Hôm trước, em đọc được 1 bài đăng trên confession của 1 trường cấp ba nọ. Trong bài đăng ấy, bạn viết bài bày tỏ thái độ bài xích học sinh đội tuyển quốc gia, cho rằng vào đội tuyển sẽ có một con đường thẳng tắp vào Đại học. Rồi sau này ra ngoài đời, cả những hiểu biết thường thức nhất cũng không có.
Ba năm cấp ba của em đều cống hiến hết cho học quốc gia. 1 phần nhân dạng (ít nhất là bây giờ) của mình bị xỉa xói như thế, em cũng hơi buồn. Với em, học quốc gia là một trải nghiệm vô giá, mà nếu được quay lại 1 lần nữa, em vẫn sẽ chọn đi theo con đường này.
Mục đích của bài này là để ghi lại trải nghiệm em ôn luyện và thi vào đội tuyển tỉnh, cũng như những điều em đã học được trong suốt 3 năm học quốc gia. 3 năm ấy không quá rực rỡ về mặt thành tích, nhưng lại cho em những bài học quý giá mà chắc chắn sẽ đi theo em lâu thật lâu.
Trước khi bắt đầu, em muốn giới thiệu một chút về bản thân mình.
Xin chào, biệt danh của em là Lẩu, hiện đang 17 tuổi nhưng sắp sang 18. Em đang học chuyên Anh tại một trường chuyên của tỉnh.
Giờ thì đến giờ kể chuyện rồi.

Chuyện 1: Chuyện học đội tuyển dự bị

Sau kì thi cấp Ba, vì điểm môn chuyên của em khá tốt nên được cô giáo phụ trách gửi vào lớp đội tuyển dự bị, học cùng với các anh chị lớp 11, 12. Em chỉ nhận được thông báo như vậy, kèm lịch dạy online của các cô. Không có tài liệu, không có group Zalo hay Messenger, không quen ai, không biết gì. Cô giáo phụ trách ở trường cấp 3 lại thường offline. Rất hoang mang. Bốn năm cấp 2 ở trường huyện, em đã quen với việc được cô giáo dạy đội tuyển cung cấp đầy đủ tài liệu, chỉ bảo từng li từng tí, quen với việc bố mẹ mời các thầy cô chuyên gia dạy, còn mình chỉ việc học.
Bài học đầu tiên : Chủ động. Chủ động. Chủ động. Em nhận ra (một cách muộn màng) rằng càng học lên cao, các thầy cô càng cho học sinh nhiều sự tự do, thì học sinh càng cần phải biết chủ động, tích cực trong việc học của mình. Nếu cứ đợi chờ, đợi chờ mãi thì sẽ chẳng bao giờ có chuyện gì xảy ra cả. Giờ nhìn lại, mới thấy bản thân lúc ấy thật ngây ngô.
Sau đó, em chủ động kết nối với anh lớp trưởng lớp 11, nhờ anh gửi tài liệu lưu trữ của lớp. Sẵn tiện học online, không ai quen em nên em càng hăng hái đóng góp bài (dù thường hay sai). Mỗi lần mắc lỗi ấy, em lại thấy mình học được thêm một chút. Mà cũng nhờ hăng hái nên em được các thầy cô chú ý, thường hay động viên và chữa bài cho em hehe.
Cũng từ thời gian này mà em dần hình thành thói quen chủ động hơn trong học tập: tự tìm tài liệu, tự đánh giá bài làm của mình, tự tham gia các nhóm trao đổi kinh nghiệm,...Sự chủ động này đã giúp em nhiều, không chỉ trong học tập mà còn trong các hoạt động ngoại khóa sau này nữa.
Khi ấy, suy nghĩ của em là: Bây giờ ai cũng có tâm thế nghỉ xả hơi sau khi thi vào lớp 10, nên tận dụng thời gian này để xuất phát sớm, học thật nhiều để vào năm học có lợi thế hơn các bạn khác một chút. Lợi thế đến bao nhiêu thì em chưa biết, nhưng những ngày nghỉ hè dậy sớm để kịp vào Zoom, hay chăm chỉ ghi chép từ mới, hay lóc cóc đánh máy bài luận để gửi cho cô giáo là quãng thời gian mà em thật sự thấy hạnh phúc, vì mỗi ngày lại thấy bản thân tốt hơn một chút. Nhìn lại, em vẫn luôn thấy ngưỡng mộ một bản thân dám cháy hết mình vì đam mê như vậy.
Cũng trong khoảng thời gian ấy, em bắt đầu có một nỗi sợ.
Một nỗi sợ khi chỉ viết được 3 dòng mở bài, còn trong box chat lại dằng dặc những chữ mà em còn chưa thấy bao giờ.
Một nỗi sợ khi lần đầu tiên trong cuộc đời tiếp xúc với nghe bản tin, chỉ điền được 2 câu, đứng thứ 3 từ dưới lên trong lớp SHub.
Một nỗi sợ khi nghe các anh chị nói lưu loát như nghe đài, còn mình thì nói tí lại mắc, còn phát âm sai.
Em biết là em nghe bản tin chưa tốt nhưng được 2đ thì...
Em biết là em nghe bản tin chưa tốt nhưng được 2đ thì...
Dù biết các anh chị hơn mình 1, 2 năm học tại trường chuyên, nhiều lúc em vẫn thấy bản thân thật quá kém cỏi, ngu dốt, càng học càng thấy còn quá nhiều thiếu xót. Thế thì thi tỉnh lớp 12 làm gì ? Chắc gì đã được cái giải khuyến khích ?
Bài học thứ hai: Dũng cảm lên nào !
Em từng đọc được 1 câu của Mark Twain mà đến giờ em vẫn dán trên tủ quần áo: "Hai mươi năm sau kể từ bây giờ, ta sẽ thất vọng bởi những việc ta đã không làm hơn là bởi những việc ta đã làm. Vì vậy hãy quăng thừng lên. Giương buồm ra khỏi hải cảng an toàn. Đón ngọn gió mậu dịch trong những chuyến đi biển. Hãy ước mơ. Thám hiểm. Khám phá"
Mỗi lần em muốn từ bỏ trước tờ đề được sửa đỏ lè, em lại nghĩ: Nhỡ mà Lẩu năm sau ước gì năm nay mình đã không sợ hãi, ước gì mình đã cố gắng đến cùng thì sao ? Thế thì mình sẽ tiếc lắm. Mà phải tiếc nuối thì thật buồn.
Thật may vì khi ấy em đã đủ dũng cảm để không từ bỏ. Năm ấy em thi đỗ đội tuyển Tỉnh đi thi Học sinh giỏi Quốc gia, lấy 8 người thì em đứng thứ 6 (hú hồn). Con đường phía trước cũng chẳng dễ dàng gì, nhưng ít nhất khi ấy em đã tiếp tục cố gắng, để khi nhìn lại không phải thở dài thườn thượt :"Giá như hồi đấy..."

2. Chuyện lười biếng xong thất bại liểng xiểng.

Năm lớp 10.
Sau khi nhìn lại 1 bản thân chăm chỉ, tự giác, cống hiến hết mình cho sự nghiệp học tập vĩ đại hồi hè thì giờ nói về một bản thân lười biếng thật đáng xấu hổ.
Trường em có chính sách cho học sinh đội tuyển vào ở trong kí túc xá trường, kể cả nhà gần, để tiện buổi tối học sinh lên lớp học. Khi ấy bảo vệ trường không cho phụ huynh vào kí túc xá để tránh lây lan COVID, nên bố mẹ đành sụt sùi nhìn em khệ nệ xách cả đống đồ vào trong kí túc xá. Lần đầu tiên trong đời xa bố mẹ, không ai quản giờ ăn, giờ ngủ, giờ học, sự tự do lớn ấy đã khiến một người ham chơi như em sa ngã. Đọc manga, chơi game, xem phim suốt ngày.
Em lại sinh kiêu, dần thấy hài lòng với cái danh học sinh Đội tuyển quốc gia của mình, dần từ bỏ việc cố gắng, nỗ lực.
Bên cạnh việc lười học, em còn yêu đương. Ngại quá. Khi ấy em còn ngây dại, không biết cân bằng chuyện tình cảm và chuyện học, chỉ biết đốt hết thời gian và tâm tư vào một mối quan hệ mà đến giờ cũng chẳng còn. Những ngày em thức đến 1,2 giờ sáng, xong hôm sau lại gà gật trong lớp, toàn để nhắn tin với người yêu (cũ), chứ cũng chẳng phải đèn sách gì.
Cuối cùng, em trượt dài. Điểm thấp thảm hại. Em trở về nhà, xấu hổ ê chề. Ai cũng động viên em là, mới lớp 10, còn cơ hội làm lại. Lớp 10 còn non so với các anh chị nhiều. Nhưng em hiểu rằng, nếu em chăm chỉ hơn thì đã không bết bát đến thế.
Em trở về nhà, sau 5 tháng chỉ học môn chuyên, chả được giải gì. Đã thế còn mất gốc Toán.
Đúng lúc em suy sụp vì tiếc nuối thì gia đình em xảy ra chuyện. Mỗi ngày chỉ có em ở nhà, cuộn tròn trong chăn ngủ cho quên đi hiện thực.
Ngủ rất nhiều, ngủ suốt ngày...
Ngủ rất nhiều, ngủ suốt ngày...
Đồ ăn kí túc xá không hợp khẩu vị nên em toàn ăn mì tôm, lại còn ăn đêm. Em tăng cân không phanh, mặt thì nổi mụn.
Em chia tay mối tình đầu của mình.
Đúng là thảm họa nối tiếp thảm họa. Nhưng chuyện em vượt qua tất cả những điều ấy để tiếp tục năm thứ hai trong đội tuyển, lại là một câu chuyện cho ngày khác.
Bài học mà em learned the hard way: Mọi lười biếng, trì hoãn đều sẽ phải trả giá. Một điều giản đơn như thế mà lại dễ bị quên đi trong đời, vào một phút giây nào đấy em buông thả bản thân. Như anh em hay nói, cuộc đời có tổng bằng 0. Mỗi lần em lười học, em đã lấy đi nhiều hơn những gì bỏ ra, vì thế giờ em phải trả lại niềm hạnh phúc, vui vẻ mà em đáng lẽ có thể có. Từ đó đến giờ, mỗi lần em lười biếng, nằm lướt mạng một cách vô nghĩa, em lại luôn tự nhắc nhở bản thân rằng, cuộc đời này, rốt cuộc có tổng bằng 0.