Hỏi: Anh nghĩ gì về mối quan hệ giữa cá nhân và gia đình?

Đáp: Gia đình giống như tổ chim, là chỗ trú ẩn cần thiết để chim non được ấp nở, chăm bón và mọc đủ lông đủ cánh. Sau đấy thì nó phải bị đá đít ra khỏi tổ, nếu không nó sẽ không bao giờ bay được.

--

Hỏi: Nhà em có một bạn nhỏ mới ra chơi được mấy ngày. Nhưng môi trường ở gia đình em theo quan sát và trải nghiệm của em thì em thấy nó không lành mạnh, kiểu như luôn khép mình vào khuôn khổ, lười tiếp nhận cái mới và sự thay đổi, có niềm tin vào sự sắp đặt của số phận,... thì làm thế nào để bạn nhỏ có thể sống và lớn lên trong môi trường đó mà không bị tổn thương ạ?

Đáp: Một trong các tác dụng phụ của gia đình là làm tổn thương trẻ con. Cho nên câu hỏi đúng không phải là làm thế nào để tránh bị tổn thương, vì điều đó chắc chắn sẽ xảy ra, mà là làm thế nào để hiểu rằng bị tổn thương không có nghĩa là mình không được thương, và rằng vết thương nào rồi cũng lành thôi.

--

Hỏi: Em đã làm bố mẹ đau lòng, em hay bị gọi thần kinh đầu óc không bình thường, làm sao em có thể bớt đau lòng với bố mẹ và bố mẹ bớt đau lòng?

Đáp: Vấn đề đau lòng cần áp dụng quy trình cấp cứu trên máy bay: dùng ống thở cho mình trước, sau đó mới dùng cho trẻ em. Trẻ em ở đây chính là bố mẹ - những người đã quá tin và kỳ vọng vào sự bình thường - dẫn đến bị đau lòng. Trước tiên em cần phải chấp nhận rằng em đúng là thần kinh đầu óc không bình thường, và chuyện đó cũng thường thôi. Sự chấp nhận này sẽ giúp em trở nên bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn. Em phải tự bớt đau lòng trước, thì mới giúp bố mẹ được.

Nguồn: https://www.facebook.com/tsngungu/photos/a.118790759745864/128892545402352/?type=3&theater