Vị trí Product Manager là mục tiêu phấn đấu của rất nhiều người, tuy nhiên khi trở thành một Product Manager rồi “đời không như mơ”. Lắm lúc, Product Manager phải nhăn mặt và nhận những “trái đắng” do các quyết định không sáng suốt hoặc chỉ đơn giản là do chưa có đủ kinh nghiệm.


Khi bắt đầu làm một công việc nào đó mới mẻ chúng ta đều phải đối mặt với việc này. Tuy nhiên, “đi trên vết xe đổ” của người khác là điều không hề khôn ngoan tí nào. Vậy tại sao lại lặp lại những lỗi lầm đó nếu chúng có thể được “học trước” một cách dễ dàng?


Bài học số 1: Kiên trì chưa hẳn là tốt, phù hợp mới là tất cả


Chủ nghĩa “kiên trì” đã ăn sâu vào văn hóa Châu Á của chúng ta, đôi lúc chúng ta bị ám ảnh bởi việc cái gì tốt cũng đồng nghĩa phải bỏ rất nhiều công sức, phải có một đội ngũ hùng hậu làm việc cật lực ngày đêm đằng sau nó. Trên thực tế điều này không hoàn toàn đúng.



Trong những ngày đầu tiên của những “ông hoàng” như Facebook, số lượng lập trình viên ban đầu không hề là một đội ngũ hùng mạnh mà chỉ là một vài người. Tuy nhiên Facebook mang lại những gì mà người dùng thích và phù hợp nhất với thị trường lúc bấy giờ. Facebook xuất hiện như một cơn mưa rào giữa sa mạc, chẳng phải là quá đúng lúc hay sao?


Bài học số 2: Phải có một đội ngũ làm việc hòa hợp


Đội ngũ của bạn không phải lúc nào cũng hoàn hảo, không phải lúc nào siêu nhân cũng được việc và không phải lúc nào “hối thúc” cũng là cách hiệu quả. Tạo một tinh thần hợp tác và cởi mở trong đội ngũ là điều rất quan trọng.


Ở một số công ty lớn, chuyện “phòng nào làm việc nấy” vẫn còn tồn tại. Hậu quả của việc này thường là vô số thông tin về sản phẩm bị sai lệch, dẫn tới nhiều tính năng không đúng so với ý tưởng ban đầu đề ra. Thậm chí việc hứa với khách hàng một đằng, làm một nẻo có thể xảy ra.


Ngược lại, nếu mọi bộ phận đều hoạt động với cùng một mục tiêu thì sao. Sản phẩm sẽ đúng ý người dùng, đánh trúng thị trường tiềm năng, đội ngũ quảng bá sản phẩm sẽ truyền đạt những thông tin chính xác nhất, trung thực nhất cho khách hàng. Một sản phẩm còn đòi hỏi điều gì hơn thế nữa?


Bài học số 3: Không tối ưu là chết


Tối ưu thường bị hiểu nhầm với tiết kiệm. Ở một số công ty lớn với khả năng tài chính mạnh mẽ, chúng ta thường bỏ qua điều này.


Một sản phẩm tốt, đến từ một Product Manager tốt, phải là một sản phẩm được xây dựng một cách tinh gọn có chỉ số ROI (Return on Investment) cao. Muốn đạt được điều này chỉ có một giải pháp: Tối ưu hóa!



Mọi đồng tiền của công ty bỏ ra đều phải được sử dụng vào mục đích đúng đắn, hiệu quả. Nếu là chi phí, phải tiết kiệm nhất, nếu là nhân lực, phải làm việc hiệu quả nhất. Tất cả đều phải mang lại nhiều nhất với ít tổn thất về ngân sách nhất có thể.


Bài học số 3+: Học hỏi từ kinh nghiệm thực tế


Không có gì quý hơn là những kinh nghiệm thực tế đúc kết được trong quá trình làm việc, có vô vàn biến số có thể xuất hiện mà chúng ta không thể liệt kê hết chỉ trong một bài viết.


(Nguồn bài viết)