3 Bài Học Đối Nhân Xử Thế Thay Đổi Cuộc Đời Tôi
Có thể nói những ngày cuối năm 4 đại học là khoảng thời gian khó khăn nhất tuổi trẻ của tôi. Trong khi chờ tốt nghiệp, tôi xin đi làm...
1. Luôn nhìn thấy ưu điểm từ người khác
Có thể nói những ngày cuối năm 4 đại học là khoảng thời gian khó khăn nhất tuổi trẻ của tôi. Trong khi chờ tốt nghiệp, tôi xin đi làm nhân viên sale cho một công ty về giáo dục. Cấp trên của tôi là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Cô ấy không ít lần chê trách tôi trước mặt đồng nghiệp và gần như mỗi ngày đều phàn nàn về những thiếu sót của tôi. Tôi có 2 đứa bạn cùng quê, chúng tôi ở cùng phòng nhưng "không cùng chí hướng". Họ ấu trĩ, không có lý tưởng sống và thường xuyên đưa bạn bè đến tụ tập tại phòng trọ chung của chúng tôi. Mỗi ngày tôi mang theo áp lực công việc trở về nhà để rồi phải đối diện với những điều còn khiến tôi áp lực hơn cả công việc. Cậu bạn thân duy nhất của tôi bỏ nghề bác sĩ rồi, để chạy theo đam mê nghệ thuật. Tôi phản đối và rồi chúng tôi cãi nhau một trận lớn. Lần đầu tiên trong suốt 15 năm tôi nghĩ đến việc buông bỏ tình bạn này.
Một sáng, tôi nhận cuộc gọi từ người chủ nhà nơi tôi thuê trọ nói chúng tôi cần nhanh chóng chuyển đi vì cô ấy đã bán căn nhà này và sẽ sang Mỹ sống cùng con gái. Điện thoại tắt đi. Nước mắt tôi rơi lã chã, đau lòng cảm nhận sự khắc nghiệt của cuộc sống. Hôm đó, tôi xin nghỉ làm. Tôi mua vé đến xem một buổi triển lãm tranh về nghệ thuật sắp đặt. Người bán vé là một người phụ nữ trung tuổi với khuôn mặt phúc hậu và nụ cười luôn nở trên môi. Cô ấy nhìn tôi một hồi lâu, vừa đưa vé cho tôi vừa nói: "Này cô bé, cháu là người duy nhất cúi chào ta trong suốt hơn 3 năm ta làm công việc này". Tôi khẽ mỉm cười toan bước đi thì cô ấy gọi với theo: "Có vẻ như cháu đang gặp chuyện gì đó. Ta tin cháu sẽ vượt qua được. Nội tâm cũng là thực lực mà.". Tôi im lặng vài giây rồi gật đầu nói cảm ơn. Lần đầu tiên suốt thời gian qua tôi được "công nhận". Cả quãng đường về nhà, tôi nhìn lại cuộc đời mình và không ngừng suy nghĩ. Đã bao lâu rồi tôi không còn nhìn ra điểm tốt của một ai đó giống như cách người bán vé nhìn thấy điều gì đó ở tôi. Mỗi người đều có thế mạnh riêng, nếu chúng ta sống với nhau mà chỉ nhìn vào những điều tiêu cực của đối phương thì cuộc sống sẽ mệt mỏi biết mấy.
Tôi trở về nhà, chưa bước vào cửa đã nghe những tiếng cười đùa vọng ra. Hẳn rồi, hai đứa bạn tôi lại mời bạn bè đến nhà chơi. Thay vì im lặng như mọi lần, tôi bước đến cười thật tươi và nói: "Biết gì không, hai cậu là những người giỏi kết bạn nhất mà tôi biết. Đó là năng khiếu ngoại giao đấy.". Tôi ước gì các bạn có thể chứng kiến biểu cảm của hai đứa bạn tôi khi đó. Tôi thề là nhìn họ không còn "khó ưa" như mọi ngày. Tôi mở điện thoại lên gọi điện cho cậu bạn thân, nói rằng tôi đã nhìn thấy bức ảnh dự thi của cậu ấy đăng trên trang chủ của cuộc thi nhiếp ảnh do thành phố tổ chức, rằng đối với tôi đó là bức ảnh xứng đáng được giải nhất. Tôi nghe tiếng cười giòn tan qua điện thoại, dù không nhìn thấy, tôi biết đó là nụ cười hạnh phúc nhất của cậu ấy trong suốt mấy năm nay. Tôi vào gmail, ấn gửi đi bản đề xuất thay đổi phương pháp làm việc mà tôi đã lưu trong hộp thư nháp cả tháng trời, không quên đề cập đến việc tôi rất biết ơn cấp trên của mình vì chị ấy đã quan tâm tôi bằng cách luôn mong chờ sự tiến bộ từ tôi.
Tối đó, điện thoại tôi rung lên, dòng tin nhắn hiện lên trên màn hình: "Em là cô gái tốt. Thời gian sẽ giúp em trưởng thành.".
2. Từ chối cũng được nhưng hãy thật chân thành.
Khi ai đó nói rằng họ cần sự giúp đỡ từ bạn mà vì một lý do nào đó bạn buộc phải từ chối. Bạn sẽ làm gì?
Nhiều người có xu hướng câu giờ. Chúng ta biết là mình không thể dành thời gian cho họ, rằng câu trả lời cuối cùng phải là "Không" nhưng thay vì trả lời thẳng thắn ta lại cố gắng vòng vo để trì hoãn. Đôi khi ta làm điều đó vì phép lịch sự, đôi khi là vì lo lắng những hậu quả phía sau. Cũng có khi chúng ta thực sự muốn giúp người kia nhưng vì đang bận giải quyết đống công việc ngập đầu nên đành kéo dài thời gian để tìm cách vừa hoàn thành nhiệm vụ vừa giúp được người khác. Điều này có nên không? Tôi nghĩ là không. Việc bạn đưa ra những lời kiểu như: "Để tôi xem đã" sẽ khiến người khác kỳ vọng vào sự giúp đỡ của bạn dù rằng bạn ít có khả năng làm được. Đến cuối cùng, khi người đó nhận ra rằng họ đã lãng phí thời gian để chờ đợi câu trả lời từ bạn, họ sẽ cảm thấy khó chịu hơn cả việc nhận được lời từ chối ngay từ lúc ban đầu.
Tôi cũng thấy vài người luôn nói: "Tôi không thể". Trong hầu hết các tình huống, thực tế chúng ta có thể giúp đỡ nhưng ta lại lựa chọn nói mình không thể làm được trước khi kịp nghe xem đó là việc gì. Tôi nghĩ rằng đây là cách làm tiêu cực. Bởi theo thời gian bạn sẽ hình thành thói quen trốn trách trách nhiệm cho quyết định của mình. Có một giải pháp đơn giản đó là khi bạn buộc phải từ chối một lời yêu cầu hãy thể hiện quyết định của mình như một lựa chọn cá nhân. Thay vì nói: "Tôi không thể", hãy nói: "Tôi không muốn" kèm theo một lý do đủ sức thuyết phục. Bạn không đổ lỗi cho ngoại cảnh. Bạn đưa ra một lựa chọn có ý thức về cách bạn sử dụng thời gian, công sức, trí tuệ của mình. Nếu bạn thẳng thắn một cách chân thành, sẽ không có ai nỡ giận khi bị bạn từ chối.
Tôi đã từng cảm thấy khó khăn khi phải đối mặt với cảm giác áy náy khi từ chối ai đó. Không phải tôi không muốn giúp đỡ người khác, chỉ là ở vào thời điểm đó tôi biết rằng đó là quyết định tốt nhất cho cả hai. Có một cách mà tôi đã áp dụng trong hầu hết những lần đưa ra lời từ chối. Đó là tôi sẽ cố gắng mô tả cho người đó biết về sự bận rộn của mình. Bằng cách này, tôi đã gián tiếp cho người đó biết rằng tôi đang có những trách nhiệm khác và tôi buộc phải dành cho nó sự ưu tiên. Rằng tôi không giúp họ là vì tôi thực sự không sắp xếp được thời gian chứ không phải vì bất kỳ một lý do nào khác. Sẽ không có ai cố đòi hỏi sự giúp đỡ sau khi họ hiểu là tôi đang phải trải qua những gì. Suy cho cùng, nếu tôi đã từ chối yêu cầu một cách nhã nhặn, chân thực và tôn trọng thì người ta phản ứng thế nào cũng không phải việc tôi cần quan tâm nữa.
3. Muốn thành công hãy tìm điểm khác biệt. Muốn hạnh phúc phải tìm điểm tương đồng.
Bố mẹ tôi thường xuyên bất đồng quan điểm bởi tính cách quá khác biệt. Một tối cả nhà ngồi quân quần trước màn hình ti vi. Tôi nhớ là chúng tôi đã xem một bộ phim thuộc thể loại bi kịch. Mẹ tôi xem được một nửa thì nước mắt thi nhau chảy xuống, khóc không thành tiếng. Bố tôi quay sang thấy mẹ tôi đang khóc liền nói: "Bà này hâm à, người ta đang đóng phim mà. Tất cả là giả thôi.". Mẹ tôi vẫn đang nức nở: "Cảm động đến vậy mà mặt ông không chút cảm xúc nào. Ông có trái tim không vậy?". Mặt bố tôi có chút đỏ lên: "Bà này nói khó nghe thật đấy. Bà nhìn bà đi, từng tuổi này rồi hơi một tý là khóc lóc". Bố mẹ tôi cứ thế nói qua nói lại, hết chuyện này đến chuyện khác. Cuối cùng họ cãi nhau to, bao nhiêu ấm ức trong lòng đều đem ra nói hết một lần. Mẹ tôi đứng lên bỏ vào phòng, bố thì tức giận đùng đùng lái xe ra khỏi nhà. Và buổi tối rảnh rang hiếm hoi của gia đình tôi kết thúc như thế. Tôi nhớ là bố mẹ tôi đã không nói chuyện với nhau suốt một tuần sau đó. Tôi ở giữa vừa kiên quyết vừa nhẹ nhàng hoà giải, thận trọng giống như người đi trên băng mỏng. Tôi nhận ra rằng trong những mối quan hệ thân thiết, việc tranh luận đúng - sai, phân định thắng- thua sẽ không khiến mình hạnh phúc, nó chỉ quyết định xem ai sẽ là người tổn thương nhiều hơn sau cuộc cãi vã đó mà thôi. Mỗi chúng ta là một cá thể riêng biệt bởi vậy việc xảy ra mâu thuẫn là không thể tránh khỏi. Giống như bố mẹ tôi, tính cách hoàn toàn trái ngược nhưng rồi sau những lần lỡ "quên" mất việc phải thấu hiểu, họ vẫn lựa chọn ở lại bên nhau, dùng tình yêu để bao dung cho những khác biệt và cùng nhau đi tìm những điểm tương đồng.
Nói về bản thân tôi, thực ra trước đây tôi cũng là một người khá hiếu thắng. Tôi luôn muốn giành phần thắng trong mọi cuộc tranh luận. Thậm chí tôi sẽ phân tích thật chi tiết tính đúng đắn trong quan điểm của mình để nhấn mạnh cho đối phương biết được rằng họ sai, tôi đúng. Mãi cho đến sau này tôi mới nhận ra rằng thực chất lúc đó tôi đã sai và cuộc đời này vốn phức tạp hơn hai từ "Đúng - Sai" rất nhiều.
Giờ tôi sẽ lấy ví dụ về một tình huống mà bất kỳ ai cũng có thể bắt gặp. Giả sử bạn đi chơi với một đám bạn. Một người bạn trong số đó tỏ ra hào hứng hơn thường ngày, vui vẻ khoe với mọi người là họ vừa làm kiểu tóc mới. Bạn nhìn họ, trong đầu lóe lên suy nghĩ: "Kiểu tóc này nhìn nó lạ lạ sao ấy. Có gì đó sai sai. Cảm giác không đẹp bằng kiểu tóc cũ". Đó là điều hết sức bình thường. Mỗi người có một gu thẩm mỹ khác nhau. Người khác thấy đẹp, bạn thấy xấu. Không sao hết. Trong tình huống này, tôi không khuyên các bạn phải khen họ một cách giả tạo. Nhưng dẫu có nghĩ như vậy thì cũng đừng buông lời chê bai. Bạn có thể nói một câu trung lập kiểu như: "Mày thích là được rồi." hay trêu đùa kiểu như "Nay quyết định lột xác đó à.". Đây không phải lừa dối đâu các bạn. Đây là sự tôn trọng. Bạn tôn trọng cảm xúc của người bạn đó bởi vì bạn coi trọng tình cảm giữa hai người hơn là cái tôi cá nhân. Dù là trong hoàn cảnh nào, trước khi làm bất cứ việc gì ta cũng nên dừng lại vài giây để kịp suy nghĩ xem mục đích của việc làm đó là gì. Nếu việc bạn sắp làm không mang đến lợi ích gì thì hà cớ gì bạn lại làm như thế? Giả dụ như lúc đó bạn thốt lên rằng: "Kiểu tóc mới của mày xấu hoắc à!" thì thử tưởng tượng xem người bạn đó sẽ buồn thế nào và cuộc đi chơi của các bạn sẽ gượng gạo ra sao. Chúng ta không cần quá rạch ròi chuyện đúng sai trong giao tiếp thường ngày đâu. Việc các bạn cư xử khéo léo để tất cả mọi người đều vui vẻ thoải mái mới là điều quan trọng.
Mong rằng dù các bạn là ai, ở đâu, làm gì cũng luôn được tôn trọng! ❤
Be Imperfect To Be Perfect.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất