17 gợi ý dành cho Quản trò trên Dẫn Truyện
Nếu bạn đã quen thuộc với các game nhập vai (roleplay) thì có thể nói vai trò Quản trò trên Dẫn Truyện cũng khá là tương đồng với vai...
Nếu bạn đã quen thuộc với các game nhập vai (roleplay) thì có thể nói vai trò Quản trò trên Dẫn Truyện cũng khá là tương đồng với vai trò Game Master. Bạn thiết lập một phân cảnh, đặt ra những thử thách để người chơi vượt qua (hoặc là thất bại cũng được!), và đóng lại phân cảnh khi diễn biến kết thúc. Và dưới đây là một số điều mà bạn cần lưu ý khi làm Quản trò trên Dẫn Truyện.
Trước khi chơi
Viết phần mô tả cho thật kỹ càng để người chơi có thể hiểu được bối cảnh cũng như nội dung chính của phòng chơi là như thế nào, và cũng là để giúp gợi ý cho người chơi về cách tạo nhân vật. Một số phòng chơi trên Dẫn Truyện chỉ có một hai dòng mô tả ngắn ngủi, không truyền tải đủ thông tin và yêu cầu người chơi nếu muốn tham gia thì phải “vào Discord để trao đổi thêm.” Đó là một sai lầm, bởi nếu người chơi không biết phòng chơi của bạn nói về cái gì, thì chắc chắn là họ sẽ không có lý do gì để tham gia cả.
Quyết định số lượng người chơi và tốc độ chơi của phòng. Dẫn Truyện gợi ý một phòng thường chỉ nên có 3-5 người chơi (không tính Quản trò), nhưng bạn cũng có thể mở phòng cho nhiều người chơi hơn nữa. Càng nhiều người chơi thì sẽ càng có nhiều hành động hơn, các thử thách sẽ lớn hơn và phân cảnh sẽ dài hơn. Mặt trái của việc này là những người chơi không có nhiều thời gian sẽ ít có cơ hội để hành động hơn, cũng như sẽ phải dành thời gian để đọc những tình huống đã diễn ra nhiều hơn. Và điều đó thì sẽ không quá thú vị với một số người.
Đưa ra những lời khuyên khi mời người chơi vào phòng. Đó có thể là bối cảnh, chủ đề hay là tâm trạng chung của phòng chơi. Tốt hơn nữa thì bạn cũng có thể gợi ý cho người chơi biết là phòng chơi đang cần những tuýp nhân vật kiểu như thế nào. Điều này sẽ giúp giảm bớt việc phải trao đổi qua lại phức tạp giữa Quản trò và người chơi khi người chơi gửi profile nhân vật. Và khi yêu cầu người chơi sửa lại profile nhân vật, hãy trao đổi sao cho thật khéo léo để họ không cảm thấy bị xúc phạm.
Dùng mục Nội quy phòng chơi để đặt ra những quy tắc hoặc giới hạn của riêng phòng chơi. Đó có thể là “Không được viết tục tĩu,” hay là “Chỉ được phép viết ở ngôi thứ ba,” hay là “Tôn trọng giới tính của các nhân vật.”
Dùng trang Thảo luận để trò chuyện, trao đổi về tất cả những gì liên quan đến phòng chơi. Việc này là rất quan trọng, đặc biệt là khi mọi người tham gia trong phòng đều là những người lạ (hay gọi cách khác là những người bạn mới!)
Trong khi chơi
Đừng lên kế hoạch quá nhiều. Thay vào đó, hãy chỉ đơn giản là thiết lập một phân cảnh, đưa ra một vài thử thách và hãy đợi xem những người chơi của bạn sẽ đưa đẩy câu chuyện đi đến đâu. Ở Dẫn Truyện, tất cả mọi người đều đóng góp vào câu chuyện, nên nếu như có một người chơi nào đó đưa ra một hành động bất ngờ hoặc một chi tiết nào đó mâu thuẫn với kế hoạch ban đầu của bạn (nhưng bản thân bạn chưa viết ra), thì hãy chấp nhận điều đó. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bạn cho người chơi thích viết gì thì viết. Nhưng nếu bạn thấy bài viết của người chơi khá là sáng tạo và cũng khớp với ngữ cảnh của câu chuyện thì tội gì mà không để cho họ được toả sáng phải không nào?
Yêu cầu người chơi chỉnh sửa nếu cần thiết. Tiếp nối điều vừa kể trên, nếu một người chơi đưa ra một hành động hay một chi tiết nào đó không phù hợp, thì hãy yêu cầu họ sửa bài bằng cách nhấn nút Yêu cầu chỉnh sửa ở dưới bài viết của họ. Điều này là để đảm bảo rằng mạch truyện được diễn ra ăn khớp với tất cả mọi người. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý chỉ sử dụng tính năng này khi thật sự cần thiết. Nếu không, người chơi sẽ dễ cảm thấy bị điều khiển quá nhiều và sẽ trở nên chán.
Đặt ra những thử thách để người chơi “điền vào chỗ trống.” Nhìn vào tình huống đang diễn ra, và nếu có cơ hội để tạo một thử thách mới cho người chơi thì hãy tiến hành ngay nhé. Trong trường hợp bạn không muốn hoặc không thể tạo thêm thử thách trong phân cảnh vì đã hết số điểm thử thách cho phép, thì cách tốt nhất là hãy ghi chép lại và để dành nó cho phân cảnh sau.
Tận dụng thử thách để đưa đẩy câu chuyện. Mỗi thử thách đều có khả năng dẫn đến ba kết cục khác nhau để người chơi lựa chọn bằng cách thực hiện hành động. Mỗi kết cục đều có một đoạn mô tả ngắn để gợi ý cho người chơi viết ra kết cục đó. Hãy tận dụng những đoạn mô tả ngắn này để đưa ra những câu hỏi mở (“Ông già tóc bạc sẽ nói gì?”, “Bạn sẽ đi đâu?”) để khuyến khích người chơi nắm quyền điều khiển câu chuyện và sáng tạo hơn.
Lựa chọn số điểm cho mỗi thử thách sao cho hợp lý. Mỗi phân cảnh chỉ cho phép một lượng điểm thử thách nhất định, và mỗi người chơi chỉ được phép sử dụng nhiều nhất là 03 thẻ bài để giải quyết thử thách (không tính thẻ Động lực và Mục tiêu). Bạn không nhất thiết phải sử dụng hết lượng điểm thử thách đó ngay từ đầu đâu! Thay vào đó, hãy đưa ra những thử thách với lượng điểm vừa phải, và để dành điểm cho những tình huống bất ngờ về sau trong phân cảnh.
Để ý những thẻ bài mà người chơi còn lại. Người chơi sẽ không thể được cấp thêm thẻ bài Ưu và Nhược điểm cho đến khi họ đã sử dụng hết số thẻ Ưu và Nhược điểm của mình. Vì vậy, thỉnh thoảng bạn cũng nên để ý xem người chơi của bạn còn lại những thẻ gì bằng cách nhấn vào profile của nhân vật đó. Bạn có thể sẽ phát hiện ra là ở mấy phân cảnh đầu, người chơi đã đốt hết các thẻ bài Ưu điểm và hầu như chỉ còn lại thẻ Nhược điểm. Qua đó, bạn có thể suy nghĩ xem mình có thể đưa ra những thử thách như thế nào để ăn khớp với các thẻ bài Nhược điểm còn lại của họ để câu chuyện diễn ra thú vị nhất có thể.
Bên lề phòng chơi
Dẫn Truyện là một trò chơi nặng tính tương tác giữa tất cả mọi người, và điều đó đúng cả ở bên trong lẫn bên ngoài câu chuyện của phòng chơi. Những tương tác của bạn ở bên ngoài nội dung phòng chơi cũng quan trọng tương đương như những tương tác của các nhân vật bên trong nội dung vậy.
Hãy khen ngợi người chơi khi họ làm điều gì đó hay ho! Lời khen ngợi của bạn cũng chính là một phần thưởng mà người chơi sẽ rất cảm kích nếu nhận được đó.
Hỏi người chơi xem họ hình dung câu chuyện tiếp theo nên đi về đâu. Mặc dù tất nhiên bạn là người xây dựng và kết thúc các phân cảnh, nhưng tất cả mọi người đều đóng góp một vai trò không nhỏ, vậy nên nếu được thì hãy tạo cơ hội cho họ đưa ra những ý tưởng của họ nhé. Biết đâu họ sẽ gợi ý cho bạn điều gì đó thú vị thì sao?
Giải quyết vấn đề cùng với những người chơi. Đôi khi sẽ có những vấn đề xảy ra, cả trong nội dung câu chuyện lẫn những vấn đề bên lề. Vì vậy, hãy tận dụng trang Thảo luận cũng như kênh trao đổi riêng của phòng chơi để thảo luận và giải quyết cùng với người chơi nhé.
Giúp đỡ, nhắc nhở người chơi về những lựa chọn của họ. Vì không phải ai cũng thông thạo cách hoạt động của Dẫn Truyện cũng như cách chơi tốt nhất, nên bạn đừng quên giúp đỡ hay nhắc nhở người chơi để giúp họ cũng được có một trải nghiệm tốt nhất trong phòng chơi của mình.
Bổ sung thêm thông tin về phân cảnh nếu cần thiết. Đôi khi bạn có thể cảm thấy là phần nội dung bài viết của Quản trò trong phân cảnh là chưa đủ để giúp giải thích cho người chơi hiểu (VD về mục đích của phân cảnh này, hay là một chi tiết phụ nào đó) thì đừng quên sử dụng phần Thảo luận của phòng chơi để bổ sung thêm thông tin nhé.
Và quan trọng hơn cả, là hãy trở thành một người bạn tốt với tất cả các bạn chơi. Dẫn Truyện chỉ tồn tại khi có sự tương tác và gắn kết giữa những người chơi với nhau. Chính vì vậy, điều quan trọng hơn cả là bạn hãy trở thành một người bạn vui vẻ và tốt bụng để giúp cho sân chơi chung của tất cả mọi người được trở nên tuyệt vời nhất có thể nhé!
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất