Một con cừu đen giữa một bầy cừu trắng là hình ảnh mang lại hiệu ứng thị giác khá mạnh mẽ bởi sự đối lập sắc nét giữa mênh mông là trắng với một chấm đen (mà có lẽ có phần vô duyên) lạc vào giữa bầy. Điều đó dẫn tới việc cụm từ "the black sheep" thường được dùng để ám chỉ những cá thể khác lạ và lạc lõng trong một cộng đồng nào đó sở hữu nhiều đặc điểm chung về quan điểm, lối sống, và cách tư duy. Phép ẩn dụ này cũng làm mình liên tưởng tới câu chuyện vịt con xấu xí, và mình tự hỏi: vậy nếu là một chú cừu trắng lạc giữa bầy cừu đen thì sao? (Mình ước hình ảnh này được hiện hữu trong thực tế, cơ mà tìm không thấy \ㅜㅅㅜ/ )
Ảnh bởi
Andreas Weiland
trên
Unsplash
Nói một chút về câu chuyện vịt con xấu xí đi. Thế giới trong những năm tháng đầu đời của bé thiên nga nhỏ luôn tràn ngập sự hoài nghi về bản thân và những lời miệt thị từ cộng đồng, chỉ bởi chú thật khác so với đám đông. Thế nhưng, khi được trở về với đàn thiên nga, "vịt con" năm ấy lại được đón chào bằng rất nhiều tình yêu thương và sự đồng hành. Vậy đảo ngược lại một chút, nếu tình tiết câu chuyện là một chú vịt con lạc vào đàn thiên nga, liệu có sự khác biệt nào trong phản ứng của hai cộng đồng kia không? Mình nghĩ những gì vịt con sẽ trải qua cũng chẳng khác là bao so với thiên nga nhỏ đâu.
Vậy, đâu là đúng, đâu là sai, đâu là bình thường, và đâu mới là dị biệt?
Thời gian trước, mình có đọc cuốn sách "Thiên tài bên trái, Kẻ điên bên phải" - một cuốn ghi chép các buổi nói chuyện giữa tác giả và các bệnh nhân được chẩn đoán mắc các chứng bệnh tâm thần. Chỉ với vài chương đầu tiên, mình cảm thấy bản thân như bị tẩy não vậy =.=' bởi những điều mình từng nghĩ là đúng, dưới góc nhìn hoàn toàn độc lạ, dường như không còn đúng như thế nữa. Từng câu chuyện trong đó dần khiến mình thầm nghĩ: Những người đó được cho là "kẻ điên" vì họ khác biệt với số đông "người bình thường". Vậy nếu một "người bình thường" sống trong thế giới của "những kẻ điên" thì sao? Liệu khi ấy, ai là bình thường và ai mới là điên? Khi một người có suy nghĩ vượt xa hiện thực và hoàn toàn dị biệt, người đó được kết luận là bất bình thường. Vậy một người luôn ở hiện thực trưởng thành trong môi trường với tất cả những người mang tần số suy nghĩ ở thì tương lai, trong trường hợp này, "người bình thường" có còn là "bình thường" không?
Ảnh bởi
Randy Fath
trên
Unsplash
Câu hỏi này dẫn dòng suy nghĩ của mình tới một khái niệm về tâm lí con người, gọi là: hiệu ứng đám đông. Một lời nói dối nhưng số người tin vào nó đủ nhiều, vậy thì giả cũng thành thật. Một việc làm có thể là sai nhưng số người làm việc đó là đa số, vậy thì việc lên án hành động đó cũng không còn quá gay gắt nữa.
Mình từng rất cứng nhắc và có chút ám ảnh trong việc phân định rạch ròi mọi sự vật, sự việc vào hệ thống phân loại nhị phân: đúng và sai, trắng và đen, tốt và xấu,... Thế nhưng dần dần và tới thời điểm hiện tại, mình nhận ra rằng thế giới là muôn màu, và mọi thứ là đa diện. Chẳng có thước đo nào là tuyệt đối, và cũng không có công thức chung nào áp dụng được cho tất cả toàn nhân loại. Bởi thế, không có đúng - sai, không có thiện - ác, cũng chẳng phải trắng - đen. Thang đo duy nhất chỉ có phù hợp - không phù hợp mà thôi. (Thế nhưng cũng để xem, trong tương lai, liệu thang đo này với mình có còn là duy nhất hay không nha ^^ )
Vậy nên, mặc kệ bạn là cừu đen hay cừu trắng, thậm chí là xanh đỏ tím vàng gì cũng được, bạn khác biệt và điều đó không đúng cũng chẳng sai. Thế giới rộng lớn như vậy, chắc chắn sẽ có những điều sinh ra là dành cho bạn và chúng sẽ xuất hiện trong cuộc đời bạn trong từng giai đoạn dưới nhiều hình thức khác nhau. Bởi vì vậy, hãy tận hưởng sự cô độc một cách lạc quan nhất và chờ đợi những âm hưởng hòa thanh mà thế giới mang đến cho bạn nhé.
Hi vọng bạn đọc một đời an yên!