3 điều giúp thay đổi bản thân để tốt hơn: Đặt xuống chiếc mặt nạ
Đôi khi ta bị mắc kẹt trong suy nghĩ của người khác về ta mà quên mất rằng cách ta nhìn nhận vấn đề hay thay đổi bản thân để tốt hơn mới là quan trọng!
Mấy cái suy nghĩ về làm sao thay đổi bản thân để tốt hơn…
Tôi từng đưa lời than thở của mình lên những dòng status rằng sao đôi khi tôi thấy nghẹt thở giữa những con người đã quen mặt, đã đọc vị và hiểu ta theo cách ta không muốn họ hiểu ta nhất.
Tại sao thế?
Vì đôi khi chúng ta không phải là mình, chúng là ý tưởng gom nhặt lại từ nhiều ý tưởng của người khác đã và đang ăn sâu vào ta. Còn ta thì bên cạnh họ đủ lâu để tự thuyết phục những ý tưởng này phản ánh đúng con người mình.
Ta sống đủ lâu để mãi là đứa trẻ không dám động vào chiếc cầu trì vừa chập vì bố nó mắng “lại táy máy rồi cháy nhà như hồi lớp 3 mày làm đấy, để đấy bố làm cho”. Hay như người thầy cấp 2 của tôi từng đùa một câu mà làm tổn thương đứa học sinh lớp 9 ấy mãi: “Chinh à, Chinh chỉ giỏi hóa thân thành Lão Hạc thôi”; Từ đó trở đi, tôi chẳng còn dũng khí giơ tay lên bảng nữa.
Tại sao ta lại sống trong suy nghĩ của người khác?
Tại sao chúng ta lại cho phép những quan điểm bên ngoài như vậy định hình cách chúng ta ứng xử, thể hiện, hay suy nghĩ? Có phải chúng ta là giống loài mang tập tính xã hội, sinh ra đã quyện mình vào xã hội chung do vậy những thứ riêng trở nên phai nhạt và dần dần biến mất?
Nghe cũng phải… Nhưng!
Nếu giả thuyết tập tính xã hội có thể giải thích cho việc một người sống co mình trong những ý tưởng của người xung quanh về họ thì đó chỉ đúng với phần lớn những người yếu đuối và “bình thường” trong xã hội. Bởi…
Nhìn vào tập tính xã hội ta luôn thấy muôn loài chọn cách tôn sùng một lãnh đạo. Chúng ta có sư tử đầu đàn, cánh chim đầu đàn, sói đầu đàn, thậm chí gần gũi với chúng ta nhất, tổ chức nào cũng cần có người lãnh đạo?
Và điểm chung của họ là gì? Họ đứng lên trên những cái bình thường và tạo nên khác biệt để được công nhận. Sư tử đực trưởng thành phải thể hiện sức mạnh qua những trận thư hùng để tranh giành lãnh thổ. Bồ câu đầu đàn là được chọn bởi nó thể hiện tốc độ tốt nhất ở lượt bay gần nhất. Sói đầu đàn đưa ánh mắt nhìn sói thành viên là không con nào dám thách thức. Các nhà lãnh đạo đầu tàu thì luôn là những con người thông tuệ chiếm được niềm tin của đa số dân chúng.
Sư tử đầu đàn, chim đầu đàn, hay sói đầu đàn, tất cả đều đã từng lớn lên từ những con non. Nhưng những con non này không an phận. Chúng tìm cách đưa mình lên trên cái bình thường, làm nên điều khác biệt, điều đó chính là thứ đã tạo nên kẻ lãnh đạo.
Chúng ta cũng vậy, được nuôi lớn trong một môi trường xã hội nhưng quyết định sống mãi theo cái cách xã hội ấy muốn hay dám làm chính mình, thậm chí ước mơ thay đổi xã hội lại hoàn toàn nằm ở ý chí, nghị lực hay quan niệm của mình.
Nhưng làm sao để một người có dũng khí làm được điều ấy?
3 điều giúp thay đổi bản thân để tốt hơn:
1. Tránh tiếp xúc với những người khiến ta không còn là chính mình
Nghe thì có vẻ nghịch lý bởi ở trên mình nói là chính những người gần ta nhất khiến ta sống khác đi, hay sống dựa vào ý tưởng của họ về ta.
Nhưng tránh ở đây, không có nghĩa là cắt bỏ. Hãy xem “tránh” ở đây với nghĩa “hạn chế”. Mà để hạn chế tiếp xúc với người như vậy thì lại có 2 cách.
Một là, duy trì mật độ tiếp xúc thấp, giữ khoảng cách với họ. Điều này mình không khuyến khích bởi vì sẽ có những người thực hiện nó một cách cực đoan và hoàn toàn có thể khiến bản thân trở nên khép kín và hình thành tư tưởng anti-social.
Hoặc là, mở rộng, phát triển những mối quan hệ mới. Chúng ta luôn biết tầm quan trọng của việc kết nối socializing vì nó giúp sản sinh serotonin là chất giúp cơ thể thư giãn. Nhưng thứ quan trọng hơn mà mình bàn đến trong bài viết này đó là việc gắn kết với những người mới giúp ta có cơ hội được làm chính mình một cách thoải mái nhất.
Được đi, hòa mình vào thiên nhiên là phương pháp hữu hiệu nhất giúp một người tìm lại niềm cảm hứng. Đó là nhờ vào việc ta được thoát ra khỏi vỏ bọc biết tuốt của những người thân cận, và giờ ta có bông đùa mấy câu trái khoáy, chơi những thứ nhạc điên khùng thì cũng đều được đón nhận một cách tôn trọng.
Đây chính là lý do tôi nuôi nấng tình yêu trekking. Bản thân tôi nhận thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều qua mỗi khổ ải của những là trek đấy, nhưng quan trọng là việc gặp gỡ những người mới đã đưa tôi đến đáp án cho câu hỏi “tôi thực sự là ai”.
Và như Jim John có nói: “Bạn là con người được góp nhặt từ 5 người bạn dành thời gian nhiều nhất”. Như vậy có thể nói tôi chẳng là ai cả hoặc cũng có thể là bất cứ ai vì tôi cũng chẳng biết mình dành thời gian cho 5 người nào vì đơn giản tôi yêu việc dành thời gian cho tất cả mọi người.
2. Dành nhiều thời gian cho bản thân hơn
Chắc hẳn bạn đã từng nghe phải những câu quote tiêu cực như “kể cả cái bóng của mày còn bỏ mày khi mày đi vào vùng tăm tối”. Nhưng tin tôi đi, đây không phải câu quote xứng đáng được nhiều người biết đến và tung hô như thế.
Việc trưởng thành đi đôi với việc nhìn nhận bản thân tốt hơn. Để nhìn nhận bản thân tốt hơn, không có gì khác là việc trở thành bạn thân của chính mình, trò chuyện với chính mình. Hãy trở thành người động viên bản thân tích cực.
Tôi nhớ đến “lý thuyết con gián” rất nổi tiếng của CEO Google, ông Sundar Pichai như sau: Trong một nhà hàng nọ, trên một bàn tiệc nhiều quý bà, bỗng có một con gián đậu trên một quý bà. Bà ta hoảng loạn cố gạt con gián này khỏi người mình thì con gián cũng vì sợ hãi mà bay sang một quý bà khác. Nỗi sợ hãi cứ vậy mà lan truyền. Họ phải gọi anh bồi bàn đến giải quyết.
Lúc này con gián đậu trên anh bồi bàn, nhưng anh bình tình để con gián đậu trên bộ đồ của mình một lúc và con gián giờ không còn bay hay chạy lung tung nữa. Lúc này anh mới đi ra ngoài và vỗ nhẹ để con gián bay ra vườn.
Bài học mà Pichai muốn truyền tải là vấn đề thực tế không phải vấn đề, mà vấn đề là cách ta nhìn nhận nó. Hãy luôn nhắc nhở bản thân bình tĩnh và khôn ngoan như nhân vật bồi bàn phía trên!
3. Đọc sách và học tập
Đọc sách được khích lệ bởi những nhân vật hàng đầu thế giới. Sự thật là chính họ là những tấm gương đọc sách chứ không chỉ là những kẻ nói suông.
Bill Gates đọc 50 cuốn sách 1 năm, tương được khoảng 1 cuốn 1 tuần. Hay một con số còn ấn tượng hơn từ Elon Musk, ông chủ Tesla và SpaceX, ông đã từng có giai đoạn đọc sách 10 giờ một ngày.
Vậy thì tại sao những con người ấy với những thành tựu nổi bật như vậy vẫn học và học mỗi ngày qua các trang sách còn mình lại chọn không?
Tại sao có những người dành cả mấy chục năm của kinh nghiệm và nghiên cứu để ta có cơ hội thẩm thấu trong 200 trang sách mà ta nỡ lòng không đoái hoài?
Tại sao trong một xã hội vật lộn với đống thông tin hỗn độn, làm tổn thương thời gian tập trung (attention span) của mọi người, ta không chọn thu mình vào một góc, sống chậm lại với những con chữ?
Tại sao không bàn về những thứ kiến thức được giới chuyên gia kiểm định thay vì dán mắt vào màn hình cập nhật những thông tin sống sượng chưa qua bộ lọc, những câu chuyện phiếm thiếu giá trị?
Tại sao không tự giáo dục bản thân qua đống kiến thức mà 8h trên trường, lớp là không thể đủ để tiếp thu?
Đối với tôi, đọc sách thậm chí mang nhiều ý nghĩa hơn tất cả những điều kể trên. Đọc sách với tôi đem đến một phong cách sống: Hãy sống chậm, và tử tế. Do vậy tôi vô cùng yêu tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Tôi cũng yêu lối suy nghĩ sâu cay nhiều lớp, do vậy tôi yêu say đắm câu từ của Oscar Wilde, cụ thể là tuyển tập thơ “De profundis” của ông.
Những tác giả này đã giúp đỡ tôi nhiều trong việc tư duy nhiếp ảnh cũng như nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Và bởi vì có thật nhiều tác giả truyền cảm hứng, động lực cho tôi như vậy, chi bằng tôi cũng nên nói lời cảm ơn những cuốn sách, cũng là sứ giả kết nối những nhà tư tưởng và người mộ đạo như tôi đây.
"Cảm ơn sách!"
…
Và cũng cảm ơn các bạn đã dành thời gian lắng nghe vài cái suy nghĩ vẩn vơ về chủ đề mình ấp ủ thay đổi bản thân để tốt hơn này.
>>> Để cập nhật nhiều hơn về mình, các bạn có thể kết nối với mình qua hashtag #chinhhunky trên các trang mạng xã hội nhé! Peace!
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất