Hãy mở cánh cửa lắng nghe của mình trước khi mong cầu bất kì sự lắng nghe từ ai đó!

Có 3 điều cần tránh trong giao tiếp để đối phương không cảm thấy khó chịu
1. Không ai muốn nghe những lời chỉ trích, trách móc, trái lại, ai cũng muốn nghe điều khiến họ cảm thấy tốt hơn
Hồi setup văn phòng đầu tiên của A Pure Day số 245/43 Nguyễn Trãi, ngày lắp điều hòa, Giang đi vắng, mình giao cho bạn trợ lý việc này và nhắc bạn đừng lắp giữa phòng vì thẳng dưới là sofa cho khách, người ngồi dễ bị khó chịu và cảm lạnh. Nhưng hôm sau khi mình đến văn phòng, điều hòa đặt ở vị trí không mong muốn và sự phân bua về việc Giang đã nhắc trợ lý trước hay chưa bắt đầu. Sau cùng, Giang dừng lại, lắng nghe và hiểu rằng trợ lý của mình có cảm giác bị chê bai, chỉ trích về một việc bạn đã đặt công sức vào. Từ đó, Giang cảm ơn, công nhận ý tốt của bạn, giải thích lý do về việc sắp xếp vị trí điều hòa từ mình và đề xuất chúng ta có thể lắp lại; Bạn đồng ý và không khí giữa hai chị em cũng nhẹ dịu hơn

Hãy tìm ra ý tốt trong mọi điều người khác làm cho mình và công nhận nó!

2  Không ai muốn cảm giác bị đổ lỗi, cảm giác mình sai
Quan sát của Giang khi mối quan hệ gần gũi như bạn bè, người thân hay bạn đời, rất dễ bị phạm vào đó chính là đổ lỗi đối phương.  Một tip nho nhỏ để mình nói mà người kia không cảm thấy bị đổ lỗi đó chính là hãy đặt chủ ngữ trong câu là mình (thay vì đối phương). Khi mình nói “ Anh làm như  vậy , anh có biết là em…” thì khi đó chủ ngữ là “anh” nên người đó sẽ nghĩ mình làm gì sai, thay vì thế đổi lại mình sẽ nói “Em cảm thấy hơi buồn khi mà…”.

Một trường hợp của chính Giang khi cả nhà vừa chuyển về Sài Gòn con mới 4 tháng tuổi, suốt mấy tuần liền Giang ở nhà không đi ra ngoài, chỉ mua đồ qua mạng. Rồi tối đó chồng bảo “Anh ra ngoài có chút chuyện”, tự dưng Giang lên giọng hỏi “Anh lại đi à, Sao anh lại đi? Để em một mình ở nhà thế này à?” sau khi Giang lên giọng như vậy thì anh ấy cảm thấy bị đổ lỗi, như việc anh ra ngoài là sai trái Anh cũng lên giọng “Anh đi ra ngoài có phải cho mình anh đâu, anh đi mua đồ này đồ kia…” Khi đó Giang cảm thấy sai sai và dừng lại rồi bảo:
“Xin lỗi, không phải do anh, mà về phía em vì em đang cảm thấy cô đơn… “ rồi Giang ngồi xuống ghế sofa Với người thương mình, khi thấy mình như vậy thì họ sẽ khởi lên ý muốn giúp mình cảm thấy khá hơn, thế là chồng Giang ngồi xuống, quàng tay sang vai vợ và an ủi.

3. Không ai muốn bị ép buộc
Giang có đọc một tips rất có ích trong cuốn The Miracle Combination in Couple, là khi mình đưa ra giải pháp thì hãy đưa ra ít nhất 2 giải pháp, đặc biệt là với người đàn ông, vì họ không thích bị ép buộc, mà phụ nữ thường rất chu đáo và chỉ đưa ra 1 giải pháp thôi, như vậy thì sẽ khiến người đàn ông cảm thấy bị ép buộc do không có sự lựa chọn.

Có câu chuyện thế này, người vợ nọ ngày nào cũng ủi sẵn một chiếc áo cho chồng mặc đi làm và cứ đinh ninh chồng sẽ thích như vậy vì mình chăm sóc cho anh ấy thế kia mà , nhưng rồi một ngày nọ khi hai vợ chồng đang đi siêu thị chung, xảy ra một chút xích mích thì người chồng quát lên “Tôi chẳng có lựa chọn nào trong cuộc sống này cả, đến cái áo mặc đi làm hằng ngày tôi cũng chỉ được mặc đúng cái áo mà vợ tôi chọn”.

Vậy nên, cách hòa giải là trước đó, hãy hỏi người đó nghĩ đến giải pháp nào đã, rồi mình mới đưa ra giải pháp của mình, và nên là 2 giải pháp để người đó lựa chọn