Vài ngày trước, mình có chút không thoải mái trong người, bởi vậy tâm trạng cũng thất thường và nhạy cảm hơn rất nhiều (dù những lúc bình thường mình cũng chẳng kém là bao). Bởi thế nên, mình và mẹ đã có chút tranh cãi chỉ vì một vấn đề rất nhỏ, thậm chí có thể coi là ấu trĩ: một lon Coca.
Ảnh bởi
Leo Rivas
trên
Unsplash
Hôm đó nhà mình có một buổi tiệc sinh nhật. Nếu tính ở thế hệ mình trong đại gia đình, bao gồm cả mình, thì có bảy đứa trẻ, và mình là đứa trẻ duy nhất trên 18. Khi đó, mẹ mình chỉ chuẩn bị sáu lon Coca, và sẽ chẳng câu chuyện nào xảy ra nếu mẹ mình không nói rằng có đủ nước cho trẻ con uống. Mình đã nhạy cảm với câu nói ấy, để rồi mình phản bác lại với mẹ ngay lập tức một cách đầy sự thiếu tinh tế và có chút thừa vô lễ. Vài câu tranh cãi kết thúc bằng sự cáu giận của mẹ và sự uất ức cùng tủi thân của mình. Mẹ mình hiểu lầm rằng mình muốn tranh phần, ích kỉ và không muốn chia sẻ, không xứng danh chị cả. Mình tủi thân vì lí giải rằng hành động của mẹ trong vô thức đã bỏ quên và tự động gạt bỏ quyền lựa chọn của mình. (Đọc tới đây, mình cũng bạn đừng hiểu lầm rằng mình không muốn thiếu phần bản thân. Vì thứ khiến mình khó chịu là cách mẹ mình nói thể hiện ý nghĩ của mẹ cho rằng mình đương nhiên phải nhường các em bởi mình là chị lớn, thay vì mình tự nguyện quyết định làm điều đó vì mình thực sự muốn chia sẻ). Cuộc trò chuyện riêng lúc sau cũng chẳng tốt đẹp lắm khi mọi diễn biến là những lời phê bình của mẹ và sự im lặng từ chối giao tiếp của mình.
Ảnh bởi
Elly Endeavours
trên
Unsplash
Sau một quãng tự cảm thấy tủi thân và phát tiết cảm xúc một mình, lắng đọng lại, mình đã tự hỏi, lí do cho hành động vô thức ấy của mẹ là gì? Là vì nghĩ tới chữ "trẻ con" sẽ tự động bỏ quên cô con gái lớn, hay thực ra điều đó chỉ đang thể hiện những vết thương của chính mẹ? Mình nhớ lại những khoảnh khắc mẹ nhường đồ tươi ngon cho mình và em trai, còn bản thân ngồi xử lí chỗ thức ăn còn thừa từ bữa trước. Nhớ lại những khi mẹ hi sinh món đồ mẹ thích chỉ vì mình cũng thích nó, dù vốn dĩ mẹ mua để bản thân dùng. Mẹ cho đi và nhường nhịn với tâm thái vô tư và sẵn lòng, nhưng mình nghĩ, điều đó chẳng thể hình thành ngày một ngày hai. Thời bé khó khăn vất vả buộc mẹ khi ấy phải trưởng thành sớm hơn mình bây giờ rất nhiều, và những nhu cầu "trẻ con" của mẹ bị thời gian mài mòn không thương tiếc. Làm người lớn mấy chục năm cùng tuổi thơ chưa từng đủ đầy, hình như mẹ đã quên làm thể nào để là một đứa trẻ rồi?... Bởi thế, nên khi con gái qua ngưỡng 18 tuổi, mẹ cũng vô thức quên mất những mong muốn "ấu trĩ" của con?...
Ảnh bởi
Kirill Sh
trên
Unsplash
Nghĩ tới đây, mọi thứ trong đầu mình thoáng dần hơn, không còn mịt mù chướng khí. Có thể tất cả những chiêm nghiệm kia đều chỉ do mình đang nhạy cảm và kịch tính hóa mọi thứ lên, nhưng điều đó dẫn tới mình một suy nghĩ: thật khó khăn cho những người trưởng thành muốn sống như một đứa trẻ khi trách nhiệm và các chuẩn mực xã hội luôn hiện diện sát bên, dần xóa sạch dấu vết của những ngây ngô và ước vọng đơn thuần. Mọi hành động lúc này đều xuất phát từ chữ "phải" trước, và mục đích "muốn gì đó cho mình" thường xuyên bị xếp vào phân loại "chỉ biết nghĩ cho bản thân". Khá đau lòng và bi thương!
Đến những dòng cuối này, mình chỉ hi vọng rằng với sự phát triển của xã hội, những gông cùm trên vai người lớn sẽ dần được cắt bỏ. Để những đứa trẻ ngày xưa được sống lại với những mong muốn thuần khiết và thơ ngây. Để người lớn được quyền làm trẻ con.
Hi vọng bạn luôn có đứa trẻ bên trong đồng hành và sống một đời an yên!