Thay vì 1 thì thói quen được tạo lập bởi 3 vòng tròn
Thay vì 1 thì thói quen được tạo lập bởi 3 vòng tròn
Mình nhận ra là lý do lớn nhất của việc đa số chúng ta không xây dựng và phát triển được thói quen tốt là bởi chúng ta không phân biệt được các mức độ của thói quen.
Thói quen được chia thành dễ, khó và cả dưới dạng tích luỹ nữa. Thói quen cũng có nguyên tắc của nó, có thói quen hàng ngày, thói quen nhỏ và thói quen lớn. Có thói quen bạn có thể lặp đi lặp lại trong vô thức như đánh răng, lái xe, nghe podcast. Đây là kiểu thói quen hàng ngày dễ thực hiện đến mức bạn không nhận ra rằng chúng là những thói quen của mình.
Mình chia thói quen thành ba kiểu, mỗi kiểu tương ứng với một vòng tròn, vòng tròn nhỏ nhất là thói quen dễ thực hiện nhất. Vòng tròn lớn nhất là khó và đem lại nhiều giá trị nhất. Tuy nhiên để có được vòng tròn thói quen lớn này thì bạn phải thực hiện các thói quen nhỏ trong mỗi ngày hay thậm chí là mỗi giờ. 
Đầu tiên là thói quen Cốt lõi. Cốt lõi ở đây là ít nhất 1 hoặc nhiều thói quen xây dựng nên giá trị của bạn. Ví dụ bạn muốn trở thành một content creator thì bạn phải học về marketing, về viết lách và tìm kiếm thông tin. Cả ba điều này đều có thể học được qua việc đọc sách. Càng đọc bạn càng học được cách tư duy và sáng tạo hiệu quả hơn. Một ví dụ điển hình khác là tập luyện thể chất cũng là một thói quen chủ đạo quan trọng bạn có thể hướng tới.
Những thói quen Cốt lõi này giúp kích hoạt các hành vi và tâm lý của bạn giúp bạn kiểm soát, làm chủ và thực hiện các công việc trong ngày. Thậm chí ngay cả khi bạn không nhận ra tác dụng của các thói quen Cốt lõi.Khi bạn dậy sớm chạy bộ 30 phút hay đọc 30 phút bạn đã tự động kích hoạt các hành vi và lựa chọn tốt như ăn uống khoa học, ngủ nghỉ có điều độ, có sự chuẩn bị về tư duy và ý tưởng trước khi bắt đầu công việc. Người tập luyện cũng ít hút thuốc và bia rượu để không bị mâu thuẫn với thói quen của mình. Người đọc sách có sự kiên nhẫn trong các mối quan hệ và hiểu biết chuyên sâu hơn về lĩnh vực mình quan tâm. Đây đều là những phần thưởng đính kèm khi bạn dành thời gian cho các thói quen Cốt lõi.
Thứ hai là những thói quen Phụ trợ. Đây là những thói quen yêu cầu bạn phải có những sự chuẩn bị nhất định về thời gian, địa điểm, hoàn cảnh trong ngày để thực hiện. Tại sao gọi là thói quen Phụ trợ vì các thói quen này giúp bạn hoàn thành các mục tiêu lớn trong ngày cũng như biến việc thực hiện các thói quen Cốt lõi trở nên tự động và dễ dàng hơn.Một trong những thói quen Phụ trợ điển hình nhất của mình là lên to do list 5 việc cần làm mỗi ngày.
Cả 5 việc này đều liên quan tới các thói quen Cốt lõi. Cái hay của thói quen Phụ trợ là bạn có thể chia nhỏ nó đến mức thành “các hành vi nguyên tử” nhằm thúc đẩy hành động.Ví dụ thói quen Bổ trợ sẽ kích hoạt thói quen Cốt lõi “Đọc và viết mỗi ngày” của mình như sau:
1. Chuẩn bị giấy nhớ và bút trên bàn làm việc.
2. Viết to do list vào buổi sáng ngay sau khi thức dậy (hoặc trước khi đi ngủ).
3. Xếp sẵn sách trên bàn.
4. Đặt đồng hồ báo giờ đọc.
Tại sao những sự chuẩn bị này lại quan trọng đến thế bởi vì mình phải loại bỏ cảm xúc, tâm trạng mỗi ngày để bắt đầu làm việc ngay lập tức. Thay thế cảm xúc là tính tự động. Tất nhiên chúng ta không phải là con robot nhưng để thực hiện các thói quen tốt thì bạn phải đưa các hành động càng cụ thể càng tốt thì mới thúc đẩy hành động. Mấu chốt ở đây là sự dễ dàng khi thực hiện. Và việc bạn chia nhỏ các bước trong thói quen Phụ trợ chính là cách đạt được sự dễ dàng đó.
Cuối cùng là thói quen Kỳ lân. Lý do mình gọi kiểu thói Kỳ lân vì khi bạn sở hữu những thói quen này thì bạn sẽ phát triển bản thân và đạt được sự tiến bộ vượt bậc, giống như các startup công nghệ vậy. Nhưng đặc điểm của các thói quen Kỳ lân này là rất khó thực hiện cũng như khiến bạn không thoải mái. Đó là những giờ học tiếng Anh, học quay dựng video, học cách tối ưu hoá nội dung từ các luồng thông tin. Đây là những lựa chọn, hành vi bạn biết khi thực hiện sẽ tốt cho bạn nhưng đổi lại chúng khiến bạn khó chịu đến mức từ bỏ ngay trước khi bắt đầu.
Và để xây dựng một thói quen Kỳ lân thì bạn nên đưa ra một lịch trình và thời gian để thực hiện mỗi ngày. Có thể là 15 phút hoặc 20 phút mỗi ngày, Nhưng bạn phải đưa các hành vi của thói quen Kỳ lân vào trong kế hoạch và hành động của mình.Khi thời gian và khối lượng hình thành nên thói quen Kỳ lân trở nên nhỏ và tinh gọn thì bạn sẽ không còn cảm thấy đáng sợ hay khó khăn nữa.
Mình luôn áp dụng cách này khi đứng trước một ý tưởng khó cần đầu tư nhiều công sức hay một cuốn sách học thuật. Mỗi ngày mình vẫn sẽ đọc tiểu thuyết 60 phút, nhưng đổi lại mình có thể đọc cuốn sách khó kia ngay sau đấy với thời lượng chỉ 30 phút. 
Như thế từ thói quen Cốt lõi bạn phát triển thói quen Phụ trợ.
Từ Thói quen phụ trợ bạn nâng tầm các thói quen Cốt lõi.
Và khi thói quen Cốt lõi được củng cố bằng thói quen Phụ trợ thì bạn sẽ xây dựng được các thói quen Kỳ lân.
Thói quen Kỳ lân sẽ thay đổi cuộc đời bạn theo cách bạn hoàn toàn bất ngờ. 
Đây chính là 3 Vòng tròn thói quen mà bạn có thể xây dựng khi đã nắm bắt được nguyên tắc xây dựng thói quen.