Hồi nhỏ, tôi thích ngồi tưởng tượng khi mình lớn lên mình sẽ có cuộc sống ra sao. Như nhiều đứa trẻ khác, tôi vô cùng háo hức đợi đến khi mình được coi là một người trưởng thành. Nhưng thực sự thì con người ta trưởng thành khi ở tuổi bao nhiêu?
Xã hội thường đặt mốc 18 tuổi là tuổi trưởng thành, nhưng bất cứ ai đã trải qua giai đoạn đó đều thừa hiểu 18 tuổi là quá trẻ và thiếu kinh nghiệm. Năm 18 tuổi là lần đầu tôi chuyển ra ngoài sống và thấy mình cái gì cũng không biết. Không biết bắt xe khách từ quê xuống Hà Nội, không biết đi chợ, không biết nấu ăn, không biết chăm sóc bản thân khi ốm. Tôi vẫn run sợ mỗi khi phải ra ngoài một mình và đưa ra quyết định cho bản thân.
Nếu 18 tuổi chưa phải là trưởng thành, thì một mốc xa hơn 1 chút có thể là 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học chăng? Nhưng nhìn lại tuổi 22, tôi vẫn thấy mình vẫn ngơ ngác và chẳng có gì trong tay. Mới đi làm nên cái gì cũng phải học. Ở tuổi 22, tôi mắc rất nhiều sai lầm và phải xin lỗi rồi sửa sai. Nhưng qua đó, tôi rút ra nhiều bài học đáng giá cho bản thân.
Thêm 1 thời gian nữa, tôi bước vào tuổi 24 và gặp khủng hoảng đầu tiên - khủng hoảng 1/4 cuộc đời - một cột mốc cực kỳ đau đớn nhưng có thể nói là khiến tôi lột xác. Sau đó, tôi bắt đầu tìm được một chỗ đứng ở nơi làm việc, bắt đầu thực sự độc lập về tài chính. Tôi cũng biết trang điểm và mặc những trang phục của một phụ nữ trưởng thành - váy và giày cao gót.
Nhưng tất cả những thứ đó vẫn chỉ là bề ngoài. Tôi vẫn luôn cảm thấy mình thiếu hiểu biết và thiếu kinh nghiệm. Tôi đọc nhiều sách báo và cố gắng mở rộng tầm nhìn của mình bằng cách đi du lịch, học thêm các khoá học mới. Dù vậy, năm 24 tuổi, tôi vẫn thấy mình bị các chị lớn mắng là sao không biết làm cái này cái kia và cảm thấy bất lực vì bản thân. Tôi vẫn cần mẹ đi cùng mỗi lần mua sắm vì không biết chọn đồ và mặc cả.
Năm nay khi tôi tròn 27 tuổi, một lần nữa tôi tự đặt ra câu hỏi "mình đã trưởng thành chưa nhỉ?" Như mọi lần, tôi không dám nói mình đã trưởng thành rồi nhưng tôi thấy mình có thể tự tin hơn một chút rằng so với đứa trẻ ngồi tưởng tượng về tuổi trưởng thành năm nào, tôi thực sự đã tiến rất xa.
Sự khác biệt của năm 27 tuổi so với những năm trước đó đến từ rất nhiều sự kiện. Năm 27 tuổi, tôi thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của mẹ và chị. Tôi bắt đầu nhận thức rõ những hậu quả của cách nuôi dạy con tương đối độc hại của bố mẹ tôi và bắt đầu tách biệt bản thể của mình ra khỏi họ. Lần đầu tiên tôi cho phép mình làm trái lại ý mẹ và suy nghĩ nghiêm túc về việc quyết định mọi việc và đặt nhu cầu bản thân lên trước thay vì quá sợ hãi phản ứng của bố mẹ.
Năm 27 tuổi, tôi có hình xăm đầu tiên: enough as I am. Tôi không xăm để thể hiện hay khoe mẽ bất cứ điều gì. Tôi xăm để nhắc nhở bản thân rằng mình đủ như chính con người mình hiện tại, không hơn không kém. Và vì thế không cần phải thay đổi bản thân chỉ vì người khác muốn thế.
Năm 27 tuổi cũng là lần đầu tiên tôi đi du lịch bụi 1 mình. Tôi nhận ra mình hoàn toàn có thể sống sót và đứng vững trên đôi chân của mình. Tôi dần học cách quen hơn với việc sống một mình và ý tưởng có thể sẽ sống một mình cả đời.
Nhưng tất cả những thay đổi đó không hề dễ dàng. Đôi lúc tôi vẫn sợ hãi và rơi trở lại trạng thái lo âu hoảng loạn. Đôi lúc tôi vẫn phải cầu cứu bạn bè để tìm sự trợ giúp về tinh thần và cảm xúc. Đôi lúc tôi vẫn chạy sang ở với chị tôi vài ngày để được chị chăm sóc. Đôi lúc tôi cảm thấy chông chênh không tả nổi và không biết phải đi tiếp như thế nào.
Nhưng tôi hiểu sự chông chênh này là 1 phần không thể tránh khỏi của quá trình trưởng thành. Một cuốn sách mà tôi rất yêu thích là cuốn "Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu" của Rando Kim, trong đó tác giả so sánh quá trình trưởng thành của người trẻ như những búp tre vươn mình trong gió. Sẽ không thể tránh khỏi chao đảo, nhưng những chao đảo đó sẽ giúp ta vững vàng dần lên.
Tôi tin vào hình ảnh đó và nó cho tôi thêm sức mạnh và sự nhẫn nại với bản thân của năm 27 tuổi cực kỳ khó khăn nhưng cũng rất ý nghĩa này.
Và nếu có bạn nào đó ở ngoài kia cũng đang ở độ tuổi 27 như tôi hiện tại, rất hi vọng bạn cũng sẽ kiên nhẫn với chính mình và cho mình thời gian để tìm được điểm cân bằng nhé. Mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi.
Suy cho cùng tôi cũng chẳng biết mình sẽ trưởng thành thực sự khi nào. Có lẽ trưởng thành không phải là 1 danh từ - 1 cột mốc như tôi vẫn nghĩ, mà nó là một động từ - 1 hành trình lâu dài mà mỗi chúng ta liên tục phải bước tiếp về phía trước để mỗi khi ngoảnh lại, ta sẽ biết mình đã đi được bao xa.