1. Tiền thực sự rất quan trọng

Tôi tập tành buôn bán kiếm tiền từ thời trung học. Lên đại học, tôi đi làm thêm rất nhiều. Bán hàng, gia sư, tiếp thị sản phẩm, bưng bê rửa chén, phát tờ rơi trên phố…tôi đều đã từng làm qua. Sau này khi ra trường đi làm tôi cũng không bao giờ chịu ngồi yên những lúc rảnh rỗi. Ngoài giờ hành chính tôi luôn có những công việc khác lấp đầy thời gian, ngày nào cũng làm việc đến đêm muộn. Tư tưởng tài chính của tôi là không bao giờ để mình chỉ có một nguồn thu nhập. Đồng nghiệp gọi tôi là: “kẻ cuồng công việc”. Bạn bè lưu tôi trong danh bạ là: “Người yêu tiền”. Chỉ mình tôi biết tôi nỗ lực kiếm tiền không phải vì tôi yêu tiền. Mà là vì tôi sợ. Tôi sợ lúc người thân cần đến tôi tôi lại không có gì cho họ ngoài nước mắt. Sợ lúc bạn bè cần đến tôi tôi chỉ có thể cúi đầu trong bất lực. Tôi là đang từng bước xây lên tòa lâu đài trú ẩn cho tương lai để bảo vệ bản thân và những người tôi yêu thương khỏi những sóng gió bên ngoài.
Năm tôi 10 tuổi, bố tôi bị xuất huyết não. Một buổi sáng khi tôi đang đi học ở trường bán trú gần nhà, mẹ gọi điện báo tin bố tôi đột nhiên ngất đi khi đang chạy bộ. Suốt 2 tháng bố nằm viện tôi nhận được những bài học đắt giá đầu tiên trong quá trình trưởng thành. Bài học về tình cảm gia đình, về giá trị của tri thức và về sức mạnh của đồng tiền. Bố tôi được cấp cứu kịp thời nên đã qua cơn nguy hiểm. Tuy nhiên các bác sĩ vẫn giữ ông trong phòng cấp cứu để tránh trường hợp bệnh tình có những chuyển biến bất thường. Mỗi ngày mẹ chỉ cho tôi gặp bố 1 tiếng vào giờ ăn cơm buổi tối. Tôi ngồi đó, cạnh bên bố trong căn phòng nồng nặc mùi thuốc sát trùng và âm thanh phát ra từ các thiết bị máy móc gắn chi chít trên người ông. Tôi vừa nắm chặt tay bố vừa liến thoắng kể cho ông nghe những câu chuyện không đầu không cuối, có khi là thật, có khi là do tôi bịa ra. Đối diện chúng tôi, một bác trạc tuổi bố tôi đang trong tình trạng hôn mê sâu, phải dùng máy để duy trì hơi thở. Anh con trai ngồi cạnh đang nhẹ nhàng lau mặt cho bố. Anh ấy cứ lau rồi gấp nhỏ chiếc khăn lại tiếp tục lau, rồi lại gấp, rồi lại lau, cứ như thế đến khi chiếc khăn cuộn lại chỉ còn bằng nắm tay thì anh ấy oà khóc nức nở: “Bố anh chỉ sống được 2 ngày nữa”. Tôi bàng hoàng quay qua. Người thanh niên trước mặt tôi khoảng chừng 30 tuổi, anh ấy gầy, khuôn mặt hốc hác và trong đôi mắt trũng sâu vì mất ngủ đang hằn lên những tia tuyệt vọng. “Bố anh đã ở đây 5 năm. Anh đã làm hết tất cả. Anh bán nhà. Bán xe. Vay tiền họ hàng, bạn bè. Anh vừa mất việc. Và giờ thì anh biết mình sắp mất bố”. Anh ấy ngừng lại vài giây, cố ngăn những tiếng nấc nghẹn rồi lại khóc to thành tiếng: “Nếu anh có tiền… bố anh sẽ sống thêm được vài năm nữa”. Tôi siết chặt tay bố. Tôi không biết phải nói gì lúc này. Suy cho cùng, tôi chỉ là một cô bé ngây thơ chưa hiểu sự đời.
Đêm đó, lần đầu tiên nước mắt tôi rơi không phải vì nỗi đau thể xác.

2. Tự tin không phải là: “Tôi biết họ sẽ thích tôi.” mà là: “Họ không thích tôi cũng không sao.”

Bạn có sợ bị người khác ghét không? Trong cuộc sống ai cũng muốn trở thành người tốt, cư xử đúng mực, thái độ tích cực và được mọi người yêu mến. Nhưng sự thật là cho dù bạn có sống tốt thế nào thì cũng không tránh khỏi việc có người ghét bạn. Họ luôn phủ nhận mọi nỗ lực của bạn, đố kỵ với thành tựu bạn đạt được, thêu dệt những câu chuyện sau lưng bạn. Họ chỉ đơn giản là không ưa bạn ngay cả khi bạn không làm gì cả.
Có một khoảng thời gian tôi sống rất “khổ sở”. Tôi dùng cái đầu của người khác để suy nghĩ về cuộc đời mình, cho phép họ can thiệp vào những quyết định của bản thân. Mỗi ngày tôi đều loay hoay với việc cố làm hài lòng tất cả mọi người. Tôi không bao giờ dám đưa ra ý kiến trái ngược với số đông và cực kỳ coi trọng việc người khác nghĩ gì về mình. Đương nhiên, giờ tôi đã thay đổi, từ sau một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp. Đó là ngày tôi quyết định thi chứng chỉ BA (Business Analyst). Cho bạn nào chưa biết, đó là một chứng chỉ về việc phân tích nghiệp vụ. Lý do tôi thi là vì đồng nghiệp trong công ty tôi đều đã có chứng chỉ này. Tôi bị cảm giác mặc cảm giày vò đến nỗi luôn cảm thấy có ai đó đang chỉ trỏ sau lưng mình. Khi quyết định thi lấy chứng chỉ, tôi quyết tâm đến mức khóa hết các trang mạng xã hội, từ chối mọi cuộc chơi với bạn bè, thậm chí tôi không về thăm nhà trong suốt 1 tháng trời. Ban ngày đi làm bình thường, tối về lại lén lút ôn thi đến nửa đêm giống như quay trở về thời còn ôn thi đại học. Kết quả là một tháng sau tôi đã thi đậu. Ngay sau khi nhận được kết quả, tôi một mình đi đến quán cafe quen thuộc, ngồi ở vị trí thường hay ngồi, để khóc các bạn ạ. Đúng, các bạn không nhìn lầm đâu. Tôi đã khóc như một đứa trẻ. Đáng lẽ lúc đó tôi phải thấy thỏa mãn, nhưng không, cảm giác trống rỗng bao trùm tâm trí tôi. Tôi luôn sợ ai đó không thích mình nhưng giây phút đó chính tôi lại thấy chán ghét bản thân. Một thời gian ngắn sau, tôi nộp đơn thôi việc. Thành quả suốt 2 năm làm việc là 1 tờ chứng chỉ BA và 3 bài học để đời.

Bài học thứ nhất: Chúng ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người.

Việc làm hài lòng người khác cũng giống như việc theo đuổi một mục tiêu không ngừng biến động. Mọi người thường có rất nhiều kỳ vọng dành cho bạn, mà kỳ vọng đó liên tục thay đổi theo thời gian. Bằng cách cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người, chúng ta rồi sẽ chẳng làm vừa lòng ai, bao gồm cả chính bản thân mình. Tôi không biết chìa khóa của thành công là gì nhưng chìa khóa của thất bại chắc chắn là cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người.
Vài người luôn lo lắng khi phải thể hiện con người chân thật nhất của mình, sợ rằng những người xung quanh sẽ không yêu quý và rời xa họ. Tuy nhiên, tình cảm thực sự đâu phải đến từ những hành động xã giao, giả dối. Nếu những mối quan hệ đó không xuất phát từ sự chân thành, một ngày nào đó bạn sẽ cảm thấy vô cùng mệt mỏi với việc cứ phải đóng giả người khác để được yêu quý.

Bài học thứ 2: Những gì mà người khác nghĩ về bạn không thể định nghĩa bạn là ai.

Đừng bao giờ cho ai có quyền làm bạn cảm thấy có lỗi chỉ vì bạn khác họ. Mỗi người chỉ có một cuộc đời và một quỹ thời gian hữu hạn để sống. Qua ngày hôm nay, quỹ thời gian đó lại mất đi một ngày. Bạn mất một ngày để yêu thương, mất một ngày để làm việc mình thích, mất một ngày để theo đuổi ước mơ. Vậy thì bạn hãy tự hỏi bản thân, rằng lời nói hay thái độ gièm pha của những người ngoài kia có thực sự quan trọng với bạn hay không? Bạn có thời gian để quan tâm điều đó ư? Bạn còn đang bận thiết kế cuộc đời mình mà. Hãy cứ tập trung làm việc của bạn và đối xử tử tế với người khác. Nếu bạn đã tôn trọng mọi người mà họ vẫn không thích bạn thì đó là vấn đề của họ, không phải vấn đề của bạn.

Bài học thứ 3: Người khác không quan tâm bạn nhiều như bạn nghĩ đâu.

Để tôi hỏi bạn điều này. Khi nhìn vào tấm ảnh chụp tập thể lớp của bạn, bạn sẽ nhìn ai đầu tiên. Bạn sẽ nhìn xem cô chủ nhiệm có xinh không ư? Nhìn xem nhỏ bạn ngồi cùng bàn có chất chơi không ư? Đương nhiên là không. Bạn sẽ nhìn chính bạn trong ảnh đầu tiên. Không những thế, bạn sẽ nhìn thật kỹ càng từ tóc tai đến nét mặt, quần áo rồi mới nhìn sang người khác. Sự thật là mọi người cũng vậy. Chẳng có ai thực sự quan tâm đến việc bạn đang làm gì đâu. Ai cũng có việc riêng của mình và tập trung vào nó. Thường thì mọi người sẽ nhìn thế giới qua cái tôi của họ. Mọi lời nhận xét dù khen hay chê đều là tấm gương phản chiếu cuộc đời của chính họ chứ không phải của bạn. Điều đó có nghĩa nếu việc bạn là ai hay những gì bạn làm không ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ thì họ sẽ chẳng quan tâm nhiều như bạn nghĩ đâu. Tin tôi đi. Tôi cá là họ sẽ tốn không quá 5 phút để nghĩ về bạn đâu.

3. Món quà quý giá nhất bạn có thể trao cho người khác là sự tử tế

Năm 2021, các giáo sư chuyên ngành tâm lý học của trường đại học nổi tiếng nhất nước Anh, Cental Lancashire, đã khởi động một dự án nhằm khám phá “Hiện tượng cho đi”, một trạng thái tâm lý tỏ ra hào phóng với người lạ, với mong muốn lan toả sự tử tế. Dự án kết thúc với kết luận rằng: “Hầu như ai cũng muốn cố gắng tử tế hơn nhưng lại cảm thấy khó có thể duy trì sự tử tế đó”. Nguyên nhân phần lớn là do con người thường có thói quen hoài nghi về những điều “tốt đẹp bất ngờ” mà người khác mang đến cho mình. Điều đó có thể được hiểu là khi bạn ít có thói quen làm việc tử tế thì cũng sẽ cảnh giác khi đón nhận điều tương tự từ người xa lạ. Thật buồn nếu đây là cách xã hội đang phát triển. Một xã hội mang tính cá nhân hoá. Nơi mà ở đó bạn có thể đi qua khắp bốn bể năm châu nhưng sẽ không bao giờ muốn bước qua đường để chào người hàng xóm mới chuyển đến. Một xã hội mà con người ta càng ở trên đỉnh cao danh vọng sẽ càng cảm thấy cô đơn. Một xã hội mà gần như mọi người đều sở hữu một loại năng lực gọi là năng lực: “phớt lờ”.
Giảng viên Michael Norton của trường Đại học Kinh Tế Harvard đã nghiên cứu cuộc sống của người dân ở 130 quốc gia trên thế giới từ giàu đến nghèo để đưa ra bằng chứng cho lập luận: “Những người tiêu phần lớn tiền kiếm được cho người khác về mặt dài hạn thường cảm thấy hạnh phúc hơn những người đa phần chỉ tiêu tiền cho bản thân mình”. Rằng “sự cho đi” là một đặc điểm nằm trong cốt lõi tự nhiên của mỗi người, tách biệt hoàn toàn với khả năng tài chính cũng như nền văn hoá của một đất nước. Tôi thấy điều này thật đúng. Trong những năm tháng tuổi trẻ tôi đã may mắn gặp được những người mà khi vừa gặp họ tôi đã phải thốt lên 2 tiếng “Thật đẹp”. Họ đẹp không phải vì họ không có khuyết điểm. Mà bởi vì họ đang khoác trên người tấm áo mang tên là: “Sự tử tế”, một tấm áo đắt giá mà không một hãng thời trang nào có thể tạo ra. Những người như vậy, ngay cả khi họ không cất lời vẫn khiến không gian bừng sáng, vẫn đủ sức lay động trái tim.
Có thể bạn chưa biết, có một con số thống kê về độ tuổi 30 đã chỉ ra rằng những người phụ nữ tình nguyện làm từ thiện có tỷ lệ mắc bệnh hiểm nghèo thấp hơn 16% so với mức thông thường ở độ tuổi này. Quả là một con số đáng ngạc nhiên. Các bạn có thể lý giải không? Mà khoan, đợi một chút, tôi có một câu hỏi hay hơn: “Các bạn có biết vì sao tim lại không bị ung thư không?”.❤ Đó là bởi vì trái tim chúng ta khi vui vẻ, hạnh phúc sẽ tiết ra một loại hormone trong vòng 24h có thể tiêu diệt 95% tế bào ung thư. Cũng giống như khi bạn làm nhiều việc mang lại giá trị cho người khác sẽ cảm thấy hưng phấn, giải toả căng thẳng, từ đó tăng cường hệ miễn dịch và vô tình giúp bạn tránh xa bệnh tật. Kỳ diệu đến khó tin phải không nào?
Các bạn thân mến, có bao giờ các bạn tự hỏi những điều này không?
Rằng hôm nay mình đã làm được việc gì tốt cho ai chưa?
Rằng mình có nói được câu nói nào đó để nâng dậy tinh thần, khơi dậy niềm tin yêu trong lòng người khác chưa?
Hôm nay mình có quan tâm, có giúp đỡ được gì cho người thân xung quanh mình không, có san sẻ nỗi khổ niềm đau mà họ đang gánh chịu không?
Mình có lắng nghe bạn bè, đồng nghiệp, có chia sẻ cho họ những điều giá trị, có giúp họ vơi bớt khó khăn không trong cuộc sống không?
Dịch bệnh ngoài kia đang hoành hành, các bạn đã giúp gì cho cộng đồng mình chưa? Có cung cấp thực phẩm, thuốc men, có hiến máu nhân đạo, có quyên tặng tiền bạc, bỏ ra công sức, bỏ ra thời gian giúp đỡ mọi người chưa?
Các bạn thân mến, các bạn có đã và đang làm “NGƯỜI TỬ TẾ” không?
TinTin xin được tặng các bạn 4 câu thơ này:
“Cuộc đời này đẹp lắm
Bận tâm gì thị phi
Thấy việc gì có ích
Lặng lẽ làm rồi đi.”
CHÚC CÁC BẠN LUÔN HẠNH PHÚC!