3 sai lầm khiến job freelance trở thành thảm họa với designer
Trong DesignerTalk #1, nhiều bạn design đã chia sẻ về các lấn cấn khi làm freelance. Vì vậy, WeCreate tạm tổng hợp ra đây 3 sai lầm...
Trong DesignerTalk #1, nhiều bạn design đã chia sẻ về các lấn cấn khi làm freelance. Vì vậy, WeCreate tạm tổng hợp ra đây 3 sai lầm điển hình cần tránh từ mọi phía cho các freelancer, để job freelance vừa là trải nghiệm đáng nhớ, vừa khiến bạn cười phớ lớ vì hầu bao ổn định. Cùng ngó qua nhé.
[1] Yêu cầu khách hàng xác định rõ mục tiêu, ý tưởng và scope of work
Ở các agency quảng cáo bài bản có một nguyên tắc là “No written brief, No work”, nghĩa là nếu đề bài không được viết ra và ký tên xác nhận đầy đủ thì agency sẽ không tiến hành thực hiện. Vì bản yêu cầu chính là “thánh chỉ” bất di bất dịch cho mỗi lúc bất đồng - khi hai bên đều phải quay về dò lại brief.
Như đã chia sẻ trong DesignerTalk, mỗi chiến dịch truyền thông chỉ nên nhắm đến một nhóm đối tượng và giải quyết một vấn đề, cũng như đặt ra một mục tiêu quan trọng nhất cần đạt được. Nếu khách hàng đang có một khuyến mãi trên website, thì mục tiêu của social post và Facebook ads là đạt tỷ lệ click cao nhất, đồng thời thống nhất với brand guidelines, chấm hết. Còn việc làm sao để thu hút và khiến người dùng click đó là chuyên môn của designer, là thứ mà khách hàng bỏ tiền ra thuê người (giỏi hơn mình) để thực hiện - khách hàng cần tôn trọng chuyên môn và designer cũng cần bảo vệ ý tưởng.
Huyền thoại quảng cáo David Ogilvy có một lời khuyên rất chí lý:
Tất nhiên điều này không có nghĩa là designer “đóng” trước mọi nhận xét, cách tốt nhất là hướng về kết quả.
Ví dụ khi khách hàng yêu cầu logo to lên, hay đổi màu này sang màu khác - thì hãy hỏi “việc logo to lên và đổi màu theo anh nghĩ sẽ giúp gì cho mục tiêu của sản phẩm (ví dụ khuyến khích người đọc click vào)?”
Nếu họ trả lời hợp lý, thì hãy cân nhắc. Còn linh tinh thì ít nhất tự họ cũng cảm thấy “ngượng mồm” khi phải nói ra rõ ràng. Với những khách hàng nào không bỏ được cái “tật” nhảy vào chuyên môn của người khác thì hãy say goodbye (và blacklist) ngay và luôn - họ chỉ làm mất thời gian của bạn thôi.
Gợi ý: để làm tốt điều này, bạn nên tìm đọc - học hỏi hay ít nhất nói chuyện với dân Advertising, đặc biệt là bộ phận Quản trị khách hàng (Account Management) ở những agency bài bản, họ sẽ có nhiều quy trình, template và kinh nghiệm để chỉ bạn đấy.
[2] Yêu cầu khách hàng làm rõ tiêu chí lựa chọn sản phẩm
Một bạn chia sẻ trong DesignerTalk về dự án làm logo cho một cửa hàng của Nhật. Cô chủ ban đầu đã lựa chọn sản phẩm của bạn nhưng sau khi “mang cho vài người quen xem” thì quyết định chọn sản phẩm của một bên khác. Cô chủ vẫn rất chuyên nghiệp - trả tiền đầy đủ cho bạn nhưng bạn “quyết định không nhận và không làm việc tiếp vì quá thất vọng”.
Well, thật ra case này cũng hơi “nghệ” và phí - vì dù sao mình cũng đã làm ra thành phẩm rồi. Nhưng đi sâu về góc cạnh [tiêu chí lựa chọn sản phẩm] thì bạn cũng có phần bị động khi chưa hỏi rõ [tiêu chí lựa chọn] và [những ai sẽ tham gia đánh giá].
Dẫu biết đánh giá cuối cùng và quan trọng nhất là từ phía người tiêu dùng (end-user) nhưng quyền quyết định lại nằm trong tay của người-chi-tiền (buyer). Nếu từng được tham khảo file brief bài bản của advertising agency thì bạn sẽ thấy phần này được hỏi rất kỹ, đơn giản vì càng nhiều người tham gia đánh giá thì mỗi người lại có gu thẩm mỹ và quan điểm khác nhau - nên cơ hội “bị sửa” càng nhiều, nghĩa là chi phí (về thời gian) của bạn càng cao trong khi thường khách hàng đã chốt ngân sách ngay từ đầu.
Mời bạn xem video này để hình dung thêm việc “lắm thầy nhiều ma” hen:
[3] Nhận làm nhiều việc không-phải-của-design
Cũng một anh bạn khác chia sẻ trong DesignerTalk, anh này vốn là chủ một doanh nghiệp bán vé xe online và cảm thấy rất nhiều chiến dịch truyền thông vào dịp Tết đang chạy thông điệp là “về nhà” (home-coming) như của Omo, Neptune vốn… cũng hợp hợp với công ty mình. Thế là anh định tìm một designer làm online clip giông giống vậy để hy vọng viral và thu hút được nhiều người quan tâm.
Thật ra đây không phải là một brief sai, nếu tiêu chí đánh giá là chất lượng sáng tạo và khả năng truyền tải thông điệp của bản thân clip (sản phẩm sáng tạo) thôi - còn nếu kỳ vọng về “viral và thu hút người quan tâm” thì đó là hiệu quả toàn chiến dịch rồi.
Việc này đúng ra phải của Strategic Planner (chuyên viên Hoạch định chiến lược) để tìm ra cơ hội truyền thông và thông điệp phù hợp, sau đó với làm việc cùng Copywriter ra ý tưởng và Media Planner ra kế hoạch truyền thông. Những case anh đang thấy của Omo, Neptune có hẳn 1 chiến lược tại sao lại chọn thông điệp là Về nhà, cũng như hàng loạt hoạt động xung quanh và một ngân sách truyền thông cực khủng để đẩy nội dung.
Nên việc của design là tạo ra một sản phẩm sáng tạo đẹp và hiệu quả (trực quan), còn câu chuyện ý tưởng - chiến lược và hiệu quả thì là việc của người khác (và cần charge tiền khác). Với những yêu cầu “tưởng nhỏ hoá to” như vậy thì bạn (như một designer) có hai lựa chọn:
Cách đầu tiên là từ chối hay kiếm một team freelance cùng thực hiện, điều này nghe có vẻ khó vì ngân sách sẽ tăng lên, nhưng nó sẽ bảo đảm tính hiệu quả cao hơn (vì cuối cùng khách hàng cần hiệu quả phải không nào) và giúp bạn tập trung làm đúng việc.
Cách thứ hai là bạn gồng để cố gắng làm hết những việc đó, vẫn có thể làm được nhưng cần nghiên cứu và học hỏi bài bản chứ đừng “chém” (vì cuối cùng sẽ đổ hết lên đầu bạn thôi) và luôn nhớ rằng lúc này bạn đang dùng “sở đoản” của mình để đấu với “sở trường” của nhiều người.
Mời bạn xem video case này để xem cách một thương hiệu lựa chọn thông điệp “về nhà” thế nào:
[Kết]
Làm freelance, nghĩa là bạn cần biết nhiều hơn sở trường của mình. Làm designer chưa đủ, chúng ta cần có thêm sự tỉ mỉ và cẩn trọng của account, sự logic và khả năng phân tích của planner – để còn “đòi tiền” khách hàng một cách có chiến lược nữa chứ ha!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất