25 NGÀY VÀ 12 ĐIỀU THÚ VỊ VỀ TOKYO
Du lịch trải nghiệm là một sở thích của mình. Nếu có cơ hội đi học tập, công tác ở một địa phương nào đó, trong hoặc ngoài nước, mình...
Du lịch trải nghiệm là một sở thích của mình. Nếu có cơ hội đi học tập, công tác ở một địa phương nào đó, trong hoặc ngoài nước, mình sẽ dành thời gian rảnh để quan sát các hoạt động của người dân bản địa thay vì du ngoạn nhiều nơi để thưởng hoa ngắm cảnh (chỉ là sở thích thôi chứ không phê phán ai nhé cả nhà, mỗi người mỗi cảnh). Qua đó, mình lại rút ra được nhiều bài học cho bản thân. Sau đây là một số trải nghiệm đầu tiên của mình khi đến học tập tại kinh đô của đất nước hoa anh đào. Nếu bạn yêu thích hãy lên kế hoạch để tận hưởng và kiểm chứng những điều thú vị này nhé!
1. SỰ SẠCH SẼ
Mình đến Tokyo vào những ngày đầu tháng 10, ấn tượng đầu tiên về đất nước mặt trời mọc là sự sạch sẽ ở mọi ngóc ngách, chắc có lẽ vì bản thân cũng thích sự sạch sẽ và hay xoi mói (ahihi). Điểm thú vị là hầu như không tìm thấy các thùng rác công cộng. Ngoại trừ gần các máy bán nước tự động sẽ có thùng rác để đựng vỏ chai và lon nước ngọt. Theo giải thích của nhiều người là việc này giúp người dân có ý thức để rác vào túi riêng và mang về nhà, tránh tình trạng khi nhân viên vệ sinh hay xe rác không kịp thu gom thì các thùng rác bị vương vãi ra ngoài, làm mất mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, việc phân loại rác ở đây cũng cực kỳ phức tạp so với Canada hay Hàn Quốc (hai nơi mình từng sống và du lịch). Mỗi địa phương sẽ có cách phân loại khác nhau, và phải theo dõi lịch thu gom từng loại rác để vứt cho phù hợp. Tuy nhiên, vào những ngày lễ, hoặc một số khu vực hẻo lánh, vẫn có tình trạng xả rác của một số người thiếu ý thức. Thi thoảng cũng thấy một vài người khạc nhổ trên đường. Buổi tối, nếu về trễ còn thấy người ta tè dầm trên đường :)
2. BẢO THỦ NHƯNG NHIỆT TÌNH
Điểm đến đầu tiên của mình dĩ nhiên là sân bay, tiếp theo là City Hall của thành phố để làm một số thủ tục, sau này thì còn đi mở tài khoản ở ngân hàng, làm các thủ tục ở trường. Điểm chung là 90% người Nhật ở đây chỉ sử dụng tiếng Nhật khi giao tiếp với người nước ngoài, dù bạn cố gắng trao đổi bằng tiếng Anh hay tiếng gì thì họ cứ bắn tiếng Nhật vào bạn mà thôi. Vì vậy, bạn nào có ý định học ở Nhật (dù chương trình học bằng tiếng Anh) thì nên học tiếng từ trước khi qua, cỡ trình độ JLPT N3 (kỳ thi tiếng Nhật dành cho người nước ngoài với 5 cấp độ từ N5 đến N1) là okay. Mình nhờ có mấy bạn Việt Nam thạo tiếng dắt đi nên cũng đỡ phần nào, chứ không là phải sử dụng động từ "to quơ" và "to guess" hơi nhiều.
Điểm cộng là mặc dù họ không biết hoặc không muốn nói tiếng Anh thay cho tiếng mẹ đẻ, thì thái độ của họ đều rất nhã nhặn và thân thiện, nhiệt tình giải thích, minh hoạ, ví dụ cho đến khi bạn hiểu thì thôi. Một số nơi mới trang bị thêm máy dịch hỗ trợ giao tiếp cũng thú vị. Mình thấy Google Dịch cũng là một công cụ khá hiệu quả cho những ai đi du lịch.
3. CŨ MÀ KHÔNG CŨ
Ký túc xá là nơi mình tá túc trong vòng một năm. Ấn tượng là kiểu xây dựng ở đây trọng về chất lượng hơn là hình thức, đúng như câu "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Ngoại trừ các công trình công cộng như bảo tàng, đền thờ, tháp truyền hình, khu thương mại...đòi hỏi tính nghệ thuật cao, nhà ở ở đây ít thấy tô trét tường và sơn phết. Các vật dụng bên trong như toilet, bếp, máy điều hoà,... nhìn rất cũ kỹ, kiểu như ở Việt Nam nhìn là chỉ có vứt đi, nhưng tất cả đều hoạt động rất tốt. Điện năng tiêu thụ cũng thấp, chi phí hàng tháng điện nước của mình khá là rẻ so với chi phí ăn uống.
4. LỊCH SỰ VÀ CUNG KÍNH
Khi đi trên đường thì thường xuyên nghe câu ありがとう (arigatou) - xin cảm ơn hoặc すみません (sumimasen) - xin lỗi khi họ được nhường chỗ, nhường đường, chạm phải bạn khi đi.
Trong trường học, kí túc xá, nhất là trong thang máy, mọi người đều cúi đầu chào khi gặp bạn (dù không biết bạn là ai), còn những người làm việc chung trong bộ môn, kể cả giáo sư đều có thái độ khiêm nhường, nhẹ nhàng và thân thiện. Khi bạn có khó khăn cần giúp đỡ, là họ có thể bỏ việc của mình qua một bên, để hỗ trợ bạn trước. Nhiều khi thấy phiền quá, nên mình nói họ cứ làm xong việc trước đi rồi hãy giúp mình sau.
Nói về mảng dịch vụ nhà hàng, khách sạn, v.v... nói chung ở Nhật là thuộc hàng top so với những nơi mình đi qua với phong cách sang trọng, lịch sự kiểu Âu lại đậm chất Á Đông nhỏ nhẹ, chu đáo. Không quá sòng phẳng, lạnh lùng như phương Tây, lại không xô bồ, chụp giật như một số điểm du lịch ở nước mình.
5. TÔN TRỌNG KHÔNG GIAN CÔNG CỘNG
Trong khoảng thời gian đầu ở đây, khi đi học hoặc đến các nơi cộng công (công viên, đường phố, ga tàu, tàu điện,...), mình đều thấy người Nhật có thói quen giữ im lặng, nhìn xuống đường hay tập trung về hướng di chuyển, ít khi nhìn ngó qua lại, đặc biệt là không nói chuyện lớn tiếng. Thoạt nhìn, mọi người sẽ cảm thấy một không khí ảm đạm, lạnh lẽo, nhưng ở lâu một tí lại cảm thấy rất dễ chịu, không bị làm phiền. Những khi phải chờ đợi, người dân thường hay lướt điện thoại, đọc sách hay chợp mắt ngủ. Tuy nhiên, vào tối thứ Sáu, người dân ở đây có thói quen đi nhậu, kiểu xả stress cuối tuần như Việt Nam. Lúc này thì sẽ bắt gặp nhiều người say xỉn, có khi nằm lăn ra giữa đường, phải nhờ nhân viên đến hỗ trợ. Do phương tiện công cộng ở Tokyo rất nhiều nên cũng đỡ lo chuyện tai nạn. Nhưng chuyện ngã xuống đường ray thì không phải là không có! Khi say xỉn rồi thì rất khó kiểm soát hành vi nên nhiều người hay nói chuyện to tiếng trong tàu điện là không tránh khỏi.
Còn vỉa hè thì tuyệt đối là chưa thấy bị lấn chiếm bao giờ. Lúc nào cũng có đường dành riêng cho người đi bộ. Các phương tiện giao thông thì luôn ý thức nhường đường ở các ngã tư, đèn đỏ.
6. TÔN TRỌNG TÀI SẢN CÁ NHÂN
Không dám kết luận về vấn đề trộm cấp vì chưa ở lâu, mình chỉ nói về một thú vị là ở đây trái cây ít thấy bị hái trộm. Chính xác là trên đường đi học có rất nhiều nhà trồng hồng, quýt, cam, mơ, đào, v.v... cây mọc chìa ra đường, trái thì nặng trĩu mà ngày qua ngày không thấy bị hái hay vặt cành, chắc có lẽ trái chưa chín hoặc không ngon. Haha
Ngoài ra, khi đi siêu thị hay các cửa hàng mua sắm, cũng không phải gửi hành lý, túi xách, cứ thoải mái mang vào, thoải mái mang ra, chỉ cần lấy hàng nào trả tiền hàng đó là được. Một số nơi chắc có gắn thiết bị phát hiện lấy trộm, như trong các khu thương mại ở Sài Gòn. Riêng các tiệm trái cây hay tạp hóa bày hàng ra ngoài đường cũng ít khi thấy có người trông coi, mình đến lấy rồi vào trong trả tiền thôi. Đúng là ý thức của người dân cao thật!
7. LỐI SỐNG VẬN ĐỘNG ĐƯỢC KHUYẾN KHÍCH
Ở Tokyo, để đi lại, thì phương tiện ưu tiên hàng đầu là tàu điện, với chi phí rẻ hơn xe bus và taxi rất nhiều. Tokyo cũng có một hệ thống tàu điện chằng chịt, có thể đi đến hầu hết các địa điểm trong thành phố. Giữa các điểm đến và ga tàu mọi người có thể chọn cách đi bộ hoặc dùng xe đạp; vì vậy, nếu không có thời gian tập thể dục thì cũng không sao. Quan trọng là hãy tập đi bộ, chạy bộ (2-3km/ngày), đạp xe đạp (vì đường ở đây có nhiều dốc, chứ không bằng phẳng như Sài Gòn) trước khi đến đây học tập và sinh sống để dễ thích nghi với cuộc sống mới.
Điểm trừ của tàu điện là hơi rắc rối đối với người mới tới, một trạm có nhiều công ty, hãng tàu khác nhau, để đến đúng line, đôi khi phải ra khỏi ga chứ không phải chỉ trong một khu vực. Ngoài ra, tuỳ giờ mà tốc độ tàu di chuyển khác nhau và một số ga có thể bị bỏ qua. Vì vậy, tải app để tra cứu đường đi là rất cần thiết.
Điểm cộng là dù tàu hay bus thì cũng cực kỳ đúng giờ. Cái này thể hiện rõ cách làm việc rất nguyên tắc của người Nhật. Ngoại trừ những trường hợp có sự cố về người hay thiên tai.
8. TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG CHIA SẺ - GIAO LƯU VĂN HOÁ
Có thể Tokyo là một thành phố lớn nên hoạt động phong phú và đa dạng hơn. Nhưng dù sao một điểm mà mình có thể học hỏi được là nhiều trường học, khu du lịch văn hoá-lịch sử thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm thu hút du khách, du học sinh tham quan và tìm hiểu về văn hoá, con người Nhật Bản bằng tiếng Anh. Mình ở đây chưa được một tháng mà đã tham dự và đăng ký tham dự nhiều hoạt động miễn phí cho du học sinh như: tham quan bảo tàng quốc gia Tokyo, giao lưu với các em học sinh cấp 2, hoà nhạc, trà đạo, giao lưu du học sinh, tham quan đền Yushima Tenjin.
Một phần du học là tìm hiểu về văn hoá, đất nước phát triển để học hỏi và đúc kết kinh nghiệm cho bản thân. Mình nghĩ rằng bạn nào du học thì cũng nên nhín chút thời gian tìm hiểu để làm phong phú vốn sống cho mình nhe, không nhất thiết phải là miễn phí đâu (mà được miễn phí thì càng tốt).
9. VĂN HOÁ XẾP HÀNG
Cái này thì không phải nói nhiều chắc ai cũng biết rồi ha. Chỉ là chia sẻ cho mọi người nếu có qua đây không bị bỡ ngỡ như mình. Thông thường dù là mua hàng ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hay chờ bus, taxi, tàu điện,... đều có vạch hay dấu hiệu để mình đứng xếp hàng. Khi có người đứng trước mình chỉ việc đứng sau là được. Còn rắc rối của mình là không có ai hết nên không biết đứng ở đâu. Bữa vô mua đồ, không để ý cái chỗ có biểu tượng xếp hàng tính tiền vì nó ở hơi xa, thế là xông tới quầy tính tiền bị người ta góp ý, phải xin lỗi tới tấp. Một lần và nhớ mãi!!!
10. SỰ CHU ĐÁO VÀ TỈ MỈ
Điều này được thể hiện trong các sinh hoạt hàng ngày cũng như trong công việc. Điển hình là việc mình đi học, mỗi ngày đều nhận được rất nhiều email thông báo chung của trường, lẫn những email thông báo, nhắc nhở, hướng dẫn chi tiết cách thực hiện. Ký túc xá cũng có bảng hướng dẫn cách sử dụng các thiết bị điện, các dịch vụ tiện ích, các khu vực, địa điểm cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Trong một túi đựng đũa, thường luôn kèm theo 1 cây tăm. Lối đi cầu thang, thang máy, toilet đều có tay vịn cho người già hay khó khăn khi di chuyển. Ngoài ra, thang máy sẽ có một nhóm nút thấp cho người khó di chuyển có thể với tới, cũng như có các ký tự cho người mù sử dụng. Trên đường cũng như trong ga tàu, luôn có trang bị đường kẻ vạch màu vàng dành cho người khiếm thị dò đường. Đặc biệt, nhiều người đã nghe nói tới vòi nước tự xịt rửa khi đi toilet, kèm theo là bàn ngồi có sưởi, nên không bị cảm giác lạnh teo khi đi vệ sinh ở những nơi lạnh lẽo, ví dụ như Đà Lạt :)
Điểm trừ của cái bàn toilet này là nhiều kiểu dáng, mỗi cái hoạt động hơi khác nhau mà lại toàn tiếng Nhật, nên có lần đi xong mà chả biết phải nắm nút nào. :))))) Cho nên nếu bạn không thấy nút gạt/cần gạt (như hình bên) để xả nước mà chỉ có mấy cái biểu tượng ở góc trái dưới cùng (hình bên) thì 99% là nó tự động, đứng lên là nó sẽ xả nước thôi.
11. TÍNH ĐƠN GIẢN
Mình tham dự một số buổi lễ của trường, như lễ khai giảng lớp tiếng Nhật, lễ khai giảng sau đại học,... tất cả đều được tổ chức chu đáo, mình được ngồi đúng vị trí đã quy định theo sự hướng dẫn, các buổi lễ tiến hành trang trọng và thường không kéo dài trên 1 tiếng. Buổi khám sức khoẻ thì xếp hàng chờ khám, không nghe ai nói tiếng gì, mọi thứ diễn ra nhanh chóng và nhẹ nhàng, mọi người làm việc và thường chỉ trao đổi rất nhỏ. Nghe ai nói lớn hay ồn ào là 90% không phải người Nhật :)
Trang phục của mọi người ở đây, chắc cho phù hợp với thời tiết và văn hoá (người Nhật mình biết không thích thể hiện cá tính và tài năng, tất cả đều rất kín đáo và khiêm nhường), thường ở nhóm tông màu lạnh và thiên về sắc đen, nếu màu nóng cũng vậy, ví dụ như màu đỏ gạch, nâu; thiết kế thường đơn giản, nam đi làm chủ yếu là âu phục, nữ thì váy và áo sơ mi. Mọi người thấy hai thương hiệu quốc dân của người Nhật Muji và Uniloq là sẽ hiểu phong cách tối giản trong ăn mặc của người Nhật. Còn muốn màu mè các kiểu thì đừng quên đến các khu phố ăn chơi dành cho giới trẻ, với đủ các thể loại cosplay đầy màu sắc, hoàn toàn trái ngược với lối sống thường nhật!
12. GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI KẾT HỢP
Ở Tokyo, mọi người sẽ vẫn tìm thấy được những ngôi đền Thần đạo rêu phong, cổ kính bên cạnh những toà cao ốc hiện đại. Cũng có những ngôi đền bên trong thì bày biện cố kính nhưng khuôn viên và lối đi lên thì toàn thang máy, và thiết bị tối tân. Hay trong bữa ăn các món Nhật Bản như sushi, tempura, tonkatsu, miso soup cũng kết hợp với nhiều loại xà lách, nước sốt của phương Tây. Hương vị có sự pha trộn Đông-Tây, nên dễ ăn hơn so với đồ Âu-Mỹ.
Ngoài ra, bên cạnh các phương tiện liên lạc hiện đại, mọi người có thể thấy một điều là thư tay vẫn rất phổ biến ở Tokyo. Nhà riêng hay ký túc xá thì mỗi người đều có hộp thư để nhận thư hàng ngày, không có bị bụi bặm, đống mốc như các chung cư ở Sài Gòn lúc trước mình ở:) Cái này thì tuỳ xã hội, đất nước mà lựa chọn cách thức liên lạc khác nhau, chứ không phải so sánh gì đâu nha cả nhà, chỉ là nếu mình chọn cái nào thì chăm chút cái đó, còn không dùng thì tháo dỡ cho nó sạch sẽ, sáng sủa :).
Trên đây chỉ là một số trải nghiệm cá nhân của tác giả. Mong rằng mọi người có thể biết thêm những điều thú vị ở đất nước này và có thể rút ra được những bài học cho bản thân. Không cần điều gì quá to tác để thay đổi đất nước hay thế giới. Nhưng mình tin rằng, mỗi chúng ta nếu ý thức cải thiện bản thân mỗi ngày từ bạn bè thế giới thì Việt Nam sẽ ngày một tốt đẹp hơn!
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất