoại, tôi luôn khuyên mọi người bắt đầu bằng việc tìm hiểu về bố cục 1/3, tiện tôi cũng có một bài viết về quy tắc này, các bạn có thể đọc thêm tại đây nhé Quy tắc/Bố cục một phần ba: Lý do vì sao bạn cần thay đổi thói quen chụp ảnh.
Và nếu bạn muốn có một sân chơi để rèn rũa, trau dồi, chia sẻ kĩ năng nhiếp ảnh, thì tôi có 2 nhóm cộng đồng trên Facebook, bạn có thể tham gia qua các đường link sau:
Phía trên là 3 tính năng cơ bản của điện thoại thông minh: Bị ghẻ lạnh nhưng cũng đáng dùng nhất, theo bạn, smartphone còn những tính năng nào mà phần đông chúng ta chưa khai thác được nhiều?
>>> Hãy kết nối với mình qua các mạng xã hội tại địa chỉ hashtag #chinhhunky nhé! Rất vui được chia sẻ cùng mọi người!
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất