Trong rất nhiều khoảnh khắc suy nghĩ, mình tự hỏi: Vì sao bản thân và rất nhiều người khác lại có vô vàn nỗi sợ vô hình như vậy? Chúng xuất hiện từ bao giờ và điều gì đã đưa chúng tới? Từng trải nghiệm có được theo dòng thời gian, và mình chợt nhận ra rằng, chúng đã có mặt từ thời thơ ấu, từ những câu nói "đùa" của mọi người xung quanh.
Ảnh bởi
Claudia Soraya
trên
Unsplash
"Cháu được mẹ nhặt từ bãi rác về chứ có phải đẻ ra đâu." "Chắc chỉ là con gái nuôi của bố mẹ thôi bố mẹ yêu em hơn yêu cháu đúng không?" "Bố mẹ cháu mà có em bé là cháu sẽ ra rìa đấy." "Con gái là lũ vịt giời, sau này kiểu gì cũng bay đi thôi. Chỉ có chim quý là ở lại nên đương nhiên phải yêu chim quý hơn rồi." "Con bé toàn lấy các nét xấu của bố mẹ nó." "Trán dô, mắt ốc nhồi, mồm mái hiên lại gầy như Ô-li-vơ. Trông chẳng được cái nét gì" "Không ăn nhanh là gọi ông ngáo ộp tới bắt đi luôn đấy nhé!" "Không uống thuốc là cho đi bác sĩ chích mông này." "Sau này lấy bạn A nhé, nhà bạn A rộng lắm chứ nhà bạn B nghèo lấy làm gì."
Và còn nhiều nữa...
Có câu nào phía trên mà bạn thấy quen không? Nếu không, thì mình thật lòng cảm ơn cuộc đời đã yêu thương bạn thật nhiều. Còn nếu có, vậy đừng sợ, vì không chỉ một mình bạn trải qua điều đó, vì bạn đã có ít nhất một người đồng hành là mình đây.
Ảnh bởi
Jackson Simmer
trên
Unsplash
Kể từ khi biết nhớ, mình đã thường xuyên tiếp nhận những câu nói đùa kia, thường xuyên tới mức trong kí ức, chúng hiện lên không chỉ bằng âm thanh, mà còn bằng khung cảnh rõ nét cùng ngữ điệu và biểu cảm của mọi người khi đó. Từ những người không quá gần gũi, đến những người vô cùng thân thiết, dường như tất cả đều rất hứng thú và tò mò về phản ứng của mình với từng câu nói ấy, và chúng được lặp đi lặp lại bởi một người, và bởi rất nhiều người. Là một đứa trẻ có cá tính mạnh, lần nào mình cũng phản bác rất mãnh liệt và rõ ràng câu chữ, nhưng hình như điều đó càng làm họ hưng phấn hơn thì phải, khi tần suất "đùa" chỉ tăng mà không giảm. Mình cũng từng nghĩ phản bác như thế đồng nghĩa với việc mình chẳng bị những lời nói đó làm ảnh hưởng gì.
Giờ lớn lên, mình mới hiểu rằng sự thật không phải vậy, rằng mức độ đáp trả của mình ngày đó tỉ lệ thuận với những nỗi sợ đang lớn dần bên trong: Mình đã từng khuyết thiếu cảm giác thuộc về khi sống trong chính gia đình của mình bởi sự nghi ngờ về xuất thân ở những ngày còn non nớt. Mình khắt khe với chính ngoại hình của bản thân, tới nỗi bài xích cả những lời khen thật lòng và coi đó chỉ là xã giao khách sáo. Mình trở nên nhạy cảm với vấn đề phân biệt giới tính, về những điều con gái phải làm và không thể làm. Mình không có cảm giác an toàn và có tính chiếm hữu cá nhân rất cao về những đồ vật và cả những người mà mình cho rằng là của mình.
Khi viết những dòng này, mình đã phải nghỉ giữa chừng liên tục, và điều đó khiến mình hiểu được sự ảnh hưởng của những lời nói đùa ấy đã mạnh mẽ đến nhường nào. Vẫn còn, còn nhiều nỗi sợ và mặt tối nữa, nhưng mình nghĩ, viết đến đây có lẽ là đủ để chứng minh tính nghiêm trọng của những câu "đùa cho vui" này rồi. Ừ thì vui, nhưng chỉ người nói vui thôi, và bởi thế, đó không nên được gọi là "trò đùa", mà là "công kích" và "vô duyên".
Buồn thay, một đứa trẻ chưa bao giờ là đối thủ của những lời công kích ấy. Ở những ngày thơ ấu, đứa trẻ ấy như tờ giấy trắng, và vài nét bút sai lệch đầu tiên đó đủ để in hằn theo nó xuyên suốt quãng đường còn lại của cuộc đời. Nếu may mắn, nó sẽ gặp được những người bạn đồng hành cùng người thầy dẫn dắt nó vượt qua. Còn nếu cuộc đời lỡ may bỏ quên, cùng với những vết thương mới luôn được hình thành mỗi ngày, đứa trẻ ấy biết phải làm sao bây giờ?...
Ảnh bởi
Luis Villasmil
trên
Unsplash
Bởi vậy, mình luôn mong rằng, những trò đùa vô duyên đó sẽ biến mất, sẽ không còn đứa trẻ nào bị đau, và những vết thương sẽ sớm lành.
Yêu thương đứa trẻ bên trong bạn thật nhiều, và mình mong bạn một đời an yên!