Trên một số trang mạng xuất hiện tiêu đề "Nữ sinh Ngoại thương học song bằng, 7.0 IELTS, thạo 4 ngoại ngữ vẫn sợ thất nghiệp?"  làm mình phải click vào xem ngay, rồi muốn bình luận quá nhưng nội dung nghĩ trong đầu quá dài cho một comment, thành ra lại ngồi gõ ở đây =)))) 

Nội dung chính của bài báo

"Như mới đây, câu chuyện của 1 nữ sinh Ngoại thương đã gây nên tranh luận. Cô bạn đang là sinh viên năm cuối, có thành tích học khá khủng: Học song bằng, 7.0 IELTS và có khả năng giao tiếp đến 4 ngôn ngữ (Tiếng Anh, Hàn, Trung, Nhật).
Song có một điểm yếu duy nhất là không có kinh nghiệm làm thêm. Suốt 4 năm học vì quá mải mê học nên 9x đã không dành nhiều thời gian đi làm thêm bên ngoài. Và với kinh nghiệm của mình, nữ sinh rất băn khoăn về việc có cạnh tranh được trong công việc hay không. Ngoài ra nữ sinh cũng có một sự lựa chọn khác là nghe theo sự sắp xếp về công việc của gia đình."
(Theo Vân Trang, Pháp Luật và Bạn đọc)
Ảnh: The Federalist Debate

(Full nội dung câu chuyện của bạn nữ mình sẽ paste ở cuối luôn nhé)
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------◆ Đầu tiên thì nói về bài báo trước, trong bài ghi rõ là "... 1 kỳ nữa sẽ ra trường với 2 bằng (một bằng chính bên Ngoại giao, một bằng 2 bên Ngoại thương)"
Tuy nhiênnnnn title cứ phải "nữ sinh Ngoại thương" mới chịu cơ :)) Thôi thì 1 cựu FTU-er như mình sẽ cứ để đây và không nói gì thêm.

◆ Nào, quay lại vấn đề chínhhhh
Câu hỏi của bạn gái là "có đủ sức cạnh tranh với bạn bè đồng trang lứa không". Cái này còn phụ thuộc vào từng vào vị trí cụ thể bạn đang nhắm tới. Tùy vào công việc bạn muốn làm có phù hợp với profile của bạn không, rồi quan điểm tìm việc của bạn có phù hợp với thị trường lao động không, v.v thì mới đánh giá được là bạn có thể bị "thất nghiệp" do không cạnh tranh được với các ứng viên khác hay không mới có thể đánh giá. Thế nhưng, mình cũng muốn đưa ra cái nhìn của mình dựa trên những thông tin chủ thớt cung cấp.

Xem xét qua một số yếu tố về nhân vật

Sợ thất nghiệp

Chắc hẳn những con người vẫn phải phụ thuộc vào đồng lương làm thuê thì không ai là không sợ thất nghiệp. Nhưng thất nghiệp cũng có dăm bảy loại thất nghiệp, như bạn này mà thất nghiệp thì mình tin là thất nghiệp tự nguyện thôi. Mà thất nghiệp tự nguyện thì tùy trường hợp có thể coi là "lùi 1 bước để tiến 3 bước", nhưng cũng có trường hợp thì mình nghĩ là do ảo tưởng sức mạnh bản thân. 
Lùi 1 bước để tiến 3 bước thì là khi người ta hiểu rõ về bản thân (về điểm mạnh yếu của mình, về con đường sự nghiệp mình mong muốn) cũng như hiểu về thị trường lao động và cảm thấy chưa phù hợp để tham gia vào thị trường ngay tại thời điểm đó. Họ có thể phán đoán rằng những công việc mình có khả năng làm lại không đáp ứng được được nhu cầu của họ (về lương thưởng, chế độ đãi ngộ, lộ trình thăng tiến...) một cách có cơ sở (dựa trên những hiểu biết về bản thân và thị trường lao động) hoặc là muốn dành thời gian tự trau dồi để nắm được cơ hội tốt hơn mà hiện sức mình chưa với tới nên đã lựa chọn tạm thời thất nghiệp. 
Còn ảo tưởng sức mạnh ấy mà, là đánh giá quá cao mình trên thị trường lao động nên từ chối những công việc mà họ nghĩ không xứng với mình. Nguyên nhân thì do biết mình biết ta. Bạn chủ thớt còn biết trăn trở về khả năng của bản thân nên mình khá tin bạn ý không rơi vào thất nghiệp tự nguyện dạng ảo tưởng.

Có khả năng giao tiếp đến 4 ngoại ngữ

Cần khẳng định bạn là một trong những người có khiếu ngoại ngữ, vì ở Việt Nam hầu hết mọi người chỉ dừng lại ở ngoại ngữ thứ nhất hoặc thứ hai. Học ngoại ngữ cũng là một cách tốt để rèn luyện não bộ và mở ra cơ hội nghề nghiệp cho mình. Thế nhưng trong môi trường công việc ấy mà, nói thật là chả mấy công ty yêu cầu lắm ngoại ngữ thế. Trực tổng đài chả hạn thì nó cũng có line chuyên biệt cho từng thứ tiếng. 
Ảnh: University of Exeter
Nhiều người nói là bạn có thể đi biên phiên dịch, nhưng mà mấy ngoại ngữ của bạn này thì toàn ở tầm trung thôi, biên phiên dịch sợ bị đuối. Các ngoại ngữ khác thì không rõ, nhưng theo hiểu biết của mình nếu phiên dịch Anh hay Nhật thì IELTS 7.0 với N3 có khi khó qua được vòng CV. Nếu bạn muốn đi theo hướng này thì thay vì tập trung biết nhiều ngoại ngữ, bạn cần đi sâu tìm hiểu về 1 đến 2 trong số đấy thôi (cả về mặt ngôn ngữ và về văn hóa của các quốc gia sử dụng ngôn ngữ đó) để được coi là mức độ thành thạo, đồng thời trau dồi cả ngôn ngữ mẹ đẻ mới mong có chỗ đứng trên thị trường.
Nếu các công việc không đòi hỏi nhiều về ngoại ngữ, thì trình độ ngoại ngữ của bạn có thể đáp ứng đa số các công việc, những cái tiếp theo các doanh nghiệp nhìn vào là thái độ, kỹ năng và chuyên môn.

Học song bằng

Đây thể hiện sự nỗ lực không thể phủ nhận của bạn, vì học song bằng mà vẫn ra trường chỉ sau các bạn cùng tuổi nửa năm (nếu mình tính chính xác). Nếu bạn thực sự vận dụng được kiến thức trên trường lớp vào công việc thì tốt quá rồi, nhưng cần phải nhớ là kiểu gì kiến thức cũng rơi rụng chỗ nọ chỗ kia và đặc biệt khoảng cách giữa những gì học ở trường và thực tế đi làm nó rất lớn. Cầm 2 bằng ra không thể nói là bạn làm việc ngay được, nên đây vẫn chỉ là điều kiện cần cho quá trình xin việc thôi. Đấy là chưa kể nếu bạn muốn xin làm trái ngành thì bằng đại học của bạn càng ít có giá trị hơn. Bạn cần phải nhớ kỹ mấy điều này nhất là khi trong tay mình không có gì ngoài bằng cấp, để giữ một thái độ cầu thị trong quá suốt trình tìm việc và làm việc. 
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cái trường đại học dạy bạn không phải chỉ có kiến thức, mà sâu hơn, đào tạo bạn về tư duy. Theo học tại các đại học hàng đầu cũng phần nào thể hiện được bạn có tư duy tốt, nên bạn càng cần phải khẳng định lại điều này cho nhà tuyển dụng thấy trong quá trình ứng tuyển.

Không đi làm thêm, tham gia các hoạt động ngoại khóa

Cái này thì thật sự là một điểm quá bất lợi cho bạn. Nhất là học Ngoại thương, Ngoại giao ra mà CV không có hoạt động gì ngoài học tập thì chắc chắn nhà tuyển dụng họ sẽ đặt dấu hỏi lớn. Vì môi trường của mấy trường này quá năng động, nó buộc mình phải tham gia không cái nọ thì cái kia. Hơn nữa, kể cả không ở trong những môi trường nổi tiếng năng động như thế thì dân 9x chắc ai cũng được nghe vài lần về tầm quan trọng của ngoại khóa khi đi xin việc chứ nhỉ. Cái này xuất hiện cứ nhan nhản trên báo đài rồi mà. Thực tập hay làm thêm thì cũng tương tự, nhiều bạn đi thực tập đủ mọi nơi nhưng không liên hệ được quá trình thực tập đó với công việc mình định ứng tuyển thì cũng chả ăn ai, nữa là chưa hề đi làm ở đâu. 
Khi bạn chỉ có bằng cấp, như mình nói ở trên, nhà tuyển dụng sẽ xem xét nhiều đến kỹ năng của bạn nữa, mà kỹ năng thì đánh giá được phần nào thông qua các hoạt động và công việc làm thêm mà bạn tham gia. Vậy nên nếu bạn vẫn có ý định tự do ứng tuyển các công việc khác mà không theo sự sắp đặt của gia đình, thì điều bạn có thể làm trong quãng thời gian còn lại trên ghế nhà trường, hoặc thời gian ngay sau khi ra trường là thử tham gia hoạt động hoặc công việc nào đó. Đây cũng là một bước đệm để bạn dần đưa mình vào môi trường làm việc chính thức, giúp bạn không bị quá bỡ ngỡ khi bắt đầu đi làm.

Đã có nơi làm do gia đình giới thiệu

Cái này rất đáng chúc mừng này, vì bạn luôn có 1 đường lui sẵn rồi. Hơn nữa như bạn nói, gia đình bạn không ép buộc bạn theo ý gia đình mà để bạn tự do lựa chọn, miễn là bạn cho họ thấy được kết quả, đây cũng là một điều đáng mừng tiếp theo nữa. Nên bây giờ câu chuyện quay về việc chính bạn tự nhìn thấu bản thân xem mình muốn gì, cần gì và có thể làm gì thôi. Khi xác định được những điều này, thì không chỉ giúp thuyết phục gia đình về lựa chọn của bạn, mà cũng giúp bạn vững tin hơn vào quyết định theo đuổi sự tự do của chính mình.

Tổng kết

Tóm lại, mình đánh giá bạn nữ trong bài là một người có khả năng tiếp thu nhanh, tư duy tốt và có thái độ cầu thị tương đối nên bạn hiếm có thể nào rơi vào cảnh thất nghiệp không tự nguyện được đâu. Để bản thân không tự nguyện thất nghiệp thì việc tiếp theo bạn cần làm là xác định về ngành nghề, vị trí mong muốn của mình, từ đó nhận ra mình cần bổ sung kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm gì cho công việc đó, để nâng cao năng lực của mình so với các ứng viên khác trong mắt nhà tuyển dụng. Một số lời khuyên nữa cho bạn là tập trung đi sâu hơn về 1-2 ngoại ngữ mà bạn đã biết hoặc tham gia vào các hoạt động/công việc để có thêm các kỹ năng, và đặc biệt là giữ một thái độ cầu tiến, ham học hỏi, khiêm tốn với tâm thế là một người mới ra trường nhé.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nguyên văn dòng chia sẻ của nữ sinh như sau:
"Mình sinh năm 1999, thi tầm 1 kỳ nữa sẽ ra trường với 2 bằng (một bằng chính bên Ngoại giao, một bằng 2 bên Ngoại thương) và nếu may mắn đúng theo mình tính toán thì mình sẽ tốt nghiệp 2 bằng giỏi; IELTS sẽ là 7.0 (bằng cũ của mình là 6.5, nếu thi lại sẽ đặt mục tiêu ít nhất 7.0), Hàn thì mình đã có TOPIK 3, Trung HSK4 và Nhật thì là N3.
Nhưng vấn đề của mình là từ năm nhất đến bây giờ mình không đi làm thêm ở đâu cả, kể cả gia sư hay part-time. Không phải mình lười hay gì đâu, mà do không có nhiều thời gian rảnh. Trong khi theo mình biết, hầu hết các bạn đều có kinh nghiệm và va chạm rồi nên sẽ dễ dàng có được việc làm sau khi tốt nghiệp. Trong khi mình là số 0 tròn trĩnh nên sẽ không nhận được sự đánh giá cao của nhà tuyển dụng.
Phụ huynh của mình cũng gọi là có định hướng cho mình rồi, mình thấy bản thân không phải quá dốt để khiến phụ huynh phải muối mặt khi cho mình vào đó làm. Mình cũng cảm thấy định hướng này phù hợp với bản thân. Tuy nhiên mình hay đọc qua confessions, rồi review của mọi người về quá trình họ kiếm việc, phỏng vấn. Mình thấy vô cùng tuyệt vời, và nếu chỉ đi theo những thứ có sẵn thì có thể an toàn đấy, nhưng mình sẽ không bao giờ có được cảm giác của các bạn ấy.
Các bạn có thể bảo mình cứ thử đi. Nếu thấy không được thì quay về theo ý của gia đình. Nhưng nhà mình không có cái văn hóa như thế. Phụ huynh không bao giờ ép mình, để mình chọn tự do, nhưng phải cho họ cái kết quả, đích đến của sự lựa chọn đó. Nếu làm trong nhà nước thì trong mắt mọi người sẽ là ổn định, nhưng mình thấy sẽ gò bó trải nghiệm lẫn năng lực của mình. Thế nên mình chọn tự do, dù biết với cái profile trắng trơn mà so với các bạn cùng tuổi năng động, có kinh nghiệm là không có cửa.
Như vậy, mình muốn xin lời khuyên từ các bạn: Chỉ với tấm bằng và mấy chứng chỉ ngoại ngữ kia thì mình có đủ sức để cạnh tranh với các bạn đồng trang lứa hay không?"