Vậy là cũng đã gần tròn 1 năm kể từ ngày mình chính thức trở thành một cô sinh viên năm nhất... lần thứ 2 :))
Có lẽ vì đã tích góp cho bản thân một số kinh nghiệm nên mình không gặp quá nhiều khó khăn trong việc làm quen tại ngôi trường mới. Tuy nhiên, vẫn có những khác biệt nhất định mà mình cần phải học cách thích nghi, và thông qua đó, mình cũng có rút ra được một số điều hữu ích, mong rằng nó có thể cần thiết cho những ai sắp sửa trở thành một sinh viên.
<i>Photo by Siora Photography on Unsplash</i>
Photo by Siora Photography on Unsplash

Thứ nhất: Một mình thật ra chẳng làm sao cả

Mình tin rằng, hầu như ai cũng từng một lần nghe qua những lời ca ngợi về tầm quan trọng của việc xây dựng những mối quan hệ khi vào Đại học. Đúng là không thể phủ nhận giá trị của việc networking, việc kết nối với thầy cô, anh chị khóa trên hay các bạn bè cùng khóa, mỗi một gắn kết đều có thể giúp bạn trong một khía cạnh nào đó, có thể là trong học tập hay thậm chí là công việc sau này. Việc thiết lập mối quan hệ thế nào cho "sâu" phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn thể hiện mình là ai, và đầu tư thế nào cho chúng.
Tuy nhiên, nên hiểu rằng đấy chỉ là một yếu tố phụ mà thôi, nó không phải là điều tiên quyết sẽ giúp bạn đạt thành tích tốt hay có thể dẫn đến thành công. Điều cốt yếu nhất vẫn là việc bạn rèn luyện và nâng cao bản thân như thế nào. Vậy nên, thật ra, một mình đôi khi cũng chẳng có vấn đề gì cả.
Bản thân mình tại ngôi trường trước từng cố gắng ép bản thân phải tham gia nhiều CLB, Đội, nhóm ở trường. Không thể phủ nhận rằng chúng đều mang đến cho mình những lợi ích riêng, tuy nhiên, có những thứ mình thậm chí không hề mong muốn nhưng cũng đã đẩy bản thân mình làm, vì mình sợ nếu từ chối sẽ gây mất lòng người khác, mình sợ họ sẽ ghét mình, thế nhưng, thực chất những lần như thế cũng không hề giúp thắt chặt mối quan hệ của mình với họ thêm một chút nào cả.
Mình từng biết có những bạn khác cũng rơi vào trường hợp giống mình, và họ đã lựa chọn rời bỏ những tổ chức đó. Điều này không những khiến những mối quan hệ vốn đã thiết lập trở nên rạn nứt, mà còn để lại trong lòng người đi và người ở lại những mảng ký ức không vui. Vậy nên trước khi tham gia một nơi nào đó, đừng chỉ chăm chăm vào cái mục tiêu mở rộng mối quan hệ mà còn phải cân nhắc đến những yếu tố khác nữa, từ sự yêu thích, mức độ phù hợp của bản thân hay cho đến tính trách nhiệm, và sự cam kết mà bản thân bạn có thể dành ra.
<i>Photo by Simon Maage on Unsplash</i>
Photo by Simon Maage on Unsplash
Mình cũng nhận ra rằng không phải mọi mối quan hệ đều có thể trở thành bạn bè, ở đây mình nói đến tình bạn dựa trên sự tôn trọng, tin tưởng và gắn bó với nhau một cách không vụ lợi. Dẫu trước kia mình có may mắn quen biết với nhiều anh chị, bạn bè, nhưng không phải mối quan hệ nào cũng có thể kéo dài với nhau lâu bền. Không phải vì phát sinh những cãi vã mà cốt yếu để duy trì một tình bạn thật sự bền chặt ở giai đoạn này cần nhiều sự tin tưởng, tôn trọng và sự hòa hợp tính cách giữa 2 bên rất nhiều. Nó không phải là thứ có thể được xây dựng thông qua chỉ vài buổi đi chơi chung, hay vài cuộc nói chuyện ngắn ngủi.
Mình thậm chí từng chứng kiến việc kết bạn với nhau chỉ vì để không bị bỏ rơi khi lập nhóm học tập, và rồi khi thời gian trôi đi, "tình bạn" ấy không thể kéo dài. Điều này không có nghĩa đa phần mọi người lên Đại học đều toan tính khi chơi với ai đó, nhưng có lẽ, khoảng thời gian 12 năm trước đó tại ghế nhà trường đã khiến chúng ta có thể từng trải qua hoặc chứng kiến những rạn nứt trong tình bạn, để rồi không thể chắc chắn rằng tất cả sẽ toàn tâm thật lòng với nhau. Chúng ta sẽ có xu hướng kết nối với những ai khiến ta tin tưởng và được thể hiện chính mình.
Mình đã quen được với vài người bạn tại ngôi trường trước, và đến bây giờ, dẫu không còn học cùng nhau, thế nhưng tuy mình vẫn còn giữ liên lạc, vẫn quan tâm và ủng hộ nhau rất nhiều. Vì lẽ rằng tụi mình chơi với nhau vì chính con người của nhau, vì chính tính cách thật của tụi mình chứ không phải vì một mục đích nào khác cả.
<i>Photo by Artem Kovalev on Unsplash </i>
Photo by Artem Kovalev on Unsplash
Giờ đây, khi bước sang ngôi trường mới, mình đã thôi việc phải ép bản thân phải tham gia các tổ chức khác nhau chỉ vì để kết thân, hay làm hài lòng người khác. Mình sẽ lựa chọn những thứ phù hợp với chính mình và thực hiện những điều mình thật sự muốn làm. Mình cũng không cố gồng mình để trở nên tử tế nhằm lấy lòng những người xung quanh nữa. Vì mình biết rằng những ai nếu thật sự hiểu mình và muốn gắn bó với mình thì mối quan hệ ấy sẽ được kết nối, còn những mối quan hệ vốn đã không hợp với nhau dẫu có cưỡng ép cũng sẽ chẳng thể kéo dài được lâu.
Mình nói điều này không cổ súy cho việc khi lên Đại học thì cứ nên một mình và né tránh mọi người mãi. Suy cho cùng lựa chọn này vẫn là của bạn, bạn sẽ là người tự tìm ra cho mình câu trả lời phù hợp với chính tính cách và mong muốn của mình. Dù ở đâu, với ai đi chăng nữa, hãy để bản thân được thoải mái, được cảm thấy tôn trọng và được là chính mình. Khi đó, những người xung quanh cũng sẽ dần yêu mến bạn vì chính con người bạn mà thôi.
Cho dù bạn lựa chọn một mình hay mở rộng mối quan hệ với người khác thì nên nhớ cũng cần phải học cách để nâng cao những kỹ năng tự giải quyết vấn đề, nên giữ tinh thần cởi mở để chủ động học hỏi từ những người xung quanh, vì sẽ có lúc bạn cần đến sự trợ giúp của họ. Khi đó, không có gì sai hay yếu đuối khi nhờ sự giúp đỡ cả, tạm bỏ cái tôi và tập trung quan tâm đến lợi ích của bản thân mới là điều cần thiết hơn.

Thứ hai: Đừng biến việc học chỉ đơn thuần là việc học

<i>Photo by Philippe Bout on Unsplash</i>
Photo by Philippe Bout on Unsplash
Tại ngôi trường Đại học trước, mình chỉ tập trung đến việc nghe giảng tại lớp, thu nhận kiến thức và rồi học bài để làm kiểm tra thật tốt. Mình nhận ra nếu cứ học như vậy không những gây áp lực cho bản thân mà chính mình cũng chẳng có thể nhớ hay tận dụng những kiến thức đó lâu dài.
Vậy nên, khi đến với môi trường mới, xác định được những mục tiêu mới, mình không buộc bản thân chỉ đến lớp để học nhằm đạt điểm cao nữa. Mình cố gắng xây dựng một tâm thế cởi mở hơn khi đón nhận những kiến thức từ thầy cô và rồi cố biến nó trở thành một thứ hữu ích trong cuộc sống của mình. Khi đó mình nhận ra chỉ cần thay đổi góc nhìn một chút, và thử cố gắng đưa những gì gắn liền với cuộc sống mình đến gần hơn với những lời giảng tựa như xa vời của thầy cô, thì khi đó ta sẽ thấy mấy lời giảng tưởng như lạc đề, những câu chuyện rất đời thường mà thầy cô mang lại có thể trở nên hữu ích cho chính chúng ta rất nhiều. Điều này không những giúp ta nhớ kiến thức lâu hơn, mà còn có thể học tập trong một tâm thế chủ động và tích cực hơn nữa.
Tuy nói thế nhưng mình không phải là một sinh viên chăm chỉ đến lớp hằng ngày. Chắc có lẽ vì kinh nghiệm trước đó, nên mình biết có những lúc có thể cúp và những lúc nào thì cần đi, nhưng phần lớn việc mình cúp học cũng chỉ vì mình tin rằng dẫu không đến lớp nghe giảng thì mình vẫn có thể tự tìm được những nguồn tài liệu để hiểu được phần kiến thức mà mình vắng hôm đó. Mình cho rằng nếu bản thân có thể đảm bảo việc không đến lớp nhưng vẫn hiểu bài thì mình cho phép bản thân được cúp học. Mình không nghĩ việc này là đúng hay sai, chỉ là nó phù hợp với bản thân mình và mình có thể tận dụng thời gian đó để làm nhiều việc khác. Suy cho cùng, tự chủ động tìm ra một phương pháp học hiệu quả với mỗi người là điều nên làm mà nhỉ? Đó có lẽ là sự "tự do" mà Đại học có thể mang lại, nó khác với sự kỷ luật nghiêm ngặt của môi trường Cấp 3. Tuy nhiên, mình không ủng hộ việc này đâu, vì cúp học được một lần thì sẽ có nhiều lần tiếp theo nữa :))
<i>Photo by Eliabe Costa on Unsplash </i>
Photo by Eliabe Costa on Unsplash
Thời gian 4 năm ở Đại học rất ngắn nhưng cũng dài vô cùng. Mình nói điều này, vì lẽ ra, nếu tiếp tục hành trình tại ngôi trường cũ, giờ đây mình đã có thể tốt nghiệp và bắt đầu một công việc. Nghĩ đến đó, mình mới thấy 4 năm qua mới thật nhanh làm sao, mình vẫn còn nhiều hối tiếc vì vẫn chưa làm được những việc khác.
Tuy nhiên, giờ đây, khi bắt đầu một hành trình 4 năm mới, khi hiểu được bản thân mong muốn sẽ làm những gì, muốn trở thành ai, mình mới nhận thấy thời gian dành cho mình vẫn còn, và nó chỉ thật sự còn nhiều khi mình biết sử dụng nó một cách hiệu quả.
Khác với cấp 3, khi lên Đại học, bạn có được nhiều thời gian và không gian tự do hơn rất nhiều. Vậy nên nếu chỉ tập trung cho việc học tại trường và rồi lấy một tấm bằng giỏi thì điều này có hơi chút lãng phí thời gian. Việc bạn là ai, bạn trở thành người như thế nào sau những năm tháng Đại học không chỉ phụ thuộc vào khung thời gian bạn ngồi tại giảng đường mà còn dựa vào rất nhiều cách bạn sử dụng những khoảng thời gian "rảnh" còn lại như thế nào. Sự tự do cho phép bản được thoải mái làm những điều mình mong muốn, nhưng nó cũng có thể trở thành một cái bẫy nguy hiểm khiến bạn không muốn làm gì cả.
Vậy nên, trước khi bắt đầu hành trình sắp tới, hãy tự đặt ra cho bản thân những mục tiêu bạn muốn thực hiện, hãy vẽ nên cho chính mình bức tranh về việc bạn muốn trở thành người như thế nào sau này, có như thế bạn mới thật sự biết mình phải làm gì, có như thế bạn mới biết cách kiểm soát chính mình.
<i>Photo by Artem Malstev on Unsplash</i>
Photo by Artem Malstev on Unsplash

Kết

Mình hiểu rằng chặng đường trên sẽ không hề dễ dàng chút nào. Sẽ có lúc bạn thấy mệt mỏi, lạc lối và rồi bạn muốn từ bỏ tất cả. Việc này dường như sẽ khó tránh khỏi, nó là một phần trong hành trình phát triển bản thân của chính bạn. Chỉ khi đối diện với những thử thách, bạn mới có thể hiểu thêm về bản thân, bạn mới thấy rõ được những góc cạnh khác nhau trong chính con người mình.
Dẫu bạn là người kiên trì đi hết quãng thời gian Đại học, hay mệt mỏi bỏ cuộc giữa chừng, hoặc thậm chí ngay từ đầu bạn chẳng thèm lựa chọn việc học Đại học. Thế nhưng cho dù bạn lựa chọn thế nào, những quyết định ấy vẫn sẽ dẫn bạn đến những lối đi riêng, quan trọng là bạn có đủ bản lĩnh để bước tiếp trên con đường mà mình đã chọn hay không. Đừng so sánh bản thân với người khác, bạn không chậm hay cũng không nhanh hơn ai cả, mỗi người đều có một hành trình riêng, bạn chỉ cần học cách bước đi thật chắc trên lối đi của chính mình là được.
Mong rằng những chia sẻ trên sẽ hữu ích với bạn nhé. Cảm ơn đã đọc ạ ^^.