Hanahaki là một căn bệnh tương tư, xuất hiện trong các tác phẩm viễn tưởng. Khi bị mắc bệnh, trong phổi người bệnh sẽ sản sinh ra một cây hoa, rễ của nó cắm sâu vào hệ hô hấp của người bệnh. Bệnh quá nặng có thể dẫn đến tử vong.
Nguồn ảnh: Pinterest
Nguồn ảnh: Pinterest

Tại sao lại là những cánh hoa?

Bởi khi mắc phải, người bệnh nảy sinh những suy nghĩ ảo tưởng. Họ tưởng tượng ra những viễn cảnh không hề có thật, như được ở bên cạnh người mình thích, được cùng đi chơi, cùng trò chuyện, được chiều chuộng, thân mật về thể xác, thậm chí chung sống. Đấy là những viễn cảnh vui vẻ và hạnh phúc, chúng đẹp đẽ, đấy sắc hương như những cánh hoa vậy.
Nhưng...
Cánh hoa cũng là thứ vô cùng mong manh và dễ lụi tàn. Viễn cảnh dù đẹp đến mấy thì có lẽ cũng chẳng bao giờ tồn tại. Chúng chỉ là những cánh hoa yếu ớt, mỏng manh được giấu kín trong lồng ngực, bất cứ tác động nhẹ nào từ bên ngoài cũng có thể làm nó vỡ tan. Tác động đấy có thể là một lời nói vô tình từ người ta thích, một nhận thức phũ phàng về thực tại rằng họ chẳng hề có tình cảm với ta, hoặc họ chỉ xem ta là bè bạn đơn thuần. Khi đó, những cánh hoa bị tác động, rời ra khỏi hệ hô hấp, người bệnh sẽ cảm thấy lồng ngực đau quặn và ho ra những cánh hoa. Lúc này bệnh đã bắt đầu trở nặng.
Nếu người bệnh không tìm cách cứu chữa, cây hoa trong ngực sẽ tiếp tục hút cạn dưỡng chất trong cơ thể, những cánh hoa sẽ ngày càng nhiều hơn, gây đau đớn, khó thở, người bệnh ho ra máu, bệnh lâu dài có thể dẫn đến tử vong.

Làm sao để chữa căn bệnh này?

Hanahaki có thể chữa bằng hai cách: Nhổ bỏ hoặc "một phép màu".
Cách thứ nhất: Phẫu thuật để nhổ bỏ cây hoa. Đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ phải chịu một vết thương trong lồng ngực. Vết thương nông hay sâu phụ thuộc vào độ lớn của cây hoa đó. Việc nhổ bỏ khiến cho người bệnh mất khả năng cảm nhận cảm xúc nồng nhiệt trong một thời gian. Họ sẽ không thể mở lòng đón nhận tình cảm mới cho đến khi vết thương lành lại. Vết thương ấy trong thời gian hồi phục vẫn sẽ đau âm ỉ. Khi đã chấp nhận nhổ bỏ, lồng ngực người bệnh không còn bị lấp đầy bởi những cánh hoa nữa, thay vào đó, họ sẽ phải chịu đựng cảm giác trống rỗng. Nhưng cứ kiên nhẫn chờ đợi, chấp nhận vết thương, rồi thời gian sẽ chữa lành tất cả.
Cách thứ hai: Tìm kiếm "Một phép màu". Chờ đợi không phải là ý kiến hay. Thời gian càng lâu sẽ khiến bệnh càng trở nặng, người bệnh sẽ phải chịu những cơn đau với cường độ và tần suất lớn hơn. Trong một số trường hợp người bệnh kịp thời gặp được "phép màu" khi người họ yêu cũng nhận ra và hồi đáp lại tình cảm. Lúc đó cây hoa sẽ tự động biến mất. Nhưng đời mà, "vì mấy khi yêu mà chắc được yêu" (Xuân Diệu), thế nên khi cảm thấy bệnh đã nặng, đừng cố chấp chờ đợi mà nên chọn nói ra. Biết đâu người mình thích sẽ chấp nhận tình cảm đó, hoặc tệ hơn, họ từ chối. Điều tồi tệ nhất lúc này cũng là điều tốt nhất. Bởi khi đó người bệnh nhận thức được giải pháp kịp thời cho mình. Chỉ còn một cách thôi, là chấp nhận nhổ bỏ!
Đôi khi, ở một vài trường hợp, người bệnh vẫn cố chấp không chấp nhận sự thật. Họ vẫn để cây hoa phát triển trong mình, một mình chịu đựng đau đớn. Một số trường hợp cây hoa tự biến mất khi có một người mới đặc biệt hơn, đến và giúp họ xoa dịu tổn thương. Một số ít trường hợp bệnh nhân có khả năng kìm hãm sự phát triển của cây hoa mà không cần nhổ bỏ.
Hanahaki dù ít dù nhiều vẫn để lại nỗi đau đớn lâu dài cho người bệnh. Nhưng ta biết, bản thân ta cũng đâu dễ dàng chấp nhận nhổ bỏ nó đi...