3 BÀI HỌC TUỔI THƠ VỀ LÒNG TRUNG THỰC VÀ CÂU CHUYỆN NGƯỜI LÀM CHA
Trong một bài viết gần đây về cách nuôi dạy con, mình có nhắc đến vai trò quan trọng của người cha. Nó gợi mình nhớ lại tuổi thơ và...
Trong một bài viết gần đây về cách nuôi dạy con, mình có nhắc đến vai trò quan trọng của người cha. Nó gợi mình nhớ lại tuổi thơ và bài học về lòng trung thực mà mình đã học được. Người dạy mình không ai khác chính là bố. Dù bố đã rời xa mình đến nay là 17 năm, nhưng mình không bao giờ có thể quên được những bài học đầu đời thuở thơ ấu ngày ấy.
Bài học 1
Năm học lớp bốn là lần đầu tiên mình biết đến ranh giới giữa người xấu và người tốt.
Trong nhà, bố là người phụ trách việc học của mình. Mình vốn chẳng giỏi Toán, cũng chả ưa gì Toán! Có lẽ vì thế mà bố mình – cũng tên là Toán (hic) – rất nghiêm túc trong việc theo dõi sự nghiệp học hành cao cả của mình, đặc biệt là môn Toán.
Bố “quản thúc” mình học mỗi cuối tuần. Bình thường mình hay ngồi học trên nhà. Nhưng cuối tuần, mình ngồi làm bài ở ngay bàn phòng khách để bố tiện theo dõi và chỉ bảo. Mình sợ bố lắm.
Hôm đó, sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi một lúc, bố hỏi mình:
– Hôm nay có bài tập Toán về nhà không con?
Chả suy nghĩ, mình lắc đầu. Mình trả lời thật nhanh:
– Cô thu vở bài tập rồi ạ.
Có lẽ mình không có “năng khiếu” nói dối. Sau câu nói liều đó, mình… ngồi im ru như con gà rù. Mình hi vọng là bố sẽ quên mình đi và làm việc khác.
Bố không hỏi gì nữa thật. Thay vào đó, bố chỉ lặng lẽ ra chỗ để cặp sách của mình. Trong tích tắc, bố lôi quyển vở bài tập Toán ngoan ngoãn của mình ra. Bị bắt quả tang, mình òa khóc nức nở như lũ lụt mùa mưa.
Lần đầu tiên “phạm tội” và bị “vạch trần tội lỗi” ngay trước mặt, mình được bố dạy dỗ bài học về lòng trung thực, sự gian dối và ranh giới giữa cái xấu và cái tốt. Mình nhớ đến tận bây giờ.
Bài học 2
Không lâu sau đó, một hôm đang chơi ở phòng ngủ của bố mẹ, mình chợt nhìn thấy một cọc tiền lấp ló phía sau cánh cửa tủ quần áo khép hờ. Mình vẫn biết bố mẹ có để tiền trong tủ, nhưng lần này bỗng dưng mình lại… quan tâm hơn.
Thực ra nó cũng chỉ là một xấp tiền lẻ nằm phẳng phiu đẹp đẽ (chắc tờ 2000 đồng). Nhưng với một đứa trẻ như mình, chỉ một chút trong đó thôi cũng đủ cho mình bữa kem no nê, thỏa thích. Thế là… mình “nhón” một tờ.
Cảm giác lấy trộm tiền lần đầu tiên thật khó tả. Nó vừa rạo rực, háo hức như thể mình vừa làm chuyện gì đó rất ly kì, hấp dẫn. Nó cũng khiến mình nơm nớp như ngồi trên đống lửa, chỉ sợ bố phát hiện.
Những ngày sau đó, cứ khi nào mình len lén nhìn bố hay tình cờ đón nhận nụ cười ấm áp của bố, lòng mình chợt thắt lại. Một vài lần như vậy nó tạo thành vết xước.
Bố vẫn chả nói gì. Còn cái gan thỏ đế nhỏ xinh của mình thì thẽ thọt thấp thỏm. Mình không dám thú nhận hành động sai trái kia. Vết xước cứ lớn dần mỗi ngày.
Đó là lần đầu tiên mình ăn trộm tiền của bố.
Đó cũng là lần cuối cùng điều ấy xảy ra.
Mình đã tự “ngộ” ra bài học về lòng trung thực rồi đó.
Bài học 3
Câu chuyện to lớn nhất có lẽ là vào hồi mình học lớp năm. Nhưng có sự khác biệt không hề “nhẹ”: lần này mình là nạn nhân. Chả là hồi đó mình có chơi thân với một bạn gái cùng lớp tên Xuân (nhưng không cùng bàn). Mình không biết nhà Xuân ở đâu. Hàng ngày trên đường tới trường, Xuân đi qua nhà mình. Chắc vì vậy mà hai đứa chơi với nhau (trẻ con thật đơn giản, hihi).
Như thường lệ, cứ gần trưa Xuân sẽ đi sớm qua rủ mình đi học. Trong lúc đợi mình ăn xong, Xuân lên phòng mình ngồi chơi. Sau đó hai đứa dung dăng dung dẻ cuốc bộ ca bài ca đến trường.
Một ngày, điều “kỳ lạ” xảy ra. Chiều hôm đó đến lớp, khi mở cặp sách ra, mình giật mình không thấy sách vở môn Văn đâu cả. Rõ ràng mình đã nhét chúng vào cặp trong lúc soạn bài sáng hôm ấy. Vậy mà giờ chả thấy đâu. Hôm ấy mình phải xin giấy và xem chung sách với bạn.
Vài hôm sau, khi tiết học đầu tiên ở lớp bắt đầu, mình lại ngỡ ngàng khi mở cặp sách. Chen chúc trong đó là các cuốn truyện Doraemon. Chỗ của chúng bấy lâu là trên giá sách ở nhà. Không hiểu sao chúng lại tìm đường vào đây. Mình lại không có sách vở học bài.
Sự việc tái diễn vài cho đến khi thứ “bốc hơi” không chỉ còn là quyển sách hay cây bút lặt vặt nữa.
Hôm đó, bố đưa mình học phí để mình đến lớp đóng học cho cô. Mình nhớ rõ ràng là mình đã cất vào trong hộp bút. Đối với trẻ con thời đó, hộp bút như cái ví để cất mọi thứ quý giá và quan trọng. Và điều gì đã xảy ra?
Số tiền đó cũng không cánh mà bay.
Mình đem câu chuyện về kể với bố.
Là người lớn nên không khó gì để bố nhận ra gốc rễ sự việc. Song, chính những gì bố lặng lẽ làm mới khiến mình, sau này khi đã lớn hơn, cảm phục và yêu quý bố nhiều hơn nữa.
Tấm lòng người làm cha
Mình không nhớ mình đã biết toàn bộ câu chuyện từ lúc nào và từ đâu. Mình chỉ nhớ là tuổi thơ năm học cuối cấp của mình vẫn đầy ắp kỉ niệm vui chơi của hai đứa trẻ vô tư, ngày ngày lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội thuở ấy, trên đường đến trường. Chưa bao giờ mình có ký ức hay cảm xúc tiêu cực về Xuân. Điều này có lẽ xuất phát từ tấm lòng của một người làm cha -một con người có tâm với tấm lòng bao dung và yêu thương con trẻ vô hạn.
Hết cấp 1, Xuân chuyển trường. Chúng mình cũng mất liên lạc từ đó.
Câu chuyện dĩ nhiên cũng đã trôi tuột theo năm tháng nếu như không có một sự việc xảy ra năm mình học cấp 3. Vào một ngày mùa đông giá rét, mình nhận được một bức thư tay. Người viết là Xuân. Bạn hỏi mình có ngạc nhiên không. Cách đây không lâu, bạn tình cờ thấy mình trên phố. Bạn cất tiếng gọi nhưng mình không nghe thấy và cũng không nhận ra bạn.
Nhưng lý do chính để bạn viết thư cho mình là bạn muốn nhắc lại câu chuyện năm xưa. Hình như chưa bao giờ bạn nói với mình. Cho đến bây giờ Xuân vẫn cảm thấy xấu hổ vì những điều bạn đã làm. Song, đặc biệt hơn cả, Xuân rất cảm kích vì những gì bố mình đã làm ngày đó. Khi hiểu ra vấn đề, ông đã gọi bạn đến ngồi nói chuyện một thẳng thắn, nghiêm túc nhưng rất bao dung, nhẹ nhàng.
Trái với nỗi lo sợ của bạn, ông không mắng mỏ hay ghét bỏ bạn. Ông cũng không xúi giục mình nghỉ chơi hay xa lánh bạn. Ông chỉ đơn giản muốn giúp bạn nhận ra cái đúng – sai, về lòng trung thực trong suy nghĩ, thái độ, và hành động của mình. Đôi khi tất cả chỉ xuất phát từ sự tò mò, nghịch ngợm vô tư của trẻ nhỏ.
Việc Xuân tình cờ nhìn thấy mình hôm ấy đã cho bạn sống lại cảm xúc và ký ức năm xưa. Bạn viết: Linh thật hạnh phúc khi có bố. Tớ ước gì mình cũng có bố, một người bố như vậy!
Hồi xưa mình còn quá bé và vô tư. Mình không biết là Xuân không có cha. Còn bố mình, dù hoàn toàn có thể đóng vai “ác” của một người lớn xa lạ đối với Xuân, nhưng ông vẫn đón bạn đến nhà mình chơi những ngày sau đó với tấm lòng khoan dung và nhân ái của người làm cha. Với ông, không có đứa trẻ nào là xấu. Chỉ là chúng có nhận được đủ tình yêu thương và sự dìu dắt đúng đắn của những người làm cha mẹ hay không.
Mình kể lại những câu chuyện “gian dối” của những đứa trẻ như mình thuở ấy, để thấy rằng người cha có chỗ đứng quan trọng như thế nào trong quá trình lớn lên, phát triển của con mình.
Cảm ơn Bố vì bố đã cho con một tuổi thơ trong sáng, tươi đẹp.
Cám ơn Bố vì đã cho bọn con bài học tuổi thơ đầu đời về lòng trung thực vô cùng đáng giá.
Cám ơn Bố vì đã là bố của con.
Cám ơn Bố vì đã là bố của con.
*Ghi chú: tên nhân vật (Xuân) đã được thay đổi để giữ danh tính cho người thật.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất