Bạn có thắc mắc tại sao mình học tiếng Anh 10 năm, 12 năm vẫn bập bẹ nói không được, đọc không thông mà nhiều đứa học 5, 6 tháng là nghe, nói, đọc, viết ngon ơ. Vấn đề ở đây không nằm ở sự thông minh, mà năm ở phương pháp học.
Đôi khi biết cái nên tránh còn quan trọng hơn biết cái nên làm

Nếu học mà không giỏi, có thể do bạn mắc các lỗi sau

1. Học thuộc từ vựng
Nếu bạn vẫn còn học theo kiểu viết từ vựng ra một bên, nghĩa, cách đọc ra một bên rồi ngồi "tụng" thì bạn có tụng cả đời cũng khó thành "chính quả". Vì sao? Vì không có ngữ cảnh. Từ vựng mà không có ngữ cảnh là từ vựng "chết", bạn không biết dùng nó thế nào, ở đâu. Có thể bạn nhìn rất quen, nhớ là học rồi nhưng tới lúc dùng lại không biết đào ra để nói, để đọc, để viết. List từ vựng còn khiến não bạn bị ảo tưởng là nó đã nhớ rồi, nhưng thực chất thì không.
2. Học thuộc cấu trúc ngữ pháp
Nếu mục đích của bạn là giao tiếp thì xin thưa sách ngữ pháp là kẻ thù giết chết hứng thú của bạn. Còn các bạn đang đi học, cần học ngữ pháp để thi thì việc học thuộc cấu trúc ngữ pháp cũng không giúp gì cho bạn. Vì chưa chắc bạn đã nhớ để áp dụng. Mình từng học theo kiểu đó rồi. Cầm một cái đề cương bày các cấu trúc xong ngồi nhìn. Nhưng có nhìn tới tết Công gô cũng khó mà khá được. Muốn học tốt ngữ pháp để thi thì phải làm bài tập nhiều, sau đó xác định những chỗ mình sai, sai ở dạng nào. Sau đó mới bắt đầu học lại cấu trúc của dạng câu đó, rồi làm lại coi có sai tiếp không. Học ngữ pháp cách tốt nhất là học bằng ví dụ, lấy một câu có sử dụng ngữ pháp đó rồi phân tích ra, thay vì S + V (s/es) + O thì lấy câu she goes to school để học sẽ hiệu quả hơn.
3. Học "chay"
Học tiếng Anh mà chẳng nghe nhạc, xem phim, đọc truyện tiếng Anh, thấy người nước ngoài tới hỏi đường thì chạy 3 vạn tám ngàn dặm, sợ nói, sợ nghe. Thì mình đảm bảo bạn có học cả đời cũng không giỏi. Vấn đề này bắt nguồn từ nỗi sợ, vì không giỏi nên sợ, càng sợ lại càng không giỏi.

Vậy làm sao để giỏi?

1. Tin

Tin bạn giỏi thì bạn sẽ giỏi.
Khi học có những lúc rất nản. Mình đã từng nên mình biết, nhất là học chung với mấy đứa mà nhìn giống như sinh ra đã giỏi. Vậy nên quan trọng là bạn phải tin "Mình có thể giỏi tiếng Anh". Bạn có thể thử áp dụng phương pháp mình dùng, đó là tự kỉ ám thị. Mỗi sáng mình luôn nói với bản thân: "Mình rất giỏi tiếng Anh", trong một khoảng thời gian dài, dần dần não bạn sẽ tin vào điều đó. Nhớ không dùng các câu phủ định : "Mình không dốt tiếng Anh" vì não bạn không hiểu câu phủ định đâu. Nó sẽ hiểu là "Mình dốt tiếng Anh" đó. Nếu muốn học tốt thì dẹp ngay các suy nghĩ: "mình không có năng khiếu ngôn ngữ", "học tiếng phải học từ nhỏ chứ lớn như mình rồi thì khó học", ... Mình cũng từng nghĩ mình không có năng khiếu, mình nghĩ tiếng Anh không dành cho mình. Nhưng rồi khi mình thay đổi suy nghĩ và trong 6 tháng mình đã nghe, nói lưu loát.
Fake it until you make it

2. Xác định mục tiêu

Nếu bạn đâm đầu vào học mà không có mục tiêu rõ ràng thì rất dễ nản. Vì học hành sẽ không cho ra kết quả ngay tức khắc, mà phải tích lũy lâu ngày dài tháng mới thấy được. Và với mỗi mục tiêu cách học mỗi khác, học giao tiếp khác, học để thi khác. Do đó hãy xác định mục tiêu rõ ràng xem mình học tiếng Anh để làm gì. Nếu hiểu được mình học để làm gì rồi thì hãy bắt đầu tìm phương pháp học

3. Học đúng phương pháp

Mình đã từng học để đơn giản là giao tiếp được, sau đó mình học để đi thi nên mình chỉ có thể đưa ra lời khuyên cho 2 mảng này với các phương pháp mình áp dụng. Nếu bạn muốn nghe nói tốt, thì trước hết vứt cuốn giáo trình đi, nó không có tác dụng đâu.
3.1 Phương pháp shadowing
Hiểu nôm na là lặp lại lời người khác đang nói. Mình áp dụng phương pháp này khi mình mới bập bõm tiếng Anh và không biết nhiều từ vựng. Lúc đó mình bắt đầu xem phim tiếng Anh phụ đề Việt và nhại giọng diễn viên. Phim mình dùng là "Extra" (miễn phí trên youtube), diễn viên nói rất chậm, nội dung hài hước thú vị. Sau đó mình nghe nhạc, và nhìn lyrics hát theo, app trước đó mình dùng hình như đã biến mất, nhưng bây giờ bạn có thể dùng youtube hoặc spotify. Quan trọng là nghe nhiều, nghe những gì bạn thích, và lặp lại thoại. Sau một khoảng thời gian đủ dài, bạn sẽ thấy sự tiến bộ.
3.2 Học nghe như một đứa bé
Khi tiếng Anh mình khá hơn, mình học theo phương pháp của thầy A.J. Hoge. Tức vẫn nghe, nhưng thay vì nghe nhiều nội dung mình chỉ nghe một nội dung trong thời gian dài. Tìm một bài nghe, một bài hát, một đoạn hội thoại, một bài diễn văn,... mà bạn thích sau đó nghe đi nghe lại ít nhất 1 tuần. Khi nghe tập trung vào các khía cạnh khác nhau, mới nghe tập trung hiểu nghĩa, hiểu nghĩa rồi thì nghe âm cuối, ed, s, es, thuần thục âm cuối chuyển sang nghe ngữ điệu (intonation), trọng âm, và cuối cùng là lặp lại nguyên bài đó. Mình áp dụng phương pháp này và thấy rất hiệu quả trong việc luyện nghe, mà nghe là cái gốc của nói. Chỉ dùng 2 phương pháp trên thôi trong 6 tháng mình đã có thể nghe nói lưu loát.
3.3 Cày đề
Quay lại câu chuyện học ngữ pháp để đi thi, đối phó với các kì thi chuyển cấp, thi đại học vốn chỉ tập trung vào ngữ pháp thì không còn cách nào khác ngoài cày đề. Tuy nhiên, phải cày có phương pháp. Nếu không làm 1000 cái đề cũng không khá. Làm xong một đề phải xác định được câu mình sai, sai chỗ nào, tại sao sai. Nếu sai do không nắm được các cấu trúc câu thì quay lại ôn cấu trúc câu, nhớ HỌC BẰNG VÍ DỤ. Nếu sai do yếu từ vựng cũng đừng chép từ vựng không biết ra vở rồi ngồi tụng, thuộc lúc đó rồi lại quên ngay. Cách ngắn hạn là mở google ra tra nghĩa, xem hình ảnh cách dùng để nhớ. Cách dài hạn chỉ có nghe nhiều, đọc nhiều, gặp nhiều sẽ nhớ. Khi cày đề nhớ mua đề uy tín, thi cái gì thì mua cuốn ôn đề cái đó. Nhất là mấy kì thi quan trọng như IELTS, phải mua cuốn ôn của Cambridge, chứ đừng ngu dại như mình hồi trước mua bộ đề của ông Hai Jim gì đó. Giờ không dám ôn.
Kết lại: hy vọng chia sẻ của mình có thể giúp ích cho bạn. Nếu thấy hay thì cho mình upvote nha.