Tôi là người có niềm tin mãnh liệt vào khả năng làm nên những điều kì diệu có ích của mỗi con người và một cộng đồng - nơi những cái chung sẽ khiến cho những cái riêng trỗi dậy, lan tỏa và cống hiến.
17 tuổi - lần đầu tiên tôi tham gia hoạt động ngoại khóa và cũng là lần đầu tiên tôi tìm được một môi trường để mình suy nghĩ khác đi. Một đứa học sinh như tôi sống và học tập một năm ở ngôi trường được coi là bậc nhất Hà Nội, tôi đã nghĩ mình sẽ phát triển nhiều lắm. Nhưng không, tất cả những sự mới mẻ và tiến bộ đó khiến tôi trở nên tự ti, rụt rè rất nhiều. Tôi tự để môi trường xung quanh áp đảo những suy nghĩ, khả năng và đam mê của mình bởi khi đó, sau những lần phỏng vấn câu lạc bộ không thành, kĩ năng giao tiếp tiếng anh kém so với các bạn, tôi đã nghĩ bản thân không có đủ những chuẩn mực để được như mọi người. Cuối lớp 11, sau những lần thất bại vậy, tôi may mắn đỗ  để làm thành viên của một chương trình trong trường - chương trình định hướng tân học sinh trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ. Bắt đầu cảm thấy bản thân có ích hơn và tôi nhận ra nhiều hơn sức mạnh của việc cứ bước tiếp để kết nối với cộng đồng. Chương trình đó tạo cơ hội để tôi cống hiến từ những việc nhỏ nhất đã làm tôi rất vui rồi, thêm nữa là việc kết nối và gặp gỡ với các anh chị khóa trên để tạo thành những nhóm nhỏ và hoạt động cùng nhau như một gia đình khiến tôi mở mang hơn rất nhiều. Tôi được mở mang từ những lời khuyên của các anh chị, từ những giấc mơ của các em lớp 10 và từ cả sự nhận ra về những năng lực tiềm ẩn của bản thân. Hoạt động đó chính là bước đánh dấu và là động lực cho những hoạt động tình nguyện xã hội tiếp theo của tôi sau này: thành viên ban nội dung dự án YSEALI - Cho những mái trường xanh tại Ninh Bình; thành viên dự án quyên góp sách cho học sinh ở Nam Định - Em đọc sách, em sống xanh; trợ giảng và là người điều phối khóa học tại Nate Class - lớp học Tiếng anh vì cộng đồng và môi trường.
18 tuổi - lần đầu tiên tôi có được một công việc ngoài giờ với vị trí là trợ giảng cho các trung tâm Tiếng anh để trau dồi kiến thức của mình và có thêm nhiều kiến thức về xã hội. Được làm việc trong môi trường phù hợp với đam mê và khả năng, tôi cảm thấy thực sự có ích và hạnh phúc.
Và những gì tôi nhận được không chỉ là sự thỏa mãn với đam mê cá nhân, đó còn là kiến thức xã hội trong nhiều câu chuyện khác nhau đến từ những học viên đa dạng về độ tuổi của mình. Đó là câu chuyện về một chị giảng viên với khao khát truyền lửa cho học sinh qua việc dạy Tiếng anh và can đảm của chị để bước qua những chiêu trò trong kinh doanh thực, câu chuyện về cô bé đại học Y năm nhất chỉ biết học và rụt rè với cuộc sống bên ngoài nhưng luôn phấn đấu vươn lên, câu chuyện về một chị kế toán văn phòng vượt qua kì xạ trị ung thư vú giai đoạn cuối từ đó chuyển hướng công việc tham gia hoàn toàn vào các hoạt động từ thiện và nghiên cứu để giúp cho một thế hệ mới hiểu biết hơn về bệnh ung thư,... Tôi thấy ấm lòng, rung động và được thúc đẩy. Tôi thấy mình tò mò nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn về những vấn đề xã hội bên ngoài và cả về chính bản thân mình. Tôi tìm đến những cuốn sách về luật nhân quả, luật hấp dẫn, cách tư duy tài chính, … Tôi tranh biện với những đứa bạn về bản chất của việc học và cả những kiến thức về văn hóa Việt Nam. Trải nghiệm với những điều bên ngoài giảng đường đại học kia khiến bản thân tôi liên tục đặt ra nhiều câu hỏi cho chính mình: Tôi thực sự muốn gì? Tôi sẽ theo đuổi sứ mệnh nào? Tôi có nên cứ bước theo con đường đã định sẵn của mình không? … Hết học kì một của năm nhất đại học, tôi quyết định gap year để sống, làm việc và trải nghiệm ở một môi trường văn hóa khác Hà Nội. Tôi tạm dừng con đường học tập ngành sư phạm tiếng anh ở trường đại học Ngoại Ngữ - nơi mà mọi người muốn tôi đi theo và tôi cũng đã từng nghĩ nó sẽ phù hợp với mình, sẽ theo mình lâu dài.
Hè năm 18 tuổi - lần đầu tiên tôi tự sống một mình, tự trang trải và kiếm việc ở một nơi văn hóa khác so với Hà Nội và nơi đây tôi không quen biết ai trước đó cả. Tôi được nhận làm thực tập sinh toàn thời gian cho một trung tâm du học ở Sài Gòn. Chọn, đi và ở Sài Gòn , tôi nhìn thấy nhiều cơ hội cho mình, sự đa dạng và một “tôi” trưởng thành hơn thay vì những khó khăn. Bỏ qua những khác biệt ban đầu trong môi trường làm việc, điều kiện sống tạm bợ vì tôi chỉ được dùng số tiền lương hạn hẹp, tôi vẫn háo hức, bước ra và học hỏi được rất nhiều điều từ những sự kiện tôi tham gia, từ những người tôi gặp, từ những nơi tôi đến. Sài Gòn năng động, đa văn hóa với những người dân từ mọi miền của cả trong và ngoài nước, với những nền tôn giáo khác nhau từ Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo. Và dường như chính vì sự đa dạng đó mà tôi cảm nhận được những nét khác biệt của mỗi cá nhân, những lối sống phong phú, những quan điểm cởi mở, những sự vươn lên từ điều giản dị, mộc mạc nhất. Tôi thấy ít đi những sự đánh giá , phán xét để theo một khuôn mẫu nào đó. Bạn có thể gap year nếu điều đó khiến bạn trưởng thành hơn và tìm ra mục đích sống của mình. Bạn cũng có thể tự lập cho mình một dự án để theo đuổi giá trị riêng, kể cả dự án đó có thể không quá to và nổi bật. Nhưng, dù sao bạn đang trên con đường có trách nhiệm với bản thân để từ đó lan tỏa giá trị của mình cho cộng đồng. Tôi nhận ra điều đó trong 3 tháng ở Sài Gòn - 3 tháng tôi để bản thân không bận tâm nhiều mối lo âu, sợ hãi trước đó; 3 tháng với một tinh thần mới toanh để trải nghiệm, học hỏi. Tôi gặp rất nhiều người gap year ở Sài Gòn, lắng nghe và chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động, tham gia sự kiện của rất nhiều những dự án xã hội từ học sinh thành lập tới các tổ chức có tiếng. Đó là một chị gap year 3 năm với trải nghiệm tiếp xúc với một người mắc chứng rối loạn lưỡng cực đang chuẩn bị có ý định tự tử, chị và nhóm bạn đã ngăn cản kịp thời bằng cách gửi thư đồng cảm, chia sẻ và nhờ tới sự trợ giúp của bác sĩ tâm lí. Sau đó chị thành lập một dự án về thư tay để góp phần thúc đẩy sự thấu cảm giữa người và người. Đó là một tổ chức xã hội nhận dạy, mở trường học nhỏ cho những đứa trẻ ở ngoài lề của xã hội - những đứa trẻ vì quá nghèo mà cha mẹ đã suýt mang chúng tới chùa ngay từ khi còn nhỏ, những đứa trẻ điều kiện sống quá khắc nghiệt đến nỗi không có tờ giấy khai sinh và vì vậy không được tới trường. Quả thật, việc sống ở một môi trường khác, gặp những người khác mình thúc đẩy những suy nghĩ khác để tôi mở mang hơn. Tôi cảm thấy được thuộc về nhiều hơn, có nhiều ý tưởng hơn và nghĩ cho bản thân nhiều hơn. Sau 3 tháng, tôi quyết định lên ý tưởng lập 1 dự án cá nhân cho riêng mình.
Đầu tháng 9/2017 này, tôi trở về Hà Nội để phối hợp cùng một vài người bạn cùng chung đam mê lập 1 dự án về những hình thức học tập tiến bộ. Dự án được xây dựng bởi chính những trải nghiệm hay còn cả những thất bại mà tôi đã từng có - thứ mà thúc đẩy tôi phải cố gắng và bước ra ngoài nhiều hơn. Tôi đã từng để bản thân đi theo một lối mòn và rồi cứ buồn chán vì sao mình không tiến bộ. Nếu tôi không ra ngoài, không tham gia hoạt động xã hội, không tới những nơi khác nhau thì tôi sẽ chẳng bao giờ nhận ra được tài năng thực sự của mình là gì, mình hạnh phúc vì điều gì và việc học hỏi liên tục quan trọng như thế nào. Dự án với sứ mệnh tạo ra một cộng đồng chia sẻ những hình thức học tập tiến bộ, thông tin giáo dục cải tiến để giúp mọi người tìm ra con đường phù hợp cho mình và dần xoá bỏ khoảng cách thông tin giữa người học nước ngoài, người học trong nước và học sinh ở các tỉnh thành. Dự án đang trên con đường đầu tiên và tôi biết mình phải bước tiếp, học hỏi, gặp gỡ thật nhiều và cố gắng hoàn thiện bản thân nhiều hơn nữa.