Tôi tự hỏi, có cách nào để vượt qua nỗi sợ ngoài việc đối diện với nó, mỗi ngày, từng chút một?
Khoảng 2 năm trở lại đây, tôi đọc và viết mọi thứ nhiều hơn. Khi viết, tôi nhận ra mình có rất nhiều nỗi sợ. Viết là cơ hội để tôi hiện thực hóa những suy nghĩ của mình, để xâu chuỗi suy nghĩ thành một hệ thống khép kín và logic. Những đồng thời, viết cũng tạo ra trong tôi nỗi sợ về khả năng của mình. Tôi đã dành thời gian để tìm xem nỗi sợ của mình với việc viết là gì vì tôi biết rằng, chỉ khi nhìn thấy hình hài của nỗi sợ, tôi mới tìm được cách để thay đổi nó. Khi viết, tôi đã sợ từ khi mình bắt đầu viết: Tôi không biết mình nên bắt đầu như thế nào.
- Mình mở đầu như vậy có hấp dẫn không?
- Mình mở đầu như vậy có ổn thỏa không?
- Khi bắt đầu như thế thì lúc mình viết, mình có duy trì được tinh thần như vậy trong toàn bài viết không?
Những câu hỏi kiểu nghi ngờ kể trên thường đến dồn dập, và kết quả là, tôi thường không viết gì. Đúng vậy, tôi không làm gì ngoài việc nghĩ.
Thứ hai, khi đã có thể viết, tôi lại sợ câu văn của mình có vấn đề. Lúc nào trong đầu tôi luôn lẩn quẩn một nỗi sợ viết dở. Không biết từ khi nào, tôi nghĩ rằng mình viết rất tệ. Tôi viết tệ đến nỗi mọi thứ xuất hiện trong bài viết của tôi đều rời rạc và vô nghĩa. Sự liên kết giữa các câu văn với nhau hoàn toàn không được thể hiện, tôi cũng chắc mình đã viết ra điều gì. 
Khi xác định được bạn thân sợ điều gì khi viết, tôi bắt đầu luyện tập để thay đổi chúng. Đối với việc viết, tôi thường dành thời gian đầu để đọc và lưu lại những ý tưởng từ nhiều bài viết trước. Tôi bắt đầu ghép chúng với nhau, một cách rời rạc. Với bản thảo đầu tiên, tôi tập không sắp xếp chúng quá hoàn hảo mà để chúng vào các vị trí mà tôi cho là phù hợp. Sau đó, tôi đặt ra deadline cho mình để hoàn thành bài viết này. Tôi chọn cho bài viết một tiêu đề và dựa vào đó phát triển bản thảo 1 lên bản thảo 2. Việc lặp lại này khiến tôi bắt đầu ghim bài viết vào đầu mình. Các kỹ thuật di chuyển đoạn văn, bổ sung đoạn văn đều được tôi thực hiện cùng với câu hỏi:
- Với ý tưởng ban đầu, đoạn này có làm sáng ý tưởng đó hay không?
Tôi đặt để một đoạn văn ở đây để làm gì?
- Giải thích cho điều gì? …
Tôi giữ những câu hỏi này trong đầu từ lúc bắt đầu bài viết đến khi kết thúc. Trước khi đến với chúng, tôi sử dụng một câu hỏi mồi: Tôi có thể viết tốt hơn ở nữa hay không? Câu hỏi mồi cho phép tôi quay lại với bài viết, kết nối những câu trả lời trước đó về việc phát triển ý và khởi động mong muốn viết của tôi. Sau khi viết, tôi dành thời gian để đọc lại, cắt tỉa, viết, đọc lại và cắt tỉa. Zinsser nói trong cuốn On writing well: Người ta viết cũng như cách người ta suy nghĩ. Suy nghĩ mạch lạc và tương minh thì bài viết của họ cũng như thế.
Chị tôi từng nói, thời gian không định nghĩa nên một con người mà là hành động của họ. Vậy nên, bài viết của tôi có thể kéo dài trong nhiều tuần nhưng nó cũng không phải là vấn đề. Vấn đề là tôi đã không từ bỏ ý tưởng ban đầu và phát triển nó đến cùng hoặc quyết định để nó ở đó, không suy xét gì thêm. Tôi không bỏ cuộc giữa chừng với các ý tưởng.
Tôi vẫn chưa thật sự hết sợ việc viết nhưng ít nhất, với những bài luyện tập tôi đang thực hiện bây giờ, tôi có thể bớt do dự khi định viết một điều gì đó.
Tôi nghĩ đó đã là một sự tiến bộ của mình suốt mấy tháng qua.
KKC.