2 - SỰ TỰ CHỦ
Tại sao mình lại chưa từng nghĩ về điều này - về sự tự chủ? Tại sao - một điều hiển nhiên như vậy - mình lại chưa từng nghĩ? - ...
Tại sao mình lại chưa từng nghĩ về điều này - về sự tự chủ? Tại sao - một điều hiển nhiên như vậy - mình lại chưa từng nghĩ?
-
Tóm tắt: Nguồn cảm hứng viết về sự tự chủ đến từ nhiều trải nghiệm gộp lại, nó là một định nghĩa không phức tạp nhưng để hiểu cảm giác "tự chủ" thì mơ hồ. Cuối cùng thì tôi cũng viết được về nó sau rất nhiều sự khó chịu khi không biết mình muốn nói gì. "Tự chủ" là "tại bản thân" - bất kỳ thứ gì, dù nhỏ nhất đều phải do bản thân quyết - làm - chịu trách nhiệm. Đôi khi, ta không tránh được việc mất tự chủ và hành động theo những ảnh hưởng bởi tác động từ môi trường/con người xung quanh. Trong thời gian ngắn, nó không sao cả. Nhưng về lâu về dài, không thể mãi đi theo con đường của người khác. Muốn tự chủ thì cần ý thức rằng mình phải có con đường riêng. Câu hỏi để dở: Làm thế nào để tránh việc bị ảnh hưởng và mất tự chủ?
-
Khởi nguồn của ý nghĩ cần học về sự tự chủ
Tôi bắt đầu đi tìm văn hóa cá nhân từ sau khi kết thúc đại học (gần như là kết thúc) và bắt đầu một trải nghiệm mới một mình theo một cách không hòa đồng cho lắm. Không còn bạn bè bên cảnh, không còn những người ảnh hưởng dẫn dắt phía trước, không còn những người ủng hộ từ phía sau - một trải nghiệm hoàn toàn khác với 4 năm đại học. Vào thời điểm đó, tôi mới nhận ra mình thực sự có vấn đề bởi những thứ tôi trải qua trước đây là con đường chỉ có một nửa cái tôi ở đó - một nửa còn lại hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi ánh hào quang của những người xung quanh. Bởi vậy, khi không còn ánh sáng nào dẫn lối (phải - đúng như mô tả đấy - thực sự là ánh hào quang sáng chói đầy mê hoặc), chân tôi đã không còn biết phải bước về hướng nào. Vào thời điểm đó, tôi mới nhận ra mình đã phụ thuộc khá nhiều vào những người/hoàn cảnh xung quanh. Đó là lần đâu tiên tôi biết - mình đang mất đi chính bản thân mình.
Tôi bắt đầu đi tìm văn hóa cá nhân từ sau khi kết thúc đại học (gần như là kết thúc) và bắt đầu một trải nghiệm mới một mình theo một cách không hòa đồng cho lắm. Không còn bạn bè bên cảnh, không còn những người ảnh hưởng dẫn dắt phía trước, không còn những người ủng hộ từ phía sau - một trải nghiệm hoàn toàn khác với 4 năm đại học. Vào thời điểm đó, tôi mới nhận ra mình thực sự có vấn đề bởi những thứ tôi trải qua trước đây là con đường chỉ có một nửa cái tôi ở đó - một nửa còn lại hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi ánh hào quang của những người xung quanh. Bởi vậy, khi không còn ánh sáng nào dẫn lối (phải - đúng như mô tả đấy - thực sự là ánh hào quang sáng chói đầy mê hoặc), chân tôi đã không còn biết phải bước về hướng nào. Vào thời điểm đó, tôi mới nhận ra mình đã phụ thuộc khá nhiều vào những người/hoàn cảnh xung quanh. Đó là lần đâu tiên tôi biết - mình đang mất đi chính bản thân mình.
Kết thúc trải nghiệm thực tập sinh fulltime chỉ sau 4 tháng tại một công ty lớn - một trải nghiệm chóng vánh - lại hóa ra là bước đi đầu tiên kể từ khi tôi ý thức về việc mình phải ngưng đi theo con đường của người khác và bắt đầu một con đường bằng cái tôi độc lập. Kể từ thời điểm đó, tôi đã hạ bút viết ra những suy nghĩ đầu tiên với ý tưởng rằng: Một ngày nào đó, mình sẽ tạo nên một cái tôi đủ to lớn đứng ngang cùng cái ta tập thể, một cái tôi không phải để bị kéo đi mà là để lựa chọn bước ngang hàng. Cho đến ngày hôm nay, suy nghĩ ấy vẫn không ngừng. Bước tiến ấy à? Có một chút - nhưng mơ hồ. Nhưng một chút, đã là tốt hơn rồi. Tôi có thể an ủi mình như vậy.
Nguồn cảm hứng
Nguồn cảm hứng viết nên những dòng này không phải là cuốn sách đọc trong một tối, không phải là bộ phim xem trong một chiều, cũng không phải là cuộc trò chuyện mới diễn ra trong một sáng. Điều thôi thúc tôi viết: đến từ tất cả những thứ trên. Chúng xảy ra, trả lời một phần nào đó (mơ hồ) và cứ ở đó, ở đó cho đến khi tôi thực sự biết chúng đang trả lời cho cái gì: thì tôi bắt đầu viết.
Chúng từng cứ ở đó, rất khó chịu, rất phiền hà bởi tôi chẳng biết ý nghĩa của những cuộc trò chuyện trên là gì nhưng tôi biết dường như chúng nó có nghĩa gì đó. Việc đi tìm ý nghĩa của chúng và định nghĩa "chúng là gì" đã hối thúc tôi suy nghĩ không ngừng. Cuối cùng, "chúng" được định nghĩa bằng một câu thoại trong một bộ phim tài liệu nói về ngành công nghiệp tình dục - không sai đâu.
Sự tự chủ là gì?
Định nghĩa: Tự chủ là tự điều hành, quản lý mọi công việc của mình, không bị ai chi phối hoặc là tự làm chủ tình cảm, hành động của mình, không để bị hoàn cảnh chi phối.
Ngôn ngữ là một phạm trù phức tạp. Ngôn ngữ có thể được tìm hiểu theo một cách khoa học và được giải nghĩa bằng những cách vật lý mà con người có thể nắm bắt. Tuy nhiên, để hiểu một từ thực sự có ý nghĩa như nào, nên được dùng trong hoàn cảnh nào và cảm giác của từ ngữ đấy ra sao thì cần rất nhiều kĩ năng cảm thụ. Tôi chỉ đang cố gắng để nói rằng định nghĩa về "tự chủ" không phức tạp nhưng để cảm nhận được cảm giác của tự chủ - tôi nghĩ là, nó vĩ mô hơn tôi từng tưởng. (Nó khá to tát - hoặc do tôi thích phức tạp hóa vấn đề).
Nếu để nói về cảm nhận của tôi với 2 tiếng "tự chủ" - thì nó là cảm giác của việc tự quyết định, tự hành động, tự chịu trách nhiệm với tất cả mọi thứ mà bản thân mình tạo ra từ những thứ nhỏ nhất. Chưa bàn đến việc cần phải tự chủ trong đối xử với những người khác/vật khác, sự tự chủ thậm chí nên đến và tác động tới những thứ nhỏ nhất mà bất kỳ ai có thể tạo. Tự chủ trong dấu câu chuẩn bị đặt. Tự chủ trong tiếng cười chuẩn bị phát ra. Tự chủ trong nguồn cảm xúc chuẩn bị được bộc phát.
"Tự chủ" - tự là "tại", "chủ" là "bản thân" - hiểu như vậy, thì "tự chủ" là sự "tại bản thân" - tại chính mình. Một hành vi tự chủ là một hành vi độc lập của cá nhân, không bị ảnh hưởng. Ta không đặt dấu "," thay cho dấu ";" vì thấy cách xử dụng dấu câu đó phổ biến, ta sử dụng chúng vì ý đồ của chính ta. Ta cũng không cười đùa vì ai cũng đang "Ồ", "À" nếu không hiểu nổi trò đùa ấy. Như thế chính là "tự chủ" - như thế, là cảm giác của tôi về "tự chủ".
Từ tự chủ đến tự do - Làm thế nào để tự chủ?
Tự do là độc lập - mà để độc lập thì còn nhiều thứ phải làm lắm (tôi nghĩ và cảm thấy vậy, không khẳng định là còn nhiều thứ như nào, nhưng tôi tin thế). Nhưng có lẽ, tự chủ là bước đầu. Trong phạm vi của quan tâm, tôi chỉ nói đến sự tự do của tâm hồn nên những điều tiếp theo sắp nhắc tới, cũng sẽ chỉ nói về sự tự chủ của tâm hồn.
"Đạo" là "con đường", không phải là tôn giáo nhưng nó là cơ sở để tự xây dựng niềm tin bản thân. Mỗi người có một con đường riêng biệt, "đạo" hướng đến việc khuyến khích người ta tự tìm đường đi cho mình chứ không phải xây dựng một hệ thống cơ sở làm nền tảng cho niềm tin và đường hướng phát triển tinh thần như các tôn giáo mà tôi biết. Nếu chỉ nói thuần về "đạo" thì tôi chưa đọc được cuốn nào nói về "đạo đúng", "đạo sai". Đúng - sai đều mang tính thời điểm và do khuôn mẫu xã hội quyết định. Ngày hôm qua ta nói Mỹ là thiên đường, là cường quốc thế giới có thể đúng nhưng ngày hôm nay, có lẽ ta phải xem xét lại và đến ngày mai, chẳng ai biết trước được. Nên tóm lại, chẳng có gì là đúng - và sai - kể cả những điều tôi đang viết. Bởi vậy, "đạo" trước tiên là khích lệ người ta hãy tự đi tìm lấy con đường của mình mà không kể đến tính đúng - sai, nó là cách để không bị ảnh hưởng bởi con đường của những người khác. Nó khuyến khích người ta bước trên một con đường tự chủ. Nó trả lời cho câu hỏi - làm thế nào để tự chủ? Hãy bước đi, kể cả ở nơi tối nhất không có ai bước, và đừng để ánh sáng của người/vật khác che mất tầm nhìn hay định vị của bước chân.
Thực ra, dựa trên quan sát cá nhân, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn, vững vàng để luôn luôn tự chủ. Đôi khi, khi ta đứng giữa một không gian bốn bể tối đặc vây kín, khi ta không còn biết phải rẽ sang lối nào thì ánh sáng đầu tiên ta nhìn thấy sẽ là hướng đi mà ta theo đuổi. Khi khác, khi bị choáng ngợp giữa một đại lộ thông thoáng, đầy đủ hướng đi, nước bước, có thể ta sẽ vội vã hay bị xô kéo sang một con đường mà dòng người đang đổ về như nước chảy. Điều ấy không xấu. Không phải lúc nào ta cũng đủ thời gian để đứng im chờ một ánh sáng thứ 2 dẫn dắt. So với việc đứng im một chỗ, có lẽ tiếp tục bước đi vẫn là tốt hơn cả. Tương tự, đôi khi việc hòa vào dòng người náo nhiệt lại là một trải nghiệm để ta học được dù ít hay nhiều về thế giới quan của họ. Tuy nhiên, nguồn sáng nào cũng có thể lụi tắt. Tại sao phải để bản thân phụ thuộc vào những yếu tố không cố định? Hãy đi theo khi cần, nhưng đừng đi theo mãi - đừng lệ thuộc. Chen vào giữa và chạy cùng một đám đông có thể mang lại cảm giác an toàn, nhưng nếu tốc độ chạy của cá nhân không còn theo kịp nữa, nếu không phải là bỏ rơi thì cũng sẽ bị xô ngã.
Đối mặt với những thứ khiến ta mất tự chủ - là gì và như nào cơ?
Tôi nghĩ rằng ai cũng đang cố gắng để kiểm soát cuộc sống của mình theo ý mình mong muốn nhưng có lẽ, vẫn có những thứ khiến ta bị ảnh hưởng và mất tự chủ. Dạo này, những chuyện như thế đến với tôi hơi nhiều - theo một cách hơi bất ngờ nên sau khi nói rất dài để khuyên nhủ bản thân hãy học cách tự chủ thì tôi cảm thấy, mình phải nhắc mặc - đặt tên cho những thứ khiến mình mất tự chủ. Tuy nó không thường xuyên, nhưng nó vẫn khiến tôi khó chịu. Khó chịu khi phải nói một câu mà mình không muốn. Khó chịu khi phải hành động một điều mà người khác cho là đúng mức.
Tôi tạm thời trải qua được bước 1 - lựa chọn cái tôi và con đường mình hướng tới nhưng thú thực, tôi vẫn hơi non nớt để chống lại sức cám dỗ và sự ảnh hưởng của những thứ khiến cái tôi mong manh này mất tự chủ. Vậy nên, hôm nay viết đến đây thôi. Hãy cứ đặt ở đây một câu hỏi như vậy đã vì tôi cũng chẳng biết phải trả lời chúng như nào. Ừm, làm thế nào để đối mặt cơ?
01:48, 09.04.2020.
--
Tên bộ phim trên Netflix được đề cập phía trên cho bạn nào muốn tìm hiểu: Hot Girls Wanted: Turned On.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất