SARS-CoV-2 : CƠ HỘI HAY LÀ THỬ THÁCH ?

    Kết thúc kì thi tốt nghiệp THPT 2020 cũng là chấm dứt dấu mốc về một đời học sinh của các bạn 2k2 - lứa tuổi phải trải qua nhiều biến động trong học tập cũng như phải chứng kiến sự hoành hành của bệnh dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Không còn áp lực đến từ những ngày tháng thức khuya dậy sớm, học tập hết mình, trau dồi kiến thức; không còn những giây phút được ngồi trên mái trường thân yêu để trò chuyện cũng như đùa nghịch cùng bạn bè.
    Khoảnh khắc biết được điểm thi có thể là nụ cười hạnh phúc của các bạn đạt được số điểm mình hằng mong ước. Đôi khi là sự vương vấn, là giọt nước mắt của sự thất vọng khi không thể hoàn thành tốt bài thi của mình. Nhưng mình chắc chắn rằng: các bạn đều là những người đã cố gắng hết sức, đều hướng tới hoài bão, khát khao vào được môi trường mình luôn mơ ước bấy lâu nay. Học tuy là một quá trình lâu dài mà chúng ta cần trau dồi nhưng kĩ năng giữ vững tâm lý trong phòng thi cũng chính là một yếu tố để chúng ta biết kiểm soát, đối diện với mọi áp lực trong cuộc sống.
Photo: Hoang Dat / Group: Truong Nguoi Ta


TỐT NGHIỆP – NỖI TRĂN TRỞ ẨN SAU VẺ ĐẸP CỦA SỰ “KHIÊM TỐN” ?

    Tuy nhiên, vấn đề chính mình muốn đề cập tới lại là sự lo lắng một cách vô lý của một số thành phần các bạn " không thể tốt nghiệp" hoặc không thể đỗ đại học trường nào với số điểm vốn cao " chót vót " ở tổ hợp mình đang xét.
            Sự quan tâm đó cũng không hoàn toàn VÔ LÝ.
    2020 vốn là năm đầy biến động đối với Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Kinh tế suy thoái, mọi người đều phải nghỉ dịch ở nhà cách li, tình trạng ấy lại kéo dài khiến cho chúng ta không thể không lo lắng. Đặc biệt, lứa chúng ta lại là những người không may trải qua điều đó trong chính dấu mốc quan trọng của đời mình. Vì thế, đề thi năm nay các môn cũng không phải ở dạng tương đối quá khó. Nhờ điều này mà chắc chắn nhiều bạn sẽ đạt được điểm cao và tỉ lệ chọi ở các trường đại học TOP cũng có thể cao " ngất ngưởng ".
    Nhưng các bạn hãy hiểu rằng: không ai có thể thay đổi kết quả bài thi mình lựa chọn. Đồng thời, các bạn học sinh hiện nay lại có lợi thế khi có thể thay đổi nguyện vọng của mình sau khi thi đã hoàn thành kì thi tốt nghiệp. Cho nên việc lo lắng như vậy càng trở nên vô nghĩa. Thay vì thế, mình khuyên các bạn nên bỏ qua tất cả những lo lắng muộn phiền, những nuối tiếc không thể đạt được mà hãy " chơi hết mình " để thưởng cho mình qua một năm vất vả rèn luyện, thức khuya thức hôm mà các bạn đã cố gắng vì mục tiêu đời mình. Hãy đọc một cuộc sống, hãy bày tỏ tâm sự với cha mẹ, người thân của mình, hãy làm một điều mình chưa từng làm để cuộc sống này trở nên ý nghĩa hơn thay vì cả ngày sống trong quá khứ, hối hận từ chính bản thân mình tạo ra.
Quay lại vấn đề chính, tốt nghiệp hiện nay không còn là một vấn đề khó khăn nếu trong một năm qua các bạn có động đến việc “ HỌC “. Phải chăng, nỗi trăn trở “ RỚT TỐT NGHIỆP “ là một mối lo hại quá mức hay đơn giản là một sự “ khoe khoang “, tự hào về số điểm mình đạt được ?
    Một số ý kiến lại cho rằng: “Họ đạt được 27,28 điểm là do họ giỏi ? Thế vì sao họ không được quyền tự hào? Khoe như vậy là để mọi người có động lực mà cố gắng hơn ?”. Có thể đó là thành quả bạn xứng đáng nhận được sau bao ngày tháng hết mình vì học tập. Nhưng hãy nhớ rằng : mỗi người đều có hoàn cảnh, cách ghi nhớ, tiếp thu kiến thức khác nhau. Đồng thời, cách kiếm soát áp lực trong phòng thi đôi khi cũng trở thành một vấn đề to lớn với nhiều bạn học sinh. Câu hỏi bạn luôn “ trăn trở “ có thể trở thành một áp lực tâm lý với nhiều bạn khác. Việc chỉ nghĩ đến bản thân mà không hề để ý đến cảm xúc của người đôi khi có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Các bạn của mình - “ những con người thực sự giỏi “ – họ chẳng bao giờ khoe thành tích như vậy vì họ “ biết điều “. Đơn giản là vì thực lực của bạn vốn đã được mọi người chứng minh qua quá trình bạn học tập, rèn luyện chứ không phải vì một vài “ điểm số cao “ mà bạn đạt được để từ đó người khác thay đổi cách nhìn về bạn. Hạ mình sống thầm lặng, khiêm tốn không chỉ thể hiện việc ta trân trọng bản thân mình nhường nào mà sẽ thay đổi cách nhìn ở người khác về chúng ta.
    Bản thân mình luôn cho rằng: đừng so sánh bản thân mình với người khác vì chúng ta vốn là bản thể đẹp nhất của mình ngày hôm qua. Tuy nhiên, nếu không chứng kiến những người giỏi hơn mình, ta sẽ không thể có động lực để cố gắng hết mình, để trở thành một con người vượt trội trong xã hội. Vì thế, việc ta thấu hiểu chính mình, lắng nghe người khác đôi khi lại là một việc làm tốt, một điều thể hiện nhân cách đẹp ở mỗi chúng ta trong mắt người khác.
    Có một câu nói của Tony Hsieh – CEO của Zappos – vẫn để lại cho mình rất nhiều ấn tượng:
“ Đừng tự mãn. Đừng hào nhoáng. Luôn luôn có người giỏi hơn bạn.”
* Chú thích: em mới viết lần đầu nên xin chấp nhận mọi ý kiến cũng như nhận xét của các anh chị ạ.